Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Rex Tillerson, sự cô đơn của vị tổng giám đốc đi làm ngoại giao





 media
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trả lời phỏng vấn đài Fox News, ngày 22/08/2017-REUTERS/Yuri Gripas


Những cuộc tiếp xúc song phương liên tục, những cuộc họp cấp bộ với cùng nhịp độ…Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ ngày 18 đến 22/09/2017 bắt đầu khám phá nhịp sống thường nhật tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Một tuần lễ hết sức bận rộn, nhưng vẫn không thể thoát được một từ ghép được lan truyền tại Washington từ mùa hè này: «Rexit» - tức sự ra đi được cho là không thể tránh khỏi của cựu tổng giám đốc tập đoàn dầu lửa ExxonMobil.

Một sự ra đi như thế, nhanh chóng diễn ra sau khi Thượng Viện phê duyệt đề xuất của tổng thống Donald Trump, sẽ là sự kiện chưa có tiền lệ, kể từ sau vụ ngoại trưởng Alexander Haig từ chức năm 1982 do bất đồng với chính quyền Reagan, một năm rưỡi sau khi nhậm chức. Những người tiền nhiệm gần đây của ông Tillerson đã làm việc ít nhất trọn một nhiệm kỳ.

Họ có những phẩm chất mà ngoại trưởng đương nhiệm không có được. Hoặc tầm vóc của một chính khách từng là ứng cử viên tổng thống, như bà Hillary Clinton (2009-2013) và ông John Kerry (2013-2017). Hoặc là người thân cận với tổng thống, như ông James Baker (1989-1993) hay bà Condoleezza Rice (2005-2009), lần lượt là ngoại trưởng dưới thời ông Bush cha và Bush con. Hoặc là chuyên gia về đối ngoại như ông Warren Christopher (1993-1997) và bà Madeleine Albright (1997-2001) thời Bill Clinton.

Sự nghiệp của ông Rex Tillerson không hề giống những cựu ngoại trưởng trước đây : không tham gia làm chính trị ở mức độ quan trọng, không hề biết công việc của chính quyền liên bang hay Quốc Hội. Hơn nữa, tên của ông chỉ được nêu lên rất muộn màng trong lúc thành lập nội các.

Trước ông, là những cái tên khác. Đó là Rudy Giuliani, cựu đô trưởng New York, đã theo ông Trump ngay từ đầu chiến dịch. Là Mitt Romney, người từng đả kích dữ dội nhà tỉ phú địa ốc, nhưng thất bại trong vòng sơ bộ. Hoặc David Petraeus, vị tướng nổi tiếng và là cựu giám đốc CIA; hay Bob Corker, thượng nghị sĩ Cộng Hòa ở Tennessee, chủ tịch ủy ban đối ngoại nhiều ảnh hưởng của Thượng Viện.

Tên ông Tillerson được những nhân vật uy tín thuộc phe bảo thủ đề nghị với tổng thống tân cử : bà Condoleezza Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Bob Gates. Nhanh chóng được phe đối lập cũng như những người ủng hộ xếp vào nhóm những «người lớn» trong chính quyền Trump, ông Tillerson tuy vậy vẫn luôn gặp phải những khó khăn, đôi khi do chính bản thân ông.

Bị cô lập trong chính phủ

Trước chuyến đi đến trụ sở Liên Hiệp Quốc, hồi mùa hè đã xảy ra tranh cãi về số lượng phái đoàn Mỹ, mà ngoại trưởng Tillerson muốn giảm xuống, trong ý hướng cải cách cơ quan đồ sộ này. Ông Tillerson với kinh nghiệm quản trị một tập đoàn đa quốc gia, đã hăng hái lao vào nhiệm vụ này và huy động các cơ quan tư vấn. Nhiều nhà ngoại giao Mỹ giấu tên không đặt lại vấn đề là trong những năm gần đây đã có Một nhà ngoại giao nói: «Người ta làm tăng thêm mức độ quan liêu với việc đặt ra các chức đặc phái viên và đại sứ phụ trách những hồ sơ chuyên biệt, không chỉ trong nhiệm kỳ của bà Hillary Clinton mà cả ông John Kerry. Ông Tillerson cố gắng phản ánh quan điểm của Donald Trump, nhất là ông Trump vẫn chỉ trích nạn quan liêu và quan tâm đến hiệu quả ».

Trong chiến dịch tranh cử, ứng viên đảng Cộng Hòa cũng không giấu sự coi thường ngành ngoại giao, chỉ trích sự thủ cựu của bộ Ngoại Giao – theo ông.

Những người đả kích ông Tillerson dữ dội nhất, trong đó có Daniel Drezner, giáo sư chính trị quốc tế ở Fletcher School of Law and Diplomacy của Tufts University (Medford, Massachusetts), phản đối sự chọn lựa ấy. Theo họ, Tillerson tập trung nỗ lực vào một nhiệm vụ không phù hợp, thường là của cấp phó. Họ cũng nghi ngờ khả năng áp đặt được những thay đổi triệt để, do cấu trúc của cơ quan này dựa trên một sự phân bổ địa lý rất khó sửa đổi.

Stewart Patrick, chuyên gia về quản trị thuộc cơ quan tư vấn Council on Foreign Relations nhận định: «Rex Tillerson coi bộ Ngoại Giao như một công ty đang gặp khó khăn cần phải vực dậy, phải tái cấu trúc. Tuy nhiên ngoại giao không phải là business như những ngành kinh doanh khác, nó đòi hỏi sự kế tục. Cần liên tục là tiếng nói của Nhà nước, nhắc nhở lại các quan điểm, nếu không sẽ là một dạng đơn phương giải giáp của Mỹ».

Nhận xét này được nhiều nhà ngoại giao nước ngoài chia sẻ trên một số phương diện. Họ khó tiếp xúc được ở cấp cao vì những chức vụ chiến lược vẫn chưa có người phụ trách. Tương đối cô độc trong chính quyền, ông Tillerson còn đụng chạm với Quốc Hội, vốn không mấy thuyết phục về quan điểm kinh tế và không ủng hộ ý muốn cắt giảm ngân sách của ngành ngoại giao, tuy đây là yêu cầu của ông Trump. Ngoại trưởng Tillerson còn mất khá nhiều thời gian để tránh né báo chí, thay vì thông qua báo chí nói lên tiếng nói của mình.

Chưa hề biết đến ngoại giao, Rex Tillerson cố thích ứng kinh nghiệm doanh nhân vào thực tiễn của ngành. Stewart Patrick nhận xét: «Đó là một sai lầm. Sự tiếp xúc tay đôi, dấu ấn trên quan hệ cá nhân là điều tốt nếu bạn là ông chủ thực sự, nhưng trong trường hợp ngành ngoại giao Hoa Kỳ thì không», so với trọng lượng của Nhà Trắng. «Thế nên bạn gánh lấy nguy cơ phóng đại quyền lực của mình, mà không qua mắt được người đối diện».

Một thời gian dài không có được cánh tay mặt

Bản thân vị ngoại trưởng cũng nhìn nhận trước các nhà báo, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi hồi tháng Bảy, là ông đã nỗ lực hết mình để hòa giải giữa Qatar và láng giềng Ả Rập Xê Út, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, nhưng không thành công. «Chức vụ ngoại trưởng rất khác với chức tổng giám đốc ExxonMobil. Hồi đó tôi là người quyết định, nên mọi chuyện dễ dàng hơn» - Tillerson giải thích với giọng có phần nuối tiếc.

Richard Sokoksky, cựu viên chức cao cấp bộ Ngoại Giao, nay làm việc cho Carnegie Endowment for International Peace, tỏ ra khoan dung hơn: «Rex Tillerson có vấp phải những sai sót của người mới vào ngành. Nhưng tiếng nói của ông bị yếu đi nhiều do Trump không trao cho ông các phương tiện để trở thành tiếng nói của ngành ngoại giao Mỹ, trong các cơ quan chính phủ cũng như ở nước ngoài».

Trở ngại đầu tiên mà ông Tillerson gặp phải là thành phần trợ lý ngoại trưởng. Ngay từ hồi tháng Giêng, ông không còn thứ trưởng phụ trách quản trị, sau khi Patrick Kennedy – do ông George W.Bush bổ nhiệm và Barack Obama cho tại nhiệm – từ chức. Người thay thế là Eric Ueland, được đề cử vào tháng Sáu, vẫn chưa được Thượng Viện phê chuẩn.

Nhiều tuần lễ liền ngoại trưởng Tillerson không có cánh tay mặt nào trợ giúp, vì ông Trump từ chối Elliott Abrams, một nhà ngoại giao lão luyện được ông Tillerson đề cử, vì ông này từng chỉ trích Donald Trump trong chiến dịch tranh cử. Còn ông John Sullivan được đề cử từ tháng Tư, đến tháng Năm mới được Thượng Viện thông qua.

Stewart Patrick nói: «Nhà Trắng liệu có thực sự muốn bộ Ngoại Giao hoạt động được hay không? Ai cũng biết rằng Stephen Bannon, cựu cố vấn chiến lược của ông Trump đã bị mất chức vào tháng Tám, coi bộ Ngoại Giao Mỹ như một lãnh thổ bị nước ngoài chiếm đóng, đầy những nhân vật chủ trương toàn cầu hóa, mà theo ông ta là xa rời lợi ích của người Mỹ».

Bị bà Nikki Haley lấn át

Ngành ngoại giao vốn không thể có khoảng trống. Việc bộ Ngoại Giao bị yếu đi, đã mở ra cánh cửa cho những định chế cạnh tranh: Lầu Năm Góc, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng – hầu như đã trở thành một bộ Ngoại Giao bis dưới thời ông Obama. Hơn nữa, hôm 15/9 tại Nhà Trắng, trong cuộc họp báo trước khi bước vào phiên họp Đại hội đồng, ông Rex Tillerson cũng không hiện diện bên cạnh bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và tướng H.R.McMaster, cố vấn an ninh quốc gia.

Rất năng nổ về chính trị, bà Haley có được quyền ngồi vào văn phòng tổng thống. Bà nhanh chóng làm quên đi việc không có kinh nghiệm ngoại giao, và ngày nay không còn bị coi là cấp dưới của ông Tillerson mà hầu như bà mới là một ngoại trưởng quyền lực.

Tuy ban đầu bị ngờ vực vì mối quan hệ tốt đẹp với Nga trong thời gian lãnh đạo tập đoàn dầu khí, cựu tổng giám đốc ExxonMobil đã nhanh chóng dập tắt những chỉ trích, qua việc tỏ rõ quan điểm. Nhà cựu ngoại giao trên nhìn nhận: «Những phản ứng của ông Tillerson rất tốt. Mỗi lần ông đều bảo vệ những quan điểm hợp lý nhất, như về hiệp định nguyên tử với Iran, sự đối đầu giữa Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất với Qatar, về Bắc Triều Tiên, hiệp định khí hậu Paris hay đối với Nga».

Tuy vậy ngoại trưởng Mỹ thường bị thượng cấp là ông Donald Trump lấn sân, thậm chí nói ngược lại. Hồi tháng Sáu, ông Trump cảnh cáo Syria về việc sử dụng vũ khí hóa học, sau đó ông Tillerson mới biết, trong khi các động thái loại này thường phải phối hợp chặt chẽ với ngành ngoại giao. Trước đó, ông Trump dường như biệt đãi Ả Rập Xê Út trong cuộc đối đầu ở vùng Vịnh, trong khi ông Tillerson công khai bảo vệ quan điểm Washington chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải, không thiên vị bên nào.

Quan hệ giữa tổng thống và ngoại trưởng ban đầu tốt đẹp - có lẽ do bị quyến rũ bởi quá trình thăng tiến của ông Tillerson, đi lên từ chức vụ thấp nhất ở ExxonMobil - đã có dấu hiệu sút giảm. Vị ngoại trưởng nằm trong số những quan chức hiếm hoi trong chính quyền tỏ ra cách biệt hẳn với ông Trump, sau những tuyên bố nhập nhằng của tổng thống về vụ đụng độ tại Charlottesville hồi tháng Tám, giữa hai phe tân quốc xã và chống phân biệt chủng tộc. Một nhà cựu ngoại giao nhận định: «Ông Tillerson nói những điều mình nghĩ, và điều này là cốt yếu trong một cuộc khủng hoảng lớn». Tuy vậy, thử thách lòng tự ái của Donald Trump là khá nguy hiểm – tổng thống ít thích bị chỉ trích.

Thiệt thòi vì sự thiếu nhất quán của Donald Trump

Một phần lớn những khó khăn của ngoại trưởng là hệ quả của tình hình lộn xộn trong những tháng đầu của tân chính phủ. Ông Tillerson bị tách khỏi hồ sơ Israel-Palestine - được giao cho con rể tổng thống, Jared Kushner - trong khi từ trước đến nay vẫn do ngoại trưởng chỉ đạo. Ông cũng bị cô lập trước nhóm các tướng lãnh gồm H.R.McMaster, bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và tân chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly ; đồng thời còn phải đối mặt với phong trào dân tộc chủ nghĩa mà ông Bannon là đại diện.

Cuối cùng, ông Tillerson còn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu nhất quán trong chính sách ngoại giao của ông Trump. Thoạt nhìn thì cả hai cùng chia sẻ quan điểm thực tiễn, và trên diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ một lần nữa đòi hỏi một «chủ nghĩa thực tế dựa trên các nguyên tắc». Tuyên bố này không mấy thuyết phục đối với Stephen Walt, giáo sư về quan hệ quốc tế của Kennedy School of Government thuộc Havard, bản thân ông là một lý thuyết gia về luồng tư tưởng này.

Giáo sư Walt giải thích: «Những người thực tế luôn cố gắng cải thiện chủ trương liên quan đến quốc gia của chính quyền. Ngược với quan điểm của ông Trump, mục tiêu này thường trở nên dễ dàng hơn với việc hợp tác với các nước khác, chứ hiếm khi qua việc tỏ ra hiếu chiến, tìm kiếm đối đầu. Mỉa mai thay, Donald Trump lại trao cho các địch thủ, nhất là Iran, cơ hội tỏ ra biết điều và chừng mực. Do đó, tất cả những người thực tiễn mà tôi biết được đều nghĩ rằng Trump là một thảm họa».

Không thể loại trừ khả năng vị ngoại trưởng có các hành động tỏ ra gần gũi với định nghĩa của giáo sư Walt, đôi khi cũng chia sẻ kết luận này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét