Thanh Hà
370 thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung
Quốc họp kín từ ngày 24 đến 27/10/2016. Cuộc họp lần này quan trọng tới mức độ
nào ? Đâu là những hồ sơ chính được đem ra thảo luận và người ta có thể chờ đợi
những gì ở cuộc họp lần này của giới lãnh đạo Bắc Kinh ?
Trung bình, giữa hai kỳ Đại Hội Đảng, được tổ chức 5 năm một
lần, 7 Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương được mở ra. Cuộc họp cuối cùng ít được
chú ý vì diễn ra gần như cùng lúc với Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc của khóa
sau. Tuy nhiên các Hội Nghị Trung Ương thường đưa ra những quyết định quan trọng,
chẳng hạn như năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng chính sách cải tổ và mở cửa
kinh tế, đặt nền tảng cho chu kỳ hơn 30 tăng trưởng « thần kỳ ».
Đến Hội Nghị 3 năm 1993, chủ tịch Giang Trạch Dân đã đề xuất
ý tưởng xây dựng mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dấu ấn Tập Cận Bình qua các kỳ họp Ban Chấp Hành Trung Ương
Năm ngoái, kết thúc hội nghị 5, khóa 18 Bắc Kinh chính thức
chôn vùi chính sách một con để giải quyết nạn nam thừa nữ thiếu và đối mặt với
hiện tượng dân số trên đà bị lão hóa. Xa hơn một chút, Hội Nghị 3, khóa 18 hồi
tháng 11/2013 đã tập trung vào các biện pháp cải cách kinh tế và xã hội, chủ yếu
là « chuyển hướng » kinh tế để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu
tư, lấy tiêu thụ nội địa làm động lực tăng trưởng.
Về mặt xã hội, cũng nhân Hội Nghị Trung Ương năm 2013 Bắc
Kinh đã thông báo loại bỏ các trại cải tạo lao động.
Tầm mức quan trọng của Hội Nghị 6
Hội Nghị 6 lần này diễn ra một năm trước Đại Hội Đảng của
khóa 19. Chủ đề chính năm nay là « các quy định quản lý trong nội bộ đảng, tăng
cường giám sát đảng viên và thực thi kỷ luật nội bộ » đối với một đảng phái
chính trị bao gồm 88 triệu đảng viên.
Giới quan sát không loại trừ khả năng sau cuộc họp lần này,
Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đề xuất một biện pháp mạnh gây chú ý trong công luận,
chẳng hạn như là buộc các ủy viên Trung Ương công bố tài sản cá nhân và và tài
sản của gia đình thân cận. Biện pháp nói trên đã được đề cập đến dưới nhiệm kỳ
10 năm (2002-2012) của ông Hồ Cẩm Đào, nhưng đã bị chìm vào quên lãng.
Tuy nhiên như bình luận của nhật báo Le Monde, với chính
sách bài trừ tham nhũng được tiến hành từ ba năm qua dưới sự kiểm soát của Ủy
Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương Đảng trong tay ông Vương Kỳ Sơn, mọi tiếng nói
chống đối biện pháp minh bạch hóa tài sản này sẽ làm dấy lên nhiều nghi vấn.
Tiền đề cho Đại Hội 19
Sau 4 ngày họp kín, trên nguyên tắc vào thứ Năm 27/10/2016
Trung Quốc thông báo danh sách 7 ủy viên thường trực Ban Chấp Hành Trung Ương.
Mọi người biết chắc hai ghế trong « câu lạc bộ khép kín » này sẽ không đổi chủ.
Đó là ghế của tổng bí thư Tập Cận Bình và của thủ tướng Lý Khắc Cường.
Nhưng chưa biết ai sẽ được bầu chọn vào 5 ghế còn lại. Có
nhiều tin đồn là một vài gương mặt lãnh đạo Trung Quốc thuộc thế hệ 6 sẽ có mặt
trong Ban Chấp Hành sắp tới.
Mọi người còn nhớ trong khóa họp năm 2007, hai ông Tập Cận
Bình, Lý Khắc Cường là những gương mặt « trẻ » được đề cử vào Ủy Ban Thường Vụ.
Nhưng lần này, cuộc đấu đá ở hậu trường dường như chưa tới hồi kết vì như đánh
giá của giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam) đại học Hồng Kông, các bên sẽ còn gặp lại
nhau trong một cuộc họp không chính thức vào mùa hè sang năm để tiếp tục « dàn
xếp » về mặt nhân sự.
Có điều một số nhà quan sát chờ đợi, tại cuộc họp tháng
11/2016, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ kín đáo thay đổi
luật chơi. Trên nguyên tắc, các thành viên trong « câu lạc bộ khép kín » này phải
dưới 68 tuổi, nhưng có nhiều dấu hiệu cho rằng, ông Vương Kỳ Sơn sẽ là một ngoại
lệ.
Sinh vào tháng 7/1948, năm nay nhân vật này vừa ăn mừng sinh
nhật lần thứ 68 là như vậy đã đến tuổi phải bước ra khỏi Ủy Ban Thường Vụ.
Nhưng nhờ thành tích kỷ luật hơn 1 triệu đảng viên, ông Vương vẫn có thể giữ được
chiếc ghế « thường trực ». Một số những tên tuổi khác quá giới hạn tuổi tác,
không được may mắn như họ Vương.
Đó là trường hợp của các ông Trương Đức Giang (Zhang
Dejiang), 69 tuổi, nhân vật số 3 trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc và Trưởng
Ban Tuyên Truyền Trung Ướng, Lưu Vân Sơn sinh năm 1947.
Cần nói thêm là cả hai ông Trương Đức Giang và Lưu Vân Sơn
cùng được coi là phe cánh của cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Số phận thủ tướng Lý Khắc Cường ?
Một ẩn số khác liên quan đến chức vụ thủ tướng của ông Lý Khắc
Cường. Từ trước tới nay, thủ tướng Trung Quốc luôn có trách nhiệm điều hành
chính sách kinh tế tại đất nước đông dân nhất địa cầu. Dưới thời chủ tịch Tập Cận
Bình, một dàn cố vấn của ông Tập đã « lấn sang sân » của bên phủ thủ tướng.
Có nhiều bất đồng giữa hai vị lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc
trên nhiều hồ sơ quan trọng chẳng hạn như liên quan đến giải pháp chữa cháy,
ngăn chận khủng hoảng chứng khoán hồi mùa hè 2015 hay về tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Các nhà bình luận quốc tế chờ đợi là, không có chuyện ông Lý
Khắc Cường bị gạt ra ngoài Ủy Ban Thường Trực, nhưng trong trường hợp nổ ra khủng
hoảng địa ốc thì thủ tướng họ Lý sẽ bị hy sinh.
Có giả thuyết cho rằng, ông Lý Khắc Cường sẽ được mời về giữ
chức chủ tịch Quốc Hội, để nhường ghế thủ tướng lại cho ông Vương Kỳ Sơn, một
người có nhiều kinh nghiệm trong chính sách kinh tế. Ông này từng trong ban
lãnh đạo Ngân Hàng Nhân Dân và Ngân Hàng Xây Dựng Trung Quốc. Ở cương vị chủ tịch
ủy ban nhân dân thành phố Bắc Kinh, ông đã hết sức thành công trong việc tổ chức
Thế Vận Hội Olympic 2008.
Về câu hỏi liệu rằng chính sách kinh tế của Trung Quốc có những
bước thay đổi ngoạn mục sau cuộc họp lần này hay không, giới quan sát cho rằng,
kịch bản đó ít có khả năng xảy ra.
Có thể là Bắc Kinh tiếp tục chính sách cải tổ khu vực kinh tế
nhà nước, chỉnh đốn bên quân đội, nhưng, theo đánh giá của hãng tin Mỹ
Bloomberg, Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương 6 trước hết là dịp để tổng bí thư
Tập Cận Bình củng cố quyền lực và áp đặt đường lối trong nội bộ đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét