Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

- “Tinh gọn bộ máy” của ông Trọng bị nguy cơ phá sản ngay từ đầu




Chủ trương “tinh gọn bộ máy” của Tổng bí thư Trọng đang gặp nguy cơ bị phá sản ngay từ lúc chưa làm được gì.
Chỉ 5 ngày sau khi Hội nghị trung ương 6 kết thúc từ ngày 11/10/2017, trong một báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, phía chính phủ đã đề xuất “hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức lại các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”.
Đề xuất trên là khác hẳn với ý đồ của Tổng bí thư Trọng.
Trước và trong Hội nghị trung ương 6, nhiều tin tức từ ngoài lề đến công khai cho biết khả năng “chấm dứt vai trò lịch sử” của Ban chỉ đạo “Ba Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) là cao, đặc biệt trong tình hình các ban chỉ đạo này “ít tác dụng” và bắt ngân sách phải gánh kinh phí quá lớn, thậm chí tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ còn phát sinh nhiều tiêu cực.
Một trong những “công thần” đột ngột xuất hiện trước Hội nghị trung ương 6 là Cựu tổng bí thư đảng Lê Khả Phiêu, với “nhiệt tình ủng hộ” ông Trọng về chủ trương “chống tham nhũng”, và còn nói thẳng là trung ương sẽ cho “thôi” 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 6, Tổng bí thư Trọng cũng đề cập đến việc “dẹp” 3 ban chỉ đạo này. Ngay lập tức, báo chí nhà nước đua nhau thông tin về “chấm dứt vai trò lịch sử” của “Ba Tây”.


     Minh họa của Mai Sơn.

Nhưng giờ đây, nếu thực hiện theo đề xuất của chính phủ về “hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức lại các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”, rất nhiều khả năng là sẽ chẳng giảm được cơ quan nào.
Trong khi đó, báo cáo Giám sát về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016” thì số lượng lãnh đạo từ cấp phòng ban cấp tỉnh lên tới Trung ương trên 13.000 người. Trong đó, lãnh đạo phòng từ cấp sở tới thứ trưởng là khoảng… 6.500 người!
Báo cáo của đoàn giám sát trên cũng cho thấy, trong 5 năm từ 2011-2016 thì số lượng các cục, vụ tăng chóng mặt như các cục thuộc bộ tăng 29 cục, đồng thời bộ máy hành chính cấp tỉnh, huyện cũng tăng đột biến về số lượng. Từ số lượng tăng bộ máy kéo theo việc gia tăng lãnh đạo.
Nền hành chính Việt Nam vẫn là câu chuyện quy định và thực hiện là hai việc khác hẳn nhau. Vào năm 2016, một ngị định của Chính phủ đã quy định số lượng phó chủ tịch ủy ban nhân dân đối với các địa phương. Theo đó, các thành phố nông thôn không được quá 4 phó chủ tịch ủy ban nhân dân (tỉnh loại 1) và không quá 3 phó chủ tịch ủy ban nhân dân (tỉnh loại 2, 3). Riêng Hà Nội và TPHCM không quá 5 phó chủ tịch ủy ban nhân dân.
Nhưng ở Hà Nội, dù Nghị định quy định chỉ tối đa 5 phó chủ tịch nhưng hiện nay Hà Nội có tới phó chủ tịch. Cũng tại Hà Nội, vào tháng 6/2017 thì Sở Nội vụ – tức cơ quan chuyên về công tác tổ chức nhân sự – có tới… 8 phó giám đốc.
Để giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy, không còn cách nào khác là phải giảm số lượng lãnh đạo, bỏ những cái ghế dư thừa, không hiệu quả.
Hẳn đó là nguồn cơn để trong Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2017, đảng cầm quyền đã phải mở hẳn một chuyên đề về “tinh giản bộ máy”, đặt ra mục tiêu “quyết liệt” là đến năm 2021 phải giảm được 10% trong tổng số khoảng 2,5 triệu công chức viên chức hiện thời, tức phải kéo giảm một phần chi lương mà ngân sách đang húc đầu vào bức tường thâm thủng chưa từng có.
Nếu mục tiêu trên thực hiện được, số tiền mà ngân sách trung ương “thu hồi” từ việc giảm biên chế và tinh gọn bộ máy sẽ vào khoảng 20 ngàn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số tiền này lại chỉ bằng đúng con số 20 ngàn tỷ nợ xấu quá khó thu hồi của ba ngân hàng đã rơi vào dạng đại án trong hai năm 2014 và 2015 là Đại Dương, Xây Dựng, Dầu Khí Toàn Cầu.
Nhưng nhiều dư luận lại rất nghi ngờ về tính khả thi đối với “năng lực” kéo giảm 10% công chức viên chức. Một thực tế chứng minh rõ nhất về tính bất khả thi là từ năm 2016 khi chính phủ đưa ra chủ trương giảm biên chế, cho tới nay đội ngũ công chức viên chức không những không giảm mà còn phình hơn 11.000 người!
Tương tự nạn chạy chức chạy quyền là tình trạng “chạy giảm biên chế”. Mối quan hệ thân hữu và dòng tộc trong giới quan lại Việt Nam đã trở nên phổ biến và sâu đậm đến mức hiếm có cơ quan nào thực hiện được việc giảm biên chế theo quy định, trong lúc phần lớn nhân sự nằm trong diện bị giảm lại tìm đủ mọi cách để được giữ lại hoặc tuồn sang chỗ khác, ghế khác.
Mới đây, ông Nguyễn Phú Trọng có một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội và ông ta thuật lại lời công chức “Rời biên chế thì chúng tôi biết sống bằng gì?”.
Cũng có một so sánh: trong khi Việt Nam có đến 2,5 triệu công chức thì nước Mỹ, với dân số gấp hơn 3 lần Việt Nam, lại chỉ có 2,1 triệu công chức.

Câu hỏi còn lại là vì lý do sâu xa gì mà Thủ tướng Phúc lại dám “chống lệnh” của Tổng bí thư Trọng khi đề xuất “hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ hoặc tổ chức lại các Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ”?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét