Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

“Tiền” hay “Ghế” chỉ là một

Phạm Nhật Bình




 


Nếu tham nhũng được mô tả như một con bệnh bất trị của chế độ cộng sản ở Việt Nam thì chống tham nhũng là liều thuốc bổ nuôi cho con bệnh ấy ngày càng vững mạnh. Chuyện mâu thuẫn nhưng rất thực ấy diễn ra hàng ngày suốt nhiều chục năm qua làm tốn hao nhiều giấy mực, công sức tìm hiểu của các lý thuyết gia trong đảng.

Tuy nhiên tìm hiểu, diễn giải đôi khi chỉ là nhiệm vụ để tới tháng đưa tay lấy đồng lương cho khỏi thẹn với lòng, kỳ thật họ cũng thừa biết lời họ nói như nước đổ đầu con vịt.

Mới đây trong một cuộc phỏng vấn của đài VOV, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng lại lên lớp thuyết giảng về vấn nạn tham nhũng và sự tha hóa cán bộ hiện đang hoành hành công khai trong đảng. Ông Hoàng chia ra hai “loại” tham nhũng: tham nhũng “ghế” và tham nhũng “tiền”. Ông cho rằng tham nhũng “ghế” là loại tham nhũng nguy hại hơn hết. Dĩ nhiên nguy hại ở đây là lo lắng cho sự tồn vong của đảng cộng sản, còn hậu quả nhân dân gánh chịu thì không nghe ông Hoàng nói đến.

Qua sự phân loại này, người đọc có thể hiểu rằng tình trạng cán bộ móc ngoặc, làm thất thoát công quỹ hay kinh doanh mờ ám để chia chác lợi nhuận bỏ túi riêng thì không nguy hại bằng hình thức chạy chọt mua ghế, hay bao che ghế ngồi trong các cơ quan. Điều này không phải không có vì thỉnh thoảng dư luận lại rộ lên bàn tán những đường dây bổ nhiệm cán bộ đúng “quy trình” mà thực chất là những vụ mua quan bán tước trong đảng, thực hiện câu “cả nhà làm quan.”

Quan điểm của ông Hoàng thực ra chỉ là cách nói ngược để gây chú ý trong dư luận quần chúng, nhằm né tránh cho cán bộ đảng dùng chức vụ làm tiền phi pháp trên nỗi khổ của người dân. Với một cán bộ đã từng ở vị trí cao trong Trung ương đảng cộng sản, chẳng lẽ ông Hoàng không hiểu rằng trong đảng của ông, đồng tiền luôn luôn đóng vai trò quyết định trong con đường thăng tiến của cán bộ.

Để được ngồi vào chiếc ghế ủy viên trung ương, những cán bộ tham vọng đầy mình đã tốn hao nhiều công sức chạy chọt, vận động và cách chạy trơn tru nhất là chạy bằng tiền. Phải bôi trơn các cửa đảng có quyền đề cử với đồng đô la xanh, thứ ưa thích nhất của các lãnh đạo cao cấp đầy quyền lực. Do đó khi đã ngồi vào chiếc ghế làm đày tớ dân rồi thì chắc chắn họ phải nghĩ cách phải làm ra thật nhiều tiền để bù vào chỗ đã chi cho việc chạy ghế. Có quyền lực trong tay thì không có gì khó khi xúm nhau siết cổ dân đen bằng mọi cách để chúng lòi tiền. Đặt thêm thuế mới để tận thu, kinh doanh độc quyền để bỏ túi riêng. Và sau đó cán bộ lại bỏ tiền ra mua chuộc để trèo cao hơn nghĩa là có cơ hội làm tiền nhiều hơn.

Theo những thông tin nội bộ, cán bộ nào muốn ngồi vào các ghế Bí thư hay Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân các cấp đều phải mua ghế nghĩa là phải “chung chi” cho những đồng chí của mình, những người có quyền quyết định trong Ban tổ chức Trung ương chẳng hạn. Ngay cả các chức vụ như bộ trưởng, thứ trưởng trong chính phủ ngoài yếu tố phe cánh còn có cái giá nhất định phải chi ra. Vì chính họ khi ngồi vào những chiếc ghế béo bở này không chỉ nhằm vào mục đích làm ra tiền mà còn phải tạo ra những vây cánh trên dưới chặt chẽ để duy trì lợi nhuận hầu chia chác với nhau lâu dài. Đây chính là những liên minh ma quỷ làm nghèo đất nước dưới bộ mặt giả hiệu được tuyên truyền ra rả hàng ngày dưới mỹ từ phục vụ nhân dân.

Như thế, nhờ có tiền nhiều mới mua được ghế cao và ghế càng cao càng có nhiều quyền lực để càng kiếm được nhiều tiền. Ngay cả khi không còn ghế mà còn phe nhóm thì vẫn còn tiền để tiếp tục khống chế quyền lực chính trị một cách dễ dàng kiểu các thái thượng hoàng trong đảng.

Không cần luận thuyết dài dòng như ông Vũ Ngọc Hoàng, ngày nay ai cũng thấy trong chế độ độc tài, phe cánh là vô cùng quan trọng vì chính phe cánh mới giúp giành được ghế tốt và cũng chính nhờ đó mọi người cùng cánh hẩu mới tích lũy được tiền nhiều và làm giàu nhanh chóng trong môt thời gian thật ngắn. Chính trường Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa đã để lại nhiều bài học cay đắng về quyền lực và phe nhóm mà cuối cùng có tay thủ tướng hai nhiệm kỳ thảnh thơi lui về làm người tử tế, bỏ lại sau lưng một nền kinh tế đang khập khiểng tiến lên công nghiệp hóa-hiện đại hóa vào năm 2020…

Do đó, Ghế và Tiền chỉ là một. Chúng hiện diện trong cơ thể đang mục nát của chế độ độc tài mà không thể tách rời. Hai mặt của vấn nạn tham nhũng do phe nhóm tạo ra nên mới có việc Nguyễn Phú Trọng phải dùng lá bùa diệt tham nhũng, cật lực tìm mọi cách để diệt phe Nguyễn Tấn Dũng. Đến nổi ông Trọng dám vượt lên cả quyền lợi quốc gia, bất chấp luật pháp quốc tế như trong vụ tổ chức cho người bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ nước Đức mang về.

Bởi lẽ cho dù ông Trọng có loại được ông Dũng để giành chiếc ghế TBT trong đại hội 12, ông này cho tới nay vẫn sống phây phây, vẫn có tiền nuôi đàn em. Đó chính là nhờ vây cánh ông Dũng còn quá mạnh nên Tổng bí thư Trọng bắt cọp đập ruồi mãi mà không xong.

Nói tóm lại trong chế độ độc tài, phe nhóm là tiên quyết để giữ được quyền lực lâu dài, nên vì thế Ghế và Tiền chỉ là một. Chúng luôn đi đôi, luôn sống với nhau thân thiết như bóng với hình để tô điểm cho bộ mặt đảng CSVN ngày càng dơ dáy. Vì thế, ông Vũ Ngọc Hoàng nên chấm dứt những luận bàn “tham nhũng” linh tinh cố che đậy tình trạng sa lầy của đàn anh mình là Tổng Trọng trong thế trận “đả hổ diệt ruồi” không có lối ra.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét