BBC
Báo cáo thảm họa môi trường được nhóm Green
Trees gửi cho chính phủ Việt Nam
Nhóm hoạt động môi trường tên Green Trees gửi "Báo cáo
toàn cảnh thảm họa" về vụ Formosa cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam. Nội dung bản báo cáo được nhóm này công bố, gửi đi vào ngày
25/10. Bản báo cáo có tám chương, dài 200 trang, nói về các khía cạnh
liên quan đến chính sách, cách ứng xử của chính quyền và các tổ chức xã hội sau
thảm họa. Bản báo cáo cũng sử dụng một số báo cáo khoa học về biển sau thảm họa.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, đại diện của nhóm
nói: "Điều quan trọng nhất mà chúng tôi chú ý là vấn đề tiêu chuẩn của Việt
Nam về chất lượng nước thải ra ngoài môi trường cho các khu công nghiệp thép.
Quy chuẩn này khá yếu kém để bảo vệ môi trường."
"Thế nên, cho dù Formosa có tuyên bố hay xác thực được
họ làm đúng theo quy chuẩn môi trường Việt Nam thì vẫn có thể gây ra thảm họa
cho môi trường biển, vì tiêu chuẩn đó quá thấp kém. Có vẻ như tiêu chuẩn này được
đưa ra để thu hút được đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt
Nam," đại diện của nhóm, người không muốn nêu tên, nói.
'Mối quan tâm của người dân'
Khi được BBC hỏi về nội dung, vị đại diện trả lời:
"Trong báo cáo, chúng tôi nhận xét rằng chính quyền đã đóng vai trò làm giảm
nhẹ đi mối lo ngại trong dân về thảm họa này, nhưng không nêu bật được lên điều
mà người dân quan tâm nhất."
"Đó là ai là thủ phạm đứng đằng sau? Họ sai phạm đến mức
thế nào? Và cách giải quyết thảm họa này thế nào?"
"Làm sao để không còn xả thải? Làm sao để đảm bảo môi
trường biển để cả sinh sôi trở lại và đảm bảo đời sống của người ngư dân sống
xung quanh? Cách tiêu hủy cá có độc thế nào? Làm sao để đảm bảo sinh kế cho người
dân đến lúc môi trường biển được phục hồi?"
Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam kết luận vụ
cá chết do công ty Formosa gây ra
"Kinh tế biển là chiến lược Việt Nam đưa ra phát triển
lâu dài đến năm 2030-2035. Sau khi thảm họa xảy ra, gần như du lịch và kinh tế
biển của miền Trung coi như bị vứt bỏ. Đó là những điều người dân quan
tâm," vị đại diện nêu hàng loạt câu hỏi mà bản báo cáo đề cập đến.
Bản báo cáo dài 200 trang do 29 thành viên, gồm các nhà hoạt
động môi trường, kỹ sư công nghệ thông tin, nhà báo và nghiên cứu về môi trường,
thực hiện. Danh sách những người thực hiện báo cáo cũng được gửi kèm đến Văn
phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên - môi trường.
'Cần điều chỉnh quy chuẩn xả thải'
Tổ chức Green Trees, ban đầu tên là "Vì một Hà Nội
xanh", được nhiều người biết đến sau sự kiện bảo vệ 6.700 cây xanh bị chặt
tại Hà Nội vào năm 2015.
Mục đích của báo cáo, theo nhóm này nói, "làm sao để
đây là tiền đề cho Chính phủ có điều chỉnh về quy chuẩn với việc xả thải hay với
việc gây hại môi trường".
"Thứ hai là để những công ty, tập đoàn khác, họ theo hướng
đấy để biết cách điều chỉnh bản thân hơn. Và đó cũng là tiền đề để cho các tòa
án có các vụ xử về môi trường tại Việt Nam."
"Điều mà Green Trees muốn kêu gọi là vấn đề về minh bạch,
phải đưa ra được con số bồi thường khác sau khi xử án. Ước tính bồi thường phải
dựa trên phương pháp khoa học. Bất cứ hội nhóm nào cũng không thể đưa ra một
con số chính thức nếu không được tự tay vào vùng đó thanh tra, kiểm tra độc lập.
"Green Trees cũng mong muốn có các tổ chức độc lập nước
ngoài được Chính phủ cho phép vào điều tra độc lập vấn đề này, để phục vụ cho
quá trình điều tra và xét xử của tòa án."
Nhận định về sự việc xảy ra nhiều cuộc biểu tình sau thảm họa
cá chết, vị này nói "lòng tin của người dân không còn".
Nhiều cuộc biểu tình diễn ra vì vụ cá chết
'Không trông đợi Chính phủ phản hồi'
Khi BBC đặt câu hỏi về tính xác thực khoa học của các bài viết
khoa học trong báo cáo, vị đại diện nhóm này thừa nhận: "Khó khăn là làm
sao để xác định những bài báo khoa học là thông tin đúng. Những bài báo khoa học
được đề cập, chúng tôi phải dùng cách đối chiếu lại với những dữ liệu quy chuẩn
của nhà nước và các phân tích có thể kiểm tra lại bằng lý thuyết."
Đại diện nhóm này nói họ "không chắc sẽ được phản hồi
và cũng chưa bao giờ đặt mục tiêu là được Chính phủ phản hồi."
"Nhưng chúng tôi chắc chắn là họ sẽ đọc và họ sẽ hiểu một
phần nào những gì mà họ không thấy trong bản báo cáo trên bàn của họ. Đây là tiếng
nói người dân. Và cho dù người dân có viết sai, hay đúng thì họ cũng hiểu người
dân đang muốn gì và họ phải làm nghiêm túc thế nào. Đó là điều quan trọng nhất.
"
Thảm họa môi trường cá chết xảy ra tại Việt Nam vào tháng
4/2016.
Cuối tháng 8/2016, Chính phủ kết luận công ty Formosa xả thải
ra biển gây thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016.
Thảm họa môi trường cá chết đã khiến nhiều người dân xuống
đường biểu tình trong suốt hai tháng dài trước khi Chính phủ Việt Nam công bố
nguyên nhân gây ra sự việc.
Nhiều ngư dân bốn tỉnh miền Trung không thể đánh bắt cá, hoặc
phải bán cá với giá rẻ khi lên bờ do người mua lo ngại cá nhiễm độc.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét