Cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người
thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh bị bắt giữ với cáo buộc
‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Photo
of FB Nguyen Van De
‘Hãy ngưng ngay đàn áp tại Việt
Nam’ là kêu gọi do liên minh gồm 10 tổ chức của các nhóm nhân quyền Việt Nam
cùng quốc tế đưa ra với chính quyền Việt Nam vào ngày 16 tháng 10.
Nội dung nêu rõ trong nước đang
diễn ra một chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với quyền tự do biểu đạt từ đầu
năm 2017 đến nay. Các nhà đấu tranh dân chủ và bất
đồng chính kiến trong nước có nhận định gì về sự gia tăng đàn áp này?
Một kế hoạch đã có từ đầu năm 2017
Bản thông cáo báo chí mang tên
Stop the Crackdown in Vietnam - Ngưng Ngay Đàn Áp tại Việt Nam ghi nhận tính
cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ hoặc buộc phải
đi lưu vong ít nhất 25 nhà hoạt động ôn hòa và blogger. Trong đó cũng nêu rõ
tên của những người đang thụ án hoặc đang bị giam giữ như bà Trần Thị Nga, cựu
tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và luật sư
Nguyễn Văn Đài.
Một diễn biến mới nhất là ngày 18
tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành bắt giữ khẩn cấp cô Trần Thị
Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh với
cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự
Việt Nam.
Nhận định về nguyên nhân của sự
gia tăng đàn áp này, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho biết theo anh, đây là một kế
hoạch đã có từ đầu năm 2017 của nhà cầm quyền Việt Nam.
“Kể từ đầu năm 2017 trở lại đây,
số lượng đàn áp, bắt bớ đã gia tăng lên. Đặc biệt trong khoảng thời gian này rất
nhiều anh em đã bị bắt. Riêng ở Nghệ An, 1 số anh em đã bị bắt rồi như chú Lê
Đình Lượng, Hoàng Bình, những người liên quan đến hoạt động môi trường thì đã bị
bắt và bị khởi tố cũng như bị truy nã. Trong thời gian hiện tại, có 1 số anh em
khác đã bị nhà cầm quyền bao vây, cho công an theo dõi, bố ráp quanh khu vực.
Điều đó chứng tỏ họ đã quyết tâm
sẽ dập tan những người bất đồng chính kiến và họ đang gia tăng khủng bố tinh thần
rất trầm trọng.”
Nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn nhấn mạnh
thêm nhà cầm quyền Việt Nam đã có ý định đàn áp không chỉ ở miền Trung mà trên
cả nước. Theo lời anh Sơn, đặc biệt ở miền Trung, bắt đầu năm 2017, Bộ trưởng
Công an Tô Lâm cũng như Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, trưởng công an tỉnh Nghệ An đã
ra 1 thông báo là sẽ đập tan các ổ nhóm phản động, nhất là khu vực miền Trung,
Nghệ An.
Nhắc lại diễn biến vào ngày 27
tháng 9, tại Nghệ An, cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng bị bắt khi đang ăn cơm
trưa cùng một số bạn hữu gần giáo xứ Song Ngọc, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ
An, với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt
Nam.
Kỳ họp APEC?
Bên cạnh đó, mạng xã hội trong nước
những tuần qua liên tục đăng tải thông tin về những người bày tỏ chính kiến bị
đàn áp, sách nhiễu. Phổ biến nhất là họ nhận được giấy triệu tập, hay còn gọi
là giấy mời, như trường hợp của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, cựu tù
chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vào ngày 18 tháng 10 bị cơ
quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả
lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.
Có một lý do khác dẫn đến sự gia
tăng đàn áp này được nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn chia sẻ.
“Theo tôi nghĩ có thể là sau hội
nghị Trung ương 6 lần thứ 12 và để chuẩn bị cho kỳ họp APEC vào tháng 11 năm
2017 tới đây, họ lo sợ những nhà hoạt động nhân quyền cũng như những người đấu
tranh trong nước sẽ có những hành động gì để gây trở ngại nên họ gia tăng đàn
áp.”
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, từ Hà
Nội cho RFA biết cá nhân anh có một suy nghĩ khác, không hẳn là vì lý do hội
nghị APEC sắp diễn ra vào tháng 11 sắp đến.
“Cũng có nhiều người nói rằng do
APEC nhưng tôi nghĩ đấy không phải là lý do chính.
Theo tôi lý do chính ở đây là có
2 vấn đề. Thứ nhất, chính quyền Nghệ An và Hà Tĩnh đang ráo riết khủng bố và bắt
giữ người lên tiếng phản đối Formosa và những người hoạt động xã hội phản đối lại
họ.
Lý do thứ hai tôi thấy phần lớn
các anh em bị bắt có sinh hoạt trong 1 số hội nhóm mà cũng từng bị bắt trước
đây như Hội Anh Em Dân Chủ hoặc là 14 thanh niên công giáo.
Đợt này theo quan điểm cá nhân của
tôi không hẳn là do APEC. APEC chỉ là vấn đề phụ.”
Cũng có nhiều người nói rằng do APEC nhưng
tôi nghĩ đấy không phải là lý do chính - Lã Việt Dũng
Theo quan điểm nhà hoạt động Lã
Việt Dũng chia sẻ, khi một thành viên của một hội nhóm bị bắt thì những thành
viên sẽ bị bắt theo. Điển hình là sự việc của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn
Túc, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, bị
bắt ở Thái Bình vào sáng ngày 1 tháng 9.
Chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng
qua, Việt Nam đã tiến hành bắt giam và khởi tố 5 thành viên và 1 cựu thành viên
của Hội Anh Em Dân Chủ theo điều 79, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, bao
gồm Mục sư Nguyễn Trong Tôn, Nhà báo tự do Trương Minh Đức, Kỹ sư Phạm Văn Trội,
Luật sư Nguyễn Bắc truyển, ông Nguyễn Văn Túc, ông Lê Đình Lượng.
Một chuyện mà những ai theo dõi
tình hình chính trị Việt Nam đều có thể biết, Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức
xã hội dân sự do Luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập.
Hiện tại, luật sư Nguyễn Văn Đài
đang bị bắt giam với cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ luật Hình Sự, tuyên truyền chống
nhà nước. Hôm 30 tháng 7 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An đã ra quyết
định truy tố thêm tội danh theo điều 79.
Không đưa ra một nguyên nhân cụ
thể như nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn và Lã Việt Dũng, cựu tù nhân lương tâm Trần
Vũ Anh Bình có nhận định chung về hiện trạng này.
“Khi mà nhà cầm quyền họ cảm thấy
nó có 1 điều gì đó ảnh hưởng sự sống còn của họ thì buộc lòng họ bắt người này,
bắt người nọ.”
Do đó, theo nhà hoạt động Lã Việt
Dũng, rất khó để dự đoán được sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền sẽ như thế
nào trong tương lai, cũng như còn bao nhiêu người nữa sẽ bị bắt giữ. Đặc biệt,
ông nói rằng tình hình chính trị thế giới nói chung và trong nước nói riêng
hoàn toàn không thuận lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét