Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Cải cách cái gì tại Việt Nam?




 Công nhân sửa đường tàu ở Hà Nội hôm 1/6/2017.
Công nhân sửa đường tàu ở Hà Nội hôm 1/6/2017. AFP


Việt Nam đang ở giữa một vụ khủng hoảng muôn mặt, khi ngân sách bị bội chi quá cao, gánh nợ của nhà nước gia tăng quá mạnh, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sụy sụp, trong khi hàng loạt giới hữu trách cao cấp bị điều tra và truy tố về việc lạm dụng chức quyền làm thất thoát công quỹ, v.v… Vì vậy, nhiều người nói đến việc cải cách cơ chế và chính sách để xây dựng một nền tảng phát triển khác. Chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế cho Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do, chỉ ra một nơi cải cách căn bản, là hệ thống chính trị…


Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, những tin tức dồn dập cho thấy nhiều khó khăn muôn mặt của kinh tế Việt Nam trong bộ máy tài chính và ngân hàng, hệ thống doanh nghiệp nhà nước, và quyết định sử dụng tư bản cho công cuộc phát triển. Kỳ này, mục Diễn đàn Kinh tế của chúng ta sẽ tìm hiểu xem Việt Nam nên cải cách thế nào để ra khỏi cơn khủng hoảng. Xin đề nghị ông nêu ý kiến về bài toán cải cách này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Mọi quốc gia chậm tiến đều có thể có một giai đoạn tăng trưởng cao sau khi chuyển hướng quản lý qua quy luật thị trường. Trong giai đoạn vài chục năm ấy, đà tăng trưởng cỡ 10% một năm có thể gây ra ấn tượng kỳ diệu, như chúng ta thấy qua cái gọi là “phép lạ kinh tế Đông Á” với sự xuất hiện của các nước “tân hưng”, mới nổi lên. Nhưng trong số này, chỉ có vài nước vươn lên thành nước công nghiệp hóa sau vài lần khủng hoảng. Đó là trường hợp Nam Hàn và Đài Loan. Đằng sau là các quốc gia thuộc hạng nhì, như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia với lợi tức ở trung bình cao. Việt Nam chưa lên tới hạng nhì và nay, chưa thành nước tân hưng thì đã có thể tụt hậu. Đấy là về đại thể trong không gian Đông Á và thời gian là gần ba chục năm qua…. Về cụ thể, Việt Nam có một hệ thống công quyền gây nhiều lãng phí.

Nguyên Lam: Xin đề nghị ông trình bày cho sự lãng phí đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ hai chục năm nay, người ta ru ngủ nhau về đà tăng trưởng rồng cọp của kinh tế Việt Nam mà không thấy bộ máy công chi là quản lý ngân sách quốc gia bị thiếu hụt thường xuyên kể từ năm 2000. Mức thiếu hụt vì chi nhiều hơn thu đã tăng đều và năm ngoái lên tới 6.5% của Tổng sản lượng Nội địa GDP, thuộc loại cao nhất Á Châu.

- Nhìn lại thì với đà tăng trưởng sản xuất khoảng 6% trong 15 năm liền, số thu cho ngân sách tất nhiên là phải tăng, mà vẫn không kịp với nhịp độ chi tiêu của bộ máy công quyền và ngày nay người ta lại nói đến giải pháp tăng thuế! Về chi tiết thì đà tăng chi đó xuất phát từ yêu cầu chi dụng cho bộ máy hành chính công quyền nay lên tới gần hai phần ba của số tổng chi. Bên trong lạ  i còn khoản chi mờ ảo cho hệ thống chính trị lãnh đạo nhà nước là các cơ chế của đảng Cộng sản Việt Nam lẫn sáu đoàn thể quần chúng do đảng lập ra cho nhà nước quản lý đời sống của xã hội. Ngoài hiện tượng lãng phí đó là những tai họa tài chính khác xuất hiện cùng nếp sống quá xa hoa của đảng viên và cán bộ cao cấp.

Nguyên Lam: Thưa ông, những tai họa tài chính đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ xin đơn cử bốn thí dụ, là thứ nhất, các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước là các trung tâm lãng phí và ban phát quyền lợi cho đảng viên cán bộ ở bên trong. Thứ hai là hệ thống ngân hàng, nơi thu hút tài nguyên để phân phối cho hoạt động sản xuất thì chỉ biết vay mà không biết trả nên chất lên một núi nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và dễ mất. Tỷ lệ nợ xấu này có thể cao gấp đôi tổng số dư nợ và gây rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Thứ ba, thuộc diện quản lý của nhà nước là các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất quy mô như cầu đường kinh rạch. Việt Nam nổi tiếng là xây cầu vừa xong thì sụp bên cạnh những ổ gà sâu như giếng. Khi xây cầu, người ta tính vào sản lượng, khi dùng công quỹ để sửa, người ta lại cộng vào sản lượng chẳng khác gì Trung Quốc. Đấy là các trung tâm “sản nhập” chứ không sản xuất. Thứ tư là loại hạ tầng cơ sở vô hình mà căn bản hơn cả, là luật lệ hay giáo dục đào tạo. Hạ tầng đó lỏng lẻo và èo uột như ta có thể thấy khi chẳng ai bị trách nhiệm về sự lãng phí hay tham ô, trẻ em thiếu trường ốc, kỹ sư tốt nghiệp mà chẳng kiếm ra việc làm, và đảng viên cao cấp thì xài bằng giả, v.v…

Nguyên Lam: Bây giờ, chúng ta bước qua phần hai là yêu cầu cải cách để ra khỏi những khó khăn mà ông vừa tóm lược. Theo ý kiến của ông thì người ta nên cải cách từ đâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Các định chế quốc tế đã từng viện trợ tài chính cho Việt Nam cũng viện trợ về cả kỹ thuật và gửi qua nhiều chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm phát triển các nền kinh tế chậm tiến. Rất đều đặn, họ nói đến nhu cầu cải cách cơ chế và chính sách, như cải cách bộ máy hành chính công quyền hay chiến lược phát triển mà Việt Nam nên áp dụng để có sự tăng trưởng hài hòa, quân bình và nhất là công bằng. Thí dụ như khi bị bội chi ngân sách thì nhà nước có thể cổ phần hóa hay tư nhân hóa tài sản của các công ty quốc doanh để có tiền cho ngân sách và khi đó, làm sao định giá các doanh nghiệp của nhà nước, để bán cho ai và sau này sẽ quản lý ra sao, v.v… Một thí dụ khác là nên ra khỏi chiến lược lệ thuộc vào xuất khẩu hay đầu tư trực tiếp của nước ngoài để tránh những dao động trên thị trường quốc tế.

- Thế giới có một kỹ nghệ khá quy mô nhưng tốn kém, là kỹ nghệ viện trợ kỹ thuật. Nó nuôi sống các chuyên gia tư vấn lương cao bổng hậu mà nhiều khi vô hiệu vì nhà nước cầu viện không thực thi khuyến cáo chuyên môn của họ. Sở dĩ như vậy và đây là ta đụng vào vấn đề thật, hay cái vẩy ngược của con rồng, là bộ máy chính trị của đảng độc quyền nằm sau bộ máy lãng phí và vô trách nhiệm của nhà nước. Vì nguyên tắc không xen lấn vào chính trị nội bộ, các định chế viện trợ quốc tế đều có thể biết hết mà tránh nói ra trong các phúc trình định kỳ của họ.

Nguyên Lam: Nếu như vậy thì thưa ông, phải chăng người ta cần cải cách hệ thống chính trị, là từ trên xuống?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau khi chiến tranh kết thúc từ năm 1975, Việt Nam đã đổi tên nước và bốn lần thay đổi hay tu chỉnh Hiến pháp, thậm chí còn bàn về việc đổi tên đảng như đã thấy năm 2013. Việc sửa đổi hiến pháp có thể là do nhu cầu đối ngoại với Liên bang Xô viết hay với Trung Quốc qua từng thời kỳ nóng lạnh giữa hai cường quốc này. Nhưng một điều không đổi là vai trò lãnh đạo không thể bàn cãi của đảng. Nó có thể là đảng Lao động hay đảng Cộng sản mà quyền hạn thì vẫn vô biên. Thí dụ ai cũng thấy là Quốc hội và Nhà nước Việt Nam chỉ lấy quyết định sau khi viện dẫn nghị quyết của đảng, hoặc khi thanh lọc cán bộ tham ô, người ta trước hết áp dụng kỷ luật đảng rồi mới có quyết định hành chính hay pháp lý. Thí dụ thứ hai là phạm trù “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được nhắc tới từ hơn 20 năm qua mà chẳng ai định nghĩa được cái định hướng đó là gì, vì khái niệm xã hội chủ nghĩa mơ hồ ấy chỉ tô hồng ý niệm cộng sản đã phá sản ở khắp nơi.

Nguyên Lam: Qua phần tóm lược vừa rồi thì dường như là Việt Nam vẫn còn gặp một vấn đề thuộc diện tư tưởng hay ý thức hệ. Ông nhận xét thế nào về hiện tượng đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chìm sâu bên dưới sự mơ hồ của cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng của nhà nước”, hoặc “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì quả thật là vẫn có yếu tố ý thức hệ khiến đảng giữ độc quyền chân lý và độc quyền chính trị, là quyền độc tài. Rốt cuộc thì mọi thứ luật pháp đều từ đảng mà ra và khi đảng quyền lại cao hơn pháp quyền nhà nước – mà chẳng ái dám nói tới – thì có các hiện tượng tư bản thân tộc, nạn tham ô và lãng phí từ trên đầu xuống, sau cùng mới là những thất quân bình chi thu hay khủng hoảng tài chính và ngân hàng như hiện nay.

- Chúng ta đã phải thấy chuyện này từ bốn năm trước khi đảng và nhà nước tiến hành cải cách nhằm khởi động nền kinh tế bắt đầu bị suy trầm và nâng cao uy tín quá sa sút của đảng và nhà nước. Khi ấy, lãnh đạo Việt Nam có kế hoạch tái cơ cấu kinh tế sẽ thực hiện trong khoảng thời gian từ 2013 tới 2020. Khi đó rồi, qua chỉ thị của đảng, năm 2015, Quốc hội Việt Nam cũng ban hành luật lệ chống tham nhũng. Ngày nay, nhân vật chủ chốt của kế hoạch tái cơ cấu ấy là nguyên Thủ tướng đang bị bao vây tứ bề và tay chân thân tộc của ông bị điều tra, truy tố, trong khi cơ cấu kinh tế còn thất quân bình hơn trước. Nguyên do là mọi sự đều xuất phát từ đảng, rồi mới chuyển hóa qua quá nhiều chòng chéo vào bộ máy nhà nước.

Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông rút tỉa kết luận cho yêu cầu cải cách này của Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đảng Cộng sản Việt Nam lầm tưởng mình có khả năng linh động để xoay chuyển trước áp lực từ bên ngoài, điển hình là sức ép của Trung Quốc, hay những đòi hỏi cải cách ở bên trong hầu có thể duy trì quyền lực mà không chấp nhận đối lập hay đa đảng như nhiều quốc gia Đông Á khác. Tôi nghĩ là thời của sự lạc quan đó đã kết thúc. Muốn lãnh đạo thì phải có hậu thuẫn chính đáng của quần chúng, tức là sự tham dự tự do của công chúng, thay vì cứ cầm cái còng và con dấu rồi bị đẩy dần vào chân tường. Nếu đảng không chủ động thay đổi từ trên xuống cho người khác tham gia thì người dân sẽ đòi thay đổi từ dưới lên. Khi ấy, người ta sẽ lại thấy hiện tượng đáng sợ của một cuộc cách mạng.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét