Thứ Tư, 18 tháng 5, 2016

Lại bàn về lòng yêu nước

Cao Huy Huân

Siêu thị Fivimart ở Hà Nội, Việt Nam.
                                        Siêu thị Fivimart ở Hà Nội, Việt Nam. 
  
Sau vụ đại gia Thái Lan mua lại BigC Việt Nam với giá 1,05 tỉ USD, nhiều người bắt đầu giật mình về làn sóng ồ ạt của các đại gia Thái Lan tràn vào, thâu tóm nhiều hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ của Việt Nam. Trước đó, vụ thâu tóm đình đám khác của đại gia Thái tại Việt Nam là thương vụ chuỗi bán buôn Metro được mua lại bởi Berli Jucker (BJC), tập đoàn nằm dưới quyền sở hữu của tài phiệt nổi tiếng Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đối thủ trực tiếp của Central và dòng họ Chirathivat.


Chính ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cảnh báo trên báo chí rằng “Trái cây, hoa quả trong nước phải nhường chỗ hoặc bị hoa quả ngoại đánh bật khỏi các quầy, kệ siêu thị. Điều này khiến hoa quả Việt ngày càng bị đẩy ra vỉa hè, lề đường là một thực tế đáng báo động”.

Thật ra giật mình cũng phải, vì hiện tại, không cần nói gì đến siêu thị, cứ đi các cửa hàng tạp hóa nhỏ ở các vùng quê đến các cửa hàng lớn ở các thành thị, hầu hết các loại bánh kẹo nổi tiếng, nằm ở những nơi quan trọng nhất đều có tên của người Thái. Đó là chưa kể đến các doanh nghiệp bán lẻ của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tràn vào Việt Nam để đón đầu làn sóng hội nhập, lợi thế khi Việt Nam gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đó là một điều dễ hiểu. Khi các FTAs có hiệu lực, Việt Nam sẽ được nhiều ưu đãi, trong đó có ưu đãi về xuất khẩu. Những yêu cầu của các FTAs thế hệ mới còn giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư (nguồn lao động, môi trường pháp lý, thủ tục hành chính...) sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp nước ngoài của các nước thành viên FTAs đang chuyển hình thức đầu tư, từ việc xuất khẩu hạn chế sang Việt Nam (vì rào cản thuế quan) chuyển sang xuất khẩu nhiều hơn, thậm chí mở các vùng nguyên liệu ở Việt Nam để hưởng giảm thuế, bán lẻ cạnh tranh với Việt Nam.

Nói một cách dễ hiểu, sắp tới đây, vì hàng hóa nhập vào Việt Nam sẽ được giảm thuế nhiều hơn, nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, gỗ, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, thực phẩm... khi vào Việt Nam sẽ có giá thấp hơn rất nhiều, thế nên các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các chuỗi bán lẻ để cạnh tranh. Tuy nhiên, xu hướng này không phải mới diễn ra trong năm nay. Gần chục năm trước, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều đại gia nước ngoài bắt đầu nghĩ đến chuyện đưa cơ sở buôn bán vào đầu tư tại Việt Nam. Các thương vụ sáp nhập đình đám được báo chí loan tải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bên dưới – nơi các doanh nghiệp ngoại quốc âm thầm thâm nhập thị trường Viêt Nam, bằng cách tiếp thị chu đáo và phục vụ khách hàng đến từng cái bánh, cái kẹo và những nhà bán lẻ nhỏ trong nước.

Năm 2015 đến nay, khi các FTAs đã bắt đầu đi vào giai đoạn cuối của việc chuẩn bị áp dụng, thị trường không còn con đường nào khác ngoài việc mở cửa trong thời gian từ ba đến năm năm tới, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đủ sức đứng vững trên thị trường Việt Nam, thì việc tiến hành sáp nhập các doanh nghiệp nước ngoài là chuyện sớm muộn gì cũng xảy ra. Điều đáng nói là việc chuẩn bị của Việt Nam, kể cả từ góc độ quản lý đến góc độ kinh doanh đều tỏ ra khá chậm chạp và thụ động, nếu không muốn nói là quá chậm so với sự chủ động của các đại gia nước ngoài.

Thứ nhất là về cơ chế, chính sách cho đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Ngay cả trong thương vụ Big C Việt Nam bị phía Thái Lan mua lại cũng thấy rõ điều này. Trước làn sóng xâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài, khó khăn mà các đơn vị bán lẻ trong nước vẫn còn đang vấp phải chính là cơ chế bảo hộ nhà bán lẻ trong nước và chất lượng hàng hóa nội địa. Cụ thể là quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm, một công cụ mà Việt Nam đã giành được trong WTO để bảo hộ hợp lý các doanh nghiệp trong nước) chưa được thực thi triệt để, chưa có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị bán lẻ quy mô lớn trong nước tham gia mua bán, sáp nhập. Mặc dù nhiều đơn vị bán lẻ trong nước đã vượt qua được những khó khăn về huy động vốn để trở thành ứng viên tiềm năng nhất của thương vụ mua Big C Việt Nam nhưng do chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài nên kết quả chưa được như mong muốn, và kết quả là siêu thị Big C Việt Nam cuối cùng lọt vào tay tập đoàn lắm tiền nhiều của đến từ Thái Lan với giá 1,05 tỉ USD.

Thứ hai, việc quy hoạch ngành bán lẻ của Việt Nam dường như còn quá nhiều hạn chế. Phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu hàng nội địa, phát triển chuỗi liên kết hàng giữa nhà sản xuất và siêu thị... vẫn còn gây tranh cãi qua nhiều năm. Thế nên doanh nghiệp bán lẻ mạnh ai nấy làm, còn nhà sản xuất thì mạnh ai nấy sản xuất, thiếu tính kết nối dẫn đến hệ quả đáng tiếc là hàng hóa không thương hiệu, trong khi các kệ hàng đều bị hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng không chú ý đến việc phát triển nội lực và cũng không quan sát tinh tế sự thâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài đang âm thầm diễn ra xung quanh họ. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập bằng nhiều cách khác nhau thì doanh nghiệp bán lẻ nội địa dường như vẫn loay hoay với việc tìm ra các giải pháp thương mại điện tử hiệu quả, hay đơn giản là giải pháp mua bán hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng không chủ động tạo ra nguồn hàng bền vững, thay vào đó là nhiều siêu thị thường làm giá trong cuộc chạy đua của các nhà sản xuất vào các kệ hàng.

Trong vòng vài năm tới đây, các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục làm mưa làm gió đối với thị trường kinh doanh bán lẻ nội địa. Cái chính là doanh nghiệp nội địa có ý thức được họ đang đứng trước nguy hiểm hay không, hay là họ vẫn tin rằng vì họ nhỏ bé nên không ai để ý.


Nguồn: VOA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét