Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Căn bệnh dịch nào đây

 Phạm Minh Tâm


 
Hơn bao giờ hết, hai chữ “Quê hương” lúc này vang lên trong đầu mỗi người dân Việt Nam bằng thanh âm mang đủ loại cảm xúc phức tạp. Có người thì nghe sao tê tái, thấy nằng nặng trong tim, trong óc một niềm đau nhức nhối. Có người thấy đắng chát và xót xa tận đáy lòng. Lại cũng có người thấy ray rứt, mằn mặn đầu môi mà không khóc được. Song lại có người thấy dửng dưng, nhạt nhẽo như chuyện thiên hạ sự bên Tầu. Và tệ nhất là những người khi nghe nhắc đến hai chữ này thì cứ như nhắc đến bệnh dịch, lắc đầu quầy quậy, xua đuổi như đuổi tà bất cứ người nào muốn nói đến những điều đang xảy ra trên đất nước Việt Nam vì sợ liên lụy hay phiền phức.
Trong một bài viết của tác giả Xuân Dương đăng trên trang điện tử Giáo Dục Việt Nam ngày 26 7 2016 nhan đề Nhận diện nhóm lợi ích “bán nước hại dân”, trong đó phân tích và luận bàn về hành động “bán nước” qua đủ mọi khía cạnh và tác giả đã tổng hợp thành... một nhóm lợi ích được hình thành từ mọi thành phần xã hội, từ những công chức bình thường đến quan chức cao cấp, từ thành viên các “nhóm lợi ích chính sách”, “nhóm lợi ích kinh tế”, “nhóm lợi ích tư bản thân hữu”... rồi đi đến kết luận rằng... nếu không gọi họ là “bán nước, hại dân” thì phải gọi họ bằng tên gì? Để bảo vệ Tổ quốc, để đoàn kết toàn dân, để xây dựng một thể chế chính trị “do dân và vì dân” cần tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó”. 

Vũng Áng, vũng lầy của quyền lực 

Chỉ khoảng mười năm trở lại đây, địa danh Vũng Áng mới được nhiều người Việt Nam biết đến cùng với nhóm hình dung từ “đặc khu kinh tế”. Đặc khu này bây giờ đã nổi tiếng với cả thế giới về tư cách “nhượng địa” mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dành cho nước quan thầy Trung cộng. Có thể nói, đây là vùng mà chẳng những được thiên nhiên cho nhiều ưu đãi nhất nước mà nếu đặt vào vị trí chính trị và chiến lược cũng nặng phần giá trị. Vì vậy mà Trung cộng mới nhắm chiếm hữu trước và tập đoàn lãnh đạo Hà nội mới có công nghiệp nhiều vì lễ vật triều cống này. 

Nói Vũng Áng được thiên nhiên ưu đãi vì đây là một eo biển sâu, rất tốt để thiết lập hải cảng cũng như thuận lợi để khai thác các nguồn tài nguyên về hải sản, về nguyên liệu luyện kim trong vùng như mỏ sắt, mỏ titan… Còn về vị trí chính trị và chiến lược thì với vị trí địa lý tự nhiên và tùy vào hoàn cảnh thời thế mà Vũng Áng sẽ là một hải cảng có thể mở rộng sự giao lưu quốc tế trong việc xuất cảng sản phẩm công nghiệp, mở rộng các hoạt động kinh tế với các nước và là điểm hội tụ giữa Bắc, Trung và Nam. Ngược lại, nếu trong vị thế “nhượng địa” thì Vũng Áng cũng sẽ là một nơi đồn trú của lực lượng bá quyền khi muốn cắt ngang sự giao thông về hành chính lẫn quân sự trên toàn lãnh thổ thành hai phần cho dễ chi phối, thì Vũng Áng là bức tường ngăn cách. Còn trong trường hợp đã xảy ra tương tranh thì Trung cộng chỉ cần dùng Vũng Áng cắt ngang Việt Nam là cô lập và kiểm soát toàn phía Bắc lãnh thổ. Đồng thời Bắc Kinh nếu muốn mở con đường vận chuyển từ Hải Nam đến Vân Nam thì Vũng Áng chính là cứ điểm trung chuyển để nối kết. 

Tất cả sẽ là định cuộc chứ không còn chữ “nếu” khi Trung cộng hoàn tất được sách lược “chauvinism” của họ đối với Việt Nam trong tương lai gần. Vậy thì, xin dùng câu của tác giả Xuân Dương để hỏi… Phải gọi những người ban hành chính sách thu hút đầu tư kiểu Vũng Áng là gì? 

Nhà chưa cháy mặt chuột đã trơ ra 

Xét cho cùng thì các tập đoàn lãnh đạo cộng sản trước đây ở Đông Âu, ở Nga, ở Đức hay Trung cộng, Bắc Hàn, Cuba… hiện nay tuy cùng chung một bản chất thô bạo, tàn ác, dã man hay gì gì khác song chắc chắn vẫn còn thua cái nham nhở, trí trá, gian manh và mất hết tính dân tộc như những người cộng sản Việt Nam khi bọn họ đồng lòng bán nước. Kể từ sau ngày 02-9-1945 với các chiêu bài hết Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến tới Chính phủ Liên hiệp Quốc gia rồi các hiệp định ký kết với thực dân như Hiệp định Sơ bộ ngày 06 3 1946 cho Pháp trở lại chiếm Miến Bắc đến tạm ước Modus Vivendi ký tại phòng ngủ của Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Marius Moutet vào lúc nửa đêm… cùng với bao nhiêu việc làm hại dân hại nước, thì chắc cũng không đảng cộng sản nước nào bị dân chửi, dân khinh như đảng cộng sản Việt Nam. Song tất cả cũng không có nghĩa là từng cá nhân chúng ta, những người mang danh là công dân Việt Nam quốc gia đều vô can, đều không có trách nhiệm trước lịch sử về cái nạn nước này. 

Vậy thì giờ đây, không phải chỉ lo chửi cộng sản là đủ, rồi thả nổi hiện trạng hôm nay của đất nước, của Quê hương cho những con người mà chúng ta đã chửi suốt gần một thế kỷ qua, để cho họ mặc sức tiếp tục hoành hành bá đạo. Người cộng sản bán nước, buôn dân thì ai cũng rõ rồi; song chúng ta cứ điềm nhiên tọa thị, khoanh vòng tay khiếp nhược cho chặt và trơ cặp mắt lạc thần vì sợ hãi để cúi mặt cầu an thì nếu không là gián tiếp bán nước thì cũng là đồng lõa với cường đồ bạo tặc. Là như loài chuột chỉ lo lủi vào những xó xỉnh an nhàn gặm nhấm những gì đang có. 

Thành vậy, người viết muốn cùng khối chín chục triệu đồng bào mình, những người anh em vẫn từng nhận mình mang lý tưởng quốc gia… chúng ta mau cùng nắm tay nhau sám hối trước anh linh Quốc tổ về sự yếu hèn, bạc nhược và ích kỷ của mỗi người. Cùng thẳng thắn nhận ra việc mình phải làm bằng khối óc, bằng con tim và bằng hai bàn tay mở rộng, bằng sự can đảm dấn thân, lên tiếng hay đóng góp khả năng, công sức cho vận sự chung vì tiền đồ đất nước, vì tương lai dân tộc. Có tiềm lực này mới mong vươn dậy được cao trào chống lại đại họa ngoại xâm. 

Hóa ra cũng có thể nói, qua Formosa đã cho chúng ta có thêm một tấm gương, không chỉ đã soi ra hết “khí thế” của đảng, của nhà nước “đỉnh cao trí tuệ”, của “quân đội nhân dân anh hùng”, của tất cả cơ chế quyền lực hiện hành của cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ là một trò bịp lớp lang của đám người ăn gian nói dối theo chỉ thị của Bắc Kinh như những tội phạm được “mớm cung” mà thôi. Formosa cũng còn là thuốc thử ra cái chất ích kỷ, chỉ biết lo sao cho vinh thân, cho phì gia nơi khối anh em mình nên đã làm chúng ta rời rã như bãi cát, lạnh lùng vô cảm như đá cuội. 

Một dân tộc mà hèn thì sẽ mạt

Sự im lặng đáng sợ… 

Người xưa nói “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần”. Việt Nam mình đang ở trong tình trạng còn tệ mạt hơn loạn mà trung thần đâu chẳng thấy; ngược lại càng ngày càng lộ rõ nhiều nịnh thần. Ngay cả những thành phần vốn được ăn học đầy đủ từ học viện này đến đại học nọ và đang là vai vế trong dân, xênh xang mũ gậy, vậy mà cũng bắt thói theo tập thể nịnh thần chung cả nước để chỉ còn nếu không ca thì câm. 

Mới đây, một “audio clip” của người nào đó đang được chuyển đi rộng rãi trên "youtube" nói về đề tài Hy vọng một loại thuốc độc giết cả một dân tộc. Hai chữ “hy vọng” tác giả dùng là để ám chỉ đến cái não trạng nông cạn, hẹp hòi, viển vông, xuẩn ngốc, mà người Việt Nam đã vì quen sống ù lì, cầu an, ích kỷ, đớn hèn, làm tê liệt khả năng nhận thức nên cứ cố bám víu để thành hy vọng; chẳng khác gì kẻ đang trong cơn chết đuối thì vớ luôn cả bọt bèo. 

Theo tác giả, dân tộc Do Thái bị cái họa diệt chủng của Hitler và Đức quốc xã giết sáu triệu người thời đệ nhị Thế chiến chính vì từng người Do Thái lúc đó đã chỉ vì hy vọng bản thân được yên và mạng sống được cứu nên cam tâm co cụm lại trong cái ốc đảo riêng mình. Thành vậy mà không còn ý lực kết đoàn và khả năng đối kháng. 

Từng người Việt Nam chúng ta hiện nay cần phải tự lớn lên trong ý thức chỉ có mình mới cứu được mình, chứ không chờ các thế lực nào đó giúp mình kiểu "há miệng chờ sung rụng". Hãy nghĩ đến tổ tiên, đến cha ông và thế hệ đàn anh, đàn chị đã đổ máu xương chống ngoại xâm suốt chiều dài mấy ngàn năm mà tìm lại ý chí bất khuất không phải chỉ cho mình mà cho con cháu mình nữa. 

Trong nước, hãy giúp nhau tắt đi nhịp điệu đang quay cuồng theo thời thế điên điên, đảo đảo. Ngoài nước hãy tìm lại hình ảnh mình trong ngày gạt nước mắt thất thểu ra đi mà ngừng vong thân trong môi trường tạm dung. Đồng thời, anh, chị và tôi có nên tự hỏi mình, có thực là chúng ta đã mất hết ý chí muốn bảo vệ Quê hương hay không? 

Formosa, hang chuột Tầu đang gieo mầm dịch hạch 

Tình trạng công ty Formosa gây thảm họa ô nhiễm môi trường và cái tàn cuộc hiện nay là cảnh sống cơ cực của người dân trong vùng đang chờ đợi chúng ta. Song trước sự bàng quan của những người có trách nhiệm cai trị và tổ chức an sinh xã hội đã đành, mà cả những người mang danh là lãnh đạo tinh thần, là nuôi dưỡng tâm linh cũng “nối giáo cho giặc” làm người viết liên tưởng đến câu chuyện Dịch Hạch (La Peste) của Albert Camus. Hai nhân vật chính của câu chuyện là bác sĩ Bernard Rieux và Jean Tarrou cùng với một số nhân vật thuộc nhiều vị thế xã hội khác nhau như linh mục, công chức, nhà báo... đã có mặt ở thành phố Oran của Algérie khi bệnh dịch hạch xuất hiện và lan tràn. Nhờ vào thái độ nhiệt tình dấn thân của bác sĩ Bernard Rieux mà các người khác đã cùng đồng lòng sát cánh với ông để cứu các bệnh nhân và khống chế bệnh dịch. 

Động lực thúc đẩy bác sĩ Rieux không sợ khi quyết định lao vào việc cứu chữa và lo cho bệnh nhân bị dịch hạch không phải vì muốn thể hiện anh hùng tính hay để được vinh danh, mà chỉ đơn thuần bởi lòng thành liêm chính của một người chính trực... Les justes ne peuvent craindre cela…Il ne s’agit pas d’héroïsme dans tout cela. Il s’agit d’honnêteté. C’est une idée qui peut faire rire, mais la seule façon de lutter contre la peste, c’est l’honnêteté… 

Cuối cùng, bệnh dịch ổn định, thành phố Oran được cứu bắt đầu từ lương tri của một con người. Nếu không có lương tri này thì khả năng chuyên môn hay tài cán gì cũng thành vô dụng. Và điều quan trọng nữa là tinh thần liên đới với anh em khi phục vụ. 

Công ty Formosa với những biến động ở Việt Nam hiện nay là gì. Là tấm kính chiếu yêu để thế giới nhìn ra, tệ nhất là để tập đoàn bá quyền Trung cộng nhìn ra, cái khối dân cứ dựa vào quá khứ anh hùng của tiền nhân mà vênh vang trên môi miệng là giống Tiên giống Rồng thì giờ chỉ là thùng rỗng. Chúng ta cùng nhau thử đếm xem có được bao nhiêu người còn ý lực nối chí tiền nhân, dám đứng lên trước bạo quyền, hay vẫn chỉ cần thấy bóng công an khu vực ngang qua cửa là vợ chồng con cái đã nín thở vì sợ... mà không biết sợ cái gì nữa. 

Còn ở hải ngoại cũng không hơn gì. Người ta rất tích cực, chăm chỉ chuyển cho nhau nghe các bài viết của Phan Hân, trích thơ của Trần Thị Lam hay các bài giảng của linh mục này linh mục khác mà họ còn đắc chí chua thêm bằng hình dung từ khích động là “nẩy lửa”. Song ngay khi chuyển thì chính người gửi đi cũng thắc mắc và nghi ngại “sao họ dám nói, dám giảng như vậy, nó không bắt đi à”. Và không chừng có người lại cho rằng “sức mấy mà làm được, chắc lại do nó diễn hay gài độ mà thôi” hoặc còn ra vẻ chính chị, chính em bảo rằng “phe nhóm nó chống nhau”. Có nghĩa là chúng ta cứ suy từ cái bụng hèn của ta ra bụng người để cho rằng những người đang dám làm này có một loại thế lực nào đó đẩy cây nên có ô dù che chắn. Chúng ta không làm được, không dám làm, song khi người này, tổ chức kia làm thì xoi bói và tìm cách đạp xuống. 

Ôi cái chữ “nó” nhỏ nhoi, hèn mọn mà cũng tại chúng ta làm cho “nó” thành danh trấn sang cả giang hồ thế giới như vậy thì trách ai đây? Và một điều quái đản nữa là khi người ở hải ngoại chúng ta nghe “audio” này, đọc bài viết kia nói chê trách cái tính vô cảm, cái tư cách đớn hèn của dân tình hôm nay thì không khi nào cho rằng có cả mình trong đó, mà đây chỉ là của người trong nước mà thôi. 

Cả một gia tài bị phá sản 

Ngay bây giờ, nếu bỏ đi cái con số lẻ cho đám đảng viên cộng sản thì trong con số chín chục triệu người Việt Nam còn lại chúng ta - chữ “chúng ta” người viết dùng không loại trừ vài ba triệu người đang sống lưu vong khắp thế giới đếm được bao nhiêu người thành tâm và thiện chí giống như những người xông pha chống lại thảm họa dịch hạch ở thành phố Oran? Có bao nhiêu người như Bernard Rieux, như Jean Tarrou. Trong hàng ngũ giáo sĩ Công giáo áo thụng tay dài đang ngày ngày xênh xang lướt thướt nơi các ngai tòa có được bao nhiêu “đấng bậc” như cha Paneloux, biết thay đổi cách nhìn để cùng dấn thân nhập cuộc cứu người, biết tích cực lo cho mọi người có điều kiện làm việc xứng hợp với nhân phẩm như lời kinh nguyện đọc hàng ngày? 

Đất nước Việt Nam hiện nay theo bề mặt xã hội thì bất cứ lúc nào và ở đâu cũng ồn ào và lộn xộn như khu chợ trời với đầy đủ những điều trời ơi đất hỡi. Song dưới cái mặt nổi giống như làn da xô bồ đó là một thân xác mà như cổ nhân đã nói chỉ còn đúng nghĩa là những cái giá để máng đủ loại quần áo và cái túi chứa cơm. Tinh thần đang lạnh dần, đang mất gần hết khả năng ý thức rằng tương lai của gia đình nằm chung trong tiền đồ của dân tộc. Thành ngữ “giá áo túi cơm” của cổ nhân dùng chắc chắn cũng không chừa một đứa con cháu nào ở trong và ngoài nước. 

Với đa số dân tình giờ đây, chỉ cần thấy trước mắt vẫn còn có ăn, có mặc và còn thở thì ổn rồi. Nhất là có tiền đi chợ mua cá sông, cá nuôi và trữ thêm vài ba bao muối, mấy thùng nước mắm là hí hửng mình đứng ngoài mọi nguy cơ. Là ấm êm. Những anh em trí thức của chúng ta thì lại cứ chập chờn trong câu hỏi đầy mặc cảm yếu kém của thân phận kẻ bị trị. Tại sao lại tham gia chống này chống nọ làm gì để trở thành đối tượng cho công an nhà nước theo dõi, khó dễ và thậm chí còn bị bắt bớ. 

Chúng ta chỉ vô cảm chứ không vô thức, phải không? 

Trong nước, chúng ta đua nhau kiếm cách cho con cái đi học nước ngoài, rồi kiếm cách nào đó, thậm chí có thể tìm đối tượng để “gá nghĩa trăm năm” với một ai đó mà không cần kén chọn. Người bản xứ hay người Việt Nam tỵ nạn cũng được. Hôn nhân thật hay giả không quan trọng, miễn dựa vào cái quốc tịch của họ để được ở lại. Thật thì tốt hơn vì đỡ tốn gần trăm ngàn trả công. Rồi sau khi đã có được cái quốc tịch Mỹ, Úc, Đức, Pháp... làm bàn đạp, làm nhịp cầu cho cha mẹ ít năm sau bước ra khỏi nước thì khi đó sẽ bỏ vợ, bỏ chồng nếu muốn, lo gì. Người bình dân thì chỉ biết đến đấy, nhưng người có ăn học thì “biết” nhiều hơn, khôn nhiều hơn, “thức thời” hơn để dặn dò con cái trước khi ra đi kỹ càng hơn. Đó là “lời gia huấn” chỉ nên lo học, lo làm tiền và cố kiếm ra cách nào “được ở lại”, phải tránh xa các sinh hoạt nào của người Việt Nam bên đó mà có lá “cờ ba que”. Không hiểu những anh em này của chúng ta nghĩ sao khi hãnh diện về cách đầu tư cho con cái kiểu này. Nhất là trách nhiệm của những bậc cha mẹ Công giáo, Chúa giao cho là để truyền sinh hay truyền giống? Mong con cái nên người tức là thành người dân có cái đầu để đóng góp vào với thế hệ trẻ của một đất nước, có tâm hồn yêu nước bằng niềm tự trọng, có bản tâm chân thiện để sống và làm việc bằng nhân phẩm đúng nghĩa “thành nhân chi mỹ” hay chỉ cốt tạo giống với bằng nọ cấp kia, tiền của ngập mặt, vật chất no đủ mà không có cái đầu và tấm lòng nghĩ đến quê hương thì phải chăng chỉ là những cái giá mắc áo đẹp và cái bao, bị đựng bơ, sữa, tôm hùm, bào ngư, vây cá? 

Chúng ta có thấy tiếc cho lúa gạo Miền Nam đã hai mươi năm nuôi những anh em này không? 

Ở bên ngoài cũng chẳng hơn gì. Tiếng thì là “khối” gần ba triệu người Việt Nam quốc gia đang sinh sống khắp nơi trên toàn thế giới đấy, nhưng con số người tham gia các sinh hoạt biểu tình, thắp nến để biểu tỏ chút tình chia sẻ với anh em trong nước như phản kháng vụ Formosa; các bữa cơm gây quỹ gửi về Vũng Áng... nếu thống kê hết ra liệu được bao nhiêu? Ký tên vào kiến nghị này, lên tiếng khác cũng sợ; đi tưởng niệm ngày 30 4 1975 cũng sợ... Sợ “trọn gói” những gì mà họ nghĩ là Việt cộng có thể gây bất lợi cho họ. Chẳng hạn như không về Việt Nam làm ăn hay du hí được. 

Chúng ta đã thấy cái nỗi sợ nó ăn sâu đến độ dù đã ở trong môi trường tự do rồi mà anh em mình vẫn còn chưa bỏ được không? 

Mẹ Việt Nam cũng phải bó tay. Cũng một đất nước mà đứa trong nước thì muốn từ bỏ Mẹ ra đi bằng mọi cách và mọi giá. Còn đứa ngoài nước thì lại chia ra nhiều “quan điểm”. Phía thì hô hào không về Việt Nam mới là chống cộng sản còn phía khác thì cứ đi đi về về như đi chợ để ăn chơi, để làm ăn… 

Vậy nên tất cả hãy cần cùng nhau suy nghĩ lại... xem ai cứu nước mình đây! 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét