Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Sài Gòn một thời bươn chải

Một chiều dừng chân trên cầu Nguyễn Văn Cừ, tôi lặng nhìn dòng Kênh Tẻ bên dưới nước trong xanh, mới mẻ không ngờ. Cuối dòng nước xa xa, hiện lên nhiều tòa tháp cao tầng đan xen với một vài tòa nhà cổ kính còn sót lại. Tất cả trông giống như một thành phố mới toanh mà tôi là một du khách vừa đặt chân đến. Sài Gòn đang thay da đổi thịt vùn vụt, có còn nhớ những ngày lọ lem cách đây ba, bốn mươi năm?

Sài Gòn lọ lem

Chẳng mấy chốc sau tháng 4.1975, cuộc sống và trật tự của một thành phố lớn bị xáo trộn. Trên nhiều đường phố, người ta cuốc vỉa hè lên để trồng rau, trồng khoai. Một hôm, ở đường Duy Tân (bây giờ là Phạm Ngọc Thạch), khu vực hồ Con Rùa, tôi sửng sốt trông thấy có kẻ đi “tùng xẻo” vỏ cây xanh làm củi. Các lề đường mọc lên nhiều hàng quán nơi người ta mua bán đổi chác thức ăn, hàng hóa và những câu chuyện mới cũ. Những tháng đầu tiên trong chế độ mới tràn ngập lễ hội và phong trào. Và rồi, trong xóm xuất hiện những chiếc loa phường. Loa phát vang vang suốt ngày những bài ca cách mạng, những thông báo bài trừ văn hóa phản động đồi trụy...


“Chợ trời” đủ loại trên vỉa hè đường Lê Lợi gần nhà sách Khai Trí năm 1979 (ảnh của GS. Ngô Vĩnh Long)

Tết năm 1977, đời sống đã khó lên rồi! Mẹ tôi gói bánh chưng bên ngoài chỉ có một lớp lá, bên trong là nylon. Đến lá giong, lá chuối cũng đắt đỏ, huống chi là đậu hay thịt! Cả Sài Gòn đều “chạy ăn”, gia đình nào cũng phải tính toán nuôi heo, nuôi gà. Các con hẻm trở thành bếp chung, ngày nào dân trong xóm cũng đem củi ra bửa, đem than ra phơi. Người ta xào nấu đồ ăn ngoài trời, giặt giũ ngoài trời vì cúp điện. Cả Sài Gòn mọc lên nhiều “chợ trời” chuyên mua bán máy móc, quần áo và thuốc Tây từ trong nhà đem ra và trăm thứ “hàng chôm chĩa” khác. Những từ ngữ mới như “trúng mánh”, “tranh thủ”, “cải thiện” xồng xộc đi vào từng nhà như lời bào chữa cho việc kiếm sống không còn bình thường.

Sài Gòn rưng rưng

Đúng như người thân ở miền Bắc vào hé lộ, tất cả những điều kỳ quặc và khắc nghiệt đã diễn ra ở Hà Nội sau 1954 đều mau chóng nhảy vào Sài Gòn. “Đổi tiền”, “đánh tư sản”, “cải tạo tư bản tư doanh”, xuất hiện nhiều cách “triệt tiêu” kinh tế tư nhân. Chính quyền nhiều nơi không cho hàng hóa được tự do mua bán từ tỉnh này sang tỉnh khác. Trong tình cảnh “ngăn sông cấm chợ” như vậy, Sài Gòn vẫn được tiếp tế thực phẩm nhờ vào một tầng lớp “con buôn” giỏi giang và liều lĩnh.

Đó chính là những người bỏ mối hàng cho tiểu thương ở các chợ. Họ là những cô gái, những bà mẹ hàng ngày kiên trì và “táo tợn” đeo bám xe đò để mang từng ký gạo, từng ký thịt từ các tỉnh miền Tây, vượt qua bao trạm thuế, trạm kiểm soát về đến Sài Gòn. Dũng - một người bạn của tôi bây giờ là giáo sư toán ở Mỹ, có một bà mẹ đã từng lặn lội như thế. Anh không quên được hình ảnh suốt nhiều năm đêm khuya anh vẫn đợi mẹ đi mua hàng ở tỉnh về. Với anh, ngày nào chờ mẹ cũng dài đằng đẵng, nhất là những ngày mẹ bị “tó”, vừa bị tịch thu hàng, vừa bị tạm giữ qua đêm...


Đầu năm 1978, những bà mẹ buôn hàng từ miền Tây lên kể chuyện lính Khmer đỏ tràn qua biên giới thảm sát người Việt. Chiến tranh không xa nữa, đã chạm đến Sài Gòn. Bọn học sinh chúng tôi được huy động ra ngoại ô, đi đắp các ụ đất cho các giàn tên lửa SAM bảo vệ thành phố. Đến đầu năm 1979, Trung Quốc bất thần đánh Việt Nam ở biên giới phía Bắc. Không khí chiến tranh càng gia tăng căng thẳng. Người Sài Gòn được phổ biến chuẩn bị đào hầm. Tin tức trên báo về chuyện lính Trung Quốc sát hại trẻ em và người dân vô tội ở biên giới khiến mọi người ghê sợ và căm giận. Hàng ngày công nhân viên và học sinh, sinh viên bắt đầu tập luyện quân sự.

Loạn lạc, đói rách và hơn nữa, nỗi lo bạc đãi đã làm rất nhiều người khá giả, người tài, người có học và rồi ngay cả người nghèo, người bình thường cũng tìm cách ra đi hợp pháp hay “đi chui”. Hai chữ “vượt biên” đầy hiểm nguy và cay đắng lẳng lặng ra đời. Trong trường tôi, cứ hai ba tuần lại có học sinh “vượt biên”. Một vài bạn “đào thoát” không thành, quay lại với cái đầu trọc do ở tù và đôi mắt đỏ hoe.

Sài Gòn giấy rách còn lề

Lúc ấy, dân Sài Gòn không những đói ăn mà còn đói sách. Trong lúc đói kém, khổ đau, sách càng đúng nghĩa là “món ăn tinh thần”, là “liều thuốc bổ” không thể thiếu cho người Sài Gòn. Tôi nhớ sách bán chạy nhất là sách dạy tiếng Anh (học để lo xuất ngoại), sách thuốc (tự chữa bệnh), truyện cổ tích, truyện trinh thám, truyện tình (đọc giải trí, giải buồn). Thời đó, học sinh vừa xong lớp 12 nếu may mắn trở thành sinh viên thì được “nhà nước nuôi ăn học”. Mỗi tháng, nhà nước cho sinh viên chúng tôi mua giá cung cấp 19kg gạo, trong khi công nhân chỉ được mua 17 kg! Sinh viên có tiền học bổng lúc đầu là 18 đồng, sau tăng lên 20 đồng một tháng. Ngoài ra, sinh viên còn được tiêu chuẩn mua thịt, mua đường khoảng nửa ký, ngang với tiêu chuẩn một hộ dân. Chưa kể hàng năm, sinh viên được mua một bộ săm lốp xe đạp và vải may quần áo. Thì ra, sinh viên chúng tôi cũng là một loại công nhân viên thực thụ.

Chụp hình người yêu trên đường Đồng Khởi. Ảnh PT

Tại mỗi lớp, ngoài lớp trưởng và lớp phó học tập, còn có lớp phó “đời sống” chuyên lo chuyện thông báo mua gạo, mua thịt. Thật ra, 19 ký gạo với sức trai 18-20 ngày ấy, lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy đói. Không thể cứ xin xỏ gia đình, chúng tôi tự tìm cách làm thêm, rất chật vật nhưng riết rồi cũng quen. Chúng tôi đi bỏ báo, đi dạy thêm, ở nhà làm “bù đai” (túi giấy), làm “nhang điện”, đèn thờ. Có đứa còn vất vả đạp xích lô, khuân vác, đi buôn và trăm thứ nghề vặt. Tôi còn nhớ một “mánh kiếm tiền lẻ” của sinh viên là xin giấy giới thiệu của trường đến hiệu sách quốc doanh để mua từ điển Anh - Việt, Nga - Việt, hay sách truyện với giá cung cấp rất rẻ. Những sách này in không nhiều nên chỉ bán hạn chế cho cán bộ nghiên cứu và sinh viên có giấy giới thiệu. Sau đó, chúng tôi đem chúng ra bán ở chợ sách cũ Đặng Thị Nhu, được giá gấp đôi.

Dĩ nhiên, những cách thức kiếm sống “láu cá” như vậy chẳng đẹp chút nào nhưng giúp sinh viên chúng tôi không rơi vào cảnh cùng đường, đạo tặc. Nhớ lại, ngần ấy năm trời, cả Sài Gòn khốn khó, cắn răng chịu đựng. Tất cả bằng một cách nào đấy, chật vật xoay sở để không đánh mất chính mình. Không đánh mất và không bao giờ chịu đánh mất những giấc mơ hồng, tươi trẻ.

Sài Gòn trẻ và mộng mơ

Sài Gòn tạm thời rơi vào cảnh “lọ lem” song không ai ngăn được sức sống trẻ trung và nồng nhiệt của nó. Đêm Giáng sinh và giao thừa, cho dù trong nhà không có được một chiếc bánh ga tô, không có được một chiếc bánh chưng, bánh tét gói lá tử tế, người Sài Gòn vẫn tràn ra đường đi chơi. Dẫu không có nhiều quần áo đẹp nhưng còn thấy nhau, gặp nhau là vui rồi! Ngày Tết đến, mọi người đều cố gắng “diện” những bộ áo cánh tươm tất nhất có được. Các gia đình có thiếu thốn gì đi nữa cũng không bỏ mâm ngũ quả “cầu dừa đủ xoài”, không bỏ phong tục đi chùa và thói quen lì xì đầu năm. Bạn bè trao cho nhau những chiếc thiệp Noel, thiệp xuân vẽ tay hay in lụa không khác gì những món quà “quý phái” bất ngờ.

Những bài nhạc tình du dương hay lặng buồn dù có lúc bị ngăn cấm vẫn được hát bằng mọi cách trong không gian này, không gian kia. Bọn học sinh mới lớn chúng tôi bắt đầu chuyền tay những quyển tập chép lời những bài hát không được phép lưu hành và những bài hát tiếng Anh vượt rào vào được Việt Nam. Những năm 1980, có ban nhạc Sao Sáng rất nổi tiếng vì trình diễn được những “bài hát quốc tế”, nhất là nhạc disco đang sôi động bên ngoài, như nhạc của Boney M. Họ thuộc được nhạc, thuộc được lời mặc dù chỉ nghe nhạc nước ngoài qua radio chứ không có trong tay bài nhạc gốc nào cả.

Nhìn về hướng biển, một Sài Gòn kiến trúc mới đang ra đời rõ nét. Ảnh PT

Từ những năm ấy cho đến bây giờ, Sài Gòn về đêm bao giờ cũng tấp nập người đi học. Người trẻ Sài Gòn học tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa, sau này có thêm tiếng Nhật, tiếng Hàn. Người trẻ Sài Gòn còn lũ lượt cắp sách đi “học ngoài giờ” nghề điện tử, nghề kim hoàn, nghề kế toán, chụp ảnh, quay phim và rồi nghề vi tính. Trong hoàn cảnh thiếu thốn miếng ăn và phương tiện, cả già và trẻ vẫn chịu khó học hỏi bất cứ ngành nghề nào có thể giúp mình làm thêm “độ nhật” và nhìn đến tương lai. Dù khổ thế nào, những người trẻ Sài Gòn vẫn nâng niu tình bạn, tình yêu, nâng niu sự lãng mạn vốn đang bị cuộc sống chạy vạy cơm áo gạo tiền xâm lấn và đe dọa.

Từ trong một chốn sâu thẳm nào đó những tình cảm rung động, những nhân vật nhân ái của Victor Hugo, tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa... và những gì hay đẹp được học vẫn đi cùng chúng tôi. Trong mắt nhiều người, Sài Gòn có xấu xí, hao gầy nhưng vẫn có những góc phố, những đoạn đường, hàng cây không bao giờ hết vẻ thơ mộng. Vẫn có những con đường hai hàng cây rợp bóng vít vào nhau, tạo nên những “đường hầm xanh”, che chở đôi lứa dạo chơi. Vẫn có những quán cà phê yên tĩnh, những góc thư viện mở cửa đến tối, những ngõ hẻm dưới ánh trăng làm nơi hẹn hò riêng tư.

Những năm tháng đó, con trai con gái đạp xe song song trò chuyện trên phố, ríu rít và bình yên. Con trai chép thơ Nguyên Sa và Nguyễn Bính thay lễ vật cho nàng. Con gái thêu khăn tay tặng chàng thay thư tình. Những lần đi xem hát, đi chơi các chàng được chạm khẽ, được nắm bàn tay các nàng đã là một niềm vui vô tận kéo dài. Nhớ lắm những cuộc dạo chơi dưới cơn mưa chiều nũng nịu. Nhớ hoài cái nụ hôn đầu tiên run rẩy, cái lần ôm nhau đầu tiên trong một góc vắng. Nhớ mãi một Sài Gòn đầy dấu tích tình yêu thơ ngây, cháy bỏng cho đến tận bây giờ.

Ôi, người Sài Gòn sinh ra và lớn lên trong thế kỷ XX nay bỗng chốc trở thành “người xưa”. Cả một thời bươn chải giữa chiến tranh và đói nghèo, đến giờ dường như tất cả đâu đã được an nhàn. Họ đã và đang cùng những thế hệ mới góp phần làm cho Sài Gòn trở lại lộng lẫy và phải hay đẹp hơn trước. Không thể nào khác, trong đời Sài Gòn chỉ có thể lọ lem, tàn phai một lần.

Phúc Tiến

Theo báo Người Đô Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét