Bốn mươi năm trước, Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng
Văn hóa. Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền hiện đã ban
hành một lệnh cấm bất cứ loại ý kiến đánh giá lại hay hoạt động tưởng niệm nào
đối với thảm họa này như một phần nỗ lực của Đảng nhằm khiến người Trung Quốc
quên đi thập niên mất mát đó.
Tuy nhiên, khi lên án người Nhật thờ ơ về vụ Thảm sát Nam
Kinh trong Thế Chiến II, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố rằng việc lãng
quên quá khứ là phản bội nhân dân. Tuy nhiên, với nhân dân Trung Quốc, cuộc
Cách mạng Văn hóa chính nó là một sự phản bội, một điều tiếp diễn cho tới ngày
nay. Tất cả những sự kiện khủng khiếp sau đó, từ vụ thảm sát Quảng trường Thiên
An Môn, vụ đàn áp Pháp Luân Công và việc trấn áp các nhà hoạt động dân sự, tất
cả đều là hậu quả tai hại của một tội lỗi gốc khó gột rửa đó.
Cách mạng Văn hóa đánh dấu đỉnh điểm của việc tiêu diệt giai
cấp do Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành trong suốt những năm 1960. Những người
sống sót trong tất cả các phong trào chính trị trước đó bị mê hoặc bởi sự sùng
bái cá nhân của Mao, đã được xóa bỏ mọi hạn chế, có thể giết người và tìm cách
trả thù mà không bị trừng phạt. Như Mao đã tóm tắt trạng thái tâm lý này: “Bây
giờ là giai đoạn biến động, và tôi vui mừng về những hỗn loạn này”. Trong hướng
dẫn của ông có tên “Về các vụ cắn”, Mao khẳng định: “Có gì ghê gớm đâu? Người tốt
hiểu nhau bằng cách cắn nhau và người xấu xứng đáng bị như vậy khi họ bị những
người tốt cắn…”
Những người bạn cùng thế hệ của tôi luôn bình luận như thế
này khi tôi kể tôi sinh ngày 18 tháng 8: “Này, đó là ngày kỷ niệm Chủ tịch Mao
gặp mặt các Hồng vệ binh lần đầu tiên”. Tuy nhiên, các tháng năm sau đó đã bị
lãng quên một cách có chủ ý, đặc biệt là bởi chính các Hồng vệ binh. Đây là những
người, giống như Liên đoàn thanh niên Hitler (Hitler Youth), đã lật trang sử đẫm
máu của họ và không bao giờ (muốn) nhìn lại.
Theo Wang Youqin, tác giả của cuốn sách Victims of the
Cultural Revolution (Những nạn nhân của Cách mạng Văn hóa), sau khi Mao tiếp
đón các Hồng vệ binh và hướng dẫn họ thực hiện “đấu tranh vũ trang”, hơn 1.700
người đã bị đánh đập, bị dìm nước hoặc làm bỏng đến chết. 100.000 người khác đã
bị đuổi ra khỏi nhà.
Chỉ trong mấy tháng, một phong trào toàn diện, dưới khẩu hiệu
“cách mạng hóa văn hóa Trung Quốc” nhằm “phá bỏ nền văn hóa cũ, các truyền thống
cũ, tư duy cũ và các phong tục cũ” đã diễn ra ác liệt trên khắp đất nước này.
Những người có nguồn gốc “địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu, cánh hữu”
nằm trong số những người đầu tiên bị trừng phạt. Trong cơn tuyệt vọng để cứu mạng
sống cho chính mình, các gia đình đã tự nguyện đập phá tài sản và nghiền nát
các bức tranh hoặc thư pháp cổ của họ.
Các vụ “đốt sách, chôn nho” đã từng diễn ra trong lịch sử,
nhưng không trường hợp nào quyết liệt bằng thứ lực lượng tàn phá do Mao phát động.
Chẳng bao lâu sau, các di tích cổ cũng bị phá hủy. Thi hài của những nhân vật lịch
sử, như Trương Chi Động (Zhang Zhidong), một vị quan lớn triều Thanh, đã bị
khai quật, với những thi thể bị phân hủy được treo trên cây.
Cuối cùng, bất kỳ ai, từ Chủ tịch nước tới công dân bình thường,
đều có thể bị chỉ trích, bị quy kết là đồ “ngưu quỷ xà thần”, bị bức hại và liệt
vào danh sách phải chết. Người ta giết người để bảo vệ Mao, và những người bị xử
tử hét to: “Mao Chủ tịch muôn năm!” trên đường ra nơi bị xử tử.
Tại tỉnh Quảng Tây, nơi một vài vụ bạo lực tồi tệ nhất xảy
ra, gần 100.000 người đã bị giết hại trong tháng Bảy và tháng Tám năm 1968.
Trong văn bản chính thức “Đại sự ký Cách mạng Văn hóa ở Quảng Tây”, nhiều trẻ
sơ sinh xuất hiện trong danh sách những người thiệt mạng. Tác giả Zheng Yi đã
tường thuật riêng ở huyện Vũ Tuyên, hơn 100 người đã bị ăn thịt, bởi việc ăn
tươi nuốt sống kẻ thù là cách duy nhất để chứng minh lòng yêu mến đối với Mao.
Gan, mắt và não được móc ra trong khi các nạn nhân vẫn còn sống.
Mao còn khuấy động một làn sóng các vụ bức hại khác năm
1968. Trong vô số các “vụ tự tử”, nhiều người đơn giản là đã bị cắn tới chết hoặc
tự kết liễu mạng sống của chính họ khi nỗi đau vượt quá sức chịu đựng. Ở Bắc
Kinh, những cái chết đã diễn ra phần lớn ở những khu vực có cây cối và các hồ
nước. Wang Youqin tường thuật vào ngày 4 tháng 11 rằng bốn thi thể được tìm thấy
nổi trên mặt hồ của Di Hòa Viên. Tổng cộng 63 người đã bị giết hại tại trường Đại
học Bắc Kinh danh tiếng.
Mao qua đời trong khi vẫn đang mong muốn kết liễu nền văn
hóa Trung Quốc. Riêng cuộc Cách mạng Văn hóa của ông đã giết hại tới khoảng hai
triệu người, phá vỡ các truyền thống, nhổ tận gốc các giá trị tinh thần và đạo
đức, và xé nát các quan hệ gia đình và sự gắn bó xã hội. Những người đã trải
qua cuộc cách mạng này đã cố gắng lãng quên, bởi nỗi đau, vốn còn lớn hơn khi
tim bị trúng đạn, đã đè nặng tâm hồn họ.
Tồi tệ hơn tất cả, những tội ác của Mao chống lại nền văn
minh, không giống những tội ác của Hitler chẳng hạn, vẫn đang tiếp diễn. Đảng Cộng
sản Trung Quốc vẫn đang sử dụng các phương pháp “tẩy não” của Mao, đồng thời di sản của ông vẫn tiếp tục được chính
thức tôn thờ. Chân dung và thi thể của ông vẫn được trưng bày tại Quảng trường
Thiên An Môn ở Bắc Kinh, và khuôn mặt của ông xuất hiện trên những tờ tiền giấy
trong ví của mọi người dân Trung Quốc, nhiều người trong số họ có cha mẹ, con
và những người thân yêu khác chết dưới lưỡi dao của Mao.
Không có gì ngạc nhiên khi người dân Trung Quốc nhìn vào
chính trị với một sự cẩn trọng xen lẫn sợ hãi. Những nhân vật của công chúng
luôn nỗ lực tránh xúc phạm Đảng, công khai tán thành thái độ thờ ơ như là công
cụ quan trọng nhất để đảm bảo sự sống còn. Tháng trước, tôi có xem một chương
trình truyền hình có sự tham gia của Hàn Mỹ Lâm (Han Meilin), một họa sĩ nổi tiếng.
Trong phát biểu bế mạc của ông, ông đã phát biểu những câu đầy khôn ngoan trước
khán giả: “Những người bàn quang muôn năm!”.
Han Meilin đã bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa. Tuyên bố của
ông đã được đáp lại bởi một tràng pháo tay giòn giã từ khán giả trường quay.
---
Ma Jian (Mã Kiến) là nhà văn, tác giả của cuốn Beijing Coma,
và gần đây nhất là cuốn The Dark Road.
Nguồn: Ma Jian, “The Revolution will not be memorialized”,
Project Syndicate, 31/05/2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét