Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua vũ khí gì của Hoa Kỳ, nếu lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ hoàn toàn.
19.05.2016
Một quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ “xem xét rất kỹ” bất kỳ đơn hàng đặt mua vũ khí nào của Việt Nam vì lo ngại chúng rơi vào tay công an hoặc dùng cho các mục đích phi quân sự.
Khi được hỏi trong một cuộc họp báo hôm 18/5 rằng Việt Nam sẽ được phép mua loại vũ khí nào từ Mỹ nếu lệnh cấm vận vũ khí sát thương được dỡ bỏ hoàn toàn, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ, theo luật Hoa Kỳ, phải xem xét từng trường hợp cụ thể, dựa trên đánh giá về nhân quyền và khả năng vũ khí được sử dụng để “hậu thuẫn công an nội địa hoặc dùng cho các mục đích phi quân sự”.
Ông nói thêm: “Đó chính là lý do khiến chúng tôi hết sức cẩn trọng đối với bất kỳ đề xuất [mua vũ khí nào] của Việt Nam trong tương lai”.
Trong khi đó, trao đổi với các đại diện tổ chức của người Mỹ gốc Việt hôm 17/5, ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận hay không.
Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho Việt Nam năm 2014 để phục vụ cho các mục đích phòng thủ hàng hải.
Một bài xã luận của tờ the New York Times hôm 14/5 viết rằng còn quá sớm để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương do những tồn tại về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Quan chức Việt Nam bấy lâu nay vẫn công khai kêu gọi Washington dỡ bỏ điều họ thường nói là trở ngại trong quan hệ giữa hai nước, nhất là khi Hà Nội đang gia tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng trên biển Đông.
Thành tố quan trọng
Ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết "nhân quyền vẫn là yếu tố quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào cho Việt Nam".
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo, ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng nhân quyền luôn là một yếu tố trong việc đi tới quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận hay không.
Ông nói thêm: “Nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương tiến về phía trước. Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.
Trong cuộc họp báo, ông Kritenbrink cũng nói thêm rằng ông hy vọng đôi bên sẽ ký một số thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm của ông Obama.
Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua vũ khí gì của Hoa Kỳ, nhưng giới chức quân sự cấp cao của Mỹ từng được báo chí dẫn lời nói rằng hai quốc gia đang bàn thảo về “các tàu tuần tra, các thiết bị trinh sát, tình báo” và “có thể là cả một số vũ khí cho hạm đội mà Việt Nam chưa có”.
Theo hãng tin Reuters, Việt Nam mới đây đã “âm thầm” tổ chức hội thảo về vũ khí với sự tham gia của các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Hoa Kỳ.
Liên quan tới lịch trình chuyến thăm của Tổng thống Obama, đại diện Hội đồng An ninh Quốc gia hôm nay cũng cho biết một số thông tin chi tiết.
Theo đó, nguyên thủ Mỹ sẽ rời thủ đô Washington vào ngày 21/5 để tới Hà Nội. Tại đây, ông sẽ gặp các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam như Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại thủ đô của Việt Nam, ông dự kiến sẽ có bài phát biểu về quan hệ Việt – Mỹ cũng như gặp gỡ các thành viên của xã hội dân sự Việt Nam.
Ngày 24/5, ông sẽ bay vào Sài Gòn để gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á, cũng như cộng đồng doanh nhân. Một ngày sau đó, ông sẽ rời Việt Nam để đi Nhật.
Tổng thống Obama tới Việt Nam giữa lúc chính quyền Hà Nội đang điều tra nguyên nhân vụ cá chết hàng loạt, làm bùng ra nhiều cuộc tuần hành trong đó xảy ra xô xát giữa người biểu tình và lực lượng giữ gìn trật tự.
Quan chức Nhà Trắng được trích lời nói “quan tâm” tới vụ việc mà giới tranh đấu ở Mỹ nói là liên quan tới “nền tảng nhân quyền ở Việt Nam”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét