Tại phiên điều
trần chuẩn thuận Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tại Ủy Ban Ngoại Giao Thượng
Viện Mỹ vào ngày 27/9/2017, Daniel J. Kritenbrink ghi nhận 18 tháng qua
tại Việt Nam là một thời kỳ gia tăng bắt bớ, buộc tội và kết án nặng nề
những người hoạt động. Ông cho biết xu hướng này khiến ông thấy “bất an
sâu sắc”.
Ông Kritenbrink
tuyên bố rằng nếu được chuẩn thuận, ông sẽ tiếp tục đề cao nhân quyền
và tự do tôn giáo, nhắc nhở về nhu cầu phải tiếp tục tiến bước trong
cuộc chiến chống nạn buôn người.
Ông nói ông sẵn
sàng nhấn mạnh với giới lãnh đạo ở Việt Nam rằng, tiến bộ trên những
vấn đề này vẫn còn là một ưu tiên hàng đầu đối với Hoa Kỳ, và là then
chốt để cho phép mối quan hệ đối tác giữa hai bên, và cho chính nước
Việt Nam, đạt được khả năng tiềm ẩn đầy đủ nhất của mình.
Còn người tiền nhiệm của Daniel J. Kritenbrink là Ted Osius thì đã ứng xử với nhân quyền Việt Nam ra sao?
Trước khi nhận
nhiệm vụ tại Việt Nam vào cuối năm 2014, Ted cũng có một cuộc điều trần
trước Quốc hội Mỹ và có vài cuộc gặp với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Song tất cả những gì mà người ta nhớ về Ted là ông đã chỉ cam kết một
cách chung chung về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam mà không tỏ ra một
bức bối nào.
Không biết vô
tình hay hữu ý, chỉ chưa đầy một tháng sau khi Ted Osius nhậm chức đại
sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam với nụ cười tươi rói, công an Việt Nam đã bắt
hàng loạt nhà bất đồng chính kiến như hai blogger Hồng Lê Thọ và Nguyễn
Quang Lập.
Không chỉ luôn
phát ngôn đầy lạc quan “quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ sáng sủa như lúc
này”, Ted còn hướng đến triển vọng của mối quan hệ này bằng triết lý
“không có gì là không thể!”.
Nhưng quả là
“không có gì là không thể” ở chủ thể chính quyền Việt Nam. Trong chuyến
thăm Việt Nam vào tháng 5/2016 và dù đã mở lòng dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ
khí sát thương cho Hà Nội, Tổng thống Obama đã phải nhận một cú sốc chưa
từng có: Có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của Obama bị công an cấm
cửa đến gặp ông.
Bảy tháng sau
vụ công an Việt Nam thẳng tay chặn khách mời của Tổng thống Obama tại Hà
Nội, đến lượt ngoại trưởng của Obama là ông John Kerry cũng lâm vào
tình trạng tương tự.
Bầu không khí
dân chủ mà giới quan chức chính phủ và ngoại giao Hoa Kỳ cảm nhận được ở
đất nước họ, lại đã bị biến thái một cách lộn ngược tại quốc gia cựu
thù. Những gì mà chính quyền Obama đã hy vọng sẽ làm cho giới lãnh đạo
Việt Nam thay đổi về não trạng nhân quyền lại chỉ nhận được kết quả hầu
như công cốc sau hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.
Thế nhưng trước tình cảnh giới lãnh đạo Mỹ bị công an Việt Nam trắng trợn xúc phạm, nhà ngoại giao Ted Osius vẫn… cười.
Khá kỳ quặc là
trong lúc hàng loạt kỳ đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ, dù diễn ra ở Hà
Nội hay ngay tại Washington, đã trở nên hình thức một cách đáng sợ và
trong thực tế chỉ nhận được lời hứa hẹn bị dư luận xem là quá giả dối từ
một viên chức cấp thấp – trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, trong lúc tần
suất bắt bớ người bất đồng ở Việt Nam cứ tăng theo mỗi tháng, còn nạn
sách nhiễu hành hung của “côn đồ công vụ” đã trở nên phổ cập đến nỗi có
dư luận phải cho đó là một “thuộc tính sinh học” của ngành công an…,
người ta vẫn chứng kiến vị đại sứ Ted Osius thung dung thưởng ngoạn
phong cảnh ở Việt Nam, nhìn thấy nụ cười rất tươi của ông trên báo chí
quốc doanh, còn trang facebook của ông không bao giờ tắt niềm hy vọng
bằng những lời mô tả triển vọng không thể tốt đẹp hơn của quan hệ Việt –
Mỹ…
Còn
Kritenbrink? Liệu ông có cứng rắn hơn người tiền nhiệm Ted Osius và mang
lại ít ra một hình ảnh lấy lại thể diện của nước Mỹ?
Vào tháng
5/2016, khi còn là Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng
An ninh Quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink được VOA dẫn lời: “Nhân
quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm,
trong việc đưa mối quan hệ song phương Mỹ – Việt tiến về phía trước”, và
“Việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất
kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.
Tháng 5/2016
cũng là thời điểm mà nước Mỹ đã làm một cử chỉ đặc biệt kể từ năm 1995
khi Mỹ – Việt bình thường hóa quan hệ: dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ
khí sát thương cho Việt Nam.
Không biết lời
cảnh báo của Daniel Kritenbrink về mua bán vũ khí có “linh” hay không,
chỉ biết rằng đã hơn một năm trôi qua kể từ tháng Năm năm 2016, giới
quân sự Việt Nam vẫn chưa mua được một thứ vũ khí mang hiệu quả sát
thương đáng kể nào từ phía Mỹ.
Trong những
tháng tới, Daniel Kritenbrink có thể là một hình ảnh khác, thậm chí khác
hẳn với Ted Osius. Nếu thái độ của Tổng thống Trump là dửng dưng và có
phần lạnh nhạt trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
vào tháng 5/2017, Daniel Kritenbrink cũng có thể là nhân vật đại sứ tỏ
ra dứt khoát hơn trước tư thế ngả ngớn đu dây của Hà Nội giữa Washington
và Bắc Kinh.
Nếu vụ Bãi Tư
Chính xứng đáng là một nỗi sợ để Bộ Quốc phòng Việt Nam tìm kiếm trở lại
sự hỗ trợ của hải quân và không quân Hoa Kỳ, Daniel Kritenbrink sẽ có
cơ hội để không phải giữ nụ cười thường trực miễn cưỡng như cái cách của
Ted Osius trước một Việt Nam vi phạm nhân quyền như cơm bữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét