Một dân làng chèo xuồng giữa nước lụt.
Hậu quả của đợt mưa to kéo dài từ
ngày 9 tháng 10 đến cuối tuần vừa qua ở miền Bắc và khu vực phía Bắc miền Trung
càng ngày càng nặng nề.
Theo thống kê do Ban Chỉ đạo
Phòng – Chống thiên tai của Việt Nam công bố hôm 16 tháng 10, riêng về nhân mạng
đã có 72 người chết, 30 người vẫn còn mất tích. Đối với tài sản, lũ, lụt, sạt lở
đất đã làm hư hỏng khoảng 50.000 căn nhà. Chưa có thống kê về thiệt hại đối với
nông nghiệp nhưng tổn thất của nông dân chắc chắn rất kinh khủng khi vốn liếng,
mồ hôi của họ đổ vào ruộng, vườn, ao, hồ đã bị nước lũ và đất đá xóa sạch. Ban
Chỉ đạo Phòng – Chống thiên tai ước đoán, riêng chăn nuôi, chỉ trong vòng một
tuần, chừng 10.000 gia súc và 290.000 gia cầm hoặc bị nước dìm chết, hoặc bị nước
cuốn trôi,… Con số liên quan đến thiệt hại về tài sản sẽ tăng thêm hàng ngàn tỉ
sau khi có thống kê chính thức về sự hư hỏng của hệ thống hạ tầng (đường sá, cầu
cống, đê điều, kênh mương, mạng điện, điện thoại).
Năm nay, miền Bắc và khu vực phía
Bắc miền Trung Việt Nam có ít nhất bốn đợt mưa to, kéo dài nhiều ngày và theo
sau đó là lũ, lụt, sạt lở xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là Tây Bắc, Đông Bắc,
vùng đồi núi phía Bắc miền Trung. Trước những thiệt hại càng ngày càng cao về
nhân mạng, tài sản, các cơ quan hữu trách ở Việt Nam, bao gồm cả Ban Chỉ đạo
Phòng – Chống thiên tai lẫn các trung tâm dự báo về khí tượng – thủy văn có
khuynh hướng qui trách nhiệm cho… Trời (biến đổi khí hậu, thời tiết dị thường,
cực đoan, khó dự đoán).
Chẳng riêng Việt Nam, thời tiết
trên toàn cầu rõ ràng là đang có nhiều diễn biến khác thường, song chẳng lẽ những
vụ lũ, lụt, sạt lở đất đã xảy ra và 10.266 địa điểm ở mười tỉnh vùng núi phía Bắc
hiện trong tình trạng có thể xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào, 2.110 điểm mà nguy
cơ đất chuồi được nhận định là “rất lớn” thậm chí “đặc biệt lớn” hoàn toàn do…
Trời?
Các chuyên gia của nhiều lĩnh vực
đã, đang và có lẽ sẽ còn tiếp tục khẳng định không phải, chính xác là không
hoàn toàn như thế!
Có thể dùng hội thảo mới nhất do Ủy
ban Dân tộc của Quốc hội Việt Nam đứng ra tổ chức tại Hà Nội hôm 14 tháng 10 về
lũ quét và sạt lở như một dẫn chứng.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ
thì tại hội thảo vừa kể, ông Shinro Abe – một chuyên gia cao cấp về địa kỹ thuật
của Công ty Okuyama Boring (Nhật), cho rằng, lũ quét và sạt lở liên quan mật
thiết đến phương thức thi công hệ thống hạ tầng giao thông. Không khảo sát kỹ
và đào xới từ dưới lên trên (thay vì phải làm ngược lại) khi thi công mặt dốc dễ
dẫn tới sạt lở, khó khắc phục hậu quả. Ông Vũ Mạnh Lợi, từng là Viện phó Viện
Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì khẳng định, lũ quét,
sạt lở còn do phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản vô tội vạ, cho phép đào
xới lung tung, không đánh giá tác động tiêu cực đến môi trường…
Ông Lợi không phải người đầu
tiên, càng không phải người cuối cùng nhận định như vậy. Hồi đầu tháng 6 năm
nay, tại hội nghị về phòng chống thiên tai ở 18 tỉnh miền Bắc, ông Hoàng Văn Thắng,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn từng thú nhận, ngoài tác động
của biến đổi khí hậu, hậu quả của thiên tai (lụt, lũ, sạt lở, hạn hán,…) trở
thành khốc liệt còn vì “phát triển thiếu bền vững, khai thác quá mức tài
nguyên”.
***
Vài năm gần đây, “phát triển thiếu
bền vững, khai thác quá mức tài nguyên” được giới hữu trách lập đi lập lại khá
nhiều khi thảo luận về các vấn nạn kinh tế - xã hội nhưng đáng ngạc nhiên là
chưa bao giờ họ phân tích cặn kẽ xem đâu là nguyên nhân.
“Phát triển thiếu bền vững, khai
thác tài nguyên quá mức” khởi đầu từ lúc nào? Phải chăng là từ 1991 khi các đại
biểu dự Đại hội Đảng CSVN lần thứ bảy thông qua cương lĩnh, xác định “công nghiệp
hóa theo hướng hiện đại” và đỉnh của “phát triển thiếu bền vững, khai thác tài
nguyên quá mức” có phải từ khi Đại hội Đảng CSVN lần thứ chín (2001) đề ra chủ
trương “công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển
kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” hay không?
Trung tuần tháng 11 năm 2016, khi
đến thăm Bắc Ninh dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Nguyễn Phú Trọng,
Tổng Bí thư Đảng CSVN, tỏ ra hết sức phấn chấn, nêu ra một câu hỏi có tính khẳng
định: “Nhìn một cách tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”.
Ông Trọng hỏi dõng dạc như thế vì
“kinh tế Việt Nam phát triển, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng
cao, Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả
các tổ chức quốc tế”.
Song “nhìn một cách tổng quát”,
rõ ràng là chưa thế hệ nào ở Việt Nam phải liên tục đọc, nghe, xem nhiều thông
tin, hình ảnh thương tâm về hậu quả của thiên tai đổ lên đầu đồng bào của mình
dồn dập như vài năm gần đây.
Tháng 1 năm 2015, sau khi “nhìn một
cách tổng quát”, The Economist – một tạp chí về kinh tế của Anh – từng kể rằng,
dẫu thiên hạ luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến môi trường của từng dự
án thủy điện nhưng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, Việt
Nam chưa bao giờ công bố những tài liệu kiểu đó đối với các công trình thủy điện
mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam.
The Economist gọi nỗ lực phát triển
thủy điện để thỏa mãn nhu cầu năng lượng cho đến năm 2020, bất kể nỗ lực đó hủy
diệt các cánh rừng già, những dòng sông, biến nông dân thành nạn nhân của lũ, lụt,
sạt lở, động đất là thiển cận và dự đoán giá sẽ rất đắt. Đối tượng thanh toán
trực tiêp sẽ là người nghèo, đặc biệt là thành viên các cộng đồng thiều số.
“Nhìn một cách tổng quát”, kế hoạch
phát triển thủy điện ồ ạt là con đẻ của chủ trương “công nghiệp hóa theo kiểu
rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa”.
Phải tới năm 2013, sau khi thủy
điện dã trở thành đại họa của nhiều vùng, dân chúng liên tục cất tiếng oán
thán, Quốc hội Việt Nam mới cử Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thẩm
tra các công trình thủy điện. Theo ủy ban này, việc quản lý chất lượng, an toàn
tại các công trình thủy điện đặc biệt là các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm
ẩn nhiều rủi ro khó lường: Khoảng 30% đập chắn nước chưa được kiểm định. Khoảng
66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ. Khoảng 55% chủ đập chưa có
phương án phòng chống lụt bão. Đáng lưu ý là 160 dự án thủy điện thực hiện từ
2006 đến 2012 đã hủy diệt 19.792 héc ta rừng.
Cũng trong năm 2013, chính phủ Việt
Nam tiến hành “rà soát quy hoạch thủy điện” và cho biết đã loại bỏ 424 dự án,
không đưa vào quy hoạch 172 “vị trí tiềm năng”, tạm dừng có thời hạn 136 dự án,
tiếp tục đánh giá 158 dự án khác. Cho đến lúc đó, Việt Nam vẫn còn 815 dự án thủy
điện phục vụ công cuộc “công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại
hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Năm sau (2014), chính phủ Việt
Nam chính thức thú nhận, những dự án thủy điện vừa và nhỏ là nguyên nhân chính
tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Từ khi có
các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều khu vực cùng thiếu.
Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Chuyện xả lũ vô
tội vạ của các nhà máy thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng
trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm
trầm trọng.
Tháng 3 năm nay, trong một công
điện gửi cho nhiều cơ quan hữu trách, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu gia tăng kiểm
soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Bộ
Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ các dự án, công trình thủy điện
không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời
sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện
quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng
nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt - giảm lũ và các tác động
tiêu cực trong mùa mưa. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thì được yêu cầu
buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế ngay lập tức. Đến lúc
đó, diện tích rừng được trồng để thay thế chỉ chừng 3,7%.
Tới tháng 7, tại một hội thảo do
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức, chính quyền nhiều địa phương khăng khăng
xin thực hiện thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn Bộ Công Thương công khai
tán thành.
Chẳng hạn, tuy Bộ Công Thương đã
loại bỏ 54/123 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai nhưng chính quyền tỉnh này
vừa xin “bổ sung vào quy hoạch thủy điện” mười dự án khác. Ngoài Lào Cai, chính
quyền các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk cũng đang làm như thế. Quảng Trị
đang xin “bổ sung bốn dự án thủy điện” sau khi có 10 dự án thủy điện bị loại ra
khỏi quy hoạch. Quảng Nam muốn “bổ sung 14 dự án thủy điện”. Theo quy hoạch, Đắk
Lắk chỉ còn 9 dự án thủy điện nhưng đã thành công trong việc vận động Bộ Công
Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện của tỉnh này
sáu dự án thủy điện khác…
***
Thống kê được công bố tại hội thảo
về lũ quét và sạt lở diễn ra hôm 14 tháng 10 cho biết, trong mười lăm năm, từ
2000 đến 2015, tại Việt Nam xảy ra 250 vụ lũ quét và sạt lở khiến 646 người chết
và mất tích, 351 người bị thương, tổng thiệt hại tài sản khoảng 3.300 tỉ.
Chưa rõ tại sao thống kê chỉ được
thực hiện đến năm 2015. Nếu thống kê bao gồm những số liệu của năm 2016 và từ đầu
2017 đến nay, số vụ lũ quét lẫn sạt lở cũng như tổng thiệt hại nhân mạng, tài sản
ắt sẽ kinh khủng hơn nhiều (hồi đầu năm nay, Tổng cục Thống kê của Việt Nam từng
cho biết, riêng năm 2016, ngoài việc làm 246 người chết và mất tích do lũ quét,
sạt lở, lụt, thiên tai nói chung - bao gồm cả các đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc,
khô hạn ở Tây Nguyên và nước mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long - đã
làm Việt Nam mất 40.000 tỉ đồng, tương đương 1,8 tỉ Mỹ kim).
Giống như nhiều viên chức điều
hành các công trình thủy điện khác, ông Đặng Trần Công, Chánh Văn phòng Nhà máy
Thủy điện Hòa Bình, mới khẳng định với báo giới rằng việc mở tám cửa xả của hồ
chứa nước cho nhà máy này trong hai ngày 10 và 11 tháng 10 là “đúng qui trình”.
Việc mở đồng loạt tám cửa xả có thể khiến lũ lụt ở khu vực hạ du thêm trầm trọng,
thậm chí gây thêm tổn thất nhân mạng và tài sản nhưng không thể trách ông Công,
cũng chẳng thể trách Công ty Thủy điện Hòa Bình. Khi phê duyệt, ban hành “qui
trình”, Thủ tướng buộc phải quan tâm đến “bảo đảm an toàn công trình”, đập chắn
nước của một công trình thủy điện vỡ, hậu quả sẽ thảm khốc hơn nhiều. Biết thế
nhưng chẳng ai có thể lắc đầu với thủy điện vì đó là chủ trương!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét