Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Báo Trung Quốc viết về việc Việt Nam đưa bệ phóng rocket ra Trường Sa



Tác giả: Chen Guangwen | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành 



Sau khi báo chí quốc tế đưa tin Việt Nam đưa bệ phóng rocket ra một số đảo ở Trường Sa, truyền thông Trung Quốc lập tức có phản ứng, trên các mạng xuất hiện nhiều bài viết, một số bài có giọng điệu hiếu chiến, ngạo mạn. Dưới đây là một bài dưới tựa đề “Việt Nam bất ngờ thọc dao sau lưng. Biện pháp đánh trả của Trung Quốc sẽ làm Việt Nam tốn công vô ích” được Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/8 chọn đăng lại, không ghi tên người viết. Theo tìm hiểu, tác giả là Trần Quang Văn (Chen-guangwen), chuyên gia về trang bị vũ khí, nhà bình luận quân sự phái diều hâu ở TQ, từng viết nhiều về chuyên ngành này.

Trước việc truyền thông phương Tây tiết lộ Việt Nam bố trí bệ phóng tên lửa tại các đảo có tranh chấp ở Biển Đông, Chính phủ Mỹ kêu gọi Việt Nam ngừng bất kỳ hành vi nào dẫn đến sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Hành động đó được coi là động tác lớn nhất mà mấy chục năm nay Việt Nam đã sử dụng để tăng cường sự tồn tại ở các đảo Biển Đông.

Tin ngày 9/8 của Reuters cho biết, gần đây các vệ tinh trinh sát của phương Tây phát hiện thấy Việt Nam đã lặng lẽ tăng cường sức mạnh phòng ngự tại một số đảo đá có tranh chấp, [Việt Nam] vừa mới bố trí pháo rocket cơ động, loại pháo này có thể tấn công những đường băng, tàu thuyền và đảo đá ở xung quanh. Một số nhà ngoại giao và quân sự phương Tây tiết lộ: mấy tháng gần đây, Việt Nam đã chuyên chở bệ phóng rocket tới 5 căn cứ trên quần đảo Trường Sa. Đó là hệ thống pháo tên lửa EXTRA 306 mm mới mua từ Israel.

Sự phát triển tình thế Biển Đông cũng biến đổi nhanh chóng tựa như khuôn mặt của đứa trẻ sơ sinh. Cách đây không lâu, phương Tây qua quan sát của vệ tinh phát hiện thấy Trung Quốc bố trí tên lửa đạn đạo phòng không Hồng Kỳ-9 tại quần đảo Hoàng Sa. Loáng một cái, dư luận xôn xao ầm ỹ, mọi mũi dùi chỉ trích đều nhằm vào Trung Quốc. Nhưng sự việc trôi qua không lâu, phương Tây lại phát hiện thấy tên lửa Hồng Kỳ-9 biến mất, ngờ rằng áp lực của phương Tây quá lớn, Trung Quốc không thể không rút đi. Phương Tây chứng thực Trung Quốc là kẻ phá hoại quy tắc trò chơi, cho rằng Trung Quốc không có ý định chân thành đối với việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông.

Song le chuyện ấy qua đi chưa được vài hôm thì Việt Nam – một bên có yêu sách chủ quyền [tại Biển Đông], gần đây đang được phương Tây lôi kéo nhiều – lại thừa thời cơ ấy lặng lẽ bố trí pháo tên lửa cỡ lớn có độ xạ kích chính xác không kém tên lửa đạn đạo trên các đảo [họ] xâm chiếm ở Biển Đông.

Hai loại pháo tên lửa Việt Nam bố trí đều nhập từ Israel, một quốc gia Trung Đông giỏi chiến trận và khôn ngoan nhờ chiến trận, trong khói lửa chiến tranh đã không ngừng nghiên cứu chế tạo được rất nhiều vũ khí bắn trúng đích đẳng cấp thế giới. Trong đó hai loại pháo tên lửa EXTRA và ACCULAR do Israel sản xuất rất nổi tiếng. Đây là vũ khí tấn công chính xác mà Israel chế tạo để đánh các lực lượng vũ trang có mặt ở khắp Trung Đông. Trong đó thứ vũ khí [Việt Nam] bố trí ở Biển Đông có thể đe dọa các đảo khác, là loại đạn tên lửa EXTRA có tầm bắn xa 150 km, đầu nổ nặng 125 kg, sai số xác suất vòng tròn [circle probability error] là 10 m, đường kính viên đạn 306 mm. Sở dĩ EXTRA có thể bắn xa và chính xác như vậy là do nó sử dụng công nghệ cánh trượt  [wing gliding technique], lại dùng GPS điều khiển. Vì thế nó trở thành một vũ khí bắn chính xác chỉ kém tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Tin tức đợt này cho biết Việt Nam bố trí EXTRA tại 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa. Từ bản đồ có thể thấy về đại thể, đường nối 3 sân bay Trung Quốc xây dựng làm thành một tam giác có góc đỉnh 95° (lấy đá Chử Bích [tức đá Subi] làm đỉnh tam giác này). Vì thế nếu xét tới độ bao phủ toàn bộ thì [bố trí EXTRA] ở trọng tâm tam giác này là có lợi nhất. Căn cứ phạm vi đó, thì mấy đảo đá thuộc quần thể đảo đá Cửu Chương [tức cụm đảo Sinh Tồn] mà Việt Nam hiện chiếm đóng có vị trí tốt nhất, như đảo Cảnh Hoàng [tức đảo Sinh Tồn] và đảo Hồng Hưu [tức đảo Nam Yết]; chúng cách 3 sân bay [của TQ] đều vào khoảng 150 km theo đường thẳng. Việt Nam chỉ cần bố trí EXTRA tại mấy đảo gần đấy thì rõ ràng khi cần có thể bất kỳ lúc nào bắn trúng mục tiêu, tạo ra đe dọa rất lớn cho 3 sân bay của Trung Quốc.

Tuy rằng lần bố trí vũ khí này của Việt Nam cũng bị vệ tinh trinh sát phương Tây phát hiện, nhưng do nhu cầu chiến lược, chỉ khi bị các nhà báo chất vấn thì Chính phủ Mỹ mới không thể không tỏ ý quan tâm tới vụ việc này, căn bản không gay gắt như thái độ đối với vụ Trung Quốc bố trí tên lửa Hồng Kỳ-9. Nhiều biểu hiện cho thấy Mỹ thi hành tiêu chuẩn kép, tuy hiện tượng Việt Nam quân sự hóa Biển Đông rất rõ ràng, trong đó có việc xây dựng mở rộng các đảo và vào thời điểm nhạy cảm lại bố trí tên lửa EXTRA, trên thực tế những việc này có tính chất nghiêm trọng hơn nhiều so với hành động của Trung Quốc, song Mỹ và Nhật lại dường như lựa chọn thái độ giả câm giả điếc từ lâu chúng ta đã quen mắt thấy không có gì lạ.

Thực ra việc Việt Nam bố trí pháo tên lửa EXTRA ở Biển Đông tuy có gây ra sự chú ý của các quân đội liên quan, nhưng bộ đội Trung Quốc đóng quân trên các đảo cũng không thiếu gì các biện pháp đối phó.

Chủ yếu có 3 biện pháp đối phó:

Thứ nhất, bố trí hệ thống Lục Thuẫn-2000 [LD-2000, hệ thống pháo phòng không tầm ngắn tự hành, có 7 nòng, do TQ nghiên cứu chế tạo], kết hợp pháo 30 mm của hệ thống này với tên lửa phòng không Thiên Yến-90 [TY-90, tên lửa không đối không, trang bị cho máy bay lên thẳng, dùng để giành quyền kiểm soát bầu trời ở độ cao cực thấp và chặn tên lửa đối phương, do TQ nghiên cứu chế tạo]  sẽ đối phó được với các tên lửa có vận tốc cuối cỡ 2 Mach.

Thứ hai, sử dụng hệ thống can nhiễu GPS. Vì pháo tên lửa EXTRA sử dụng GPS dẫn đường, cho nên năng lực can nhiễu dẫn đường của hệ thống vệ tinh của Trung Quốc có thể phát huy tác dụng.

Thứ ba, sử dụng máy bay lên thẳng vũ trang. Máy bay Vũ Trực-9 bố trí trên các đảo gần đó có thể mang theo tên lửa chống tăng và rocket, sẽ không cho phía Việt Nam có dịp phóng tên lửa EXTRA.

Dĩ nhiên trên đây là 3 biện pháp dự phòng trước khi xảy ra chiến sự. Sau khi nổ ra chiến sự, Trung Quốc càng có nhiều biện pháp đánh trả. Nếu Việt Nam dám phóng quả tên lửa thứ nhất thì rất có thể sẽ không có dịp phóng lần thứ hai.

Bởi thế xem ra việc Việt Nam bố trí pháo tên lửa ở Biển Đông không có gì đáng sợ. Tuy loại pháo tên lửa này bắn rất chính xác nhưng rốt cuộc nó không phải là loại tên lửa đạn đạo có uy lực lớn hơn, vì thế có rất nhiều cách đối phó.

Nhưng điều chúng ta cần cảnh giác là trong lúc các bên liên quan đang giảm nhiệt cho Biển Đông thì Việt Nam lại ra sức xây dựng đảo và quân sự hóa, đây mới là điều có ý nghĩa quan trọng của vấn đề.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch, ghi chú



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét