Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Khúc quẹo lớn của Washington ở Đông Nam Á

Renaud Girard
 
Phong Uyên chuyển ngữ


An ninh thế giới chưa bao giờ đối đầu với một nghịch lý như vậy. Sự hăm dọa hòa bình thế giới không đến từ cái mà các nhà địa chính trị gọi là "vòng cung khủng hoảng", đi từ Maroc tới Pakistan, mà đến từ Đông Nam Á, một vùng vẫn được coi là nơi ngự trị của hòa bình và tăng trưởng kinh tế. Có lẽ vì chúng ta quá bị ám ảnh bởi những hành động khủng bố và những cuộc nội chiến trong thế giới Ả Rập-Hồi giáo, chúng ta đã quên những đám mây đang chồng chất lên nhau trên bầu trời ĐNÁ. Cũng chính vùng này mà từ 30 năm nay vẫn được coi là công xưởng sản xuất trong hòa bình của toàn thế giới, sẽ đem đến trong tương lai một cuộc chiến tranh vĩ đại , chứ không phải là cái vòng cung khủng hoảng của Hồi giáo.

Barack Obama đã hiểu được điều đó khi làm cuộc hành trình đến Việt Nam (21-24 tháng Năm) và Nhật Bản (24-28 tháng Năm). Vị tổng thống Mỹ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn sự cấm bán võ khí cho Việt Nam trong khi vẫn duy trì sự cấm bán võ khí Âu-Mỹ cho Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò, 78% người Việt Nam đều có hình ảnh tốt về Hoa Kỳ. Vì sự lo sợ của Việt Nam về TQ nặng hơn nhiều so với ký ức của cả triệu người chết trong cuộc chiến tranh với Mỹ ở Đông Dương (1963-1975). Sự bành trướng hàng hải của TQ càng làm người VN lo sợ hơn nữa: Với sự chậm lại hiện nay của nền kinh tế TQ, Tập Cận Bình có thể có ý định, để đánh lạc sự chú ý của người dân khỏi những khó khăn nội bộ, cho người dân hít một chút ma túy chủ nghĩa dân tộc qua một cuộc gây hấn với hi vọng nhờ vậy lấy lại được uy thế. Trong bối cảnh sự hăm dọa của TQ mỗi ngày một lớn, Hoa Kỳ đã trở thành một đồng minh đáng giá. Việt Nam biết rằng sẽ không bao giờ bị Hoa Kỳ đánh, nhưng chả có gì bảo đảm là người láng giềng TQ không có ý định xâm chiếm VN một lần nữa như năm 1979. Một sự đối kháng cục bộ nằm sâu trong lịch sử để lại nhiều dấu vết hơn là một sự đối kháng nhất thời đến từ một lục địa khác, tuy có thể sự đối kháng thứ hai làm chết nhiều người hơn sự đối kháng thứ nhất. Nhưng về địa lý-chính trị, những hận thù và sợ hãi không đo bằng số người chết.

Thái độ thực dụng của tổng thống Mỹ đối với VN là một trong nhiều bằng chứng để có thể phủ nhận ý nghĩ thông thường là Obama không có một đường lối ngoại giao nào cả. Đúng là ông này không thèm biết đến một Âu châu, chia rẽ nhau, bất lực, kinh tế yếu kém, quên cả căn cước và cối rễ của mình. Đúng là Onama đã thất bại trong những hồ sơ Ả Rập (Palestine, Irak, Syria, Lybia, Yemen...). Nhưng Obama đã đạt được ba thắng lợi: Hòa giải được Bắc Mỹ Anglo-Saxon với Nam Mỹ La tinh. Giải quyết được vấn đề hạt nhân Iran khiến Ba Tư lập lại được những mối bang giao quốc tế. Làm Hoa Kỳ lấy lại được cương vị một cường quốc không thể qua mặt được (puissance de référence) trên bàn cờ ĐNÁ.

Obama đã biết dung hòa sự cương quyết với sự tôn trọng đối với TQ. Về những hòn đảo Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, Obama đã bảo vệ đồng minh Nhật Bản nhưng không bao giờ có lời tuyên bố về vấn đề chủ quyền thuộc về nước nào. Theo Obama vấn đề chủ quyền phải để cho Tòa án La Haye làm trọng tài (đó là điều mà TQ không chịu).

Những nước Á Đông, bắt đầu từ giờ, đều muốn được sự bảo vệ của Mỹ chống lại TQ. Washington đứng đầu một liên minh phòng thủ "không nói ra" (informelle) chống TQ, gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Việt Nam, Indonêsia, Mã lai, Brunây, Singapor, Đài Loan, Philippin, Úc và New Zeland.

Việt Nam là trung tâm của sự bố trí để ngăn chặn (containment) này của Obama. Việt Nam bị bành trướng TQ đe dọa trực tiếp ở quần đảo Trường Sa, vùng đánh cá và vùng có dầu khí. Bắc Kinh xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên những tảng đá ở quần đảo này. Theo thói quen, VN phải dùng chiến thuật kẻ yếu chống kẻ mạnh. Về ngoại giao, VN dựa vào liên minh cập đôi, vừa dựa vào Nga vừa dựa vào Mỹ. Nhưng vì bây giờ Nga là bạn của Tàu, nên VN muốn đồng minh Nga làm dịu bớt sự hăng hái của TQ. Hải quân VN tập trận chung với hải quân Hoa Kỳ. Về quân sự, VN tìm cách tăng mọi khả năng của mình: Từ năm 2011-2015, số võ khí nhập khẩu tăng lên tới 700%. VN biết là không đủ sức mạnh để đánh TQ, nhưng cũng tăng cường bắp thịt trong trò chơi phòng thủ để TQ sợ không dám đánh. Và nếu có đánh, VN cũng đủ sức chống trả cho đến thắng lợi như hồi 1979.


Nguồn: Thời luận viên Nhật báo Le Figaro. Le Figaro 31-5-2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét