Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Vụ Yên Bái và LS Lê Thị Công Nhân

Vụ Yên Bái và LS Lê Thị Công Nhân: Chúng tôi thấy hả lòng hả dạ


Hàn Giang

 (VNTB) - ...Đây là sự ức chế của tâm lý bị đè nén của những con người mà cả cuộc đời bị tuyên truyền những điều dối trá và không có cơ hội nào để có thể chống trả lại những áp bức, bóc lột bằng phương tiện bạo lực do Nhà nước cộng sản này gây ra, chỉ có những sự kiện như vừa xảy ra là một cơ hội cho người dân được xả ra những ức chế, những cái cay đắng, đau khổ mà người dân bị đè nén...”

LS Lê Thị Công Nhân: "Các anh tiếc thương, các anh cứ đến mà viếng vòng hoa, mà gửi phong bì, mà khóc nức nở có ai cấm đâu".
Tiếng súng vang trên bầu trời Yên Bái với hình ảnh ba quan chức cấp cao của tỉnh bị chết bởi súng đạn trong một vụ án có những tình tiết mà báo đài nhà nước Việt Nam đã đưa chưa được rõ ràng. Hung thủ ban đầu được xác định là ông Đỗ Cường Minh- Chi cục trưởng kiểm lâm và hai nạn nhân là các ông Phạm Duy Cường- Bí thư Tỉnh ủy, ông Ngô Ngọc Tuấn- Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh. Theo lời của Giám đốc Công an tỉnh, ban đầu vụ án sẽ không khởi tố bởi nạn nhân và hung thủ đã chết nhưng vài giờ sau thì đã có quyết định khởi tố vụ án. Thi thể của ba quan chức được gia đình đưa về nhà an táng trong sự tiếc thương.

Có một nghịch lý xảy ra, cộng đồng mạng Việt Nam tràn ngập những chia sẻ bày tỏ sự vui mừng, hả hê trái ngược hoàn toàn với câu nói “nghĩa tử là nghĩa tận”, truyền thống tốt đẹp mà người ngàn xưa để lại. Tại sao lại có một nghịch lý như thế này? Có phải người Việt Nam sống ác đến độ vô lương giống như một bài viết của tác giả Khánh Nguyên được đăng trên tờ báo VTC hay vì nguyên do nào khác?

Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã có cuộc trao đổi với luật sư Lê Thị Công Nhân để tìm lời giải đáp xoay quanh những câu hỏi này. 
PV.(VNTB): Thưa luật sư, thông thường người Việt mình hay tỏ ra đau buồn, khóc thương khi có người chết, nhưng điều này đã bị đảo ngược hoàn toàn khi mà trong mấy ngày qua cộng đồng mạng Việt Nam chứng kiến như một làn sóng người đã vui mừng, hả hê khi hay tin ba quan chức cấp cao của tỉnh Yên Bái bị chết bằng súng vào ngày 18/8/2016. Theo luật sư thì tại sao lại có một nghịch lý thế này?

Ls.Lê Thị Công Nhân: Sự kiện ba quan chức cấp cao của tỉnh Yên Bái chết trong một vụ án mà người ta mới xác định là do bắn bằng súng, có thể là bắn nhau hoặc có thể bị bắn, hoặc cũng có thể có những người khác liên quan bởi vì thông tin trên báo đài được phép xuất bản trong nước thì thấy có rất nhiều chi tiết gây nên những tò mò, những ý kiến mở rộng thêm để điều tra vụ án.

Câu hỏi liên quan đến hiện tượng tâm lý có vẻ như bất thường trong sự kiện vừa qua đó là nhiều người dân có thái độ không lấy gì làm đau buồn, tiếc thương trong sự kiện này. Thậm chí còn thể hiện quan điểm của mình về mặt chính trị của vấn đề bởi đây là những quan chức cấp cao nhất của một tỉnh thì cũng là cấp của một quốc gia bởi các tỉnh liên kết lại thì thành một quốc gia. Và ông Chi cục trưởng kiểm lâm (Đỗ Cường Minh) cũng là một chức vụ rất quan trọng bởi Yên Bái là một tỉnh có nhiều diện tích rừng chứ không như ở thủ đô Hà Nội, Sài Gòn hay một số tỉnh thành khác. Cũng xin chia sẻ về quan điểm cá nhân của tôi cũng là một người cảm thấy có một sự hả lòng, hả dạ nhất định khi nghe những tin tức đó. Tôi là một dân đen và tôi không ngần ngại thể hiện cảm xúc của mình, tôi có mượn trang facebook của chồng tôi để viết một status ngắn ngắn. Sở dĩ tôi có cái cảm giác và thái độ như vậy là vì đối với riêng bản thân tôi, tôi sinh ra và sống dưới chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam tôi thấy rõ rằng, giờ tôi đã gần 40 tuổi thì cả cuộc đời của tôi đã bị cai trị như là một nô lệ và nhà nước này là tên nô lệ hết sức thâm độc, khát máu trong việc nô dịch người dân Việt Nam. Họ đã tuyên truyền, nhồi sọ người dân Việt Nam để làm cho người dân Việt Nam trở nên những con người sống trong sự dối trá một cách hoàn toàn cố ý hoặc những người nào không cố ý thì cũng trở nên tê liệt, trơ lì về mặt cảm xúc. Đấy là những suy nghĩ riêng của tôi.

Và bây giờ khi Internet bùng nổ, mạng xã hội bùng nổ thì người ta mới bắt đầu được tiếp cận nhiều hơn với những thông tin sự thật, những thông tin đa chiều và người ta bắt đầu dần dần mạnh dạn thể hiện những suy nghĩ của mình, những cảm xúc của mình trong sự bớt sợ sệt, bớt giả tạo, chính vì thế mà hiện thực này có vẻ như mâu thuẫn với hiện tượng tâm lý trên chứ thật ra không có gì mâu thuẫn cả. Đối với những người dân đen như tôi, những người bị cai trị như những tên nô lệ, khi mà tôi thấy những tên chủ nô, những tên cai nô tức là những đám lâu la, những tên lãnh đạo của đất nước Việt Nam này với cái thể chế chính trị rất bất nhân, dối trá, được xây dựng và duy trì bằng sự bạo lực, nên khi tôi thấy những tên quan chức cấp cao, những tên lãnh đạo trong bộ máy nhà nước bị nhận một kết cục trong cuộc đời thì với những người dân đen như tôi, tôi nói thật là tôi chấp nhận bị ném đá khi chia sẻ những suy nghĩ của mình đó là tôi cảm thấy hả lòng, hả dạ mà như tôi đã chia sẻ. Đây là sự ức chế của tâm lý bị đè nén của những con người mà cả cuộc đời bị tuyên truyền những điều dối trá và không có cơ hội nào để có thể chống trả lại những áp bức, bóc lột bằng phương tiện bạo lực do Nhà nước cộng sản này gây ra, chỉ có những sự kiện như vừa xảy ra là một cơ hội cho người dân được xả ra những ức chế, những cái cay đắng, đau khổ mà người dân bị đè nén, bị gây bởi một cái Nhà nước, bởi một cái quản lý hành chính hết sức tăm tối, bóc lột xấu xa chứ hoàn toàn không phải là một câu chuyện cá nhân của anh hay của tôi, của những người đã nằm xuống mà đây là một hiện tượng mang tính xã hội rộng lớn và có những uẩn khuất như vậy.
PV.(VNTB): Ngay sau đó, báo chí Nhà nước đã cho đăng một bài viết có tựa đề “Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng của thảm án” của tác giả Khánh Nguyên, đại khá bài báo đã chỉ trích những người có biểu hiện vui mừng khi các quan chức của tỉnh Yên Bái bị chết, luật sư nói sao với hành động của báo Nhà nước.

Ls.Lê Thị Công Nhân: Đấy là một bài báo (Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng của thảm án), trước hết tôi khẳng định rằng mỗi một cá nhân hay một tờ báo đều có quyền nói lên suy nghĩ của họ, quyền này tôi tôn trọng. Tiếp theo, tôi nói ý kiến thứ hai của tôi là việc họ sử dụng phương tiện báo chí để nói lên điều đó ở Việt Nam mà cách họ làm là hoàn toàn bất công. Bất công là vì sao? Ở Việt Nam không hề có xuất bản tư nhân, không hề có báo chí tư nhân cho nên khi anh sử dụng quyền được nói lên chính kiến của anh dù anh là cá nhân hay tổ chức nhưng quyền đó được thực hiện một cách độc quyền qua những phương tiện truyền thông được cấp phép. Ngược lại chúng ta có thể thấy những mạng xã hội, những trang blog…mà được coi là trái phép và những ngưởi quản lý những cái trang truyền thông mà nôm na gọi là “lề trái”, những trang cá nhân Facebook chẳng hạn để lên tiếng thì ngay lập tức là bị coi, bị đối xử một cách miệt thị như những tên tội phạm. Cho nên vấn đề không phải cứ thực hiện quyền của mình là đã công bằng mà anh phải thực hiện quyền đó bằng cách thức công bằng ít nhất phải có sự đáp lại hai bên, mà cả hai bên phải được ở trong tình trạng an toàn, trong một mức độ trung bình ngang nhau thế mới gọi là công bằng. Cho nên khi bài báo đó (Khi kẻ vô lương đùa cợt trên nỗi đau tột cùng của thảm án) xuất hiện thì tôi nhắn mạnh rằng, họ hoàn toàn có quyền cho những người không hề cảm thấy đau buồn về cái chết những quan chức kia là những kẻ vô lương. Họ có quyền nói lên suy nghĩ của họ nhưng cái cách họ sử dụng truyền thông một cách độc quyền như vậy, độc quyền tuyệt đối trong nội bộ lãnh thổ Việt Nam thì đó lại là một sự bất công mà như tôi đã nói những người dân như tôi, những người sống trong một xã hội không hề có tự do thông tin, tự do báo chí cũng như tự do xuất bản nên không còn cách nào khác phải nói lên trên các phương tiện mà nó nhỏ bé hơn, đơn giản hơn mặc dù không phủ nhận nói vô cùng hiện đại đó là trên facebook chẳng hạn. Khi đọc những bài báo như vậy, tôi sử dụng quyền nói lên chính kiến của mình và không những thế, tôi còn có suy nghĩ hơi trẻ trong bài viết mà tôi đăng ở trang facebook của chồng tôi là tôi định đưa thêm một câu; “kính mời những người mà đau lòng, tiếc thương những tên quan chức kia cứ việc khóc thương, tôi hoàn toàn không dùng hoặc tôi không có khả năng dùng bất kỳ một phương tiện để bịt mồm họ, bắt họ giống tôi”. Vậy thì vấn đề dân chủ được đặt ra ở đây là tôi cũng có quyền yêu cầu họ không được phép gán ghép cho tôi bất kỳ tội hình sự hoặc là dùng những biện pháp bạo lực đối xử với tôi khi tôi nói lên chính kiến của tôi trong vụ việc ba quan đầu tỉnh Yên Bái bị chết trong vụ bắn nhau. Chưa có kết luận chính thức nhưng rõ ràng cho thấy đây không phải là vụ việc đơn giản, một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng mà số “3” trong toán học là số nhiều, một vụ thảm án rất nghiêm trọng vì hai vị quan chức đứng đầu tỉnh lại bị như vậy.
  
PV.(VNTB): Thưa luật sư! Có một nguồn dư luận nói rằng: Đã là con người thì phải có nhân quyền, trong đó có quyền “không phân biệt đối xử”, vậy tại sao ba quan chức cấp cao của tỉnh Yên Bái bị chết lại bị người dân trong đó có những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam vui mừng, một cách hành xử có phần không đúng chuẩn mực nhân quyền vậy có phải là đang đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền hay là đang chuyển từ độc tài này sang độc tài khác? Luật sư nói sao về nguồn dư luận này? 
Ls.Lê Thị Công Nhân: Theo tôi cái nguồn dư luận ấy nếu có thật lòng thì đó là cái não trạng nô lệ còn nếu như không thật lòng thì đấy là một tên an ninh mạng, một tên cảnh sát tư tưởng lão làng. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc, nếu một người đấu tranh dân chủ hoặc một nền dân chủ thì phải tạo ra các thiên thần hay một xã hội hoàn hảo nó không có nghĩa như vậy. Dân chủ đó là khi tất cả mọi người được quyền nói lên chính kiến của mình, được quyền tự lựa chọn và chịu trách nhiệm với quyết định lựa chọn của mình mà không bị áp đặt bởi những bạo lực khiến cho con người ta không còn những lời nói và những việc làm đúng như chủ ý của họ, chính vì thế mà họ không còn phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình. Đấu tranh dân chủ không phải là điều đưa tất mọi người trở thành những bậc thánh nhân, luôn sống trong sự tha thứ mà dân chủ là một nền tảng đưa đến một xã hội công bằng. Khi mà cộng sản với một xã hội không có dân chủ và khi mà họ thấy những người dân chủ tỏ thái độ hả hê, thỏa mãn như một cái công lý được thực thi, như một định mệnh được thực thi đối với những tên quan tham thì những luồng dư luận của cộng sản tận dụng, lợi dụng yếu tố tâm lý vẫn còn e dè, vẫn còn sợ sệt, vẫn còn câu nệ vào những cái văn hóa giáo điều, cổ xưa, lạc hậu để đánh vào điểm yếu của lòng người đó là đem những câu chuyện nào là truyền thống dân tộc, văn hóa Việt Nam phải tiếc thương người chết. Nếu chúng ta có một nền văn hóa như vậy thì nền văn hóa của chúng ta không bình thường. Bởi vì con người, chúng ta nhìn thấy trong lịch sử của chúng ta có rất nhiều tên tội đồ, trong lịch sử phong kiến với truyền thống văn hóa ngàn năm của đất nước ta thì ngay cả khi những tên tội đồ mà bị chết thì chúng ta vẫn lên án, lên án cho đến tận bây giờ chứ không phải chỉ trong sách sử. Vậy thì đó là những tên giặc ngoại xâm chúng ta dễ dàng nhận ra, nhưng những tên giặc nội xâm cũng là những tên tội đồ thì khi chết chúng ta lại không nhận ra điều đấy. Rất nhiều người cảm thấy ngại ngùng khi chia sẻ niềm thỏa mãn, hả dạ, hả lòng của mình. Tôi không thuộc trường hợp ấy mà tôi cổ vũ một lối sống rằng những người nào tiếc thương vô hạn, đau đớn khôn nguôi trước cái chết của những tên quan kia thì cứ việc đăng đàn mà tán tụng, mà tiếc thương, nhưng phải tôn trọng những người thấy được những tên đó là những tên tội đồ, những tên quan tham và khi chúng chết như vậy chúng tôi là những dân đen, chúng tôi thấy hả lòng hả dạ, chúng tôi được quyền nói lên chính kiến của mình. Các anh tiếc thương, các anh cứ đến mà viếng vòng hoa, mà gửi phong bì, mà khóc nức nở có ai cấm đâu.

VNTB chân thành cám ơn những chia sẻ của luật sư Lê Thị Công Nhân.


Nguồn: http://www.ijavn.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét