Campuchia hiện đang cố gắng cải thiện hình ảnh.
Người ta biết về Phnom Penh vì Khmer Đỏ hơn là điểm đến hấp
dẫn của những người nước ngoài. Thế nhưng đây vẫn là nơi người ta muốn tìm sự hứng
khởi, theo tường thuật của Dene-Hern Chen.
Campuchia hiện đang cố gắng cải thiện hình ảnh.
Bị vết sẹo của lịch sử đau thương thời Khmer Đỏ, đất nước nhỏ
bé này đang gắng đổi thay để thành điểm đến cho cả du khách và nhà đầu tư bất động
sản. Những năm gần đây, thủ đô Phnom Penh đã bùng nổ với sự phát triển. Thành
phố từng không có nhà chọc trời thì nay đã xuất hiện các tòa nhà lớn và đang dự
kiến có nhiều trung tâm thương mại.
Trong khi nhiều người nước ngoài tới Zurich, London hoặc
Singapore để thăng tiến nghề nghiệp và tăng thu nhập thì một số thấy ở Phnom
Penh cơ hội duy nhất để thăng tiến kiểu khác với thu nhập tương tự. Ngoài ra,
vì ít có cạnh tranh nên ở một số ngành việc lập nghiệp là nhanh hơn.
Thành phố này có lịch sử đen tối. Tháng 4/1975, Phnom Penh nằm
dưới sự cai quản của Khmer Đỏ, hầu hết dân bị ép buộc rời thành phố về sống ở
nông thôn. Khoảng 1,4 đến 2,2 triệu người bị chết đói và bị hành quyết trong 4
năm dưới chế độ này.
Ngày nay, thành phố này (1,7 triệu dân rải rác ở nơi giao cắt
giữa 2 sông Mekong và Tonle Sap) vẫn gắn với hình ảnh đó cho dù đã hòa bình được
30 năm.
Không được chú ý bằng Siem Reap, nơi có đền Angkor, Phnom
Penh dần nổi lên như là điểm đến hấp dẫn cho du khách quan tâm đến kiến trúc hiện
đại đan xen với kiến trúc cổ Khmer.
Cho tới gần đây, cảnh xã hội ở đây chỉ hạn hẹp ở các quán
bia vườn, quán bar khách sạn ngột ngạt, phố xá hàng quán đông đúc. Nhưng trong
3 năm qua đã có các quán ăn và quán bar mới của người nước ngoài, tăng nhanh
hàng tháng ở trung tâm thành phố. Các thương hiệu quốc tế như Starbucks và
Dunkin Donuts đã xuất hiện và đang khuyến khích thị hiếu người dân Campuchia.
Điều này có vẻ bất ngờ đối với một nước, mà chỉ mới đây
thôi, được Ngân hàng Thế giới xếp loại là thu nhập thấp. Nhưng với hàng nghìn
người nước ngoài sống ở Phnom Penh thì sự phát triển chóng mặt này không có gì
là đáng ngạc nhiên.
Nhiều người tới đây vì cơ hội về việc làm bất ngờ và thú vị
mà một nước sau nội chiến có thể mang tới, đặc biệt thuộc lĩnh vực phát triển
và phi chính phủ. Liên Hiệp Quốc và nhiều cơ quan của họ là hiện diện nhiều nhất
ở đây.
Cũng có nhiều nhà đầu tư, như của ngành gia công và nông
nghiệp, thấy đây là nơi có nhân công rẻ để mở rộng kinh doanh. Trong khi các
ngân hàng địa phương từ lâu đã hiểu tiềm năng của đất nước này và đã thành lập
các chi nhánh thương mại ở thủ đô. Vì vậy dân thành phố hoàn toàn chấp nhận sự
có mặt người nước ngoài.
Do nhiều ngành công nghiệp ở Campuchia tương đối kém phát
triển nên dân còn chưa sẵn sàng làm ăn lớn, Daniele Jimmy Henderson, nhà làm
phim Ý ở London tới ở đây năm 2011, nói. Từ khi tới đây ông đã dựng 4 bộ phim,
phim tâm lý kinh dị cuối cùng vừa ra mắt.
"Đáng lẽ ra tôi dựng nó ở London, nhưng nếu vậy sẽ phải
mất thêm nhiều năm," ông nói. "Ở đây ta có cảm giác mọi thứ đều mới
và ta có thể nêu ý tưởng và phát triển kinh doanh."
Những thay đổi đảo lộn
Cả triệu người bị Khmer Đỏ giết hại
Từ khi kết thúc chế độ Khmer Đỏ năm 1979, tác động của một
chính phủ lâm thời được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và của làn sóng các tổ chức
phi chính phủ có thể thấy cho tới ngày nay: Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở
Phnom Penh và tiền đôla Mỹ được sử dụng song hành với đồng riel (1 USD bằng khoảng
4.000 riel, bát mỳ 2,5 USD có thể được trả bằng 2 USD và 2.000 riel).
Sức mạnh của thành phố là tính cởi mở đối với những dự án
kinh doanh mới, Irina Chakraborty, một người Phần Lan-Ấn sống ở Phnom Penh 5
năm qua, nói. Ngay cả những ý tưởng bình thường cũng có thể trở thành dự án mới,
bà và một người bạn đã tổ chức một chợ trời bán đồ cũ, và nay nó đã phát triển
gấp ba và có 30 sạp hàng.
"Đó chắc chắn là cái gì đó mà tôi thích ở Phnom Penh, ta
có thể làm thử kiểu như vậy một cách rất dễ dàng," bà nói.
Có thể thấy ngay quan điểm này trong ẩm thực ở Phnom Penh,
nó tăng vọt trong những năm gần đây. Giá thuê cửa hàng rẻ nên việc bắt đầu kinh
doanh là dễ dàng, Timothy Bruyns, một đầu bếp Nam Phi chủ tiệm The Tiger's Eye
chuyên kết hợp món ăn địa phương và hiện đại, nói.
"Tính năng động lúc này của Phnom Penh thật đáng kinh
ngạc," Bruyns, tới đây được 5 năm để hỗ trợ mở nhà điều dưỡng sang trọng,
nói. "Những cơ hội kinh doanh ở Phnom Penh nay khác hẳn với khi tôi mới tới
đây."
Đời sống dễ dàng
Đền Angkor thu hút nhiều triệu lượt du khách
hàng năm
Một trong những điều thu hút của thành phố là chi phí ở đây
thấp.
Một căn hộ 1 phòng ngủ, kèm các tiện ích như bể bơi và dọn dẹp,
ở trung tâm Phnom Penh khoảng 500 USD một tháng; một căn hộ sang trọng 4 phòng
ngủ có thể tới 4.000 USD một tháng; theo Lachlan Lee, một giám đốc hãng nhà đất,
chủ yếu quan hệ với người Mỹ và Úc, hãng IPS Cambodia.
"Cuộc sống ở đây rất dễ dàng so với sống ở các thành phố
lớn ở Châu Âu. Ta có cảm giác sống ở một thị trấn nhỏ và giá sinh hoạt là rất rẻ
so với những nơi như New York và Sydney, Lee nói. "Người ta đến đây để có
cuộc sống dễ dàng."
Chakraborty cũng đồng ý, thức ăn và đời sống xã hội giống
như ở quê bà ở Phần Lan. "Ta có được mọi cái ta cần với giá phải
chăng," bà nói.
Thích ứng về văn hoá
Tuy nhiên, Chakraborty nói cũng có những khác biệt nhỏ về
văn hoá mà bà phải làm quen. Trước khi tới Phnom Penh, bà đã ở Ấn Độ 6 tháng. Ở
vùng Tây Bengal người ta thường nói to, bà nói. Ở Phnom Penh, bà phải tập nói
năng nhỏ nhẹ ân cần ngay cả khi bực mình.
"Dân ở đây giao thiệp nói năng như thể đang cười nhẹ,
ngay cả khi tức giận, đó là điều khá ngạc nhiên. Hoàn toàn không giống ở Ấn Độ,"
bà nói. "Ở Phnom Penh, người ta giao thiệp rất nhẹ nhàng."
Điều này cũng thấy trong quan hệ làm việc mà người nước
ngoài thấy khó điều chỉnh, đặc biệt nếu như họ đến từ các thành phố mà người ta
cần quan hệ hiệu quả và bộc trực.
"Nhiều người quá gián tiếp khi đề cập cách giải quyết
các khó khăn trong công việc," Chakraborty nói.
Mặt tiêu cực
An ninh và an toàn có thể là mối quan ngại với người nước
ngoài tới làm việc ở Phnom Penh. Hoa Kỳ xếp hạng Campuchia là nước "nguy
cơ cao" về tội phạm, đặc biệt về móc túi và cướp giật.
Tuy nhiên đó cũng là vấn đề gây nhức nhối của nhiều thành phố,
và người nước ngoài cũng cần phải thận trọng khi ở Phnom Penh cũng giống như ở
New York hoặc Paris.
"Riêng tôi, tôi không thấy đây là vấn đề nhưng ta cần
nghĩ đến nó khi di chuyển từ nước phương Tây tới Phnom Penh," Lee nói.
Khó khăn lớn nhất là nạn tham nhũng phổ biến gần như ở khắp
mọi ngành, theo Transparency International thì Campuchia xếp thứ 150 trong số
168 nước về chỉ số tham nhũng, là nước xếp thấp nhất trong vùng.
Ví dụ có thể thấy ở mọi nơi: Cảnh sát giao thông đòi thêm tiền
với người vi phạm bị bắt giữ là chuyện thường tình.
Một vấn đề quan tâm của nhà làm phim Henderson là nền giáo dục
kém chất lượng và đắt tiền. Hiện ông gửi 2 đứa con sinh đôi đi học ở 1 trường
tư ở trung tâm thành phố với giá 400 USD/ một học sinh một học kỳ. Trong khi
đó, trường quốc tế ở Phnom Penh có thể từ 15.000 đến hơn 20.000 USD một năm, đấy
là một khó khăn với người nước ngoài có thu nhập không nhiều, như ở ngành tài
chính hoặc kinh doanh, hoặc ký hợp đồng tài chính với một hãng.
"Nay vì tôi có gia đình nên việc giáo dục, y tế và văn
hoá là rất quan trọng," Henderson nói và giải thích rằng việc thiếu các
công viên cũng như các sự kiện nghệ thuật và văn hoá trở thành vấn đề khó khăn.
"Tôi biết rằng các con tôi đang thiếu cái mà tôi có khi mới lớn."
Mặc dù có do dự nhưng ông nói ông không bao giờ ngần ngại
khuyên nên tới Phnom Penh, đặc biệt với những người muốn bứt ra khỏi cuộc sống
tù đọng.
"Nước Campuchia tự do đã cho tôi cái tự do để xây cái cầu
đi tới tương lai của tôi, và đó là điều tôi thích nhất, và là điều nhiều người
đã trải nghiệm," ông nói. "Đây rõ ràng là một trải nghiệm đổi đời."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét