Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng của nhà cầm quyền Việt Nam,
khi bị các ‘đồng chí’ trong đảng cộng sản bắt phải về hưu, đã khuyên các đồng
chí của ông hãng “ráng làm người tử tế.” Không hiểu ông Dũng có biết làm người
tử tế là như thế nào không, nhưng sáng thứ tư vừa qua, thế giới tỉnh giấc để thấy
là đã mất đi một con người tử tế. Người đó là ông Shimon Peres, cựu thủ tướng,
cựu tổng thống, và là một người đã cố gắng hết sức để mang lại một tương lai
cho đất nước mình.
Trong suốt hơn bảy thập niên phục vụ quê hương, ông Peres,
qua đời sau hai tuần lễ bị trụy tim, hưởng thọ 93 tuổi, đã đồng hành và có lúc
hướng dẫn Israel từ lúc khởi đầu qua những thay đổi và luôn luôn tự mình tìm
cách thay đổi chỉ để tìm con đường tốt đẹp nhất cho sự sống còn của quốc gia
Israel.
Đi theo những thay đổi của thực tế, ông đã từ một trong những
kẻ đầu tiên cùng Thủ Tướng Ben Gurion dựng lên đất nước, gây dựng quân đội, vũ
trang cho quân đội, đến vào đầu thập niên 1990, trở thành người đã tạo được Hòa
Ước Oslo, vốn dự trù sẽ giúp xây dựng một quốc gia Palestine kế bên Israel.
Ông chưa bao giờ ngưng hoạt động ở hậu trường để xây dựng cho
viễn ảnh, mà có người bảo chỉ là ảo ảnh, của một “Tân Trung Đông.”
Sau cùng đứng lên trên mọi chia rẽ nội bộ trong vai trò tổng
thống Israel, chức vụ chính thức cuối cùng mà ông đảm nhận, ông Peres đã được
toàn thể đất nước ông đón nhận như là một vị chánh khách lão thành, ngay cả
trong khi xáo trộn đảo điên đang bao phủ gần hết vùng này và hứa hẹn một hòa
bình với Palestine chìm dần để trở thành đối với dân chúng một sự nghi ngờ và mệt
mỏi.
Thành ra, đối với nhiều người dân Israel, tìm cách gỡ rối và
định nghĩa di sản của ông Peres cũng chẳng khác gì nhìn vào một cái kính vạn
hoa của lịch sử nơi những lằn ranh giữa những đối thủ ý thức hệ lâu đời đã có
thời rõ nét và đặc trưng, nay đã tiêu tan thành một bóng mờ.
Trên Facebook, Moran Daniel Rosenfeld than thở bằng tiếng
Hebrew, “Chúng ta đã trở thành con mồ côi. Thật đáng buồn là một người kế thừa
tự nhiên cho con đường của ông, ý chí của ông, quyết tâm của ông và tài chính
trị của ông đã chưa chào đời.”
Thủ Tướng Benyamin Netanyahu đã khai mạc một phiên họp đặc
biệt của nội các Isreal để tưởng nhớ ông hôm thứ tư với một phút mặc niệm và một
câu: “Đây là ngày đầu tiên của một quốc gia Israel mà không có Shimon Peres.”
Ông Netanyahu, bên đảng hữu khuynh Likud, chỉ rất ngần ngại
mới chấp nhận nguyên tắc một quốc gia Palestine hồi năm 2009, và tiếp tục đụng
độ trong chốn riêng tư với ông Peres, một cựu đối thủ của đảng đối lập, đảng
Lao Động, trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông Netanyahu đã đưa ra một tuyên
bố ca tụng ông Peres, vốn đã hai lần làm thủ tướng, là “một người của hòa bình”
và nói ở buổi họp của nội các “Tôi kính phục ông ta. Tôi kính mến ông ta.”
Ông Peres hẳn đã nhìn lại với một sự pha trộn hài lòng và
quan ngại. Hồi năm 2013, trong một cuộc phỏng vấn khi ông 90 tuổi, ông nói thực
tế của Israel ngày nay “vừa khác hơn và vừa lớn hơn là ước mơ của chúng tôi.”
Ông mừng rỡ là dân số Israel đã tăng trưởng đến 8 triệu người, nhưng nói ông lo
ngại là họ ngày càng ít có những tiêu chuẩn đạo đức và ngày càng chỉ lo theo đuổi
các mục tiêu vật chất.
Sau nhiều năm bị những cú shock bạo động và sự xói mòn chính
trị ở cả hai bên, một số người Israel Do Thái đã coi sự sụp đổ của giấc mơ của
ông Peres vào lúc mà một người nổ bom tự sát Palestine phá tan một bữa tiệc
Passover ở Khách sạn Park ở thành phố bờ biển Netanya. Đó là ngày 22 tháng 3
năm 2002, và 250 khách ngồi xuống ăn bữa tiệc ngày lễ. Ba mươi người thiệt mạng.
Vài ngày sau, xe tăng Israel xâm lăng các thành phố của Palestine ở vùng Tây Ngạn
sông Jordan trong một cuộc hành quân kinh khủng nhất kể từ khi Israel chiếm
đóng vùng lãnh thổ này năm 1967.
Thỏa hiệp Oslo, mà ông Peres đã chứng kiến ký kết giữa ông
Yasser Arafat của Mặt Trận Giải Phóng Palestine và Thủ Tướng Yitzhak Rabin đã sụp
đổ. Thẩm quyền Palestine mà họ xây dựng bị bao vây. Và nhiệm vụ của ông Peres,
với tư cách là ngoại trưởng, là giải thích cho thế giới cuộc tấn công của
Israel.
“Họ được đề nghị một quốc gia Palestine,” ông tuyên bố trên
CNN vào lúc đó, nhắc đến những vòng điều đình của các cuộc thương thảo thất bại
cho hòa bình giữa hai bên. “Họ được đề nghị hầu như tất cả đất đai. Họ được đề
nghị một vị thế ở Jerusalem. Tại sao đánh nhau? Tại sao giết người? Tại sao
sách động?”
Đối với những người chống lại hòa ước Oslo, lời nói đó chứng
tỏ họ đúng. Ông Moshe Arens, đồng thời với ông Peres, và là một cựu bộ trưởng
quốc phòng và ngoại trưởng trong đảng Likud đối lập giải thích “Vào lúc họ ký kết
thỏa hiệp đó, họ được sự ủng hộ của đa số người dân Israel. Nay hầu hết mọi người
coi họ là thất bại. Nếu họ thành công tôi đã phải công nhận là tôi sai lầm.”
Nói chuyện trong khi ông Peres đang nằm bất tỉnh ở bệnh viện
sau cơn trụy tim, ông Arens diễn tả ông là “một người lạc quan không bờ bến,”
trong khi nói đến khoảng trống chính sách mà ông để lại. Ông giải thích: “Thật
khó cho chúng tôi tiên đoán tương lai của vùng Trung Đông. Tôi nói nên tiến từ
từ. Mọi người muốn biết kết cục sẽ ra sao. Tôi không biết nó sẽ ra sao.”
Một người bạn lâu đời của ông Peres, ông Haim Cohen, mới đây
nói trên Đài Phát thanh Israel “Mỗi lần gặp ông là như nghe lời di chúc và trăn
trối của ông.” Ông Cohen thêm: “Một trong những thông điệp chính mà ông muốn để
lại là sự lo ngại sâu xa của ông cho sự đoàn kết quốc gia.”
Mặc dầu trong suốt giai đoạn cuối cuộc đời của ông, ông cố gắng
đoàn kết mọi người dân Israel, nhưng có lẽ cũng tự nhiên trong quốc gia chia rẽ
của ông là di sản ông để lại được nhìn qua những lăng kính của những chia rẽ
cũ.
Nhiều người Ả Rập vẫn lên án ông là “tội phạm” cho việc hồi
còn nhỏ ông ủng hộ việc xây dựng các khu định cư, hay là kẻ hiếu chiến vì vai
trò của ông trong việc xây dựng kho vũ khí kể cả vũ khí hạt nhân cho Israel và
những chiến dịch đã dẫn đến cái chết của thường dân.
Nhiều người Israel và Do Thái trên toàn thế giới sẽ nhớ đến
ông như là một người cha hay một người ông, trong một sự so sánh nửa kín nửa hở
với hàng lãnh đạo hiện nay của Israel.
Lãnh tụ hiện nay trong quốc hội của đảng Lao Động của ông và
cũng là đảng đối lập chính, ông Isaac Herzog, đã nói về ông Peres: “Tôi không
nghĩ là viễn tượng của ông đã biến mất,” chỉ ra là ước muốn giải pháp hai quốc
gia với người Palestine đã được chấp nhận bởi mọi nhân vật chính trong chính
trường Israel, tuy là triển vọng nó xảy ra đang lu mờ.
Một thế hệ các vị dân cử Lao Động mới đang cố gắng bám lấy
những gì còn lại. Một người trong số họ, dân biểu Merav Michaeli giải thích:
“Hòa bình đã trở thành một danh từ mà người ta dè bỉu khi nhắc đến. Trách nhiệm
của chúng tôi là lấy lại niềm tin của nhân dân.” Một dân biểu khác, bà Stav
Shaffir, nói ông Peres và những người đồng sự “luôn nghĩ thật xa về tương lai”
và hành động một cách đầy uy tín “khiến nó làm cho mọi người Israel cảm thấy là
Israel. Sứ vụ của thế hệ chúng tôi là trở thành sự lãnh đạo đó.”
Nhưng ông Michal Goodman, một triết gia Mỹ-Israel, nói vấn đề
của cánh tả của Israel không phải là thiếu lãnh đạo mà thiếu tư tưởng. Chủ thuyết
tạo dựng nên phong trào Lao Động Israel, xã hội chủ nghĩa và tự cường qua phong
trào Kibbutz đã sụp đổ và chuyển hướng thành việc theo đuổi hòa bình. Viễn ảnh
của một Tân Trung Đông là “một thông điệp của thiên sứ” và ông Goodman bảo ông
Peres chính là tiên tri của chân lý đó.
Khi lựa chọn đó mất dần công hiệu, ông nói ông Peres ngày
càng quay sang chú ý đến triển vọng không biên giới của kỹ thuật và khoa học và
sức hút của một thứ Do Thái Giáo thế quyền và nhân bản.
Cách đây vài tháng, ông Peres đã tìm đến ông Goodman để bàn
luận với triết gia về cuốn sách bán chạy “The Secrets of the Guide for the
Perplexed” viết về Moses Maimonides, một nhà tư tưởng Do Thái thời Trung Cổ còn
có tên là Rambam. Ông Goodman kể lại: “Tôi tìm tới apartment của ông ở Tel
Aviv. Ông mặc quần jeans. Ông muốn hiểu Maimonides.”
Rồi ông Goodman kể tiếp: “Ông bảo tôi là trước khi ông đi ngủ
ông tự nghĩ ‘Ngày hôm nay tôi đã đem lại được gì tốt đẹp cho thế giới hay chỉ
là đem lại xấu xa?’ Nghe đâu ông giữ sổ. Ông ta là một người đầy lý tưởng như một
thanh niên 16 tuổi. Ở tuổi 93.”
Khi được hỏi hồi năm 1993 về Thỏa Hiệp Oslo ông trả lời:
“Không có giải pháp nào khác. Chúng tôi phải làm việc đó.” Rồi ông thêm: “Một
triết gia cổ Hy Lạp đã được hỏi về sự khác biệt giữa chiến tranh và hòa bình.
Triết gia trả lời ‘Trong chiến tranh, người già chôn người trẻ. Trong hòa bình,
người trẻ chôn người già.’ Tôi cảm thấy là tôi có thể làm một cái gì tốt đẹp
hơn cho thế hệ trẻ, đó là điều vĩ đại nhất mà chúng ta có thể làm.” Rất tiếc cố
gắng của ông không thành. Nhưng cho đến giây phút cuối cùng ông vẫn cố gắng.
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét