Người dân Venezuela xếp hàng mua giấy vệ sinh và tã trẻ em tại Caracas.REUTERS/Carlos Garcia Rawlins
L’Obs tuần này nhìn sang Venezuela tại châu Mỹ La-tinh, viết về « Maduro, nhà độc tài vùng Caribê ».
Lũng đoạn tư pháp, vô hiệu hóa Quốc hội, tra tấn những người đối lập
trong lúc dân tình đói khổ…Trong ba năm qua, người kế nhiệm Hugo Chavez
đã dập tắt những ngọn lửa leo lét cuối cùng của cuộc cách mạng Bolivar.
Thiếu đói, ba phần tư dân số sụt mất 9 kí lô
Tờ
báo cho biết, theo nghiên cứu của một trường đại học, chỉ trong một năm
qua, gần ba phần tư người dân Venenezuela đã bị sụt mất trung bình 9 kí
lô. Sữa, mì, dầu ăn, trứng…tất cả đều thiếu thốn. Giáo viên bỏ lớp, bác
sĩ rời bệnh viện để đi xếp hàng mua thực phẩm, xà bông…Họ phải chọn
lựa, hoặc xếp hàng 5 đến 10 tiếng đồng hồ một ngày, hoặc phải trả cái
giá gấp năm lần khi mua ngoài chợ đen. Có thể làm gì khác hơn, khi một
giảng viên đại học đầy kinh nghiệm lương chỉ có 40 đô la mỗi tháng ?
Tại
các khu lao động cũng như những khu phố sang trọng của thủ đô Caracas,
người dân phải đi lục thùng rác. Mùa hè vừa qua, có những con thú biến
mất khỏi sở thú, cảnh sát cho rằng những người bắt cóc chúng là để ăn
thịt. Có đến 9/10 hộ gia đình khẳng định không có đủ thức ăn, và 10
triệu người mỗi ngày chỉ ăn một bữa, hầu hết là để nhường phần cho con.
Ông Pedro José Garcia Sanchez, nhà xã hội học Venezuela nay sống ở Paris
thổ lộ với tuần báo L’Obs : « Tôi nhận được những email đầy tuyệt
vọng của bạn bè cũ, các giảng viên, cán bộ, van nài tôi giúp đỡ. Trước
đây khi về Caracas, tôi mang theo gan béo, rượu vang ngon làm quà, thì
bây giờ các va li của tôi nhét đầy những mặt hàng thiết yếu ».
- Đọc thêm: Venezuela : Dân quá đói phải đi bới rác
Ngày
lại ngày, đất nước chìm dần vào khủng hoảng, còn tổng thống Nicolas
Maduro lại chối bỏ thực tế, từ chối viện trợ lương thực. Từ năm 2014,
khi các siêu thị bắt đầu trống rỗng, ông kêu gọi « Đừng tiêu thụ quá trớn ». Maduro tố cáo « những kẻ tư bản lợi dụng » đã đầu cơ, tạo ra nạn khan hiếm giả tạo ; và các « đế quốc », đứng đầu là Mỹ, đã « bức hại Venezuela về tài chính ».
Ông mặc kệ hai triệu người dân Venezuela phải tị nạn ở Brazil, Ecuador
hay Colombia – những nước láng giềng nghèo mà trước đây Venezuela nhìn
bằng nửa con mắt. « Ai không yêu nước mình thì cứ việc ra đi, chúng ta không cần họ ».
Cực tả châu Âu vẫn bênh vực đất nước của «chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21»
Bạo
lực của lực lượng an ninh đã làm ít nhất 115 người chết từ tháng Tư đến
tháng Bảy ? Đó là do lỗi của người biểu tình. Bắt bớ các lãnh đạo đối
lập ? Đó là những kẻ muốn đảo chính. Giựt dây tư pháp, gây áp lực lên
báo chí, hủy trưng cầu dân ý vì biết sẽ thua, vô hiệu hóa Quốc hội từ
khi đối lập chiếm đa số năm 2016…Trong ba năm, ông Maduro đã phá sập
từng thành lũy một của dân chủ, và mới nhất là việc dựng lên Quốc hội
lập hiến, thâu tóm mọi quyền lực.
Nhà xã hội học Garcia Sanchez khẳng định : « Rõ ràng đó là một chế độ kiểu Stalin áp đặt một cách tuần tự, khiến nó trở nên hết sức hiệu quả ». Cũng như nhiều nhà ly khai khác, ông ngạc nhiên trước sự im lặng của cộng đồng quốc tế.
Theo L’Obs, đó là vì phe cực tả khắp châu Âu vẫn dành cảm tình cho « chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21 »
mà Hugo Chavez hứa hẹn. Ngay tại Pháp, thủ lãnh đảng cực tả Nước Pháp
Bất Khuất là ông Jean-Luc Mélenchon chưa bao giờ có một lời nào phê
phán. Khi gọi Nicolas Maduro là « nhà độc tài », tổng thống
Emmanuel Macron đã bị phe này chỉ trích dữ dội. Nhưng liệu có cách gọi
nào khác cho một chế độ đang giam giữ ít nhất 600 tù nhân chính trị,
trong những điều kiện tồi tệ ? Những bằng chứng do Human Rights Watch
thu thập được cho thấy những người tù bị bỏ đói, không cho ngủ, tra tấn,
bị buộc phải ăn phân…
Chiếc bóng của Cuba
Ông
Hector Navarro, cựu bộ trưởng thời Chavez cho biết, Hugo Chavez trước
đây biết lắng nghe, còn Nicolas Maduro chỉ thích bao quanh mình là những
kẻ phỉnh nịnh. Xuất thân là tài xế xe buýt, Maduro là nhà hoạt động
nghiệp đoàn đầy tham vọng, quen điều hành những cuộc biểu tình, « một kẻ quấy rối chuyên nghiệp ».
Maduro nhanh chóng leo lên những bậc thang của Liên đoàn Xã hội, một
phong trào nhỏ có liên hệ chặt chẽ với Cuba, sau đó trở thành đệ tử
trung thành của Chavez. Vài năm sau khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng,
Maduro theo hẳn chính sách của La Habana.
Nhà xã hội học Margarita Lopez Maya nhấn mạnh : «
Ông ta toàn sang đảo quốc nhờ cố vấn. Nhiều nhà ngoại giao Venezuela đã
từ chức, Maduro bèn thay thế bằng người của mình, những quân nhân chẳng
biết gì về đối ngoại. Ông ta hoàn toàn bị Cuba khống chế ». Năm
2012 khi Chavez lâm bệnh nặng, việc chọn người kế vị rất đơn giản, tuy
Nicolas Maduro không hề có được sự thu hút của Hugo Chavez lần tầm nhìn
của Fidel Castro. Bà Maya nói : « Maduro chỉ là một người thừa hành, luốn thực hiện chính xác những gì Chavez yêu cầu ».
Castro đã áp đặt sự chọn lựa này chăng ? Cha Luis Ugalde, giảng viên đại học Dòng Tên vốn hiểu rất rõ chế độ cho biết : « Đây là chủ đề thảo luận giữa Chavez đang hấp hối và lãnh đạo Cuba ».
Điều duy nhất có thể khẳng định là La Habana đã vớ bở. Hiện nay G2, cơ
quan tình báo đầy quyền lực của Cuba, vẫn đang chiếm trọn một tầng lầu
trong tòa nhà của cơ quan tình báo Venezuela !
Thuyền trưởng bất lực trước giông bão
Nhưng
Nicolas Maduro không có được tầm vóc của một vị thuyền trưởng, đặc biệt
là trong phong ba bão tố. Chiếc tàu mà ông được thừa kế có nguy cơ bị
chìm đắm. Trước đây, nhờ nguồn lợi trời cho là dầu lửa, người hùng
Chavez đã vung tiền không cần đếm, như một người trúng số độc đắc.
Chavez chiếm được cảm tình của các nước láng giềng, các đảng anh em, và
của nhân dân, với những chương trình xã hội hào phóng. Nhưng ông không
hề chuẩn bị cho tương lai : không đầu tư vào sản xuất, không dự trữ
ngoại hối, không có quỹ đầu tư. Khi Chavez qua đời, ngân sách quốc gia
trống rỗng.
Không may cho Maduro : giá dầu thô thời Chavez từ 8 đô
la tăng vọt lên 120 đô la một thùng, nhưng đến khi Maduro lên kế vị lại
rơi xuống chỉ còn 20 đô la. Làm thế nào bây giờ ? « Con trai của Chavez »
- như người ta mệnh danh – chỉ còn giải pháp tình thế. Quân đội tha hồ
buôn lậu, tham nhũng. Dù có trữ lượng vàng đen thuộc loại lớn nhất thế
giới, từ hai năm qua, Venezuela bắt đầu phải nhập dầu lửa.
Tình
hình y tế rất thê thảm : không còn insuline hay vắc-xin, không có thuốc
cho người bị SIDA lẫn bệnh nhân ung thư cần hóa chất để trị liệu…Cũng
như Liên Xô trong cuộc khủng hoảng thập niên 80, người bệnh phải cung
cấp găng y tế và gạc cho bác sĩ nếu muốn được giải phẫu. Chính phủ không
còn công bố những con số thống kê về tỉ lệ tử vong trẻ em, sự tái xuất
hiện của một số bệnh như bại liệt…
Tổng sản phẩm nội địa sụt 30%
trong ba năm liên tiếp – một kỷ lục thế giới – lạm phát trên 50% hàng
tháng đối với thực phẩm, và trong nửa đầu năm 2017, giá cả đã tăng 366%.
Hậu quả là trên ¾ người dân sống dưới ngưỡng nghèo khó. Nếu năm 2001,
Venezuela là nước giàu nhất châu Mỹ la-tinh, thì nay vừa nằm trong số
nước nghèo nhất, lại vừa nguy hiểm nhất : tỉ lệ các vụ giết người lên
đến 91,8 trên 100.000 dân, cao gấp 20 lần so với Bắc Mỹ. Bị nghẹt thở vì
món nợ khổng lồ, Venezuela nay đành phải bán mình cho Trung Quốc.
Ông Maduro sẽ còn đi đến đâu ? Nhà phân tích Mauricio Hernandez cho rằng : «
Sẽ đi càng xa càng tốt nếu có thể, để duy trì quyền lực. Những người
thân cận đều biết họ đang lao thẳng vào băng sơn, nhưng cũng hiểu rằng
nếu mất quyền, họ có nguy cơ vào tù ».
Cuba mở hé cửa thị trường, nhưng vẫn chống tư bản !
Cũng về châu Mỹ La-tinh, Le Monde Diplomatique nhận định « Cuba thích kinh tế thị trường nhưng lại không muốn tư bản chủ nghĩa ».
Chủ tịch Raul Castro loan báo sẽ rời chức vụ vào năm 2018, người kế vị
có thể là Miguel Diaz-Canel, sinh sau khi Fidel lên ngôi ở La Habana.
Đây là một cuộc cách mạng nho nhỏ, sau khi ông Raul cố gắng đưa mô hình
kinh tế Cuba thích ứng với thời thế.
Các nhà quan sát ghi nhận,
chủ tịch 86 tuổi Raul Castro đã bỏ qua nhiều dịp kỷ niệm : 55 năm cách
mạng chiến thắng, 161 năm ngày sinh người hùng José Marti…Từ khi lên
thay người anh Fidel, ông Raul đã mở cửa cho những người làm ăn cá thể,
với 201 nghề nghiệp được cho phép, chủ yếu là nghề thủ công. Các tiểu
chủ còn được mời tham dự cuộc diễu hành trang trọng nhân ngày lễ Lao
Động 1/5. Năm ngoái, đảo quốc đã tiếp đón đến 4 triệu khách du lịch.
Nhưng
năm 2016, lần đầu tiên Cuba bị suy thoái (-0,9%), dầu thô được
Venezuela bán với giá hữu nghị đã giảm 40%. Người dân phải tự xoay sở
bằng mọi cách để sinh tồn, nhưng phe cứng rắn trong chính quyền vẫn coi
lãnh vực tư nhân là kẻ thù của cách mạng. Nhà kinh tế Pedro Monreal nhận
xét, trong khi hầu hết các nước cố gắng xóa đói giảm nghèo, thì Cuba
lại đấu tranh chống giàu có !
Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ
Thảm
trạng của người Rohingya tại Miến Điện, tình hình căng thẳng trên bán
đảo Triều Tiên, chiến thắng mang dư vị đắng của thủ tướng Đức Angela
Merkel, Catalunya đấu tranh đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha… là những vấn
đề thời sự quốc tế được các tuần báo Pháp kỳ này quan tâm.
Về châu Á, Le Courrier International có hồ sơ « Miến Điện : Tất cả đều chống lại người Rohingya ».
Điều trớ trêu là quân đội vốn bị ghét bỏ sau 50 năm độc tài quyền lực,
nay lại giành được tính chính danh khi tấn công lực lượng ARSA mới thành
lập của người Rohingya mới thành lập, khiến trên 400.000 thường dân
phải di tản. Nhưng chính sự im lặng của giải Nobel hòa bình Aung San Suu
Kyi mới gây sốc cho phương Tây.
Trong bài « Aung San Suu Kyi, thần tượng sụp đổ », tờ Mekong Review
ở Sydney tỏ ý tiếc là Lady của Răngun đã rơi xuống khỏi chiếc bục mà
phương Tây đã dựng lên. Từ khi lên nắm quyền, bà luôn từ chối đề cập cụ
thể đến vấn đề người Rohingya. Năm 2015, bà cấm các thành viên theo đạo
Hồi của đảng LND ra ứng cử Quốc hội, và đến 2016 còn yêu cầu các viên
chức và ngoại giao đoàn không dùng từ « Rohingya », thay vào đó là « những người Hồi Giáo bang Arakan ».
Bán nguyệt san Mỹ The New Republic nêu lên thắc mắc của nhiều người : « Liệu đó có phải là bàAung San Suu Kyi thực sự hay không ? ».
Lá thư ngỏ của hơn một chục giải Nobel hòa bình gởi lên Hội đồng Bảo an
Liên Hiệp Quốc tháng 12/2016 về nạn đàn áp người Rohingya đã khiến tên
tuổi bà bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều chuyên gia về Miến Điện gọi bà Suu
Kyi là « nhà dân chủ độc tài ». Sử sách sẽ ghi lại cái tên Aung San Suu Kyi như một ngôi sao rơi rụng, một thần tượng có đôi chân bằng đất sét.
Hồng Kông : Cuộc chiến biểu ngữ của sinh viên đòi độc lập
Cũng về châu Á, Le Monde cuối tuần cho biết « Tại Hồng Kông, những người đòi độc lập đấu tranh bằng biểu ngữ ».
Nếu mùa tựu trường 2016 được đánh dấu bằng việc phát các tờ rơi vận
động cho độc lập trước các trường trung học và đại học ở Hồng Kông, thì
mùa khai trường năm nay ý tưởng này lại xuất hiện tại giảng đường, các
diễn đàn đại học.
Tại sáu trường đại học Hồng Kông uy tín nhất,
những bức tường để dán những mẩu rao vặt bỗng đầy những áp-phích kêu gọi
độc lập cho Hồng Kông. Phe thân Bắc Kinh bèn thức suốt đêm để gỡ bỏ,
dán chồng lên những áp-phích tuyên truyền cho chế độ, và trong nhiều
trường hợp, bảo vệ nhà trường phải can thiệp để tránh xô xát giữa hai
bên.
Nhưng cuộc đấu khẩu bộc phát dữ dội vào giữa tháng Chín, do
trong một cuộc tập hợp những người thân Bắc Kinh, dân biểu Hà Quân
Nghiêu (Junius Ho) và cán bộ quận Tăng Thụ Hòa (Tsang Shu Wo), tuyên bố
rằng các lãnh đạo phong trào dân chủ xứng đáng « bị giết chết không thương tiếc ». Báo
chí Hồng Kông so sánh với thời Cách mạng Văn hóa, 22 dân biểu đối lập
ra thông cáo chung lên án. Còn về các biểu ngữ, nghiệp đoàn trường đại
học danh giá Hong Kong U đòi hỏi phải có quy định rõ ràng về những gì
được và không được dán, nếu không thì phải để sinh viên tự do biểu đạt.
Tổng thống Pháp biếu không 4,5 tỉ euro cho những người giàu nhất ?
Về thời sự nước Pháp, tuần san L’Obs đăng ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên trang nhất và đặt câu hỏi « Canh bạc 4,5 tỉ euro : Tại sao ông đem cho người giàu ? ».
Kể từ năm 2018, tổng thống Pháp giảm đến 4,5 tỉ euro tiền thuế cho
những người giàu có nhất, với hy vọng số tiền này sẽ được tái đầu tư vào
nền kinh tế. Nhưng theo tờ báo, đây là một canh bạc đầy rủi ro.
Những
người được lợi nhiều nhất trong việc cải cách sắc thuế đánh vào tài sản
(ISF) chỉ chiếm 1% dân số Pháp. Đó là khoảng 280.000 gia đình rất giàu :
có thu nhập trên 30.000 euro/tháng, hoặc có tài sản trị giá trên 2
triệu euro. Một đại biểu hội đồng quận 15 Paris than thở : « Làm thế
nào giải thích cho những người tuổi 60 sở hữu một căn hộ cũ là họ sẽ bị
đánh thuế nhiều hơn các nhân viên giao dịch chứng khoán trẻ tuổi đi xe
Ferrari ? »
Ngủ đủ giấc tránh được béo phì, đau tim, tiểu đường…
Trên lãnh vực xã hội, Le Point
dành hồ sơ cho giấc ngủ. Theo những phát hiện mới nhất của khoa học,
thì giấc ngủ ngon vô cùng quan trọng cho sức khỏe, khả năng tập trung tư
tưởng, trí nhớ và cả sự thành công.
Không phải là ngẫu nhiên khi
con người phải dành đến một phần ba cuộc đời để ngủ. Theo Viện nghiên
cứu về giấc ngủ (INSV), những phụ nữ ngủ dưới 6 giờ/ngày, có 34% nguy cơ
bị béo phì, còn đối với nam giới thì lên đến 50%. Nguy cơ bị đau tim và
cao huyết áp tăng 48%, đột quỵ 15%, bên cạnh đó là tiểu đường, ung thư.
Đối với các nhà lãnh đạo, ngủ ít không có nghĩa là làm việc được hiệu quả hơn. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng thú nhận : « Tất cả những sai lầm lớn mà tôi phạm phải trong cuộc đời đều là do mệt mỏi ». Đức giáo hoàng Phanxicô mỗi ngày đều dành ra 40 phút cho giấc ngủ trưa.
Tất
nhiên là luôn có những người không thích theo quy luật tự nhiên, mà
người nổi tiếng nhất đang ngự trong Nhà Trắng. Ông Donald Trump khoe
rằng chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày, nên có nhiều thì giờ hơn các
đối thủ. Trong thời gian tranh cử, đôi khi ông chỉ ngủ có 90 phút mà
thôi. Thế nên mới có chuyện ông viết Twitter mắng cô hoa hậu hoàn vũ
Alicia Machado vào lúc ba giờ rưỡi sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét