Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Kêu gọi ký thư 'đòi tự do cho Duy Thức'

 
Blogger Điếu Cày lên tiếng về ông Trần Huỳnh Duy Thức và những tù nhân chính trị khác trong cuộc gặp Phó cố vấn Hội đồng an ninh quốc gia Ben Rhodes hôm 17/5

Cộng đồng mạng đang dấy lên lời kêu gọi ký thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người tuyên bố ‘tuyệt thực đến chết’.

Thỉnh nguyện thư “yêu cầu văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Tổ chức Ân Xá Quốc tế, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, thủ tướng của các chính phủ không cộng sản, người Việt và những người khác cùng nhau lên tiếng nói để cứu mạng sống của Trần Huỳnh Duy Thức bằng cách yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông vô điều kiện”.


Thỉnh nguyện thư này hiện có khoảng hơn bảy ngàn chữ ký.

Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: 'Chúng ta có thể đi cùng anh bằng một chữ ký'

Blogger Minh Khong viết: "Hành động của anh bây giờ. Nếu tôi là một kẻ thù, giả sử thế. Tôi cũng sẽ nói về anh với những lời kính trọng nhất. Và dù còn sống hay sẽ chết sau ngày 24/5/2016 tới đây. Thì anh cũng đã đi một bước rất xa ngay từ bây giờ."

Hôm 17/5, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức xác nhận với BBC về quyết định ‘tuyệt thực đến chết’ của ông tại trại tù số 6 tỉnh Nghệ An từ ngày 24/5, đúng 7 năm ngày ông bị bắt giữ.

Hôm 19/5, trả lời BBC từ Mỹ, ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, cho hay: “Để bày tỏ sự ủng hộ ông Thức, tôi và một số người khác quyết định sẽ tuyệt thực một ngày để đồng hành cùng ông ấy”.

“Chúng tôi cũng đưa ra yêu cầu lãnh đạo Việt Nam thượng tôn pháp luật, trưng cầu dân ý trao cho người dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước, và trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức”.

 
          Gia đình ông Duy Thức nói "tôn trọng quyết định của ông dù rất đau lòng"

“Từng là một người tù tại trại 6, tôi biết là ông Thức đang phải gánh chịu chế độ giam giữ khắc nghiệt và đối xử tệ hại với người nhà đi thăm. Việc ông Thức bị cưỡng bức chuyển từ trại Xuyên Mộc ra trại 6 giáp biên giới Lào cho thấy chính quyền muốn triệt tiêu tiếng nói đấu tranh của ông”, nhà hoạt động cho biết thêm.

“Cũng từ quá trình tuyệt thực 33 ngày trong tù của bản thân trước đây, tôi hiểu ông Thức bây giờ không có phương tiện đấu tranh nào khác ngoài chính mạng sống của mình”.

“Việc một tù nhân tuyệt thực nếu thông tin không lọt ra ngoài được và cộng đồng xã hội, các tổ chức nhân quyền quốc tế không lên tiếng thì người ấy có thể chết mà không ai biết”.

Ông Hải dự báo “chính quyền sẽ hành xử thế nào trước quyết định ‘tuyệt thực đến chết’ của ông Thức là còn tùy vào áp lực của cộng đồng và quốc tế”.

Đề cập về chuyện ông Thức từ chối đi định cư Mỹ, ông Hải nói: “Mỗi chọn lựa đi hay ở lại Việt Nam của tù nhân chính trị là một khó khăn. Bản thân tôi chọn đi Mỹ là sau khi tham khảo ý kiến của các tù nhân khác là tôi nên đi, để cất lên tiếng nói như một nhân chứng đã nếm trải qua 11 nhà tù Cộng sản với các tổ chức quốc tế”.

“Tôi tôn trọng quyết định của ông Thức nhưng tin rằng dù có chọn đi ra nước ngoài, ông vẫn đóng góp được cho tiến trình đấu tranh dân chủ cho Việt Nam”.

'Chết vì lý tưởng'

 


Ông Trần Văn Huỳnh, cha ông Trần Huỳnh Duy Thức, từng ra nước ngoài vận động cho nhân quyền Việt Nam và tự do cho con mình.
Hôm 19/5, nhà báo tự do Trung Bảo viết trên mạng xã hội: “Với ông Thức, tôi không chỉ mến phục ông vì kiến thức và tấm lòng mà còn nể phục ông vì chí khí và sự can trường.

Theo luật của chính quyền, ông là người có tội nhưng trên thế giới này có người tranh đấu nào mà chẳng có tội đối với chính quyền mà họ chọn đối đầu?”

“Tôi không mong ông thực hiện đến cùng quyết tâm tuyệt thực đến chết. Một người chết vì lý tưởng, dù rất cao đẹp, thì vẫn là một người chết mà không tiếp tục làm được gì cho lý tưởng đã chọn”.

Hôm 17/5, ông Trần Huỳnh Duy Tân nói với BBC: “Trong cuộc gặp toàn thể gia đình tại trại 6 hôm 14/5, anh tôi đã nhắn gia đình khỏi cần đi thăm những lần sau vì đường xá quá xa xôi”.

“Gia đình rất đau lòng trước quyết định của anh ấy nhưng anh đã quyết định rồi thì gia đình tôn trọng chọn lựa đó. Dẫu sao thì gia đình cũng không thấy đường đột vì anh đã nhiều lần nói với cha mình là anh kiên quyết đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam đến cùng”.

“Gia đình đã nhiều lần nghe về việc chính quyền đề nghị anh Thức đi Mỹ. Từ góc độ gia đình, chúng tôi luôn muốn anh được thoát khỏi chốn lao tù, dù còn ở Việt Nam hay đi nước ngoài. Nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của anh”, ông Tân nói.

Hôm 24/5 là đúng bảy năm ngày ông Thức bị bắt giữ và khởi tố về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Ông Thức, 50 tuổi, bị đưa ra xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.


BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét