Đội Gia Định Sports
Qua những tài liệu báo chí ở Singapore như tờ The Straits
Times hiện còn lưu trữ ở Thư viện quốc gia Singapore thì những bài tường thuật
về hoạt động của các tàu Anh quốc đến viếng cảng Sài Gòn năm 1907, 1908, 1909
và 1910 trong đó có các trận đá banh với nhiều chi tiết lý thú.
Những bài báo này cho thấy hoạt động thể thao ở Sài Gòn
trong giai đoạn vào đầu thế kỷ 20 trong đó có đá banh (túc cầu), chơi banh bầu
dục (rugby). Tờ Straits Times cũng cho biết trong một trận banh bầu dục năm
1908 chính thức được coi như đầu tiên ở VN thì trọng tài là ông Breton, người
mang đá banh vào VN trước đó (năm 1906) và là chủ tịch của Cercle Sportif
Saigonnais.
Đội banh ngôi sao Gia Định
Đội banh người Việt đầu tiên được thành lập là Gia Định
Sports vào năm 1908. Đội này do ông Ba Vẽ thành lập, sau đó ông Nguyễn Phú Khai
thay ông Ba Vẽ làm hội trưởng. Lúc này có các cầu thủ như Paul Thi, Huyện Thơm,
Louis Gồng, Lucien Hộ, Mùi, Pierre Đại (thủ môn). Paul Thi cũng là tay quần vợt
nổi tiếng như các ông Chim và Giao. Sau đó không lâu, Gia Định Sports sáp nhập
với Hội banh Étoile Bleue (Ngôi sao Xanh), do ông huyện Nguyễn Đình Trị sáng lập,
thành Étoile de Giadinh (Ngôi sao Gia Định).
Như vậy có thể nói 3 ông: Ba Vẽ, Nguyễn Phú Khai, Nguyễn
Đình Trị được coi như là những người sáng lập ra nền đá banh ở VN. Sau đó một tổng
cuộc gồm các hội đá banh của người Việt được thành lập gọi là Cercle Sportif
Annamite và ông Nguyễn Đình Trị được bầu làm chủ tịch (giống như Cercle Sportif
Saigonnais do ông Breton người Pháp thành lập).
Hội banh Ngôi sao Gia Định có sân vận động trước lăng ông Lê
Văn Duyệt. Chẳng bao lâu trong mùa giải các hội năm 1917, Ngôi sao Gia Định đã
đá thắng đội Cercle Sportif Saigonnais 1-0. Năm 1923, Ngôi sao Gia Định đoạt chức
vô địch giải vô địch Nam kỳ (Championnat de Cochinchine). Đây là lần đầu tiên một
đội banh VN đoạt giải này, hơn hẳn các đội của người Pháp.
Từ đó Ngôi sao Gia Định được coi là một trong “tứ hùng” gồm
hai đội VN và hai đội Pháp là Stade Millitaire, Cercle Sportif Saigonnais,
Saigon Sport và Ngôi sao Gia Định. Sau này Cercle Sportif Saigonnais và Cercle
Sportif Annamite lập ra ủy ban liên câu lạc bộ gọi là Commission Sportive
Interclubs (C.S.I) để tổ chức các giải như giải vô địch Nam kỳ.
Ngôi sao Gia Định đã đoạt chức vô địch Nam kỳ trong các năm
1932, 1933, 1935, 1936. Lúc này có rất nhiều hội đá banh hoạt động mạnh như
Cercle Sportif Saigonnais, Commerce, Sport Govap, Union Sportive Cholonaise, Sport
Khánh Hội, Hiệp Hòa Victoria.
Ngôi sao Gia Định giải tán vào năm 1954, các cầu thủ gia nhập
vào các đội AJS (Association de la Jeunesse Sportive) và Cảnh sát. Cuối thập
niên 1950, nhiều đội banh nổi tiếng trước đây ở Sài Gòn - Chợ Lớn dần biến mất
hay sáp nhập với các đội banh có nhiều tài chính hơn thuộc các cơ sở thương mại
hay cơ quan chính quyền như đội Tổng tham mưu, Việt Nam thương tín, Cảnh sát,
Quan thuế...
Trong thời gian này, môn thể thao đá banh có nhiều cầu thủ
ưu tú: Rạng thủ môn, Ngôn 1 tiền vệ, Tam Lang hậu vệ và thủ quân.
Bóng đá và... cải lương
Báo Écho Annamite số ra ngày 22.5.1925 đã đăng bài tường thuật
về trận đá banh giữa Ngôi sao Gia Ðịnh và đội banh tàu Anh quốc S/S Oanfa. Trận
banh này đạt con số kỷ lục khán giả xem: hơn 5.000 người. Nếu so sánh với dân số
Sài Gòn lúc bấy giờ là khoảng 100.000 người thì có hơn 5% dân số đã đến xem trận
đá banh của đội tuyển người Việt giỏi nhất ở Sài Gòn với đội banh người Anh.
Đông đến nỗi khán giả ngồi đến tận lằn ranh ở hai bên sân.
Các trận banh cũng là phương tiện gây quỹ xã hội hay cứu
giúp nạn nhân thiên tai. Trận banh giữa hai đội Ngôi sao Gia Định và Victoria
Sportif ngày chủ nhật 26.9.1926 từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30 ở sân Maurice Long
(Tao Đàn) để cứu trợ nạn lụt ở Bắc kỳ. Hội Thể thao Gò Công (Gocongnais
Sportif) cũng tổ chức trận đá banh ngày chủ nhật 3.10.1926 từ 16 giờ 30 - 17 giờ
30 ở sân banh của hội giữa hai đội banh Bentre Sport và Gocongnais Sportif để
gây quỹ cứu trợ thiên tai ở Bắc kỳ.
Buổi gala của các hội thể thao thường có trình diễn cải
lương, một hình thái sân khấu văn nghệ mới bắt đầu phát triển và ưa chuộng ở
Nam kỳ. Các đoàn cải lương cũng tổ chức những chương trình gala để lấy tiền lời
đưa vào quỹ ủng hộ các đội banh.
Chẳng hạn đoàn Phước Cương đã tổ chức “grande soirée de
gala” ở rạp Modern Cinéma tối 1.5.1927 với sự góp mặt của cô Năm Nhỏ và cô Năm
Sa Đéc, tiền lời đưa vào quỹ cho đội banh Étoile de Giadinh, theo báo L’Ère
Nouvelle, 29.4.1927. Hay sau đó, năm 1966, trước khi đội tuyển miền Nam VN sang
Malaysia dự Cúp Merdeka, đoàn cải lương Dạ Lý Hương đã mời đội tuyển đến xem cải
lương tại rạp Quốc Thanh ở đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Đây cũng là khởi
đầu cho mối tình giữa Bạch Tuyết và Tam Lang...
Nguyễn Đức Hiệp
(Trích từ Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người, NXB
Văn hóa - Văn nghệ)
Theo báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét