Tháng trước, tôi có xem qua bài phát biểu rất ấn tượng và thực
tế, gây “dậy sóng” dư luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội Việt
Nam. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Nghĩa rằng “Hiện nay, không ít trí thức giỏi
không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ,
công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định
cư ở nước ngoài, không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không
an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không bảo đảm đầy đủ và lo sợ ở đất
nước bị lệ thuộc, điều này ai cũng thấy, cũng biết”.
Quả thật môi trường pháp lý tại Việt Nam chưa đủ hoàn thiện
để khiến người ta có thể cảm giác an toàn. Đó là khi người ta bất ngờ bị gõ cửa
nửa đêm rồi phải chịu án tù, án tử (dù chưa thi hành án) hàng chục năm vì cáo
buộc giết người trong khi vụ án còn quá nhiều điều phải tranh cãi, để rồi cả thập
niên sau đó mới được giải oan, thì mọi chuyện đã rồi, người ta cũng tàn lụi gần
như cả cuộc đời trong vòng lao lý bởi việc xét xử và buộc tôi vô cùng khó hiểu
và có quá nhiều sơ hở. Đó là khi người ta bất ngờ bị mời về đồn cảnh sát, rồi
cũng bất ngờ tử vong khi trở về nhà mà không biết được lý do. Đó là khi người
ta bất ngờ bị khởi tố và vào tù đến 1 năm chỉ vì lỡ hắt ly bia vào cán bộ khi
hai người xảy ra va chạm, trong khi một thường dân chân yếu tay mềm bị cán bộ
công an đánh bất tỉnh ngay giữa đường thì chẳng thấy ai xử lý thật mạnh tay.
Và mới đây, như những giọt nước tràn ly, phá vỡ sự an toàn về
pháp lý đối với dân, đặc biệt dân chúng cần lao, khi một anh thường dân xây cái
chòi vịt, một anh tiểu thương mở quán cà phê, một nữ thường dân tố cáo cát tặc,
vì một số hiểu biết hạn chế dẫn đến hành động thiếu chuẩn xác mà bất ngờ bị khởi
tố, đứng trước nguy cơ hầu tòa và ngồi tù. Điều đáng nói là việc tiến hành các
thủ tục khởi tố với các người dân cần lao, thiếu kiến thức, thiếu tài lực vật lực
được các nhà chức trách, gồm cả công an và viện kiểm sát tiến hành gấp gáp,
nhanh chóng, tỏ ra vô cùng nghiêm trọng. Họ ra sức “ăn thua đủ” với dân, trong
khi như lời một tướng đầu ngành cảnh sát tại Sài Gòn thì vụ án không đến mức
nghiêm trọng, không có gì phải bỏ nhiều công sức tấn công người dân như thế bởi
vụ án “nhỏ như cái móng tay”.
Quả thật đọc lại các tình tiết vụ án mà ông chủ chòi vịt,
ông chủ quán cà phê sẽ thấy việc truy tố, chưa tính đến tính đến việc không
đáng, thì nó cũng sai luật. May cho họ - những người suýt vào tù oan vì những
chuyện không đâu – có vài ba người lên tiếng để báo chí, dư luận biết và cùng
nhau gia tăng sức ép buộc chính quyền phải xem xét lại vụ án. May là nhờ các luật
sư, nhà báo cùng nắm tay nhau, kẻ phân tích luật, người đưa thông tin nên vụ án
mới được đưa ra ánh sáng. Một vụ án “nhỏ bằng cái móng tay” nhưng đủ các cấp phải
lên tiếng, kể cả tân thủ tướng của Việt Nam, đã đủ để thấy năng lực giải quyết
các vấn đề xã hội dựa trên cơ sở pháp lý của cơ quan công quyền. Không ai bất
ngờ và cảm thấy lạ khi đại diện công an Bình Chánh (Sài Gòn) lên tiếng nhận sai
lầm về năng lực nghiệp vụ, sự nóng vội, hiểu sai luật.
Dù vậy dư luận vẫn còn nhiều nghi vấn, hoài nghi xung quanh
động cơ thật sự phía sau các vụ xử nhanh nhưng sai luật của cơ quan công quyền
với dân. Khó có thể ngăn cản người dân không hoài nghi về động cơ thiếu lành mạnh
và trong sáng của công an Bình Chánh, vì trước khi vụ án xảy ra, ông chủ chòi vịt
đã nhiều lần bị cò đất ép bán đất vì bảo rằng “sếp lớn” muốn mua. Tôi chẳng biết
ông sếp lớn ấy là ai, nhưng sự trùng hợp này dù không cho phép khép tội bất kỳ
ai, hay “sếp lớn” nào, nhưng cũng không thể khiến người ta không thể không nghĩ
đến một kịch bản rất tiêu cực về một cuộc truy đuổi, chèn ép từ “sếp lớn” với
người dân để đạt được mục đích của mình, có thể là chuyện mua bán, chuyển nhượng
đất. Hay như quán cà phê nhỏ xíu cũng bị truy tố, thì có thông tin trên mạng xã
hội - chưa được kiểm chứng và bị phía đại diện công an bác bỏ - rằng “sếp” muốn
giải tỏa quán cà phê để tạo điều kiện cho căn tin của vợ sếp làm ăn.
Nguyên nhân và những câu chuyện phía sau những vụ án oan cười
ra nước mắt này chẳng biết khi nào (và có bao giờ) được công bố một cách rõ
ràng và thuyết phục, nhưng tôi quả thật rất đồng tình với ý kiến bình luận cho
rằng “công dân không phải là tù nhân dự khuyết”. Cụm từ “tù nhân dự khuyết” dẫu
mới, dẫu ngược đời, dẫu khó tin, nhưng nó đang trở thành nổi ám ảnh của đông đảo
người dân, nhất là sau khi hàng loạt vụ án oan cùng lúc diễn ra trong thời gian
ngắn – một cách rất khó hiểu, rất khó thuyết phục, rất bất an, rất bất ngờ, và
rất khó có thể chấp nhận được.
Tôi từng đọc ở đâu đó vài ba câu tâm sự của những người lý
tưởng, rằng cùng nhau xây dựng quê hương Việt Nam mình, đất nước Việt Nam mình
trở thành một nơi đáng sống, đáng để hướng về chứ không phải quay lưng đi như
bao người, như bài tâm sự của ông Trương Trọng Nghĩa. Muốn vậy thì một trong những
vấn đề quan trọng là thay vì bắt bớ, kết tội, hãy tạo điều kiện và dùng giáo dục
để cải thiện đời sống, lối sống của người dân. Luật pháp sinh ra là để hạn chế
phạm tội, phải hướng tới giáo dục, tức tinh thần “tượng tôn pháp luật”, chứ
không phải tinh thần “pháp trị”, tức dựa vào luật pháp để chèn ép hay xử lý người
dân vốn còn nhiều hạn chế về nhận thức và điều kiện sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét