Trong tuần này, ngẫu nhiên có quá nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra, liên quan đến một trạng thái tình cảm con người vốn bị xã hội luôn lên án. Đó là sự vô cảm. Đã vô cảm, đương nhiên là xấu. Nhưng dường như nguồn gốc sinh ra sự vô cảm không phải chỉ có tâm tính con người. Mà nhiều khi còn có cả sự cộng sinh vô tình của pháp luật, lẫn trách nhiệm con người v.v… và v.v…
Nước mắt khóc cho xã hội?
Khi viết những dòng này, người viết bài đã không ít lần rơi nước mắt vì phải đọc lại vụ việc thương tâm mới xảy ra ở phố Ái Mộ (Bồ Đề- Long Biên- HN) khiến cả XH bị sốc nặng. Đó là vụ chiếc xe Camry vượt sai làn đường gây tai nạn thảm khốc khiến cho cùng lúc hai ông cháu T.V.T (64 tuổi), bé T.G.H (06 tuổi), và bà N.T.T (47 tuổi) tử vong.
Khỏi phải nói, nước mắt của mẹ bé T.G.H đã cạn kiệt, vì nỗi đau quá lớn, liên tiếp ập xuống với người đàn bà trẻ. Trước đó hai năm, chồng chị bị mất vì tai nạn giao thông, nay lại mất tiếp bố chồng, và nhất là bé T.G.H, đứa con gái bé bỏng mới 06 tuổi. Những dòng stt trên FB của người mẹ đau thấu tâm can….
Nhưng điều khiến cả XH sốc nặng không chỉ là vụ tai nạn cướp đi cùng lúc sinh mạng 03 người vô tội. Sau nước mắt chia sẻ nỗi đau đồng loại, là sự bất bình về chính sự vô cảm của con người.
resort, Ba Vi, Ha Noi, Resort Ba Vi, tai nan Camry, tai nan giao thong
Vụ tai nạn ở Ái Mộ, Gia Lâm, Hà Nội khiến cộng đồng xôn xao
 
Bạn đọc sẽ cảm nhận gì khi đọc được những dòng chữ mà cô giáo của Trường tiểu học Ngọc Lâm, nơi bé T.G.H học, chứng kiến tại chỗ:
Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt vào thùng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh, nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa thùng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu. May lúc đó 115 đến. Mọi người lại chuyểncháu sang 115 (Dân Việt, ngày 1.3).
Không chỉ có cô giáo Trường tiểu học Ngọc Lâm, ông Đường Văn Cử, tổ trưởng tổ dân phố số 9, phường Bồ Đề cũng chứng kiến sự sợ hãi và bỏ chạy của những người đi đường: Khi thấy cảnh tượng đó, lái xe taxi nhanh chóng đóng cửa rồi phóng luôn. Một người dân khác đi ngang đường cũng được yêu cầu giúp đỡ nhưng thanh niên này đóng chặt cửa. Chúng tôi không còn cách nào khác đành chờ đợi.
Có thể, bé T.G.H khó qua khỏi do vết thương quá nặng, nhưng sự “chạy trốn” của những người lái xe taxi, người đi đường, khoét sâu thêm vào vết thương rỉ máu của bé, khoét sâu thêm vào nỗi đau và cả sự nhục nhã của người lớn chúng ta.
Mẹ cháu không còn nước mắt để khóc vì nỗi đau thật tàn nhẫn. Nhưng chúng ta, khóc vì sự vô cảm của chính chúng ta trong XH hiện đại này.
Đâu rồi cách sống mà cha ông ta từng răn dạy: Cứu một người phúc đẳng hà sa.
Rất nhiều sự chia sẻ, bất bình và xót xa, xấu hổ và đau đớn trên trang mạng XH.
Vô cảm không phải là căn bệnh mới xuất hiện. Nó có cách đây khá nhiều năm. Ở rất nhiều vụ việc. Khi đó, người ta đã mổ xẻ tứ phía căn nguyên của căn bệnh này. Nào là GD gia đình buông lỏng, nào là GD nhà trường không dạy kỹ năng sống. Nào là môi trường XH gây mất niềm tin bởi bao sâu mọt.
Nhưng rồi giờ đây vô cảm - nó vẫn như ngày xưa.
Mặc dù, cái trạng thái tâm lý tệ hại này theo quy định của pháp luật, còn bị coi là tội lỗi. Trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ngày 2.3, Ls Phạm Công Út (Đoàn Ls t/p HCM) khẳng định việc này không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể bị truy tố hình sự theo Điều 102: “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.

Nỗi sợ có từ nơi đâu?
Nhưng mặc cho pháp luật quy định rất rõ ràng, con người vẫn cứ cuống cuồng sợ hãi, chạy trốn trước cái sống chết mong manh của đồng loại.
Nỗi sợ có từ nơi đâu? Chả lẽ giờ nó cũng coi là ca từ của sự vô cảm? Thực tiễn đời sống, tiếc thay đã chỉ ra những căn nguyên, phúc đẳng hà sa đâu chưa thấy, đã thấy những rắc rối, phiền hà mà người muốn cứu giúp rất có thể phải đối mặt.
Chính LS Phạm Công Út chỉ ra nỗi sợ bắt nguồn từ nơi đây: Đó là, người ta sợ các trách nhiệm ràng buộc khi đưa người bị tai nạn đi cấp cứu, từ thủ tục nhập viện, trở thành người làm chứng và phải mất nhiều thời gian nếu có xảy ra các vấn đề phát sinh. Là các lái xe đã được nghe, chứng kiến những câu chuyện “làm ơn mắc oán”, dính vòng lao lý nên họ có tâm lý e ngại. Và có thể, do cả tâm linh, nhiều người cho rằng chở người gặp tai nạn thì không may mắn.
Những quy định của bệnh viện, của pháp luật khi cứu người, tưởng rất cần thiết, hóa ra trong thực tiễn, có khi nó khiến những người không vô cảm cũng hóa thành vô cảm. Đây là ghi chép của một người “trong cuộc”-từng bị tai nạn giao thông, để thấy những sự vô lý không có lẽ:
Các định chế ràng trói con người ta. Người làm việc cứu giúp tự dưng bị thảy vào một mớ lùng nhùng những rắc rối không liên can gì đến họ. Tệ hơn, với chính nạn nhân, họ bị người nhà cáp luôn vào tội "thằng gây tai nạn". Cái thân thể bệnh tật cần cấp cứu đã đủ tính chất tên là "bệnh nhân" mà một ngành y có sử dụng thuế của người dân phải cứu chữa rồi. Nhưng một số bệnh viện muốn thu đủ viện phí, muốn có ai đó chịu trách nhiệm nếu lỡ đây là một vụ giết người, muốn dễ dàng trả lời nếu ai đó từ cơ quan chức năng sờ đến, muốn đơn giản ghi một hồ sơ bệnh án đầy đủ, nên cứ phải ràng cho được một "người thân" vào thân thể đang nằm kia. Trách nhiệm được quàng lên vai người lạ. Vô hình, nó hóa thành nỗi sợ (Trí thức trẻ, ngày 1.3).
Còn đây, nỗi sợ có thể sờ thấy, nhìn thấy, không còn là chuyện nghe thấy: Cậu thanh niên Đỗ Quang Thiện (Trường THPT Buôn Mê Thuột- Đăk Lăk), bị tù oan suốt 52 ngày chỉ vì vô tình em cứu một người đi đường không may bị đột quỵ, ngã va chạm vào xe máy của em đang lưu thông cùng chiều. Sự cứu chữa của cậu học trò mới lớn cuối cùng dẫn cậu đến cánh cửa… nhà tù. Đó là những oan trái không sao có thể gỡ bỏ nếu không có áp lực dư luận XH và quyết định cuối cùng của TANDTC bác bỏ bản án vô lý.
Vậy, liệu mỗi người lớn chúng ta có đủ can đảm vượt qua những nỗi sợ ám ảnh, những rắc rối hiển hiện trong đời thường như thế để làm một việc phúc đẳng hà sa?
Vậy, bệnh viện, rồi pháp luật… liệu có cách nào “hóa giải” bớt những cái ách vô lý mà việc cứu người, rất có thể thành ra làm phúc phải tội?
Trong khi chờ đợi câu trả lời, chỉ biết một điều, xin linh hồn bé bỏng của bé T.G.H hãy tha thứ cho sự hèn nhát, sự vô cảm của người lớn chúng ta đang sống.
Lợi ích nhóm đằng sau?
Nhưng có một sự vô cảm còn lớn hơn nhiều, cũng đang gây ra những chấn động với dư luận XH.
Đó là vụ việc Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) ngang nhiên xây dựng công trình Le Mont Bavi Resort & Spa - resort không phép giữa Vườn Quốc gia Ba Vì (Ba Vì- HN). Vô cảm vì vườn QG là một khu rừng đặc biệt. Và việc “đụng” tới vườn QG bao giờ cũng phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Nhất là Vườn QG Ba Vì thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vốn rất nhạy cảm, có ý nghĩa chiến lược quân sự đảm bảo cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có điều, chỉ đến khi dư luận XH biết do các cơ quan báo chí điều tra, thì công trình này đã và đang đi vào…. chạy thử. Với trên 50 phòng hạng sang, được chia theo các cấp độ từ hotel loại phòng nhỏ, phòng to cho đến Bungalow (nhà gỗ 1 tầng tách biệt). Hiện khu nghỉ dưỡng còn đang được quảng cáo khá rầm rộ. Giá phòng lên đến 1,8 - 04 triệu đồng/ngày - đêm (theo GDVN, ngày 1.3).
Một khu nghỉ dưỡng quy mô lớn xây ròng rã suốt mấy năm ngay giữa vườn QG của Thủ đô, không ai biết, không ai hay, thì nói như thành ngữ dân gian hiện đại- chả coi pháp luật là cái đinh gỉ gì!
Đáng chú ý nữa, chủ đầu tư công trình này - Giám đốc Công ty - ông Lương Ngọc Anh, người “nổi tiếng” trong vụ in tiền Polymer năm nào. Khiến cho dư luận XH xì xào, hẳn chủ đầu tư phải có thế lực không nhỏ?
Và không ít ý kiến vô tình đại diện cho dư luận người dân, buộc phải lên tiếng. Như các ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa khóa XII; ông Vũ Quốc Hùng, nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra TƯ: Phải làm cho rõ trách nhiệm của các cấp ngành liên quan tiếp tay cho việc xây dựng resort không phép này và xử lý nghiêm. Để làm nghiêm thì những công trình có giá trị tiền tỉ cũng phải tháo dỡ, không thể xem nhẹ. Giữa Thủ đô mà anh dám xây resort ngay trên đất an ninh quốc phong như vậy là xem thường pháp luật. Cần phải xem nhóm lợi ích đằng sau là ai, nếu không có sự tiếp tay thì không ai dám cả gan ngang nhiên xây dựng công trình đồ sộ như vậy (Lao động, ngày 29.2).
Còn Đại tá Phạm Trường Dân (Phó GĐ Công an Quảng Nam, ĐBQH Đoàn Quảng Nam) cho rằng, những công trình xây dựng trái phép nằm trong khu vực quốc phòng thì phải kiên quyết tháo dỡ tất cả. Bởi vì khu vực quốc phòng có những quy định rất nghiêm ngặt, liên quan đến bảo vệ Tổ quốc (Lao động, ngày 29.2).
Mới đây, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) nói thẳng: “Đề nghị cơ quan cấp trên cách chức Giám đốc Vườn QG Ba Vì và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Ông ta là quản lý, hưởng lương, chế độ đãi ngộ nhiều hơn nhân viên, nhưng không làm tròn trách nhiệm. Một việc tày đình xảy ra trong khu vực ông ta quản lý mà không ngăn chặn được thử hỏi quản lý cái gì? Còn việc nói biết sai phạm của chủ đầu tư nhưng do nể nang nên cho xây dựng, là ngụy biện. Thực thi pháp luật làm gì có chuyện nể nang ở đây (GDVN, ngày 3.3).
Đây không phải là công trình đầu tiên ngang nhiên xây dựng không phép. Trước đó, có không ít công trình lớn của các DN, cá nhân tự ý xây không phép, vượt phép ở những địa danh, khu vực nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Và nếu không có dư luận XH quyết liệt phản đối, hẳn những công trình đó vẫn có thể trơ gan cùng… ích lợi?
Chỉ tự hỏi vì sao các con voi vẫn có thể chui qua lỗ kim, khi mà XH ta luôn nhắc tới cụm từ Nhà nước pháp quyền? Có lẽ, chỉ có lợi ích nhóm mới đủ phép… thần thông để biến câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa thành câu chuyện hiện đại thời nay trong sự mất lòng tin của người dân.
Trách nhiệm hay vô cảm?
Một điều rất trớ trêu, thay cho việc bảo vệ rừng, Ban Giám đốc Vườn QG Ba Vì- đơn vị quản lý toàn bộ vườn quốc gia này thừa nhận đã nhận của Công ty TNHH Phát triển công nghệ 08 tỉ đồng và “góp” 53ha đất rừng cho DN xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa với thời hạn 50 năm, theo phương thức lấy rừng liên kết làm kinh tế. Thời hạn liên kết kinh doanh là 50 năm, tính từ ngày 10.9.2011 đến 10.9.2061. Đó là chuyện ở khu cao độ 600-700, với hình thức vườn QG góp đất, tiền xây dựng là của DN.

Và lúc này là thời gian hai bên cùng thực hiện hợp đồng kiểu góp gạo thổi cơm chung thì vụ việc vỡ lở.
Điều đáng nói nữa, Vườn QG Ba Vì do đơn vị chủ quản là Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn. Theo ông Lương Ngọc Anh, từ năm 2008, Công ty của ông ta đã tiến hành xin đầu tư dự án theo đúng chủ trương, đúng quy hoạch nhưng trong 08 năm qua đề án vẫn không được Bộ NN& PTNT phê duyệt.
Không được phê duyệt, hẳn Bộ NN&PTNT có những lý do về quản lý địa bàn đặc dụng, nhất là khu nghỉ dưỡng này nằm trong vườn QG, một địa danh đặc biệt, liên quan an ninh quốc phòng. Nhưng không thể lấy lý do vì sự chậm trễ cấp phép để bất chấp mà … vô phép, ngang nhiên xây cất, góp phần thêm vào sự rối loạn, thiếu kỷ cương trong XH, nhất là GĐ công ty là người quá “già đời” trong hoạt động kinh doanh.
Vụ việc này chỉ góp thêm một sự “bất tín” với niềm tin người dân vốn quá nhiều tổn thương bởi thói nhiễu loạn lợi ích nhóm, tham nhũng, sâu mọt. Liệu Công ty TNHH Phát triển công nghệ và Ban Giám đốc Vườn QG Ba Vì có anh đi đằng anh tôi đằng tôi không, khi mà đằng sau hai phía, là tờ giấy “hợp đồng” suốt 50 năm với 8 tỉ đồng hứa hẹn? Một món tiền thật ra rẻ bèo so với 53 hecta đất rừng bỗng nhiên bị mất và thiệt hại vô cớ?
Được biết mới đây TTCP đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT kiểm tra xử lý vụ resort này. Trả lời báo chí bên lề hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức tại HN, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ cho thanh tra toàn diện dự án Le Mont Bavi Resort & Spa. Ông cũng bác bỏ quan điểm cho phép hợp thức hóa dự án này và khẳng định sau khi thanh tra sẽ dựa vào mức độ vi phạm để xử lý theo quy định (VietNamNet, ngày 3.3).
Thì mới đây, báo chí phát hiện một vụ việc khác. Cách khu nghỉ dưỡng không xa, một resort khác với gần 60 biệt thự, quy mô lớn, xây dựng cũng hoàn toàn không phép, tọa lạ
Có vẻ như Công ty cổ phần Thăng Long Xanh đã học theo thành ngữ dân gian: Đầu xuôi đuôi lọt?
Cứ cái đà “vô phép” này, còn bao nhiêu công trình, resort sẽ vẫn ngang nhiên “nghỉ dưỡng”?
Và sự vô cảm, không chỉ với đồng loại, mà là vô cảm với… kỷ cương xã hội cũng cứ thế mà hoành hành?
Nguồn: Kỳ Duyên - Vietnamnet