Đọc bản kiểm điểm của vị bác sĩ ở Huế mà rùng mình. Sau khi có Hiến
pháp 2013, mà các nhà tuyên truyền nhất loạt ca tụng là một Hiến pháp
thúc đẩy quyền con người, một trí thức hẳn hoi bị xử phạt vì bôi nhọ
lãnh đạo cỡ bộ trưởng.
Người bị phạt nhanh chóng thành khẩn và hối cải, thu mình xưng em,
viện cả hoàn cảnh con liệt sỹ, mẹ già đau ốm, không am hiểu công nghệ
thông tin, và trót có rượu không kềm chế được bản thân và rất chân thành
tiếp nhận xử phạt. Người xử phạt chừng như thấu hiểu nên phân trần, vi phạm ấy ở khung
cách chức nhưng “cậu ấy” đạo đức rất tốt nên chỉ kỉ luật như vậy.
Thật, tôi đã rùng mình khi tưởng tượng Quốc hội thảo luận kiểm điểm
tình hình triển khai và thực thi Hiến pháp 2013. Sự thật ở một cơ quan
điều hành cấp quốc gia tự tiện xác lập hành vi bôi nhọ lãnh đạo trong
văn bản hành chính của mình sẽ được đề cập như thế nào? Chẳng lẽ Hiến
pháp chỉ là cuộc thảo luận lòng vòng trong các đại biểu Quốc hội, hằng
mấy năm trời chưa đến được cửa rào của bộ y tế?
Cũng rất dễ rùng mình khi nghĩ đến ý kiến của một thẩm phán về hưu,
thấy chính công văn của chánh văn phòng bộ y tế xài nguyên lối phân tích
nâng quan điểm lập trường mà không nhận ra chính mình mới đang có dấu
hiệu phạm tội vu khống. Nếu có “một ai đó” khởi kiện ông chánh văn phòng
bộ về hành vi vu khống hay cản trở quyền tự do ngôn luận của nhân dân
thì tình hình sẽ như thế nào?
Cái khoảng trống “một ai đó” dường như đang là chỗ thiếu hụt nhất của
hệ thống chính trị hiện thời để các giá trị tiến bộ không thể thành
hiện thực. Không biết “một ai đó” phải là ai, nên chúng ta lại cặm cụi
để mặc vị trí thức của chế độ xã hội chủ nghĩa cam phận vặn mình ngồi
viết kiểm điểm và tủi nhục bảo bọc mình trong tư thế thành khẩn cùng với
vô vàn quyền trợ giúp từ những yếu tố gây mũi lòng.
Bất giác nhớ lại hình dung của cụ Nguyễn Trãi về một nền chính trị lý
tưởng “làm cho khắp thôn cùng ngõ vắng không còn tiếng hờn giận oán
sầu”. Vận hình dung ấy vào điều kiện hiện tại, nếu sống lại không hiểu
cụ Ức Trai làm sao biết có còn “tiếng hờn giận oán sầu” nếu đọc các bản
kiểm điểm thành khẩn ăn năn kiểu của vị bác sĩ vứa rồi? Phải có “một ai
đó” cho cụ biết chứ nhỉ?
Bà Tiến nên xin lỗi vị bác sĩ bị phạt vì xúc phạm bộ trưởng y tế, nếu
bà ấy còn là đảng viên và có học tập tấm gương dạo đức Hồ Chí Minh.
Việc ông bác sĩ viết facebook khuyên bà bộ trưởng từ chức, nếu có một
thứ qui định nào đó ngăn cấm và xử phạt, thì thứ qui định đó phải được
coi là rác rưởi vì nó xâm phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.
Bộ y tế nổi đoá với những phê bình kiểu như vậy là một kiểu càn quấy,
cần được xử phạt kịp thời và nghiêm khắc. Hình như trong câu chuyện
này, chính các quan chức của bộ y tế không thể hiểu được rằng bà bộ
trưởng không phải là cấp trên của các bác sĩ.
Họ đã “nhất thể hoá” thô lậu vai trò chính trị của bộ trưởng vào mối
quan hệ hành chính trên dưới để lồng lộn tại sao thuộc cấp của mình lại
dám lớn tiếng phê bình chính mình.
Trong qui chiếu đó người ta răm rắp làm theo cấp trên đông đổng cái cách dằn dỗi. Vị bác sĩ cũng thấy mình lọt thỏm trong quan hệ uy quyền ấy nên cũng ngả lòng ăn năn, hối hận.
Đừng coi đây chỉ là chuyện nhỏ. Nếp nghĩ ấy hiện khá phổ biến. Liệu
một mai cải cách theo sạch nhất thể hoá hệ thống chính trị có đầy dẫy
các ông trời con sẵn sàng trị dân mở miệng?
_____
FB Luân Lê: Tấn bi kịch của đời
Câu chuyện về vị Bác sỹ (ở Huế) chê bà Bộ trưởng Y tế và khuyên nên
từ chức vì không thông hiểu nỗi khổ của các y, bác sỹ cơ sở là một tấn
bi kịch thực sự của câu chuyện quan liêu, cửa quyền, bất chấp luật lệ
của kẻ quyền trên đối với cấp dưới; của chuyện trí thức ba phải, hèn
nhát và sẵn sàng thay đổi quan điểm mà xin xỏ, hối lỗi khi tỏ ra sợ hãi
trước sự bức ép của người khác; của chuyện vì an thân và lợi ích nhỏ mọn
mà người ta lựa chọn im lặng như một lẽ
sống; của chuyện gian trá và thói vô trách nhiệm của quan chức khi bị
công luận phát hiện đó là hành vi sai trái thì chối bay chối biến mặc dù
mọi chứng cứ còn sờ sờ ra đó.
Chúng ta bênh vực và bảo vệ cho một kẻ có chữ, nhưng hèn nhát không
có chút khí chất nào của một người trí thức – với trách nhiệm bằng học
vấn của mình phải trước hết bảo vệ được chính mình và từ đó là cứu giúp
những người khác – vậy họ có thể đóng góp được giá trị gì cho việc xây
dựng đất nước, con người và xã hội hay không?
Một khi sai không biết là sai, đúng cũng không biết là đúng, lại cứ
thấy sự bức ép từ cấp trên là sợ hãi mà xun xoe và khúm núm, vậy vị bác
sỹ như thế thì cầm dao trong tay có lo lắng mà mổ nhầm, hay vì một sức
ép từ kẻ lộng quyền nào đó có khiếp nhược mà gây hại cho người khác hay
không, hoặc bằng cách làm theo sự sai khiến, hoặc bỏ mặc theo như lệnh
yêu cầu?
Trí thức ngày nay thật sự đáng buồn và thảm hại, mà thực đúng hơn là
đáng khinh bỉ, vì khí chất của họ đã không còn tồn tại, ngoại trừ mục
đích tìm kiếm cái niêu cơm cốt sao cho đầy cái dạ dầy, còn tâm hồn và
trí tuệ đều chỉ có một chất liệu duy nhất của sự cam chịu, u mê và chủ
để phục vụ cho việc kiếm sống qua ngày như một sinh vật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét