Tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 22/8 tại Quảng Trị, Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Người dân Miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn.”
Để chứng tỏ tuyên bố của Bộ trưởng không phải là một thứ
ngoa ngôn xảo ngữ nói ra để bịp người khác, ngay sau khi kết thúc hội nghị
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bí thư Tỉnh ủy
Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cùng nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương đã rủ
nhau cùng “tắm biển dưới cơn mưa tầm tã”, sau đó ghé vào một quán ăn tại Cửa
Việt thưởng thức hải sản.
Đưa nhau đi tắm biển
và ăn nhậu để chứng tỏ “biển có ô nhiễm gì đâu” là kịch bản đã từng diễn ra ít
là một lần trước đây. Ảnh: vietnamvn.net
Trò đưa nhau đi tắm biển và ăn nhậu để chứng tỏ “biển có ô
nhiễm gì đâu” đã diễn ra ít nhất một lần trước đây và trở thành một đề tài cho
các trang mạng xã hội đàm tiếu.
Tại sao ông Trần Hoàng Hà và các quan chức của CSVN không có
một kịch bản nào khác, công phu hơn để làm cho những công bố trong Hội nghị báo
cáo kết quả đánh giá có cái gì đó gần với sự hiểu biết bình thường của người
dân.
Không ai có thể tin điều mà Hội nghị công bố kết quả kiểm
tra đưa ra kết luận biển đã sạch, có thể tắm được khi sự kiện ô nhiễm biển chỉ
mới hơn 4 tháng qua, với vùng ô nhiễm kéo dài trên 200 cây số. Nhất là trong thời
gian ngắn ngủi đó, người dân chưa thấy có một nỗ lực nào đáng kể để tẩy rửa,
làm sạch môi trường biển về phía công ty Formosa cũng như của chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc. Trước một tai họa trầm trọng như sự kiện Vũng Áng (hơn 100 tấn cá chết,
các rặng san hô ở đáy biển bị hủy hoại và mất 70 năm mới phục hồi nếu được tẩy
sạch), chưa có nhà khoa học nào dám nhanh chóng khẳng định điều mà nhà nước Việt
Nam lạc quan công bố.
Báo cáo của hội nghị chỉ đưa ra những điểm chung chung như
“cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường”, hay “hàm lượng các chất ô nhiễm đang
có xu hướng giảm theo thời gian”. Và thêm nữa, “Hệ sinh thái rạn san hô có dấu
hiệu hồi phục tích cực”, hay “cá con đã trở về” trong khi chưa bao giờ nghe
chính phủ nói các rạn san hô ấy được tẩy rửa.
Đó chẳng qua để dẫn dụ những người quan tâm xa rời mục tiêu
chính của vấn đề là “biển có thật sự sạch chưa?” và “cá đã ăn được chưa?”. Chứ
không phải “biển đã tắm được” như lời rao của Bộ Trưởng Trần Hồng Hà, vì biển
đã tắm được thì chẳng liên quan gì đến nguyện vọng và đời sống đang điêu đứng của
ngư dân.
Hơn thế nữa trong báo cáo của mình, Bộ Tài Nguyên & Môi
Trường đã viện dẫn hai kết quả điều tra, nghiên cứu của hai cơ quan nhà nước là
trường Đại Học Hà Nội và Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ. Điều này không khỏi
khiến cho người ta đi từ ngạc nhiên tới giật mình. Vì đây không phải là 2 cơ
quan nghiên cứu độc lập mà chỉ là hai cơ quan nhà nước. Người ta còn nhớ ngay từ
đầu Việt Nam đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ của Hoa Kỳ và Đài Loan. Tự cho là
mình có khả năng điều tra nhưng thật ra ai cũng biết nếu để cho các nhà khoa học
nước ngoài xen vào, làm sao giấu giếm sự thật.
Bất chấp kết quả các cuộc nghiên cứu khoa học thế nào, báo
cáo phải ưu tiên phục vụ cho nhu cầu chính trị của đảng, thay vì đưa ra những kết
luận khoa học có tính cách khách quan. Mà đã không khách quan, không làm tới
nơi tới chốn không khác gì tiếp tục khuyến khích Công ty Formosa sau này làm bậy
như đã từng làm.
Với một biến cố môi trường biển mang tính chất thảm họa như
vừa qua, nếu khôn ngoan đảng CSVN để khoảng một năm sau mới công bố kết quả như
ông Trần Hồng Hà nói. Lúc ấy họa chăng người ta có thể "tin" phần nào
vì thảm cảnh Formosa đã nguôi ngoai trong lòng người.
Đàng này mới có hơn 4 tháng, môi trường độc hại chưa được tẩy
rửa, tiền bồi thường của thủ phạm đảng cũng mới nhận 250 triệu Mỹ Kim chưa
xài…. hết. Thế mà đã vội vàng công bố là “biển sạch, tắm được, sẽ có cá lẫn
thép” cho thấy Hà Nội làm ăn rất tắc trách và vô trách nhiệm. Một khi đã vô
trách nhiệm thì bộ máy chính phủ chỉ là một mớ hỗn độn cai trị bởi những kẻ ngu
dốt.
Nhưng thử hỏi tại sao Hà Nội lại vội vã làm như thế?
Thứ nhất, nội bộ đảng CSVN hiện nay đang rối rắm và đổ lỗi lẫn
nhau do tình trạng xung đột phe nhóm từ đại hội 12 kéo dài. Sự đấu đá trong nội
bộ từ bộ máy đảng ở trung ương đến các đảng bộ địa phương không còn kềm chế được
bằng các nghị quyết của Bộ Chính Trị mà khuynh hướng tận diệt nhau bằng mọi
cách đã dần lộ rõ.
Tiếng súng Yên Bái vừa qua có thể là tình trạng chín muồi của
xung đột phe nhóm bùng nổ bằng bạo lực. Điều này khiến Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng, thay vì kêu gọi đoàn kết hay làm cho đảng “trong sạch và vững mạnh”, ông
ta cho đàn em công bố kết quả biển sạch để xếp lại hồ sơ Formosa. Đảng sẽ rảnh
tay đối phó trong cuộc chiến nội bộ đang làm lung lay tận gốc rễ bộ máy đảng cầm
quyền.
Thứ hai, khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói miền Trung chọn cả
thép và cả cá, tức là chính phủ phải để cho Formosa chính thức khai trương chứ
không thể kéo dài sự trì hoãn như đã thấy. Vì nếu tiếp tục trì hoãn, Formosa sẽ
đòi Hà Nội bồi thuờng hàng triệu Mỹ kim thiệt hại do ảnh hưởng đến tiến trình sản
xuất của dự án.
Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế èo uột, nợ công ngày càng
tăng cao, ngân sách cạn kiệt, chính phủ chỉ lo vay mượn tứ tung để đảo nợ thì
làm sao có đồng nào trả bồi thường cho Formosa. Formosa sẽ không ngồi yên mà có
thể mang nội vụ ra tòa án quốc tế kiện ngược lại Hà Nội để đòi bồi thường. Đối
phó vụ kiện sẽ gây thêm một vấn đề rắc rối nghiêm trọng mà Hà Nội không bao giờ
muốn có như chuyện CSVN đã phải hoàn lại tiền thuế gần 500 triệu Mỹ Kim cho
Formosa do vụ HD 981 gây ra vào tháng 5, 2014.
Thứ ba là càng để vụ Formosa kéo dài, ngư dân miền Trung, đặc
biệt là ngư dân Công giáo sẽ làm lớn chuyện vì liên quan trực tiếp đến đời sống
của họ đã kéo dài trong thời gian qua. Trong nhiều tuần lễ vừa qua, ngư dân và
đồng bào Công giáo Nghệ An đã liên tục biểu tình, tuần hành khắp các giáo xứ. Số
người tham dự có lúc lên đến hàng chục ngàn người, đòi biển sạch, cá sạch và
chính phủ phải chấm dứt hoạt động của Formosa.
Trong tình hình hiện nay, biết đâu chính những cuộc xuống đường
này là những đợt sóng tạo thành cơn biến động lớn làm sụp đổ chế độ. Như thế,
rõ ràng cái kết quả biển sạch qua công bố của Bộ trưởng Trần Hồng Hà hoàn toàn
là vì mục tiêu chính trị, một kiểu đối phó vội vàng chứ không nhắm vào thực tâm
lo đời sống của người dân.
Những phân tích nói trên cho thấy là lãnh đạo CSVN thật sự
đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề Formosa. Tuyên bố chọn
cá để phỉnh phờ lòng mơ ước của người dân, một mặt chọn cả thép để ôm chặt
Formosa, CSVN thật sự không còn khả năng nhận diện các vấn đề lợi hại của đất
nước.
Tình trạng này đến từ sự tham lam ngu dốt của lãnh đạo,
nhưng căn bản đã lộ rõ nguyên hình CSVN là một tập đoàn tay sai cho bất cứ mọi
thế lực giúp chúng vơ vét và hạ cánh an toàn.
Phạm Nhật Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét