Một trăm ngàn người tham dự màn trình diễn có lẽ là độc nhất
vô nhị trên Trái Đất.
Trong bóng râm đổ xuống từ sân vận động Mùng 1 tháng Năm khổng
lồ ở Bình Nhưỡng, bọn trẻ con trong bộ đồ ballet hồng ríu rít tán chuyện.
Bốn người lính đứng cùng nhau chụp ảnh, và một trung đội các
thiếu nữ xinh đẹp mặc quân phục (váy ngắn cũn cỡn, ủng đen cao tới đầu gối) diễu
hành đều tăm tắp qua bãi đỗ xe.
Buổi trình diễn tập thể khổng lồ đang diễn ra và bầu không
khí đầy phấn khích.
Buổi trình diễn là chương trình tuyên truyền đồ sộ của nhà
nước Bắc Hàn, kéo dài suốt 90 phút trong tiếng nhạc, những điệu nhảy và các vũ
điệu thể dục nhịp điệu.
Chương trình được hàng chục ngàn người thưởng thức - mà nhiều
người được đơn vị, cơ quan của mình đưa tới từ các vùng nông thôn tới - trong
sân vận động có sức chứa lớn nhất thế giới.
Điều gây kinh ngạc nhất trong các màn trình diễn này là sự
màu mè rực rỡ vô cùng.
Hầu hết buổi biểu diễn là cảnh các diễn viên trong trang phục
lấp lánh trang kim thực hiện những màn thể dục nhào lộn siêu phẩm.
Khác với các gánh xiếc nổi tiếng thế giới, những người biểu
diễn ở đây đa phần là trẻ em.
Các chương trình trình diễn tập thể của Bắc Hàn ngày càng trở
nên to lớn hơn, quy mô hơn, và theo chủ nghĩa vị lợi nhiều hơn.
Giống như buổi lễ khai mạc của Olympic Bắc Kinh 2008, những
buổi trình diễn tập thể khổng lồ của Bắc Hàn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa
các mục tiêu chính trị và mức độ nghệ thuật hoành tráng.
Đó không chỉ đơn giản là một màn phô trương sức mạnh tại
chính Bắc Hàn và ra thế giới bên ngoài.
Với người dân Bắc Hàn, các buổi trình diễn tập thể là cơ hội
để thể hiện nghệ thuật, cho dù đó là âm nhạc, là vũ điệu, hay kịch nghệ. Và đan
quyện trong đó là câu chuyện những gian khó phải vượt qua của cuộc cách mạng.
Những năm cơ cực dưới sự đô hộ của Nhật được thể hiện qua những
giai điệu xúc động, làm lay động tâm hồn, với những hoạt cảnh đau khổ não nùng.
Trong một cảnh, hàng ngàn người rung lắc những cái cây màu bạc
(do các diễn viên hoá trang thành cây) lấp lánh trong bão tuyết.
Rồi trong một cảnh khác, những người tỵ nạn tuyệt vọng bỏ chạy
khỏi người Nhật.
Sấm chớp đùng đoàng, xiềng xích nổ tung, rồi trên bầu trời
xuất hiện một vì tinh tú. Đó là cảnh kể về sự chào đời năm 1912 của Kim Nhật
Thành, người được tuyên bố là lãnh tụ vĩnh viễn của Bắc Hàn kể từ sau khi ông
qua đời.
Được tôn sùng, ông trở thành mặt trời, toả chiếu ánh nhân từ
lên toàn sân vận động.
Được trình diễn hàng năm trong thời gian từ tháng Tám tới
tháng Mười, đây là một sự kiện tôn thờ tập thể ở tầm quốc gia được thực hiện một
cách hoàn hảo, đòi hỏi sự hy sinh tuyệt đối của từng cá nhân trong tập thể đó.
Hơn 1 triệu giờ công lao động được dùng để tạo nên màn trình
diễn đó, nếu tính đến giá trị xã hội.
Hồi 1987, ông Kim Chính Nhất tuyên bố rằng rèn luyện thể dục
tập thể tạo nên "thể chất lành mạnh, khoẻ khoắn, mức độ tổ chức cao, tính
kỷ luật và tinh thần tập thể ở trẻ em".
Kể từ 2002, các màn trình diễn tập thể khổng lồ được dựng dựa
trên Arirang, một câu chuyện dân gian Triều Tiên tương tự như chuyện Romeo và
Juliet.
Những người yêu nhau bị chia lìa bởi các thế lực ngoại bang,
và nó thể hiện cho sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên sau Cuộc chiến Triều Tiên
tàn bạo.
"Màn trình diễn tập thể khổng lồ được dựa trên khát vọng
thống nhất đất nước từ trăm năm nay của chúng tôi," người hướng dẫn viên Bắc
Hàn của tôi nói. "Điểm chính ở màn trình diễn này là sự chia rẽ dân tộc.
Đây là một bi kịch rất thê lương."
Những làn sóng
Tuy nhiên, bi kịch lại có vẻ như là thứ ít được quan tâm nhất
trong tâm trí của 20 ngàn học sinh có mặt trên toàn bộ một bên khán đài.
Bằng việc lật đồng thời lần lượt 150 trang của quyển sách được
chuẩn bị sẵn, các em tạo nên những hình ảnh ghép được thay đổi liên tục. Điều
này tạo nên hậu cảnh khổng lồ minh hoạ cho câu chuyện đang được trình diễn trên
sân vận động.
Mỗi cột ghế theo chiều dọc khán đài là học sinh của một trường
khác nhau. Các em náo nức lật những trang giấy của mình trong lúc đồng thanh
gào to, mỗi nhóm lại cạnh tranh với các nhóm khác xem ai gào to hơn, tạo nên một
làn sóng âm thanh đinh tai nhức óc.
Sức mạnh quân sự của đất nước cũng được thể hiện một cách đầy
đam mê. Chẳng hạn như vụ thử hạt nhân hồi năm 2013 đã được diễn tả trong chương
trình của năm 2014 và được chiếu lên một màn hình khổng lồ. Hoặc những hoạt cảnh
về nông thôn, điền viên thơ mộng.
Nạn đói, sự kiện đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người
hồi thập niên 1990 hoàn toàn bị phớt lờ.
Sân vận động ánh sáng
Sau đó, các diễn viên xuất hiện phía trên, những cơ thể uốn
lượn trong màn biểu diễn ballet trên không, rồi từ từ hạ xuống những tấm lưới
trong, mắt thường khó nhìn thấy.
Được chiếu sáng bằng những chiếc đèn chiếu tập trung trong
lúc cả sân vận động tắt đèn tối đen, họ khiến tôi nghĩ tới những con thiêu
thân.
Những khoảnh khắc chói loà đó khiến tôi có lúc quên phắt đi
chuyện màn trình diễn tập thể khổng lồ thực ra là sản phẩm của một chế độ toàn
trị, nhằm mục đích phô trương sức mạnh cơ bắp và tinh thần.
Trên một bên khán đài, những hình ảnh hậu cảnh trên vẫn liên
tiếp thay đổi, bắt mắt khán giả. Có thể đó là cảnh bình thường, có thể là cảnh
sợ hãi. Một hình ảnh cho thấy một khu nhà mới xây ở Bình Nhưỡng do ông Kim
Chính Nhất khai trương. Một hình ảnh khác là bức tranh hoạt hình cậu bé ghi bàn
vào lưới.
Nhưng có hai cảnh 'đinh' - những bức chân dung ông Kim Nhật
Thành và Kim Chính Nhất cũng được thể hiện - và các em phải thao tác cùng nhau
thật nhịp nhàng, sao cho không được có bất kỳ tì vết nào - điều được cho là bất
kính - trên khuôn mặt của các vị lãnh tụ.
Những người chỉ trích màn trình diễn tập thể khổng lồ của Bắc
Hàn đã so sánh nó với Nuremberg Rallies - màn diễu hành thường niên - của Đệ
tam Đế chế phát xít Đức, nơi sự sùng bái cá nhân và chủ nghĩa dân tộc cực đoan
được thể hiện.
Họ cũng chỉ ra rằng màn trình diễn này sử dụng tới trẻ em,
mà có những em mới chỉ năm, sáu tuổi.
"Đó không phải là một xã hội mà bạn có thể nói Không. Bạn
phải làm theo yêu cầu," Nick Bonner, sáng lập viên Koryo Tours, người tôi
đi cùng tới Bắc Hàn, nói.
Bonner đã đi theo hai diễn viên thiếu niên trong thời gian
tám tháng để làm bộ phim tài liệu đột phá, A State of Mind, trong lúc các em
chuẩn bị cho việc tham gia màn trình diễn khổng lồ hồi 2003.
Bộ phim cho thấy một cách tinh tế việc con người ta đã bị
tuyên truyền ra sao để tin tưởng vào lý tưởng quốc gia.
Trong A State of Mind, các bé gái từ 11 đến 13 tuổi tập luyện
ngoài trời trên nền xi măng trong thời tiết dưới 0 độ C. Lịch tập của các em
căng thẳng trong những tháng trước ngày trình diễn, từ ba giờ một ngày trước đó
lên tới tám giờ.
Các em được tuyên truyền rằng các em có thể sẽ được biểu diễn
cho Kim Nhật Thành xem, người được coi là cha già dân tộc.
Mất mặt cũng là một yếu tố khác nữa: Nếu một người không đạt
thì cả nhóm sẽ không được tham gia. "Không có câu hỏi nào hết, mọi người
phải nỗ lực và phải tuân thủ 110%. Đó là chuyện bình thường cho những đứa trẻ ở
tuổi đó," Bonner nói.
Màn trình diễn cuối là màn pháo hoa tưng bừng và lời chào
thân thiết tới Trung Quốc và Nga.
Nga mới được đưa vào lần đầu tiên trong màn trình diễn năm
2014, và được đại diện bằng những chú gấu Nga nhảy múa.
Cảnh bế mạc là lời chúc cho hoà bình thế giới: một quả địa cầu
được đặt chính giữa sân khấu, với Bắc Hàn bừng sáng trong màu đỏ.
Hàng chục ngàn người biểu diễn tràn vào ngập kín sân vận động
đúng vị trí với độ chính xác tuyệt đối, tay vẫy đều những chùm hoa Kimjongilias
khổng lồ (là thứ hoa sặc sỡ được đặt tên theo tên của ông Kim Chính Nhất).
Nó nhắc ta nhớ rằng đất nước này dùng cả những hoạt cảnh
đông người và nghệ thuật trình diễn để phục vụ cho các mục đích chính trị.
Ngồi trên chuyến xe buýt du lịch trên đường về khách sạn,
tôi nói chuyện với hướng dẫn viên trẻ, khoảng ngoài 20 tuổi.
Từng tham gia một lần trình diễn như thế này hồi 10 năm về
trước, cậu nhớ lại kỷ niệm cũ với nụ cười trên môi.
Tám tháng tập luyện thật vất vả, thậm chí có lúc khổ sở.
Nhưng, cậu nói, như thế cũng bõ công. "Với chúng tôi thì điều quan trọng
nhất, quý giá nhất là làm vui lòng các nhà lãnh đạo."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét