Một gia đình người Hmông đang đi
bộ giữa những ngôi nhà bị phá hủy sau trận lũ quét tại Mù Cang Chải, Yên Bái,
hôm 4 tháng 8 năm 2017. Photo: AFP
Chết bởi nhân tai?
Số người thiệt mạng trong các đợt
mưa lũ hàng năm tại Việt Nam lên đến hàng chục hay hàng trăm người. Và dư luận
càng thêm phẫn nộ khi các cơ quan chức năng luôn khẳng định đã ứng phó với
thiên tai một cách “đúng quy trình”.
“Hôm bị bão lũ, chỗ khe suối bé
tí thôi nhưng nước nhiều và chảy rất xiết. Lúc ấy tầm 3:30 sáng, cậu em vẫn ở
trong lán và bị lũ cuốn trôi. Ở đó cũng có mấy nhà hàng xóm bị trôi. Có một nhà
mất luôn 5 người, với lại một nhà khác bị mất một đứa con.”
Đây là chia sẻ của một cô gái dân
tộc Thái, ở bản Hát, xã H Lìu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái về người cậu tên Mè
Văn Hướng bị lũ cuốn trôi vào khi trời chưa sáng trong ngày 11 tháng 10 và đến
ba ngày sau mới tìm được xác cách xa tận 50 cây số.
Không chỉ có 7 người bị thiệt mạng
tại bản làng của người thiểu số như vừa nêu mà có đến 72 người chết, 30 người bị
mất tích và 33 người bị thương trong đợt lũ lịch sử vừa qua ở khu vực các tỉnh
miền Bắc và Bắc Trung Bộ, theo thông báo trên website của Chính phủ Việt Nam,
đăng tải vào ngày 16 tháng 10.
Trước những số liệu về thiệt hại
tài sản và nhân mạng được cho là quá nhiều chỉ trong vòng vài ngày mưa lũ quét
qua, dư luận dấy lên sự phẫn nộ tột cùng khi giới chức của các cơ quan chức
năng tuyên bố “Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy là hoàn toàn đúng quy trình”
hay “Đê Hữu Bùi tại Chương Mỹ, Hà Nội vỡ theo kế hoạch” và “Trong đó có nguyên
nhân chủ quan của người dân”.
Trong tình thế thiên tai diễn ra
liên tục khắp nơi trên toàn cầu và Việt Nam nằm ở vị trí nhìn ra biển Đông nên
hứng chịu tai hoạ của thiên nhiên là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điệp
khúc thương tâm mà người dân phải nhận lãnh trong mỗi mùa mưa lũ hàng năm bị
quy cho là lỗi bởi “nhân tai”, trong đó, chính quyền không thừa nhận trách nhiệm
thuộc về họ.
Một ví dụ điển hình qua câu hỏi của
cư dân mạng, có tên GV Tran rằng “hàng ngàn héc-ta rừng biến mất lâu nay, mưa
triền miên nhiều ngày, thủy điện Hòa Bình xả 8 cửa đập vào sáng ngày 11, nước từ
thượng nguồn đổ về theo con thác Khanh, tạo ra nhiều thác nước trải dài từ trên
triền núi. Rạng sáng ngày 12, lở núi xóm Khanh. Có sự liên quan nào không?” Thế
nhưng những thắc mắc như vậy được lãnh đạo đập thủy điện Hòa Bình, ông Đặng Trần
Công giải thích với báo chí là người chết không phải do xả lũ của hồ gây ra, mà
bởi mưa lớn gây sạt lở đất, lũ cuốn ở sông và suối nhỏ.
Trong khi đó, vào chiều ngày 16
tháng 10, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài
cho rằng một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở là do phá rừng.
Ông Trần Quang Hoài còn nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục trả giá vì nhiều rừng và
đồi núi đã bị “cạo trọc”.
Cần làm gì để giảm thiểu?
Để tìm kiếm giải pháp làm thế nào
đối phó với nạn phá rừng tại Việt Nam, Đài RFA trao đổi với một số chuyên gia ở
trong nước và được cho biết có hai biện pháp cấp thiết, bao gồm các cơ quan
pháp luật phải nghiêm khắc trong việc kiểm soát chống lại lâm tặc và cần làm
cho người dân ý thức bảo vệ nguồn lợi rừng.
Mặc dù vậy, giải pháp thứ nhất dường
như gặp nhiều thách thức vì những vụ phá rừng mới nhất, bị phát hiện trong năm
2017, có sự cấu kết giữa lâm tặc với chính quyền. Truyền thông quốc nội, trong
tháng 7 và tháng 8 vừa qua, đưa tin vụ phá rừng gỗ quý pơ-mu ở Quảng Nam và phá
rừng ở Yên Bái có sự thông đồng của công an biên phòng với lâm tặc hay có người
chống lưng cho những hoạt động này.
Về giải pháp thứ hai, theo ghi nhận
của chúng tôi, nhiều chuyên gia đã từng nghiên cứu cũng như đề nghị với Chính
phủ Hà Nội từ những thập niên trước và đến nay các đề nghị này vẫn không được lắng
nghe.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Phó Viện
trưởng Viện Xã hội học Việt Nam cho biết ông từng tham gia trong một nhóm
nghiên cứu về Tây nguyên. Các chuyên gia đã nhìn thấy viễn cảnh hậu quả mà quốc
gia phải gánh chịu do tình trạng phá rừng từ khi có chương trình “kinh tế mới”
và dù người dân tộc thiểu số gắn bó mật thiết với rừng nhưng họ cũng bắt chước
người Kinh phá rừng vì nhu cầu đời sống thường nhật. Giáo sư Tương Lai nói với
RFA:
“Cách đây 30 năm, trong một đề
tài nghiên cứu về Tây nguyên những năm 80. Lúc bấy giờ chúng tôi đi nghiên cứu
và thấy rằng vì đồng bào ở Tây nguyên khổ quá, người ta phải phá rừng đốt nương
làm rẫy nên chúng tôi có một kiến nghị là giảm bớt lượng xuất khẩu gạo và lấy gạo
xuất khẩu ở đồng bằng Sông Cửu Long mang lên miền núi nuôi dân để dân bảo vệ rừng.
Như vậy, rừng được bảo vệ, dân được no và đất nước sẽ được quản lý. Bởi vì phá
rừng thì 30-50-100 năm sau, đất nước sẽ chịu thảm họa môi trường. Giấy tờ kiến
nghị vẫn còn đây. Tôi đang còn giữ cuốn sách ‘Tây nguyên trên đường phát triển’,
trong đó có kiến nghị của chúng tôi, nêu rất rõ, ký tên hẳn hoi. Nhưng mà chả
ai nghe cả.”
Sau đợt lũ lịch sử hồi trung tuần
tháng 10, nhiều cư dân mạng lên tiếng kêu gọi đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần
thiết tổ chức các hội thảo khoa học để giảm thiểu những thiệt hại về người và của
trong mùa mưa lũ, như Facebooker Nguyễn Phước Anh Dũng, hiện làm việc tại trường
Đại học Chulalongkorn University, Thái Lan chia sẻ đã từng nghiên cứu đề tài
liên quan đến việc điều tiết xả lũ đập thủy điện một cách hiệu quả và ông sẵn
sàng tham gia nếu Nhà nước Việt Nam cho phép; hay cư dân mạng Loi Phan, ở Đức lên
tiếng sẽ quyên góp một tháng lương cho các nghiên cứu khoa học xoay quanh chủ đề
“Xả lũ đập thủy điện, nguyên nhân, hậu quả và cách chống lại".
Giáo sư Tương Lai cũng cho rằng rất
cần tổ chức các hội thảo khoa học như thế, nhưng phải mời những chuyên gia tài
giỏi và trung thực chứ không nên tổ chức mang tính chất hình thức với rất nhiều
chuyên gia đến tham dự để phát biểu những điều ”bốc thơm” nhằm mục
đích làm vừa lòng lãnh đạo mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét