Những câu hỏi rất cần lời giải đáp
Sau khi tôi chính thức trình làng bài viết “Không xứng với biển xanh”,
đặc biệt trước quyết định sẽ tham gia các cuộc biểu tình yêu nước sáng
ngày 22-7 và sáng 5-8-2012, tôi đã nhận được từ nhiều người, nhiều câu
hỏi lý thú. Có người lo lắng hỏi: “Liệu TQ có đánh ta không bác?”, người khác thì hỏi: “Trong tình thế thân cô thế cô bất lợi thế này, liệu Việt Nam có chống đỡ được cuộc chiến đó không bác?”. Lại có một ông đinh ninh với tôi: “Tuy
Mỹ đang là một con nợ cỡ ngàn tỉ đối với ngân quỹ của TQ…, người Mỹ sẽ
đánh người Tầu cho người Việt Nam mình… bác nên tin điều đó (!?)”.
Trước hết tôi khẳng định, không có chuyện ai đánh hộ ai hết. Hoa Kỳ lại
càng không bao giờ. Việc hỏi TQ có đánh ta hay không đánh ta… thì cứ
quan sát hiện tượng người TQ đã đạt được những gì ở biên giới đất liền, ở
thác Bản Giốc, ở ải Nam Quan, bãi Tục Lãm, ở các điểm cao ở Hà Giang, ở
rừng thượng nguồn, ở Cam Ranh, ở Hoàng Sa - Trường Sa và biển Đông, ở
các công trình Bauxite Tây Nguyên, ở Formosa Vũng Áng, ở Lee & Man
Hậu Giang và hàng ngàn dự án mà người TQ luôn thắng thầu… rồi đặt ra một
câu hỏi ngược lại là: “Không phải nổ súng mà trong tay người Tầu đã
có ăm ắp những thứ đó rồi… thì đánh nhau làm gì nữa cho mang tiếng là
đại bá - thực dân - đế quốc… để bị thế giới văn minh lên án”.
Ai đã tặng cho người Tầu những cái mà cả 1000 năm Bắc Thuộc họ không làm
nổi, mà nay chỉ bằng 2 lá bùa “16 chữ” và “4 tốt” họ đã có đủ cả. Năm
1979 họ xua quân tràn ngập biên giới Việt Nam với mệnh lệnh xấc xược “Phải dậy cho bọn tiểu bá Việt Nam một bài học!”, còn nay… họ sẽ chẳng dại gì mà lại AQ như thế, họ đã và đang lớn tiếng rằng “Do bị bọn tiểu bá VN tráo trở luôn ăn hiếp, cưỡng chiếm… nên họ buộc lòng phải tự vệ!?”…
Phải sống trong một thế giới đầy những điều đảo điên… người Mỹ thực sự
nghĩ gì về người Việt Nam sau cuộc chiến tranh Mỹ - Việt? Người TQ nghĩ
gì về VN sau biết bao điều thê thảm? Người Việt Nam nghĩ gì về người
Việt Nam trong giai đoạn đầy những nghịch lý này? Câu hỏi đó đặt ra bao
nhiêu là lời giải?
Trước khi đề cập đến đề tài nóng hổi “Ngày 5 – 8 – 2012 - Cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội bị đập tan như thế nào?”, xin mọi người cùng đọc bức thư của một giáo viên Lịch Sử gửi vào Email của tôi ta sẽ có thêm những cơ sở để trả lời câu hỏi: “Liệu Việt Nam có chống đỡ được cuộc chiến của người Tầu không?”. Câu
hỏi này đặt ra không chỉ riêng cho một người VN cụ thể nào mà phải đặt
ra cho tất cả dân Đại Việt đang sống ở trong cũng như ngoài nước.
“Cháu là một giáo viên dậy Lịch Sử, cũng như bao người Việt Nam bình
thường khác. Cháu muốn tâm sự với bác cho vợi đi nỗi buồn của một người
Việt Nam khi phải chứng kiến điều tủi nhục của cả dân tộc mình mà cháu
chưa khi nào ngờ đến lại có ngày hôm nay. Thấy nỗi uất hận đang dâng
trào của cả dân tộc đối với bè lũ cướp nước và những hành động vô cùng
kỳ lạ mà ngay cả các triều đại phong kiến thối nát trong lịch sử dân tộc
cũng chưa dám làm đối với bờ cõi của tổ tiên, lòng cháu buồn vô hạn bác
ạ. Gần đây cháu rất ít ngủ, cứ nghĩ đến tình cảnh của dân tộc mình là
cháu thấy đau lòng vô hạn.
Người yêu nước thì bị bắt bớ, hoặc buộc tội một cách vô lý. Điều làm
cháu đau xót nhất là nhìn thấy cảnh đồng bào của mình bị đàn áp trong
những vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, rồi thấy những người yêu nước khi
tham gia biểu tình chống kẻ thù xâm lược bị bắt bớ, tận mắt nhìn thấy
cảnh những người công nhân Việt Nam phải làm việc kiệt sức dưới sự bóc
lột tàn bạo của nhiều thế lực trong nước lẫn ngoại bang…cháu thật xót xa
và buồn chán.
Điều cháu vô cùng bất bình là người ta ác ý làm lẫn lộn các khái niệm
“Yêu nước” và “Bọn phản động”, “Thế lực xấu”. Vì quyền lợi ích kỷ của
một bộ phận mà người ta chà đạp lên tinh thần dân tộc, triệt hạ lòng yêu
nước của bao người. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc chính là bọn xâm
lược Bắc Kinh, người có đầu óc bình thường nhất cũng nhận ra được, vậy
mà người ta vẫn nhìn nhận chúng là “Đối tác chiến lược…” (!?)
Chao ôi! Kẻ thù dân tộc đang tràn ngập đất nước, âm mưu thôn tính đất
nước ta đã rõ ràng, những hành động ngang ngược trắng trợn như vậy mà
người ta vẫn còn ngợi ca chúng được. Nếu cứ thế này thì dân tộc này sẽ
đi đâu về đâu?
Chẳng lẽ một dân tộc có văn hiến mấy ngàn năm và lịch sử oai hùng như
dân tộc này mà bỗng chốc cơ đồ của cha ông cứ lần lượt rơi vào tay
giặc? Còn rất nhiều điều ngang trái làm người có lương tri không thể an
lòng.
Cháu biết lúc này bác cũng đang đau xót lắm. Cháu viết vội mấy dòng tâm sự với bác để cùng chia sẻ nỗi đau buồn này.
Kính mong bác luôn mạnh khoẻ và bình an!”.
(VQT…@gmail.com 21:42 ngày 03 – 8 – 2012).
Lòng yêu nước đã bị xỉ nhục như thế nào?
Tôi đã tìm đến với cuộc biểu tình yêu nước sáng ngày 5 – 8 – 2012 những
mong sẽ có được những trả lời có thể chấp nhận được dành cho những ai đã
đặt ra các câu hỏi mà phần đầu bài viết này đã đề cập. Rút kinh nghiệm
từ những lần đi biểu tình trước, ngay từ 4h sáng, tôi lẻn ra đường nhanh
chóng trà trộn cùng các bà đi buôn và lên xe bus 02 từ lúc vẫn còn mờ
đất. Sau mấy tiếng lang thang giữa phố cổ, đi ngang qua những đám đông
đang miệt mài luyện tập dưỡng sinh, các cặp đôi ông bà già ôm nhau nhún
nhẩy trên những sàn nhẩy bên hồ…, tôi tiến đến công viên sau tượng đài
đức vua Lý Công Uẩn để tìm gặp những người mà tôi cần gặp.
8 h 15 phút, tôi cùng người đồng nghiệp Dương Thị Xuân, cụ bà Lê Hiền
Đức, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, Nhà giáo cựu chiến
binh Nguyễn Thanh Nhàn, Nhà Văn Nguyễn Tường Thuỵ, các Blogger nổi tiếng
Nguyễn Chí Đức, Lê Dũng, Nguyễn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Phượng Bích, Lê
Anh Hùng, mẹ con Trần Thị Nga… cùng nhiều người khác mặc áo No – U mà
tôi không biết rõ tên… tiến về khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ngay dưới
chân tượng đài cụ Lý, một tốp an ninh giả dạng là những công nhân xây
dựng đang xử dụng máy cưa, mài đá cố tình tạo nên những âm thanh chói
tai và bụi đá mù mịt. Chúng tôi chưa tụ lại được thành một đội hình thì
đã bị lực lượng chống biểu tình xé lẻ ra thành những cuộc cãi vã tay
đôi. Phía công an dùng lực lượng đông đảo, phủ đầu chúng tôi bằng loa
điện kè vào tai là những mệnh lệnh cưỡng bức phải rời khỏi khu vực đang
xếp đầy những tấm biển cấm tụ tập đông người, khu vực bảo vệ. Blogger Lê
Dũng phản ứng quyết liệt việc làm này và anh cũng là người đầu tiên
được công an nhét vào xe bịt bùng. Tôi cùng nhà giáo Dương Thị Xuân cùng
một bác đã luống tuổi mặc áo No – U xé rào tiến đến chân tượng cụ Lý
Công Uẩn để cầu khấn cụ khôn thiêng phù hộ độ trì cho dân tộc sớm vượt
qua được những năm tháng điêu linh như thế này.
Loa điện kè vào tai…
Quay trở lại đám đông, tôi thấy không khí quá căng thẳng. Cụ Lê Hiền Đức
tóc tai xoã xượi, bị lôi đi lôi lại rất quyết liệt, tiếng cụ bị chìm đi
trong những âm thanh huyên náo. Những người phụ nữ khác như Dương Thị
Xuân, Phượng Bích, Trần Thị Nga và nhiều người khác mà tôi không biết
tên… cũng không thoát được tình trạng tương tự. Một bé trai bị lạc mẹ
đang bơ vơ kêu khóc giữa đám đông người lớn đang lao vào quần thảo nhau,
làm đau lòng bao người. Nhìn cảnh cứ 4 – 5 nhân viên công vụ vây lấy 1
người biểu tình, tôi vô cùng thất vọng và ngán ngẩm. Có lẽ đây là cuộc
biểu dương sức mạnh của lực lượng chống biểu tình chứ không phải là cuộc
biểu tình của người dân yêu nước nữa. Tôi hớt hải nắm vai, quát hỏi tất
cả mọi nhân viên công vụ trong mọi sắc phục vô tình xuất hiện trước mắt
tôi, với câu hỏi: “Nếu cần phải bảo vệ thì phải bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa chứ cái vườn hoa này đâu có cần phải bảo vệ như thế?”… Chẳng một ông nào trả lời câu hỏi của tôi, có lẽ họ coi tôi là một lão già không đáng chấp.
Trên đường Tràng Tiền - Hà nội ngày 22 – 7 -2012
8 h 45 phút, toàn bộ đám đông đã bị dồn hết sang phía bờ hồ đối diện với
tượng đài cụ Lý, thì bước 2 của kịch bản đàn áp đã bắt đầu. Đoàn biểu
tình tiếp tục bị dồn đẩy ra xa khu vực tượng. Khi một sinh viên đẩy vào
tay cụ Lê Hiền Đức chiếc xe lăn của cụ, tình hình thực sự là hỗn loạn,
không kiểm soát được nữa. Người biểu tình kiên quyết giữ xe cho cụ, phía
chống biểu tình cũng kiên quyết không cho cụ Đức được ngồi vào xe lăn
để dẫn đầu đoàn biểu tình. Trong thời khắc xô đẩy quyết liệt đó, tôi
thấy gương mặt Chí Đức, Tường Thuỵ, Phạm Hông Sơn, cha con nhà ngôn ngữ
học Đào Tiến Thi, nhà giáo Dương Thị Xuân, Blogger Phượng Bích… nhễ nhại
mồ hôi và hình như có cả nước mắt của họ nữa. Tôi đã thấy những sinh
viên bị khống chế, bị lôi xềnh xệch, bị nhét vào xe bịt bùng mà vẫn dõng
dạc hô to “Bảo vệ máu thịt Việt Nam!”… Tường Thuỵ hét lớn “Không
được thế, không được thô bạo với cụ Lê Hiền Đức!”, còn Chí Đức anh
chàng lực lưỡng ngày nào bị công an khiêng như khiêng con vật, bị công
an đạp vào mặt, anh ta đang gào lên “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!”,
trước khi bị nhét vội nhét vàng vào xe bắt giữ người. Lần lượt Dương
Thị Xuân, Phượng Bích, Trần Thị Nga, Lân Thắng, Lê Anh Hùng, con trai
anh Đào Tiến Thi…không thoát được khỏi cánh cửa của xe bịt bùng. Và từ
trong những xe bắt người đó vẫn vang lên lời ca “DẬY MÀ ĐI HỠI ĐỒNG BÀO ƠI!” lẫn trong đó là những tiếng hô “Đả đảo TQ xâm lược”, “Bảo vệ máu thịt Việt Nam!”“HS – TS – VN”.
Tôi ngao ngán ngồi bệt xuống bãi cỏ dưới chân mình, vừa lặng lẽ lau đi
trên gương mặt nhầu nát của mình những giọt nước mặn chát không rõ là mồ
hôi hay cả nước mắt đàn ông, vừa nghĩ: “Sao họ không xúc luôn cả tôi đi Lộc Hà luôn thể!”. Có lẽ vì tôi tôi già, ngu lâu dốt bền khó “Phục hồi được nhân phẩm!”
nên họ chê. Chưa kịp định thần lúc mà những gương mặt nổi bật của biểu
tình bị vô hiệu hoá gần như hết, thì đám đông còn lại bỗng lại ầm ầm
những tiếng hô “HS – TS – VN!”, “Đả đảo TQ xâm lược!”, hàng loạt
biểu ngữ lại xuất hiện, lại được giơ cao. Đoàn biểu tình lại tiếp tục
tiến về phía tượng đài CẢM TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH. Chưa kịp định thần
tôi đã nghe thấy từ xa vọng đến tiếng còi hú chết chóc của xe chở CSCĐ,
áo quần xám đen, lấp loáng mũ sắt, côn gỗ trong tay và xe chở đám dư
luận viên giả danh quần chúng tự phát đeo băng đỏ ào ào chậy đến. Đợt
bắt giữ thứ 2 bắt đầu, hàng loạt người biểu tình đã không thoát được
cánh cửa của xe bịt bùng… Vài chục người cuối cùng còn lại chạy thoát về
phía quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì cũng nhanh chóng bị gom lại
rồi nhét lên xe… thẳng tiến về trung tâm phục hồi nhân phẩm Lộc Hà –
Đông Anh – Hà Nội.
Cuộc biểu tình của những người Việt Nam yêu nước sáng 5 – 8 – 2012 đã bị
dẹp tan theo một kịch bản, lớp lang, chi tiết như vậy đấy. Tôi nói với
một tay an ninh đã có tuổi đeo bám tôi ngay từ chân tượng cụ Lý rằng: “Ông đã chụp tôi rất nhiều ảnh, nếu có bức nào hay hay, ông cho tôi xin 1 bức làm kỷ niệm!”, quay sang bên kia tôi nói với một an ninh rất trẻ rằng: “Hôm nay các cháu đã chiến thắng nhân dân! Một chiến thắng thật hoành tráng và ô nhục!”.
Xin chào! Việc của các ông, các ông cứ tiếp tục. Giữa một xã hội đang bị
lấp đầy là những điều tầm thường và giả trá, việc tôi vẫn đi theo những
mách bảo của lương tri là quyền của tôi. Quyền đó là thiêng liêng, là
không thể phủ nhận. Trước khi lên xe bus 02 để trở về nơi ở, tôi lang
thang nhiều vòng xung quanh hồ như một kẻ mộng du. Những gì vừa xẩy ra
làm tim tôi đau nhói, tâm khảm tôi như thêm một lần tan nát, bởi phải
mang thêm một vết thương mới, vết thương của sự thất vọng đến ê trề.
Nuốt vội vàng viên thuốc hạ áp, giữa không gian ngăn ngắt mầu xanh của
một vùng đất linh thiêng… tôi như vẫn thấy văng vẳng đâu đây tiếng vua
Lê ngày nào trả gươm thiêng cho Thần Kim Quy, nghe thấy những giai điệu
đẹp tuyệt vời về Hà Nội những ngày tiêu thổ đi kháng chiến chống Pháp.
Những giai điệu đã nằm lòng thế hệ cựu học sinh Hà Nội chúng tôi những
năm đầu thập kỷ 1960. Những ngày…:
“Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời
Hà Nội ầm ầm rung sông Hồng reo!”(Người Hà Nội – NĐT)
Và:
“Không thể nói trời không xanh hơn
Và mắt em xanh khác ngày thường!”
(Cảm xúc tháng 10 – Nguyễn Thành & Tạ Hữu Yên)
Và:
“Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt
Xốn xang mẹ thầm gọi các con!”
(Cảm xúc tháng 10 – Nguyễn Thành & Tạ Hữu Yên).
Về đến nhà vừa lúc VTV1 đang xưng xứng ra đòn bôi nhọ những người đi biểu tình: “Đã bắt được quả tang hành động chia nhau tiền thuê biểu tình!”,
lại còn hứa trong chương trình thời sự 18 h 30 tối nay sẽ cung cấp
chứng cớ cho vụ này. Từ ngày tôi khai bút viết bài báo này đến nay đã
là năm năm có lẻ, cái chứng cớ đó vẫn chưa một lần xuất hiện. Hôm đó
thấy tôi thở dài ngao ngán, bà vợ tôi bảo: “Sao lần này ông buồn thế?”. Tôi bảo:
“Phải nói là rất buồn, nhưng nhờ có chuyến đi này mà tôi có thêm những
tư liệu sống để có được những trả lời chính xác cho những câu hỏi mà
người ta đã hỏi tôi ở phần đầu bài viết này rằng: LIỆU CHÚNG TA CÓ CHỐNG
ĐƯỢC BỌN TẦU XÂM LƯỢC KHÔNG?”. Và tôi lặng lẽ vào máy để hồi âm cho thầy giáo trẻ dậy Lịch Sử mà đầu bài viết này đã nhắc tới:
Gửi người bạn đồng nghiệp VQT!
Bài viết này đã cho ta thấy rõ: Khi lòng yêu nước của người dân lại
gặp phải những nỗ lực phủ nhận, bôi nhọ và thách thức rất vô lý … thì
đương nhiên sự tồn vong của đất nước là mong manh đến thế nào. Rất may,
song hành cùng những hiện thực phản cảm như thế… lại vẫn có những con
người như bạn. Bạo quyền trong nước đã và đang tự hóa thân thành giặc
nội xâm. Họ hành xử với nhân dân bằng lối hành xử của những kẻ chiếm
đóng. Trong khi đó, với kẻ thù ngoại bang truyền kiếp thì họ lại là
những kẻ nhu nhược, ươn hèn… thì tất yếu, lòng yêu nước của người dân là
không được tồn tại. Cứ đà này, tôi sợ sẽ có ngày các bậc anh hùng dân
tộc, các bậc Tiên Đế anh minh có công đánh dẹp giặc phương Bắc, giữ yên
bờ cõi suốt chiều dài lịch sử…cũng sẽ lần lượt bị nhìn nhận là giặc cỏ,
là nghịch tặc. Họ cũng sẽ có số phận chẳng hơn gì những người biểu tình
chống Tầu hôm nay phải đưa đi trại Lộc Hà để phục hồi nhân phẩm! Còn
đám Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc, Hoàng Văn Hoan…cùng những nhà lãnh đạo
nhu nhược, ươn hèn hôm nay sẽ được tôn vinh là những người năng động,
có công dựng xây đất nước, giữ yên bờ cõi theo một ĐẠI CỤC NÔ LỆ mà đám
ngoại nhân phương Bắc hằng mong muốn.
Tôi nghĩ rằng, lúc này, vì những bất hạnh và trớ trêu của lịch sử…dân
tộc Việt Nam đang bị ĐCS Việt Nam và ĐCS Trung Quốc tạm thời dồn tới
bờ vực của thảm họa vong quốc. Tôi tin rằng với bản lĩnh có được từ sự
trui rèn từ nhiều ngàn năm trước, với sức sống mãnh liệt… sẽ đến lúc
nhân dân Việt Nam bừng tỉnh và sách trời vẫn sẽ ghi: “NAM QUỐC SƠN
HÀ – NAM NHÂN CƯ” (Sông núi nước Nam người Nam ở). Quyết tâm đó là
không thể đảo ngược. Tôi vững tin vào những điều như vậy./.
Khai bút 6 – 8 – 2012/ Hoàn thiện 9 – 2017.
Nguyễn Thượng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét