Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân
– Chương 6 – Phần 1
Tác giả: Epoch Times | Dịch giả: Hannah
Giang Trạch Dân vừa leo chiếc ghế Tổng Bí thư được khoảng
hơn một năm thì cuộc chiến tranh vùng vịnh giữa Mỹ và Iraq đã nổ ra. Những thành
công to lớn trong chiến dịch được mang tên “Bão táp sa mạc” của nước Mỹ đã khiến
cho Đặng Tiểu Bình phải suy nghĩ về con đường phát triển của Trung Quốc từ nay
về sau.
Ngày 2 tháng 8 năm 1990, Iraq đột nhiên xâm lược Kuwait, sau
một ngày, toàn bộ Kuwait đã bị chiếm cứ. Cuộc xâm lược của Iraq đã dẫn đến những
phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Rất nhiều nước đồng minh trong hội đồng
bảo an Liên Hiệp Quốc, đứng đầu là Mỹ, vì để bảo toàn lãnh thổ cho Kuwait đã ủng
hộ cuộc tấn công quân sự đối với Iraq. Nhà lãnh đạo độc tài của Iraq – Saddam
Hussein vốn có mối thân tình chí cốt với ĐCSTQ, cả hai bên từ lâu đã có mối
quan hệ mật thiết mà cũng khá mập mờ. Lúc đó, tình thế của ĐCSTQ trên trường Quốc
tế là vô cùng cô lập, vì sợ đắc tội với cộng đồng quốc tế nên không dám công
khai ủng hộ Saddam Hussein.
Giang Trạch Dân trở thành Tổng Bí thư sau khi tham gia cuộc
tàn sát Lục Tứ. Từ cái biệt hiệu “Krikun” và “Giang da bò” có thể thấy, con người
này ngoài sự mau mồm mau mép, làm ra vẻ, nói xấu sau lưng người khác, thì chẳng
có chút thực học thực tài gì. Cuộc chiến tranh vùng vịnh là một thử nghiệm mà
qua đó có thể thấy được cái tài kinh bang tế thế của Tổng bí thư đối với các vấn
đề hóc búa là như thế nào.
Đối diện với thách thức lớn của cộng đồng quốc tế, trong
lòng Giang hoảng lắm, có vài lúc cũng chẳng biết sai đúng ra sao. Giang lúc này
mới biết ngồi trên ghế Tổng bí thư cũng có lúc chẳng mấy thảnh thơi. Sau cuộc
tàn sát Lục Tứ, ĐCSTQ bị cấm vận thông thương, bạn bè trên thế giới ít ỏi vô
cùng. Vì suy nghĩ cho cái cục diện ngoại giao khốn đốn đó, Đặng Tiểu Bình đã hạ
một điều lệnh rằng: “Bớt chen mồm, bớt nhúng tay!” Điều này đã gián tiếp giải
vây cho Giang, do đó ĐCSTQ đã bỏ phiếu trắng tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc.
Quảng cáo
1. Bão táp sa mạc
Buổi sáng ngày 17 tháng 1 năm 1991, quân đội Liên Hiệp Quốc
dưới sự chủ lực của quân Mỹ đã bắt đầu phát động chiến dịch “Bão táp sa mạc” đối
với Iraq, chỉ trong vài tuần đã khiến cho quân đội của Hussein không thể kháng
cự, thương vong rất lớn, Iraq buộc phải chấp nhận một Nghị quyết bao gồm 12 điều
khoản của Liên Hiệp Quốc. 0 giờ ngày 28 tháng 2, quân đội đa quốc gia của Liên
Hiệp Quốc đã kêu gọi ngừng bắn, cuộc chiến vùng vịnh trong vòng 42 ngày đã kết
thúc.
Trong thời gian cuộc chiến này, nếu lật lại những tờ báo tại
Trung Quốc, với sự kiểm soát rất chặt của ĐCSTQ, toàn là những bài viết phân
tích chiến thuật cho rằng Saddam có cơ hội rất tốt vì ông ta “đứng về phía nhân
dân” và chiến tranh du kích sẽ kéo dài, thậm chí dự đoán rằng nước Mỹ sẽ sa lầy
giống như trận chiến ở Việt Nam. Chả ai ngờ, quân đội đa quốc gia do Mỹ đứng đầu
lại sử dụng chiến thuật phối hợp tác chiến của các binh chủng kỹ thuật cơ giới
không–hải– vệ tinh, vũ khí tiên tiến, phối hợp nhịp nhàng khiến cho thế giới
không ngớt trầm trồ.
Cơ quan tình báo của Mỹ thời đó đã điều động đến cả các vệ
tinh thông tin không gian vũ trụ, vệ tinh dân dụng, vệ tinh cảm ứng từ xa bằng
phân tích quang phổ để do thám và giải mã tình hình quân đội Iraq, và chụp ảnh
hồng ngoại từ trên không, dùng những máy tính hạng nặng để xử lý tin tức nhận
được, tất cả mọi năng lực của quân đội Iraq đều hoàn toàn nắm rõ. Đồng thời, 6
tiếng đồng hồ trước khi trận chiến bắt đầu, quân Mỹ đã phát động một chiến dịch
tấn công nhiễu sóng điện tử rộng khắp, khiến cho hệ thống chỉ huy của quân Iraq
toàn bộ đều tê liệt, màn hình radar chỉ nhấp nháy những đốm nhiễu như bông tuyết.
Máy bay chiến đấu của Mỹ từ trên không trung truyền đi một lượng lớn những tín
hiệu gây nhiễu, cố ý hiển thị trên radar đối phương những hình ảnh mục tiêu giả,
khiến cho hệ thống tên lửa đất đối không “Sam-6” của Iraq cứ mãi truy theo những
“bóng ma” vật vờ. Quân đội của Saddam trong phút chốc đã trở thành vừa điếc lại
vừa mù.
Quân Mỹ sử dụng những vũ khí kỹ thuật tối tân đã khiến cho
con số thương vong giảm đến mức đáng kể. Điều này không những khiến cho Đặng Tiểu
Bình phải mở rộng tầm mắt, mà còn làm giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ phải giật
mình, những tiếng gọi yêu cầu phải hiện đại hóa quân đội trang bị kỹ thuật cao
cũng rộn lên từ đó. Một người động một tý là rộn ràng như Giang Trạch Dân vẫn
còn thiếu sợi dây thần kinh này, cái vốn kiến thức quân sự về tương quan lực lượng
giữa hai bên Trung – Mỹ của Giang vẫn dừng lại từ cái thời chiến tranh Việt Nam
và Hàn Quốc, cho nên nhất thời Giang chả biết làm sao.
Lúc này, bỗng dưng Giang nhớ đến cái ý trong cuốn sách của
Richard Nixon “1999: bất chiến tất thắng” (xuất bản năm 1999). ĐCSTQ bất kể là
trong vấn đề nhuệ khí hay thực lực quân đội đều kém xa quân Mỹ. Theo sau cuộc
biến động ở Đông Âu, chiến tranh lạnh cũng sắp đến hồi kết. Trào lưu dân chủ từng
bước từng bước sẽ tiến sang phía đông, cách Trung Quốc chỉ vỏn vẹn có một nước
Liên Xô, mà Gorbachev vẫn phải đối mặt hàng ngày với áp lực dân chủ hóa, đế quốc
đỏ này đã dần lâm vào cảnh gió táp mưa sa. Nhìn vào sự tối tân của quân đội và
hình thái kinh tế chính trị của nước Mỹ, nếu như họ tiếp tục thực hiện tấn công
quân sự với ĐCSTQ như thời chiến tranh lạnh, thì cái thể chế độc đảng chuyên
chính sẽ bị giải thể.
Giang Trạch Dân đứng trước tấm bản đồ thế giới trầm tư mặc
tưởng, lại không quên gửi lời dặn dò cậu cả Giang Miên Hằng vẫn còn đang dùi
mài đèn sách ở xứ Mỹ, khuyên cậu cả chuyện học hành từ từ để đó cũng được, tốt
nghiệp xong phải tìm việc làm ở xứ Mỹ trước đã, ở nước Mỹ đóng địa bàn vài năm.
Bởi lẽ, một là vị thế của Giang Trạch Dân ở Trung ương vẫn chưa ổn, hai là lòng
tin của Giang đối với tiền đồ của ĐCSTQ cũng chẳng mấy tơ hào.
2. Lấy lòng Liên Xô
Sau cuộc tàn sát mang tên Lục Tứ xảy ra vào năm 1989, nước Mỹ
được coi là người dẫn đầu trong lĩnh vực tích hợp và ứng dụng khoa học vào thiết
kế hệ thống, vào thời gian đó Mỹ đã tiến hành cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc,
còn bản thân ĐCSTQ thì rất thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhưng ĐSCTQ vẫn
có thể thuê mướn những nhân vật “thiên tài” về khía cạnh hệ thống điều hành. Ví
như, ĐCSTQ đã lợi dụng sự nghèo nàn của nền kinh tế Nga, chỉ bằng con đường
thông thương hàng hóa mà có thể đổi lại những kinh nghiệm phong phú của các
chuyên gia kỹ thuật. Ngoài ra, từ thập niên 90 trở lại, đã có khoảng 1500 các chuyên
gia và nhân viên kỹ thuật của Nga vẫn luôn giúp đỡ ĐCSTQ trong việc xây dựng
quân đội.
Với sự cảnh giác của những người như Đặng Tiểu Bình, Dương
Thượng Côn, một kẻ không hiểu biết gì về quân sự như Giang Trạch Dân cần phải
cho thấy được khả năng của mình trong vai trò Chủ tịch Quân ủy. Giang tuyên bố
những kế hoạch mua lại những giàn hỏa tiễn tính năng cao và tân thời của Nga, kết
quả là, dù đã tốn một mớ tiền lớn nhưng đồ mua về chỉ toàn là mớ hàng thanh lý
từ thời Liên Xô cũ, máy bay chiến đấu mua về thường xảy ra vấn đề. Những chiếc
chiến đấu cơ Liên Xô mà ĐCSTQ mua lại (Bao gồm cả Su-27 và Su-30) đã liên tục xảy
ra 5 lần sự cố tại các năm 1997, 1998, 2000, 2001.
Chiếc hàng không mẫu hạm Kiev của Nga hạ thủy vào năm 1975
và được báo phế vào năm 1994, vào tháng 9 năm 2000, chủ tịch Quân ủy Trung ương
Giang Trạch Dân thấy như vớ được “thần binh chí bảo” liền đem về để ở cảng
Thiên Tân. Theo nguồn tin do các nhân viên có liên quan cho biết, món nợ để mua
chiếc hàng không mẫu hạm Kiev lên đến 70 triệu tệ (8,4 triệu USD), có thể nói
là hao tài tốn của. Bầu đoàn chuyên gia cho rằng có thể moi ra được thông tin kỹ
thuật ở trong ấy, cuối cùng mới phát hiện ra rằng những thứ có giá trị tham khảo
đều bị gỡ đi toàn bộ, không chừa một thứ gì. Phía quân đội ta thán là đã bị mắc
lừa, rồi đi mắng vốn Đặng và Dương. Giang Trạch Dân đã làm một việc khá ngờ nghệch
giờ đây lại càng mất đi cảm giác an toàn. Cái chức Chủ tịch Quân ủy lại bốn bề
lung lay, đứng ở góc độ của Giang mà nói, quả là “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thời ấy, nền kinh tế quốc nội của Liên Xô chẳng mấy khấm
khá. Lại thêm việc sử dụng vũ lực để trấn áp…. , tình hình trong và ngoài nước
đều phải đương đầu với khó khăn nghiêm trọng. ĐCSTQ vì để tăng cường thêm trang
bị quân sự và biểu thị sự ủng hộ Liên Xô, vào tháng 10 năm 1990 đã tiến hành hợp
tác quân sự với Liên Xô, quyết định mua của Liên Xô một loạt những máy bay chiến
đấu kiểu mới. Vào ngày 25 tháng 1 năm 1991, người phát ngôn của bộ ngoại giao
Trung Quốc đã nói với phóng viên nước ngoài rằng, Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch
Dân trong tháng 5 cùng năm sẽ công du đến Liên Xô. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu
tiên kể từ chuyến thăm của Mao Trạch Đông đến Liên Xô vào năm 1957 để tham gia
kỷ niệm 40 năm ngày cách mạng tháng 10 Nga thành công.
Trong thời gian công du, một nhân vật trọng yếu trong phái cải
cách là Jetlsin đã yêu cầu được hội kiến với Giang, nhưng lại bị Giang từ chối.
Một mình Giang lại đi hội kiến với Phó tổng thống Yanayev – một nhân vật trong
phái phản cải cách, và nói với ông ta rằng hi vọng Liên Xô sẽ có thể trở về con
đường xã hội chủ nghĩa. Điều này có thể cho thấy rằng Giang có thái độ tả
khuynh phản đối cải cách rất rõ ràng. Yanayev có một tác dụng khá trọng yếu
trong vụ giam cầm Gorbachev trong vụ chính biến diễn ra sau này.
Trong thời gian Giang Trạch Dân công du đến Liên Xô, vì để
chèo kéo mối quan hệ với Liên Xô, củng cố quyền lực bản thân, Giang không tiếc
phải trả bất cứ cái giá nào để lấy lòng Liên Xô. Giang hoàn toàn chẳng tiếc gì
cái đường biên giới Nga – Trung, sẵn sàng đo lại đường biên giới. Dưới sự sắp xếp
đầy “tinh tế” của KGB, mỹ nhân ngành tình báo – người tình xưa cũ của Giang đã
xuất hiện trước mặt Giang. Giang hiểu rằng tất cả những chuyện phong hoa tuyết
nguyệt xưa kia của mình đã bị KGB nắm chặt đằng chuôi, bởi vì trong lòng biết
rõ rằng cái ngụ ý của KGB là gì, nên Giang phải ngoan ngoãn nghe lời, bí mật
đem mấy khu đất đang tranh cãi với Nga Xô, với diện tích gấp 40 lần Đài Loan,
dâng cho Nga Xô. Chương 14 của loạt bài này sẽ phân tích rõ ràng hơn về vấn đề
này.
3. Coi thường Đặng Tiểu Bình
Đặng Tiểu Bình cho rằng những vấn đề như cải cách mở cửa,
kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế và đối kháng với Mỹ đều đã gấp gáp ngay
trước mặt. Mấy đặc khu kinh tế đã không còn thích ứng được với nhu cầu của xu
thế, Trung Quốc tất phải có cải cách kinh tế, mở cửa toàn diện. Nhưng mà, Giang
Trạch Dân – một con người thích ôm đồm quyền lực lại không nghĩ như thế, Giang
cho rằng bản thân leo lên đã không dễ, há lại có thể dễ dàng bước xuống? Càng mở
cửa thì càng khó khống chế bá tánh. Giang Trạch Dân leo lên được chức cao có
chút lâng lâng tự đắc, hách dịch xem thường cái năng lực chính trị của Đặng Tiểu
Bình, cho nên, sau khi thượng đài Giang đã “kiếm chuyện” với Đặng Tiểu Bình bằng
lời bình luận nổi tiếng: “khiến cho xí nghiệp tư nhân và hộ cá thể trở nên vô sản”
(có một điều khá châm biếm là, lúc gia tộc họ Giang đã trở thành “Trung Quốc đệ
nhất tham”, Giang Trạch Dân lại khởi xướng “để Tư bản vào đảng”), ngoài ra
Giang còn có một phương châm: “Tiêu diệt những nhân tố bất ổn định ngay khi
chúng ở trong trạng thái manh nha”.
Đặng Tiểu Bình bắt đầu hối hận vì đã lỡ tin theo lời của Trần
Vân, Lý Tiên Niệm để cho Giang Trạch Dân lên làm Tổng Bí thư. Mùa xuân năm
1990, ông Đặng lúc ở Thượng Hải đã nhiều lần chiêu kiến Thị trưởng Thượng Hải
Chu Dung Cơ, đồng thời tiến hành khảo sát đối với nhân vật này, cảm thấy rằng
ông Chu quả là một nhân tài am hiểu về kinh tế khá hiếm hoi trong nội bộ ĐCSTQ,
vả lại còn có khí phách, có tinh thần làm việc đường hoàng, không giống như kiểu
giàn hoa chậu kiểng như Giang Trạch Dân. Tai mắt ở Thượng Hải lập tức báo cáo động
thái này của ông Đặng cho Giang biết, Giang ganh tức muốn lật trời xới đất.
Sự đố kỵ ấy của Giang cũng đến từ bản thân vô đức vô năng,
mà lại còn sợ bất cứ một người có tài cán nào uy hiếp đến quyền vị của chính
mình. Tuy rằng trên bề mặt là Giang đang nắm quyền, nhưng từ lúc Giang thượng
đài, trong đảng cũng như ngoài đảng có rất nhiều người chẳng xem con người đầu
cơ đục khoét này ra gì, đồng thời dự đoán rằng Giang chỉ là một nhân vật mang
tính quá độ. Giang ngồi tại chốn cao tuy rằng dương dương tự đắc, nhưng trong
lòng cũng cảm thấy cái địa vị bên trong đảng chưa được củng cố, luận về thâm
niên, tài cán, quan hệ, đều bị tụt hậu so với người ta. Sự thèm khát quyền lực
khiến cho Giang trở thành một con người có tâm đố kỵ dữ dội, đều xem những người
hơn mình về tài cán, kinh nghiệm, quan hệ là sự uy hiếp tiềm tàng.
Tháng 2 năm 1991, Đặng Tiểu Bình rời Bắc Kinh đến Thượng Hải
để ăn Tết, lúc ấy ông Đặng đã nói minh xác rằng: “Tôi hiện giờ ở Bắc Kinh nói
năng gì cũng không có ai nghe, tôi chỉ có đến Thượng Hải”. Lần này Đặng Tiểu
Bình ở Thượng Hải đã nói với Chu Dung Cơ, muốn điều ông ta về Quốc vụ viện làm
việc. Đồng thời ông Đặng còn nhờ Dương Thượng Côn triệu tập lãnh đạo của Thành ủy
Thượng Hải, chính quyền thành phố để truyền đạt một “quyết định của Trung
ương”.
Trước mùa xuân năm 1991, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu tại Thượng
Hải, nói phải kiên định với con đường mở cửa, kiên định với kinh tế thị trường.
Người phụ trách tờ Giải phóng Nhật báo thời đó là Chu Thụy Kim đã căn cứ tinh
thần bài phát biểu của ông Đặng Tiểu Bình, rồi viết những bài như “Con dê đầu
đàn của cải cách mở cửa”, “cải cách mở cửa cần có cách nghĩ mới”, “Ý thức mở cửa
rộng rãi cần phải mạnh hơn”, “Cải cách mở cửa cần một lượng lớn những cán bộ
toàn đức toàn tài”, tất cả những bài viết này đều lấy bút danh là “Hoàng Phố
Bình”. Thực ra, ông chủ đằng sau của “Hoàng Phố Bình” chính là Đặng Tiểu Bình.
Tất cả những điều này không hề có một thông báo hay một sự cố
ý nào nhắc đến Giang Trạch Dân, ông Đặng hoàn toàn đặt Giang Trạch Dân ra
ngoài.
Những bài viết mang tính chất cải cách mở cửa này do Đặng Tiểu
Bình ủng hộ, lại có nhắc khéo đến ông Chu Dung Cơ, làm cho sự đố hận bên trong
Giang không thể nào khắc chế nổi, Giang đối với cái xu thế này vốn đã im hơi lặng
tiếng, nay lại còn ủng hộ những nhân vật cánh tả trong nội bộ đảng phát động đấu
tố và phê phán những bài viết này, lại còn phái người đến Thượng Hải để tiến
hành điều tra những hành vi của ông Đặng Tiểu Bình. Cá nhân Giang ở Bắc Kinh
luôn bận rộn đi các nơi du thuyết cho các thành phần lãnh đạo lão thành nòng cốt
bên trong đảng, tìm kiếm người có thể khắc chế Đặng Tiểu Bình.
Ngày 12 tháng 4 năm 1991, trong Đại hội đại biểu nhân dân
toàn quốc lần thứ 7, Đặng Tiểu Bình đã gạt bỏ mọi dị nghị, chính thức bổ nhiệm
Thị trưởng Thượng Hải Chu Dung Cơ làm Phó Tổng lý Quốc vụ viện. Vào tháng 5, Đặng
Tiểu Bình vì để biểu thị sự ủng hộ đối với Chu Dung Cơ đã dẫn ông Chu cùng đi
thị sát Tập đoàn gang thép Thủ Cang, đồng thời còn khen ông Chu rằng: “Trong số
cán bộ cấp cao của đảng ta người thực sự hiểu về kinh tế không nhiều, những đồng
chí giống như Chu Dung Cơ đây nên được đề bạt lên những chức vụ cao hơn mới phải”.
Lời khen của ông Đặng dành cho ông Chu đã khiến kẻ gan gà dạ chuột như Giang Trạch
Dân ganh tức bừng bừng. Sau này Giang vẫn thường sai thân tín đi thu thập thông
tin và tài liệu, hễ có cơ hội là o ép, bài xích và công kích Chu Dung Cơ, bất kể
đó có phải là trách nhiệm của ông Chu hay không, khiến cho ông Chu hứng chịu rất
nhiều oan uổng.
Việc Giang Trạch Dân ngấm ngầm phản đối, Đặng Tiểu Bình cũng
biết, do vậy thái độ của ông Đặng đối với Giang cũng khá bất mãn. Ủy viên Thường
ủy Bộ Chính trị Kiều Thạch và Phó Thủ tướng Điền Kỷ Vân cũng nhiều lần phát biểu
ủng hộ cuộc cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình còn xưng tụng: “Rất lâu rồi chưa được
nghe những lời lẽ tốt đẹp thế này”. Điều này còn khiến cho Giang Trạch Dân lại
bắt đầu ghim guốc sự đố kỵ lên Kiều Thạch và Điền Kỷ Vân. Trong cơn bất mãn và
thất vọng giành cho Giang Trạch Dân và những nhân vật phản đối cải cách, Đặng
Tiểu Bình đã thương lượng với những người như Dương Thượng Côn, Vạn Lý, Kiều Thạch,
chuẩn bị để Triệu Tử Dương tái xuất, đồng thời tiến hành cải tổ giai tầng lãnh
đạo Trung ương vào đại hội lần thứ 14 trong thời gian năm 1992. Giang Trạch Dân
nghe tin liền cảm thấy như bầu trời đổ sập.
(Còn tiếp)
Nguồn: http://vietdaikynguyen.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét