Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thành công trong việc chỉnh đốn đảng?

Kami



“Sống với một người bạn thân, phải phòng lúc họ hết thân và biến thành kẻ thù của mình.” – Richelien

Phát biểu của ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong buổi trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Trương Quang Nghĩa về nhậm chức Bí thư Đà Nẵng có nói rằng, “Tôi cũng mong rằng các đồng chí trong Ban chấp hành, trong Ban Thường vụ và nhân dân Đà Nẵng tiếp tục giúp đỡ đồng chí Xuân Anh trở thành người tốt, có những đóng góp cho đất nước, cho Đảng, cho nhân dân trong thời gian tới”. Đây có lẽ thực sự là một chuyện bi hài chảy nước mắt, vì nó cho thấy các thành phần ưu tú (đã bị lộ) của cái đội mệnh danh là tiên phong ấy từng được báo chí nhà nước hết lời tung hô lại là những người không tốt.

Song xem ra, phát biểu vừa nêu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính không có ý nghĩa bằng việc khi Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói rằng, “Tôi gởi lời chia sẻ đến gia đình đồng chí Nguyễn Xuân Anh, một gia đình có truyền thống cách mạng và đã có đóng góp nhất định cho Đà Nẵng cũng như sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhà nước”. Nghĩa là ông Phạm Minh Chính đã gửi lời cảm thông tới ông Nguyễn Văn Chi – Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thân phụ của ông Nguyễn Xuân Anh người mệnh danh là bố già Miền Trung.

Người ta cho rằng, ngoài Kết luận của Ủy ban KTTW về sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, thì còn có một bí mật động trời, đó là mối thâm thù giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Văn Chi, cha đẻ của ông Nguyễn Xuân Anh. Xin chép ra đây để rộng đường dư luận.

Mối thâm thù đó không chỉ là chuyện ông Nguyễn Xuân Ảnh, con thứ của ông Nguyễn Văn Chi, được bổ nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ở tuổi 33. Trước đó, ông Nguyễn Xuân Ảnh (khi mới 26 tuổi) giữ chức Phó chánh Văn phòng Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng dưới thời ông Đinh La Thăng. Sau đó ông Nguyễn Xuân Ảnh được bổ nhiệm chức phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam năm 2011, sau đó chuyển sang Bộ Giao thông-Vận tải để giữ chức Phó chánh Văn phòng, kiêm thư ký Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Điều đó đã cho thấy giữa Đinh La Thăng và cha đẻ của Nguyễn Xuân Anh là ông Nguyễn Văn Chi có mối quan hệ hết sức đặc biệt. Cho dù giữa ông Nguyễn Văn Chi và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng có những mối ân oán không thể tha thứ lẫn cho nhau. Đó là việc khi ông Nguyễn Tấn Dũng vướng vào các sai phạm của Vinashin và ông Nguyễn Văn Chi với tư cách Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là người quyết định các sai phạm này.

Người ta nói rằng trước Đại hội đảng CSVN 11, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng rất căng thẳng, vì liên quan đến Đại Án Vinashin. Khi đó, vận mệnh Nguyễn Tấn Dũng nằm trong tay Chủ nhiệm Ủy ban KTTW Nguyễn Văn Chi. Song, tình thế đã thay đổi bởi bàn tay của Thượng tướng Công An Nguyễn Văn Hưởng, đã sử dụng người con nuôi của mình là Hưng Tano hối lộ bà Nguyễn Thị Thủy – vợ ông Nguyễn Văn Chi, Phó Chủ Tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, rồi chụp ảnh, quay phim, ghi âm làm bằng chứng. Được biết khi ấy, giữa cuộc họp Bộ Chính Trị bàn việc xử lý Vinashin, đồng chí Ba X đã không ngần ngại dúi vào tay Nguyễn Văn Chi bản báo cáo của Bộ Công An về vụ việc. Khi đó mặt Nguyễn Văn Chi tái dại và phải bỏ dở cuộc họp. Thế rồi thế cờ đảo ngược, ông Nguyễn Tấn Dũng thoát hiểm và Nguyễn Văn Chi về vườn.

Ít ai biết rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời còn là Bí thư Thành ủy Hà nội cũng dính vào một scandal tương tự như ông Ba Dũng và người có trách nhiệm xử lý không ai khác là ông Nguyễn Văn Chi.

Đó là những sai phạm 3.000 tỷ đồng, trong dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) vào năm 2002. Đây là một dự án bất động sản đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD do tập đoàn Ciputra (Indonesia) làm chủ đầu tư.

Đó là việc nhằm giúp tập đoàn Ciputra (Indonesia) trốn mức thuế sắp áp dụng từ đầu năm 2005, khi đó ông Hoàng Văn Nghiên – Nguyên Chủ tịch UBND TP và Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất ưu tiên cho tập đoàn Ciputra nộp thuế theo mức “đặc cách” và dĩ nhiên được Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng bật đèn xanh. Quyết định của ông Nghiên, ông Trọng “giúp” Ciputra đã đem lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư và họ đã cảm ơn cho hai ông với khoản lót tay bằng USD nghe đâu mỗi ông tới 7 con số.

Tuy nhiên, cho đến hơn 1 năm sau, việc xin cấp sổ đỏ của hàng nghìn biệt thự tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) bị gặp trở ngại do cố tình áp sai thuế một cách nghiêm trọng. Việc này khiến Liên ngành Thành phố gồm Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Cục thuế Hà Nội buộc phải đi đến quyết định đề nghị UBND TP. Hà Nội sung thu 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất đối với dự án Ciputra trong số hơn 3.000 tỷ đồng thất thoát.

Tại dự án này, Chủ nhiệm Ủy Ban KTTW Nguyễn Văn Chi đã nắm giữ nhiều bằng chứng sai phạm của chính quyền Hà Nội thời ông Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy. Nghe đâu giữa ông Nguyễn Văn Chi và Nguyễn Phú Trọng đã thỏa thuận sẽ bỏ qua và giữ kín chuyện này với các cam kết những ràng buộc. Việc thăng tiến thần tốc của 2 con trai của ông Nguyễn Văn Chi là Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Xuân Ảnh, không thể không có sự tiếp tay của ông Nguyễn Phú Trọng trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức Tổng Bí thư.

Có lẽ điều đó tương đối phù hợp với luồng dư luận cho rằng, cũng như bọn chuyên tống tiền, tống tình ông Nguyễn Văn Chi không bao giờ dừng lại khi ông Trọng – kẻ bị khống chế trong tay vẫn còn giá trị lợi dụng. Song ông Nguyễn Phú Trọng đã không lú, ông Trọng biết rõ điều này và đã lên kế hoạch để hóa giải đòn khống chế của cha con Nguyễn Văn Chi. Mà đỉnh cao là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ đi thăm chính thức Indonexia từ ngày 22 đến ngày 24/8/2017, mà theo nguồn tin nội dung thẩm định thông tin tập đoàn Ciputra đã khẳng định đã xóa sạch mọi dấu vết liên quan đã được đề cập. Sau khi chắc chắn đã hóa giải việc bị ông Nguyễn Văn Chi không chế, ông Nguyễn Phú Trọng liền lập tức ra tay xử lý ông Nguyễn Xuân Anh để trả hận. Và sắp tới đây số phận của Nguyễn Xuân Ảnh chắc chắn cũng đã có câu trả lời.

Có lẽ thành công lớn nhất trong công cuộc chỉnh đốn đảng dưới chiêu bài chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được, không phải là việc kỷ luật cách chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng hay Ủy viên Trung ương Đảng đối với Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Mà đó là sự tin tưởng của một đám đông dân chúng, vẫn nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang trừng trị các con sâu dân, mọt nước trong đảng. Thậm chí chủ trương chà đạp luật pháp quốc tế của Tổng Bí thư Trọng “bằng mọi giá bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”, kể cả việc cho lực lượng đặc vụ Việt Nam bắt cóc nghi can Trịnh Xuân Thanh giữa thanh thiên bạch nhật tại Berlin cũng được đám đông ô hợp đó tung hô và coi đó là một hành động chính đáng.

Đáng tiếc rằng, trong cái đám đông ô hợp đó lại có không ít những người vốn được khoác danh “trí thức tinh hoa” một thời. Cho đến bây giờ họ vẫn không hiểu được rằng, cái gọi là cái gọi là chống tham nhũng hay chỉnh đốn đảng của Tổng Bí thư Trọng nhân danh đảng CSVN tất cả đều theo đúng quy trình “đánh một bên – không phải phe ta”.

Bởi những vi phạm của ông Đinh La Thăng cố ý làm trái gây thất thoát hàng chục ngàn tỷ ở Petro Việt Nam, nếu so với các sai phạm của Võ Kim Cự trong vụ việc Formosa Hà tĩnh gây ô nhiễm biển 4 tỉnh Bắc Trung Bộ thì cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Hay các vi phạm của Bí thư Nguyễn Xuân Anh, kể cả việc bằng cấp “giả” cũng không có gì là đáng kể nếu so với hàng ngàn, hàng vạn các vụ sai phạm của giới lãnh đạo đảng ở các cấp từ trung ương đến địa phương trong thời gian qua. Sự tránh né nếu không nói là cố ý bao che đối với các lãnh đạo Bộ Y tế trong vụ VN Pharma, vụ biệt phủ Yên Bái v.v… là những ví dụ khẳng định điều đó.

Đó là chưa kể đến những chuyện khuất tất (có thể có) của ông Tổng Bí thư “đáng kính” như đã nói đến ở trên.

Ngày 18 tháng 10 năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét