Vào ngày Chúa Nhật 15 tháng 5 vừa qua, dưới sự đồng hành của hai linh mục Têphano Trần Đình Tề và JB Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An hàng ngàn giáo dân tuần hành đòi nhà nước công bố nguyên nhân ô nhiễm môi trường và có biện pháp bảo vệ người dân trước hiểm họa cá chết hàng loạt gây khó khăn cho sinh hoạt và sức khỏe người dân tại địa phương.
Linh mục JB Nguyễn Đình Thục và giáo dân Giáo Xứ Song Ngọc
GP Vinh biểu tình đòi biển sạch - tôm cá sạch hôm 15/5/2016.
Mặc Lâm: Thưa linh mục, chúng tôi được biết vừa rồi ngài đã
dẫn đầu một số lớn giáo dân đi tuần hành đòi giữ môi trường và công bố nguyên
nhân cá chết. Xin cho biết trong giáo xứ mà ngài đang dẫn dắt có những ngư dân
trực tiếp bị ảnh hưởng vụ cá chết hay không?
LM. Nguyễn Đình Thục: Giáo dân nơi giáo xứ của tôi thì 80%
đàn ông làm nghề biển. Sự việc ô nhiễm biển nó ảnh hưởng trực tiếp đời sống người
giáo dân trong giáo xứ của tôi rất lớn.
Mặc Lâm: Sau khi vụ cá chết xảy ra thì giáo dân có tiếp tục
ra biển hành nghề hay không thưa linh mục?
LM. Nguyễn Đình Thục: Sau khi vụ việc xảy ra thì họ vẫn tiếp
tục ra biển nhưng họ bắt cá về thì bán không được, không ai mua cả. Hồi gần đây
khi bắt về thì họ bán như trước nhưng thay vì bán 25 thì họ chỉ bán 12 thôi
nhưng người đi buôn họ mua về được hai ba bữa thì họ đem lại trả với lý do là
chẳng ai dám mua thành ra cả mấy tuần nay bà con không ra biển nữa, thuyền phải
đậu ở nhà, dân rất khốn đốn rất tội nghiệp
Mặc Lâm: Thưa cha khi dẫn đầu một nhóm giáo dân lớn như vậy
thì cha có được sự đồng ý của Giám mục giáo phận Vinh, đặc biệt là đức Giám mục
Nguyễn Thái Hợp hay không?
LM. Nguyễn Đình Thục: Việc làm của tôi thì đối với Tòa Giám
mục giáo dân và chúng tôi luôn vâng lời và tìm ý của bề trên để thực hiện. Lâu
lắm rồi chúng tôi muốn làm một điều gì đấy để nói lên tiếng nói cho chính quyền
mau chóng tìm ra nguyên nhân của ô nhiễm biển. Thật ra thì họ đã tìm được
nguyên nhân rồi nhưng họ không giải quyết ngay tức khắc sự việc do e ngại chuyện
này chuyện khác. Vừa rồi Đức giám mục địa phận Vinh là Phao lô Nguyễn Thái Hợp
ra bức thư chung thì chúng tôi đọc thấy nó là ánh sáng soi đường cho chúng tôi
làm. Ngài bảo là chúng ta thực hiện quyền của chúng ta theo hiến pháp và pháp
luật Việt Nam cũng như công ước quốc tế một cách ôn hòa.
Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi tuần hành để phản đối sự việc
đó là một việc làm được hiến pháp Việt Nam cũng như quốc tế quy định. Chúng tôi
tuần hành rất văn minh lịch sự và ôn hòa không gây ảnh hưởng đến ai hết.
Chúng tôi làm vì muốn nói lên tiếng nói cho chính quyền thấy
rằng chúng tôi rất khổ chứ không phải như họ ở quá xa chẳng biết được chúng tôi
khổ thế nào, có khổ thật hay không, để cho họ chú ý. Cái khổ nhất của chúng tôi
đó là không ai biết chúng tôi khổ, không ai biết chúng tôi đang chết dần. Bây
giờ chúng tôi phải làm thế nào cho họ biết chúng tôi đang chết. Chỉ có họ mới
có thể làm được việc này vì trách nhiệm và bổn phận của họ không thể nào thờ ơ
trước thảm họa này được. Trước sự chết đang đến gần với người dân như vậy mà họ
vẫn im lặng thì không ai chấp nhận sự im lặng một cách vô trách nhiệm và vô
lương tâm của những người lãnh đạo như thế cho nên chúng tôi phải làm.
Chính quyền hành xử ra sao?
Mặc Lâm: Thưa linh mục ông có nghĩ đến giải pháp là tới thẳng
chính quyền địa phương để hỏi họ xem có biện pháp nào giúp đỡ cho người ngư dân
trong tình trạng hiện nay. Khi họ không có công ăn việc làm thì chính quyền có
thể hỗ trợ bằng cách cho vay hay bằng cách nào đó giúp cho ngư dân, đặc biệt
trong giáo xứ của cha để họ sống qua giai đoạn này hay không?
LM. Nguyễn Đình Thục: Chúng tôi ra chính quyền địa phương
thì chúng tôi cũng rất thông cảm cho họ vì họ cũng thao thức chuyện người dân của
họ đang gánh chịu trực tiếp những hậu quả rất nặng nề. Chúng tôi cũng nói với
chính quyền địa phương rằng chúng tôi hiểu các ông ấy cũng lo lắng cho chuyện
này nhưng mà không nói được tiếng nói với bên trên thì chính chúng tôi sẽ nói
thay cho các ông ấy và chính quyền địa phương rất là đồng cảm.
Có một vài cán bộ huyện cũng đến khi tôi trình bày như vậy.
Lúc đầu thì họ ngăn nhưng chúng tôi nói các anh đừng có ngăn, ngăn không được
tôi đâu. Ngăn tôi không được thì cũng không ngăn được dân, không ngăn được lòng
dân. Các anh không thể ngăn được chuyện người ta xuống đường chỗ này chỗ khác.
Bây giờ vấn đề mấu chốt là các anh giải quyết ổn thỏa vấn đề
ô nhiễm biển thì chằng có ai xuống đường hay biểu tình. Còn nếu không giải quyết
tận gốc thì cho dù anh có làm mấy thì làm vẫn không được.
Mấy người đó bảo bây giờ cũng rất là khó để giải quyết công
ăn việc làm cho ngư dân. Tôi nói với họ, đúng rồi giải quyết công ăn việc làm
cho ngư dân với số lượng đông thì rất khó, tuy nhiên cho dù giải quyết công ăn
việc làm được thì vấn đề ô nhiễm biển rất đáng nói. Có ai không dùng những sản
phẩm từ biển như cá, hải sản, nước mắm hay muối, có ai lại không dùng?
Trong tương lai gần nói theo thư của đức giám mục khi nồng độ
độc tố trong nước biển nó loãng dần, cá tôm nó không chết liền nhưng con người
sử dụng sản phẩm từ cá, nước mắm hay muối thì độc tố đó nó tích lũy dần dần cho
đến lúc nó vượt ngưỡng và gây ra bệnh, gây ra ung thư hay bệnh liên quan đến
não thậm chí như Đức giám mục nói có thể sinh ra quái thai chứ không phải là
đơn giản. Cho nên chuyện ô nhiễm biển không phải chỉ liên quan đến công ăn việc
làm mà thôi mà còn liên quan đến sự sống chết của người dân Việt Nam.
Thật ra nếu mà suy ra sâu xa hơn nữa thì nó liên quan đến tồn
vong của quốc gia dân tộc. Tại sao chính quyền không giải quyết vấn đề? Có phải
chính quyền sợ ảnh hưởng đến người bạn vàng Trung Quốc hay không? Thể hiện sự
nhu nhược không giải quyết vấn đề nghĩa là các ông có sự sợ hãi nào đó. Bây giờ
nó gây thiệt hại nặng như vậy mà các ông không giải quyết thì sau này nó chiếm
cả đất nước các ông vẫn không lên tiếng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn linh mục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét