Trước chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam
tháng này, BBC giới thiệu lại bài của tác giả Ken Hughes, ĐH Virginia về
Richard Nixon, tổng thống Mỹ đã thăm Việt Nam Cộng hòa.
Nếu như Lyndon Johnson là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu
tiên vào Nam Việt Nam chỉ để thăm quân nhân Hoa Kỳ ở Cam Ranh năm 1966, ông
Nixon đã thăm Sài Gòn và hội đàm với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tháng
7/196. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ
với Nam Việt Nam, quan hệ Trung - Mỹ và nhiều vấn đề quốc tế thời đó.
***
Bài của Ken Hughes đã đăng trên trang bbcvietnamese.com
25/01/2013:
Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt
Nam", ký ngày 27/1/1973, chưa bao giờ có vẻ sẽ có kết cuộc như tên gọi.
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã đến nghe đề
nghị của Tổng thống Richard Nixon về các điều khoản. Hà Nội sẽ thả tù nhân Mỹ
và để miền Nam chọn chính phủ thông qua bầu cử tự do. Nhưng hiệp định đặt quá
trình bỏ phiếu trong tay một ủy ban mà chỉ có thể hành động khi toàn bộ thành
viên cùng thống nhất, gồm cả phe Cộng sản và phi Cộng sản mà suốt bao nhiêu năm
đánh nhau.
Tệ hơn nữa, Nixon sẽ để quân Bắc Việt chiếm và kiểm soát phần
lớn miền Nam, và rút toàn bộ bộ binh sĩ Mỹ còn lại. "Sớm hay muộn, chính
phủ sẽ sụp," Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nói.
Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tường thuật lại cho
Tổng thống nghe hôm 6/10/1972: "Tôi cũng nghĩ ông Thiệu nói đúng, rằng các
điều kiện của chúng ta rồi sẽ tiêu diệt (destroy) ông ta."
Lời thừa nhận bẽ bàng của Kissinger đến từ hồ sơ chính xác
và đầy đủ nhất về tổng thống: hệ thống ghi âm bí mật của Nixon. Các máy ghi âm,
kết nối với microphone giấu trong Phòng Bầu dục và các phòng khác hoạt động bất
cứ khi nào nhận ra âm thanh, từ 16/2/1971 đến 12/7/1973.
Tôi đã bỏ ra hơn 10 năm nghiên cứu các băng này với Trung
tâm Miller của Đại học Virginia, nhưng sự đối nghịch giữa hình ảnh mà Nixon tạo
ra trước công chúng và thực tế ông ta bí mật ghi âm vẫn làm tôi bị sốc.
Trẻ em được dạy rằng Nixon đã hứa với nước Mỹ về "hòa
bình trong danh sự" thông qua chiến lược Việt Nam hóa và thương lượng. Ông
nói Việt Nam hóa sẽ giúp người miền Nam tự vệ mà không cần lính Mỹ. Ông ta nhận
ra nó sẽ không làm được. "Nam Việt Nam có lẽ chẳng bao giờ tồn tại được,"
Tổng thống nói trên băng.
Trong ngày nhậm chức đầu tiên, ông hỏi giới chức quân sự,
ngoại giao, tình báo rằng khi nào thì miền Nam có thể đối đầu Cộng sản một
mình. Câu trả lời thống nhất: Chẳng bao giờ. Nixon có lựa chọn khắc nghiệt: tiếp
tục gửi người Mỹ đến chiến đấu và chết, hoặc đưa quân về nhà mà biết rằng thiếu
họ, Sài Gòn rồi sẽ sụp đổ. Cả hai lựa chọn đều không thể được gán nhãn
"hòa bình trong danh dự" như ông hứa.
Nói dối
Vì thế ông nói dối. Để Việt Nam hóa trông có vẻ thành công,
ông lên lịch triệt thoái qua bốn năm, từ từ giảm số lính Mỹ từ 500.000 tháng
Giêng 1969 xuống còn chưa đầy 50.000 vào ngày Bầu cử 1972. Trong bốn năm đó,
ông có nhiều diễn văn trên truyền hình thông báo các đợt rút quân, và lần nào
cũng nói nó chứng tỏ Việt Nam hóa đang hiệu nghiệm.
Mảng thương lượng trong chiến lược rút đi của Nixon cũng lừa
đảo như Việt Nam hóa. "Chúng tôi muốn một cự ly an toàn", Kissinger
ghi vội trong sổ tay khi bí mật thăm Trung Quốc tháng Bảy 1971.
Ông Nixon dính líu nhiều
vào Cuộc chiến Đông Dương
Suốt nhiều thập niên, Kissinger phủ nhận việc có thỏa thuận
về "cư ly an toàn", nhằm chừa ra một, hai năm giữa việc Nixon rút
quân và Sài Gòn sụp đổ.
Nhưng sự phủ nhận này sụp đổ khi lời của ông ta có trên băng
ghi âm và được các trợ tá ghi lại trong các thương lượng với lãnh đạo nước
ngoài.
Trong cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai,
Kissinger phác thảo đòi hỏi của Nixon. Hòa bình không có trong đó. Nixon cần tù
nhân Mỹ, triệt thoái toàn bộ, và ngừng bắn trong "khoảng 18 tháng".
Sau đó, nếu phe Cộng sản lật đổ chính phủ miền Nam, "chúng tôi sẽ không
can thiệp".
Liên Xô cũng được bảo đảm như vậy. Trong phiên họp kín với
Nixon tại hội nghị thượng đỉnh Moscow 1972, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev
nói:
“Tiến sĩ Kissinger nói với tôi rằng nếu có thỏa thuận hòa
bình ở Việt Nam, ngài sẽ để người Việt làm gì thì làm, cho cái họ muốn sau khoảng
18 tháng. Nếu chuyện này có thật, và nếu người Việt Nam biết chuyện này, họ sẽ
thông cảm.”
Cự ly an toàn" phục vụ một mục tiêu chính trị quan trọng.
Nếu Sài Gòn sụp ngay sau khi Nixon rút lính Mỹ cuối cùng, rõ là ông thất bại.
"Về đối nội, lâu dài nó không giúp chúng tôi vì các đối thủ sẽ nói lẽ ra chúng
tôi phải làm chuyện đó từ ba năm trước," Kissinger nói.
Chính trị chi phối các quyết định quân sự của tổng thống.
Trong năm nhậm chức đầu tiên, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa làm thăm dò bí mật để
xem cách chấm dứt chiến tranh nào được ủng hộ nhất. Đến 66% ủng hộ đánh bom và
bao vây miền Bắc để Hà Nội đồng ý thỏa thuận bao gồm bầu cử tự do ở miền Nam.
Những người được hỏi nói họ ủng hộ ném bom và bao vây trong
sáu tháng. Ngày 8/5/1972, sáu tháng trước bầu cử, Tổng thống Nixon lên truyền
hình nói sẽ đánh bom và đặt mìn ở các cảng miền Bắc.
Nhưng đến tháng 8, CIA ước tính Hà Nội vẫn đưa được 3000 tấn
chiến cụ vào miền Nam mỗi ngày. Tuy vậy, mặc dù đánh bom là thất bại chiến lược,
nó lại thành công theo cách có ý nghĩa nhất cho Nixon. Các thăm dò dư luận cho thấy
người dân ủng hộ việc gia tăng đánh bom.
Khi miền Bắc chấp nhận điều kiện của Nixon không lâu trước
Ngày Bầu cử, nó có vẻ nước cờ quân sự của Nixon khiến kẻ thù phải gục ngã.
Nhưng không phải. Hà Nội đồng ý thỏa thuận với cùng lý do khiến miền Nam từ chối.
Cả hai phe nhận ra nó sẽ dẫn tới việc Cộng sản kiểm soát miền Nam, y như Nixon
và Kissinger đã biết.
Huyền thoại sai lầm
Người Mỹ không biết tổng thống của mình đã làm gì. Các cuốn
băng của ông bí mật, ghi chép đối thoại của ông và Kissinger với các lãnh đạo Cộng
sản được giữ bí mật. Vào Ngày Bầu Cử, Nixon giành 60.7% phiếu bầu, cao hơn mọi ứng
viên Cộng hòa trong lịch sử.
Nixon nâng cốc
cùng Chu Ân Lai trong chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc
Sau này, Nixon cáo buộc Quốc hội Mỹ đã tạo ra thất bại trong
khi chiến thắng trong tầm tay. Một cách chỉ trích là lên án Quốc hội đã giảm viện
trợ cho Sài Gòn. Đúng là các nghị sĩ đã cho miền Nam ít hơn những gì Nixon và Tổng
thống Gerald Ford yêu cầu. Nhưng dù có tăng gấp đôi, gấp ba, Sài Gòn vẫn sụp đổ
theo các điều khoản của Nixon. Miền Nam không thể chống đỡ Cộng sản khi thiếu hỗ
trợ của bộ binh Mỹ.
Ngay cả ngày nay, chiến lược thực sự của Nixon vẫn gần như
không được công chúng biết, mặc dù giới học giả đã viết về nó từ nhiều năm.
Jeffrey Kimball in hai tác phẩm bước ngoặt, Nixon’s Vietnam War và The Vietnam
War Files, sử dụng tài liệu giải mật để chứng tỏ Nixon đã tạo dựng "cự ly
an toàn" ra sao. Julian Zelizer mô tả Nixon gắn việc rút quân với bầu cử
1972 trong Arsenal of Democracy.
Nhưng huyền thoại Nixon bị đâm sau lưng vẫn còn. Khi các
chính trị gia và chuyên gia tranh luận làm sao, khi nào thoát khỏi Afghanistan
(như Iraq trước đó), họ trích dẫn sai lầm lịch sử "thành công của Nixon
khi đào tạo miền Nam biết tự vệ và thương lượng để giải quyết khác biệt thông
qua bầu cử tự do – hai điều mà Nixon chưa bao giờ làm được.
Hòa bình Paris cũng cùng một tháng đánh dấu 100 năm ngày
sinh Nixon. Nay đúng là dịp để giải phóng đầu óc và chính trị của chúng ta khỏi
di sản tồi tệ nhất của Nixon.
+++
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, làm việc ở
Chương trình Băng Ghi âm Tổng thống của Trung tâm Miller, Đại học Virginia từ
năm 2000. Nội dung đã đăng trên trang bbcvietnamese.com tháng 1/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét