Hôm Thứ Ba 17, Nhân Dân Nhật Báo cho biết Trung Cộng sẽ chuyển
qua xứ Brazil tại Nam Mỹ một khả năng sản xuất 10 triệu tấn thép. Viết lại câu
này cho rõ: Thiên triều khéo tính toán nên đầu tư thừa và ngày nay xuất cảng từng
nhà máy thép ra nước ngoài. Nói cho ra vẻ uyên bác là xuất cảng đầu tư - vì lỡ
đầu tư quá nhiều. Trong khoản đầu tư ấy có cả ô nhiễm. Hồ Sơ Người Việt sẽ tìm
hiểu chuyện này.
Bước nhảy vọt vĩ đại
Câu chuyện khởi sự từ 10 năm trước - ngày Giời tháng Phật -
là khi Trung Cộng đạt kỷ lục lớn là có sản lượng thép cao hơn số cầu nội địa
vào năm 2006. Nếu chỉ thừa có một năm cũng chẳng chết ai vì thừa thì ta đem
bán. Nhưng bán thép không dễ khi cố cầu trên thế giới lại giảm kể từ năm 2008
và cho tới nay tình hình toàn cầu chưa khả quan nên dù có bán rẻ, bị lỗ và bị
thế giới than phiền, thì thiên triều đỏ cũng không ra khỏi bế tắc.
Những con cháu tối dạ của Mao Trạch Đông chỉ tái diễn bước
nhảy vọt vĩ đại vào cái hố.
Theo quan niệm thô thiển của kinh tế chính trị học Mác-Lenin
với màu sắc Trung Hoa về xây dựng xã hội chủ nghĩa, kỹ nghệ nặng là nền móng
chiến lược của quốc gia và Mao dạy là phải tiến tới việc sản xuất ra “máy cái”
để từ đó mới có “máy con.” Công nghiệp nặng là cái gốc, công nghiệp nhẹ và hàng
tiêu dùng chỉ là cái ngọn. Nền móng ấy phải như gang thép. Năm 1958, họ Mao
phát động chiến dịch thi đua sản xuất trên toàn quốc để xã ấp nào cũng tự túc về
thép với những lò luyện kim bỏ túi, nấu ra loại thép rất tồi và làm cho nhà nhà
chết đói.
Nửa thế kỷ sau, hiện tượng ấy tiếp tục. Trung Cộng có 700
doanh nghiệp sản xuất thép, với loại kỹ thuật thâm dụng nhân công hơn tư bản -
cùng một lượng thép cần nhiều nhân công hơn nên kém hiệu năng, gây ô nhiễm. Và
hệ thống phân tán ấy sản xuất ra... thép mềm, đặc sản Trung Hoa.
Báo chí quốc tế cứ nói rằng Trung Cộng đứng đầu thế giới về
sản lượng thép. Nhưng thép ở đây là loại thô, sơ đẳng, cần thiết cho kỹ nghệ
xây cất chứ chưa là thép siêu đẳng cho việc sản xuất máy móc thiết bị, là giấc
mơ chưa tới. Trung Cộng cũng tiêu thụ nhiều quặng sắt nhất thế giới vì sản xuất
ra thép là nhờ quặng sắt (iron ore - “thiết khoáng”). Trong quy trình sản xuất,
thép là “đầu ra” và quặng sắt là “đầu vào,” và 95% lượng quặng trên thế giới là
để cung cấp cho việc sản xuất thép.
Nhưng hai sản phẩm ất lại thuộc hai thị trường khác nhau với
giá cả quy định khác nhau - nhất là vào thời kỳ kinh tế toàn cầu bị suy trầm và
số cầu về thép sút giảm đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp thép loại thường thường bậc
trung và bậc hạ lưu đều bị lỗ, đấy là hiện tượng “sản nhập” trị giá của nhập lượng
đưa vào nhà máy lại cao hơn xuất lượng ở đầu ra.
Việc chấn chỉnh khu vực gang thép được Ủy Ban Phát Triển và
Cải Cách Quốc Gia đề ra từ năm 2005 mà không tạo ra bước đột phá vì, theo sát
lý luận Mác-Lenin, địa phương nào cũng muốn bảo vệ cơ sở nền móng của công nghiệp
nặng. Và dẹp nhà máy thép thì ai sẽ đi dẹp loạn khi nhân công bị sa thải cứ
theo nhau xuống đường biểu tình? Chuyện ấy cũng đã xảy ra từ 10 năm trước, và
ngày nay vẫn còn mà ít được truyền thông quốc tế loan tải.
Việc tái cấu trúc ngành thép sở dĩ không kết quả vì sau vụ tổng
suy trầm 2008-2009, Bắc Kinh cần kích thích kinh tế nên lại tăng chi và bơm tín
dụng để khuếch trương đầu tư vào khu vực gia cư, địa ốc và xây dựng hạ tầng cơ
sở. Hậu quả bất lường là thổi lên bong bóng và bóng bể trên một đống sắt vụn.
Ngày nay, tình hình còn bết bát hơn vì kinh tế Trung Cộng bước
vào chu kỳ suy trầm có thể kéo dài cả chục năm, cho nên vừa qua, quốc vụ viện Bắc
Kinh lại cho phép thành lập thêm nhà máy thép, mỗi cơ sở có sản lượng chừng một
triệu tấn và các địa phương lại hồ hởi với bước nhảy vọt.
Để giải quyết chênh lệch cung cầu, thì nếu bán thép quả rẻ
không xong, ta sẽ bán cả gốc. Đấy là nguyên ủy của chiến lược đưa nguyên con từng
nhà máy thép ra ngoài. Brazil hay Ấn Độ là bãi đáp.
Thước đo bằng gang thép
Trong bối cảnh mờ ảo của chiến lược kinh tế thiên triều, kỹ
nghệ thép có thể là một khí cụ thông tin, là cái thước đo tâm trí của giới lãnh
đạo kinh tế, đứng đầu là Tập Cận Bình, một tay nắm chặt cả chục ấn tín lớn nhỏ.
Sau khi đã sản xuất thừa từ năm 2006, Trung Cộng vẫn sản xuất
thêm vào năm 2009 vì chiến lược lấy đầu tư làm lực đẩy cho đà tăng trưởng. Kết
quả là bong bóng địa ốc, gia cư và xây dựng với lượng thép ế chất đống. Chuyện
ô nhiễm thì khỏi nói, việc khan hiếm nước - nhà máy thép cần nước, trời ơi -
cũng khỏi lo vì địa phương nào cũng tìm ra mối lợi cho mình. Bớt thất nghiệp và
cứ ra mỗi tấn, đảng bộ địa phương lại trưng thu được một ít tiền thì cũng tốt
thôi.
Miễn rằng báo cáo lên trên là sản lượng có tăng là được rồi.
Vì vậy, lên lãnh đạo từ khóa 18 vào cuối năm 2012, Tập Cận
Bình mới tiếp thu nhiều di sản bất ngờ, trong đó có thép ế và mức lời của các
doanh nghiệp thép sụt mất gần 97% - nền móng gang thép bị lỗ chỏng gọng. Vì vậy,
việc cải cách và chuyển hướng kinh tế mới được đề ra từ cuối năm 2013: lấy tiêu
thụ nội địa làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất cảng. Nhưng lợi tức nội địa
không tăng thì lấy đâu ra tiêu thụ?
Và sau hai lần chuyển hướng bất thành thì nay lại chuyển về
hướng cũ: tiếp tục khuyến khích đầu tư vào ngành thép.
Năm ngoái, Trung Cộng sản xuất ra 800 triệu tấn thép và xuất
cảng 112 triệu tấn, còn nhiều hơn sản lượng thép của Nhật. Nghĩa là các địa
phương lại lao vào khu vực này để tránh loạn vì thất nghiệp. Tại trung ương, Bắc
Kinh bèn tìm ra hướng khác: xuất cảng nhà máy thép.
Một cách khái quát, chuyện gang thép mông lung ấy cho thấy
hai mục tiêu đối nghịch. Trung ương tập quyền thì muốn kiện toàn hệ thống sản
xuất cho có hiệu năng cao, tránh ô nhiễm và lãng phí. Các địa phương thì quan
tâm đến chuyện thiết thực trước mắt là tìm ra việc làm để dân khỏi biểu tình.
Mối hàn gang thép
Giải pháp xuất cảng thép từ gốc có thể nào dung hòa hai mục
tiêu trái ngược ấy không?
Sản lượng thép của Trung Cộng là 800 triệu tấn (million
metric tons, hay mmt). Dư thừa nên xuất cảng 112 triệu tấn với giá bèo và bị
các nước Âu Châu la trời về tội cạnh tranh bất chính. Trong khi ấy, công suất
thật của toàn quốc, kể cả các nhà máy lạc hậu của địa phương, đã vượt quá một tỷ
(một ngàn 113 triệu tấn). Chế độ Tập Cận Bình đề ra chỉ tiêu là trong năm năm
phải giảm sản lượng chừng 150 triệu tấn. Cho nên dự án bán nhà máy thép cho
Brazil là 10 triệu tấn, vĩ đại thật, nhưng vẫn quá ít so với công suất quá lớn.
Thôi, thà ít còn hơn không.
Nhưng nhà máy thép không có chân và di dời cả một hệ thống đồ
sộ này phải cần tiền.
Chuyện nhỏ: Bắc Kinh có China Development Bank (Quốc Gia
Khai Phát Ngân Hàng) là cơ chế tài trợ theo diện chính sách. Đó là cấp tín dụng
với giá rẻ để thi hành chánh sách kinh tế của nhà nước. Với sự bảo đảm của nhà
nước, định chế này có quyền phát hành trái phiếu và thừa khả năng cho các tập
đoàn quốc doanh, như Baosteel, Ansteel hay Wuhan Iron and Steel, vay tiền để đầu
tư vào loại dự án chiến lược tại các quốc gia khác.
Vì vậy, khi thiên hạ nói đến sự suy sụp kinh tế của thiên
triều, thế giới sẽ kinh ngạc vì nhiều công trường thép mang thương hiệu Trung Cộng.
Đấy là những mũi nhọn thuộc loại hiện đại nhất của Bắc Kinh. Tường thuật một
cách nông cạn thì sau Hoa Kỳ, rồi Nhật Bản, Nam Hàn, đến lượt Trung Cộng cũng
hiện diện trên trường quốc tế với các tập đoàn gang thép láng lẩy.
Nhưng mối hàn của Bắc Kinh vẫn không giải quyết được các vấn
đề xương tủy của gang thép:
Ở bên ngoài, sự xuất hiện của nhân công Trung Cộng với bệnh
khạc nhổ kinh niên không làm sáng danh thiên triều. Vả lại, các quốc gia tiếp
nhận đầu tư của Bắc Kinh cũng cần tìm việc làm cho nhân công của họ chứ không
chấp nhận trò chơi tô giới thép toàn nói tiếng Hoa như tại Việt Nam. Kỹ thuật hủy
thải phế vật cũng là vấn đề, vụ khủng hoảng của khu công nghiệp Vũng Áng ở Hà
Tĩnh là một nhắc nhở về bí quyết gây ô nhiễm môi sinh!
Và ở nhà, mấy trăm trung tâm gang thép lạc hậu vẫn cứ tồn tại
để tiếp tục nhả khói lên trời và bốc thép vào kho. Công ăn việc làm của thợ
thuyền địa phương là một mối nguy chính trị mà trung ương không thể vượt qua được.
Cho nên Bắc Kinh tìm ra giải pháp ngoạn mục khi đưa khả năng sản xuất 10 triệu
tấn thép ra ngoài, nhưng bên trong thì vẫn chưa khắc phục được hiện tượng sản
nhập, thừa thép. Và ở cuối chân trời xám ngắt là nguy cơ động loạn!
Kết luận ở đây là gì?
Bài này mới chỉ nói về gang thép. Thế còn than đá, xi măng,
thủy tinh và vật liệu xây dựng hay các nhà máy thủy điện cứ mọc lên như nấm? Và
khi xuất cảng nhà máy, thiên triều xuất cảng bao nhiêu khí thải? Chuyện môi
sinh Trung Cộng, xin để dịp khác!
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét