Nguyễn Vũ Bình
2/ Vấn đề lãnh tụ
ở Việt Nam hiện nay
Căn cứ vào các yếu
tố cần thiết để xuất hiện lãnh tụ nêu trên, thì chúng ta có thể hình dung ngay
việc xuất hiện lãnh tụ ở Việt Nam khó khăn đến mức nào. Chúng ta đi vào phân
tích, áp dụng các yếu tố đó vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam để hiểu tường tận vấn
đề này.
Vấn đề đồng thuận
cao cho mục tiêu kết hợp. Xã hội Việt Nam là xã hội độc tài toàn trị cộng sản
đã kéo dài hơn 70 năm ở miền bắc và trên 40 năm ở miền nam. Với một nền giáo dục
đi ngược lại tự do nghiên cứu và học thuật cùng với hệ thống tuyên truyền dối
trá khổng lồ đã làm cho người dân hoàn toàn mất phương hướng trong nhận thức những
vấn đề căn bản của xã hội và đất nước. Trong khoảng một vài chục năm trở lại
đây, nhờ sự phát triển của hệ thống Internet, và nhất là mạng xã hội facebooks,
người dân dần dần nhận ra chân tướng sự việc. Tuy nhiên, vì không được trang bị
kiến thức và phương pháp nghiên cứu và tìm hiểu về các vấn đề xã hội, các nguồn
thông tin lại quá đa dạng, phong phú, thậm chí xô bồ nên không có nhiều người
có thể hiểu được ngọn nguồn các vấn đề rất phức tạp mà xã hội cộng sản đã tạo
ra. Chính vì vậy mà ngay trong hàng ngũ những người đấu tranh dân chủ hiện nay,
vấn đề nhận thức về thực trạng đất nước, về nguyên nhân của thực trạng này vô
cùng khác nhau, thậm chí hỗn loạn. Có người thì khẳng định, đảng cộng sản đã có
vai trò quan trọng và có đường lối đúng trong việc dẫn dắt đất nước những năm
qua. Chỉ khi đất nước mở cửa, hội nhập, một bộ phận cán bộ hư hỏng, tham nhũng
mới làm xấu hình ảnh của đất nước, chế độ. Có nhiều người khác lại cho rằng, từ
khi ra đời, cướp được chính quyền đến năm 1975, đảng cộng sản và nhà nước Việt
nam đã đi đúng quy luật, chỉ sau khi thống nhất đất nước, mới có sai lầm trong
phát triển đất nước dẫn tới kết cục ngày hôm nay...Nói tóm lại, đó là sự hỗn loạn
trong nhận thức. Trên một cơ sở nhận thức như vậy, việc thống nhất hay đồng thuận
cho mục tiêu chung của người dân là rất khó khăn. Có nhiều người cho rằng, cần
thay đổi chế độ này, bằng cách lật đổ, hoặc tác động để chế độ tự sụp đổ nhưng
lại có nhiều người ủng hộ giải pháp chỉ sửa đổi để chế độ tốt đẹp hơn, khắc phục
những tiêu cực để hoàn thiện hơn. Cùng với thời gian, số người ủng hộ thay đổi
chế độ độc tài bằng một chế độ dân chủ ngày càng tăng lên và áp đảo nhưng thực
tế chia rẽ, thiếu đồng thuận vẫn còn trong nhận thức của những người đã và đang
tham gia vào phong trào dân chủ. Như vậy, yếu tố đồng thuận cao cho mục tiêu
chung là yếu, đồng nghĩa với việc cơ hội xuất hiện lãnh tụ là rất khó khăn.
Về con đường và
giải pháp của mục tiêu kết hợp. Trên thực tế, số lượng người có cùng đồng thuận
phải đấu tranh để thay đổi chế độ hiện nay không phải là ít, và có thể kết hợp
thành một lực lượng đối lập đáng kể. Nhưng chúng ta vẫn không thấy xuất hiện
lãnh tụ. Ngoài việc phong trào dân chủ trải qua 4-5 thập niên, đã tự hình thành
các tổ chức, đảng phái, hội nhóm lớn nhỏ khác nhau, một yếu tố cản trở sự xuất
hiện lãnh tụ chung thì vấn đề quan trọng nhất chính là chưa có ai đưa ra được
con đường và giải pháp để thay đổi chế độ mà nhiều người đồng ý và đi theo.
Chúng ta cần làm
rõ vấn đề giải pháp. Có người nói, đấu tranh có tổ chức, hàm ý người đấu tranh
nên tham gia một tổ chức nào đó là giải pháp để thay đổi chế độ. Điều này không
đúng. Đấu tranh có tổ chức, tham gia vào tổ chức nào đó chỉ là phương pháp đấu
tranh đúng, hiệu quả chứ hoàn toàn không phải là giải pháp để thay đổi chế độ.
Giải pháp là cách thức để giải quyết một vấn đề cụ thể, ở đây vấn đề cụ thể là
thay đổi chế độ cộng sản. Có thể lấy một ví dụ, việc lập ra và duy trì Công
Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan chính là giải pháp để thay đổi chế độ cộng sản ở Ba Lan.
Việc lập ra một tổ chức công khai trong lòng chế độ cộng sản, được người dân ủng
hộ, xây dựng lực lượng đối lập công khai trong lòng chế độ, và đấu tranh buộc
nhà cầm quyền phải nhượng bộ, chấp nhận và thừa nhận lực lượng đối lập chính là
giải pháp thay đổi chế độ ở Ba Lan. Và như chúng ta biết, ông Lech walesa đã trở
thành lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết, cũng là lãnh tụ của người dân Ba Lan
trong việc thay đổi chế độ cộng sản. Trong số các nước Xã hội chủ nghĩa ở Liên
Xô và Đông Âu, duy nhất chỉ có Ba Lan là quốc gia mà người dân thành công trong
việc kết hợp, đấu tranh để nhà cầm quyền nhượng bộ chấp nhận sự tồn tại của lực
lượng đối lập, đồng nghĩa với việc thay đổi chế độ một cách hòa bình. Tất cả
các nước còn lại, sự thay đổi chế độ đều là quá trình tự sụp đổ hoặc sụp đổ dây
chuyền.
Như vậy, việc
chưa có người đưa ra được giải pháp và con đường để thực hiện giải pháp thay đổi
chế độ mà nhiều người ủng hộ và đi theo là nguyên nhân chính dẫn tới việc ở Việt
Nam chưa xuất hiện lãnh tụ. Những mong mỏi của một số người về việc xuất hiện
lãnh tụ, ẩn sâu bên trong chính là mong mỏi tìm ra giải pháp cho việc đấu tranh
thay đổi chế độ cộng sản Việt Nam.
Một nguyên nhân
quan trọng nữa, mà việc xuất hiện lãnh tụ ở Việt Nam khó trở thành hiện thực.
Đó là sự đánh phá của nhà cầm quyền Việt Nam từ nhiều phía. Có một lãnh tụ có
khả năng tập hợp và kêu gọi người dân đấu tranh là điều nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không mong
muốn. Chính vì vậy, họ ra sức đánh phá nếu một nhóm, tổ chức hoặc cá nhân nào
có ý định xây dựng hình tượng lãnh tụ. Đánh phá công khai là điều hiển nhiên,
nhưng họ sẽ giật dây những kẻ dân chủ cuội mà họ cài cắm và không chế được để
đánh phá từ bên trong phong trào dân chủ. Vậy nên, việc xuất hiện lãnh tụ của
phong trào dân chủ Việt Nam càng trở nên mịt mù, vô vọng.
Việc có hay không
có lãnh tụ, việc xuất hiện lãnh tụ là điều tự nhiên, chúng ta không nên và
không cần trông mong, hi vọng quá nhiều. Công cuộc đấu tranh của chúng ta, góp
phần quan trọng vào quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam cũng đã gần
tới đích. Khi không có lãnh tụ, chúng ta cần quá trình làm việc chung, bình đẳng
trong môi trường hiện tại, cũng như tương lai hậu cộng sản. Một vị thế bình đẳng
giữa các tổ chức, đảng phái, hội nhóm và các cá nhân chính là tiền đề cần thiết
để xây dựng một nền dân chủ bền vững./.
Hà Nội, ngày 26/10/2016
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét