Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

'Một nước Việt Nam thiếu dân chủ đang chờ Tổng Thống Obama'




Tổng thống Barack Obama sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam thời hậu chiến.
     Tổng thống Barack Obama sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam thời hậu chiến.



Chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng Thống Mỹ Barack Obama vào tuần tới hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới trong các quan hệ Việt-Mỹ, và được coi là một sự kiện bước ngoặt diễn ra trong bối cảnh các hành động của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy đang đẩy hai nước cựu thù lại gần với nhau hơn bao giờ hết.


Tuy nhiên, báo chí quốc tế nêu bật một số vấn đề gai góc đang tiếp tục cản trở việc nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. “Một nước Việt Nam thiếu dân chủ đang chờ đón Tổng Thống Obama” là hàng tít đăng trên tờ The Wall St. Journal số ra hôm qua, 18/5. Bài báo lưu ý rằng chuyến đi thăm lịch sử của nhà lãnh đạo Mỹ diễn ra một ngày sau thêm một cuộc bầu cử ‘trò hề’ khác nữa ở Việt Nam.


Bài báo viết rằng giữa lúc Hà Nội đang vận động để Mỹ tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, dọn đường cho Việt Nam thủ đắc các hệ thống vũ khí hiện đại như các hệ thống phi đạn để củng cố các lực lượng phòng thủ biển, thì chuyến công du lịch sử của Tổng Thống Mỹ là một cơ hội “chỉ xảy ra có một lần trong một thế hệ” để Hoa Kỳ tăng sức ép đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền và quyền công dân.

Tác giả Stuart Rollo thuộc Đại học Sydney chuyên tường trình về vấn đề an ninh quốc tế, nhận định rằng bằng cách gắn liền nhân quyền với việc thắt chặt các quan hệ an ninh và quốc phòng với Việt Nam, Hoa Kỳ có thể chứng minh rằng Mỹ sẵn sàng không những hậu thuẫn Việt Nam nâng cấp khả năng chiến đấu trước sự bành trướng của Trung Quốc, mà cùng lúc, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ để đòi các quyền dân sự và chính trị.

Tổng Thống Obama tới Việt Nam vào ngày thứ Hai 23/5, 1 ngày sau khi cử tri Việt Nam trên cả nước đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV, và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong một cuộc bầu cử bị Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là “không tự do mà cũng không công bằng”.

Trong một quốc hội gồm 500 ghế, chỉ có 4 ghế là thuộc các đại biểu độc lập, không do Đảng Cộng sản Việt Nam đề cử. Theo tác giả, thì mặc dù Hiến Pháp Việt Nam cho phép mọi công dân được ra ứng cử, họ phải trải qua một tiến trình chọn lựa tiền bầu cử bị Đảng Cộng sản thao túng, có thể loại trừ họ qua những thủ tục hành chánh mập mờ.

Bài báo nhắc tới trường hợp ca sĩ Mai Khôi, một trong những người tự ra ứng cử, đã bị loại trừ một cách bất công dựa trên những lời tố cáo mập mờ của những người trong tổ dân phố, nhiều người cô chưa từng gặp bao giờ. Nhiều ứng cử viên độc lập khác cũng tố cáo rằng họ đã bị loại sau khi “bị đấu tố”.

Cô Mai Khôi đã mời Tổng Thống Obama đến gặp một nhóm ứng cử viên độc lập bị loại trong các trường hợp tương tự, để thảo luận về những cách người Mỹ có thể giúp hối thúc cải thiện các quyền dân chủ ở Việt Nam.

Các cuộc thăm dò do công ty Pew thực hiện năm 2015 cho thấy 78% người Việt Nam có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ, một con số đáng kinh ngạc xét lịch sử xung đột giữa hai bên.

Các quan hệ Việt-Mỹ đã được đào sâu và đa dạng hóa trong những năm từ khi bình thường hoá bang giao về mặt chính trị.

Tổng Thống Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba tới thăm Việt Nam thời hậu chiến, sau Tổng Thống Bill Clinton năm 2000, và Tổng Thống George W. Bush năm 2006.

Trong những vấn đề khác sẽ được đề cập đến ngoài Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, có phần chắc Mỹ sẽ đề nghị giúp Việt Nam đối phó với nạn hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra ở Lưu vực Sông Mê Kông.

Giáo dục cũng là một lĩnh vực chủ yếu mà cả hai nước đều quan tâm, với sự thành lập của Đại học Fullbright ở Việt Nam, viện đại học tư nhân, vô vụ lợi dầu tiên của Mỹ tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cam kết 20 triệu đôla cho dự án này.

Theo Wsj, Economictimes, Forbes.


VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét