Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Bắc Kinh - Hà Nội và cơ hội bị bỏ qua

Phạm Nhật Bình

Hai chiếc máy bay rớt vì tai nạn hay bị bắn rớt trên vùng trời Biển Đông từ lâu đã trở thành vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, cho người ta thấy nhiều điều.

Thứ nhất, Biển Đông giờ đây không còn là vùng biển an toàn, đặc biệt đối với những nước nhỏ như Việt Nam và Philippines. Nhìn lên “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tự vẽ ra và chiếm về phần mình tới 80%, không ai có thể nghĩ rằng có ngày một nước lớn như Trung Quốc luôn tự hào là đang “trổi dậy trong hòa bình”, lại ra tay như đạo tặc. Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) chưa công bố, nhưng đường lưỡi bò đang được bảo vệ chặt chẽ chưa từng thấy.

Làm chủ cả thế giới là một đại mộng của đế chế Trung Hoa. Nhưng trước mắt muốn dòm ngó nguồn tài nguyên thế giới, không thể không hướng về phía Nam. Điều kiện cần và đủ là làm chủ con đường huyết mạch chiến lược Biển Nam Trung Hoa, theo cách gọi của thế giới.

Vì khống chế được hải lộ quan trọng bậc nhất này là khống chế được hầu hết tàu bè qua lại nơi đây với luợng hàng hoá thương mại trị giá cả 5.000 tỉ đô-la mỗi năm. Và nhất là bảo đảm cho đội thương thuyền hùng mạnh của Trung Quốc và hàng ngàn tàu cá an tâm đi về mang theo những khối lượng nguyên liệu vô cùng cần yếu cho sản xuất, xuất cảng. Đây sẽ không còn là vùng biển truyền thống tung hoành của các Hải đội Hoa Kỳ như sau thế chiến thứ hai nữa.

Huyết mạch này là lẽ sống của Trung Quốc và đó cũng là lý do khiến Trung Quốc trong thời gian ngắn vừa qua ra sức gấp rút bồi đắp, tôn tạo những bãi đá có sẵn ở Trường Sa thành những căn cứ hỏa lực liên hoàn đủ mạnh. Để trong tương lai không xa, từ đó họ có thể phóng ra những cuộc tuần thám cả trên không lẫn trên mặt biển đồng thời bảo vệ thương thuyền, tàu đánh cá của họ một cách hiệu quả.

Thứ hai, nỗ lực xây dựng lấn chiếm của Trung Quốc không ngờ vấp phải sự ương ngạnh của Philippines. Chính phủ và nhân dân của quốc gia nhỏ bé và kém phát triển này của khối ASEAN cất tiếng nói bảo vệ chủ quyền dõng dạc nhất. Trong khi nước có quyền lợi bị chiếm đoạt nhiều nhất lại theo đuổi chính sách vuốt ve để được yên thân, cho dù liên tục bị bao vây, chèn ép.

Vào năm 2013, Philippines đã kiện toàn hồ sơ pháp lý để đưa Trung Quốc ra một tòa án quốc tế  - Tòa Trọng tài Thường trực (PCA - Permanent Court of Arbitration). Ngay từ những thời gian đầu, Trung Quốc đối phó bằng cách lập đi lập lại rằng sẽ không tham gia vụ kiện cũng như không tôn trọng phán quyết của PCA. Nhiều lần Trung Quốc kêu gọi Philippines dừng vụ kiện, đồng thời đưa ra đề nghị cùng Philippines giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại song phương nhưng bị Phi bác bỏ. Thậm chí trong những ngày gần đây, Bắc Kinh còn đe dọa rút khỏi tổ chức Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu phán quyết sắp tới của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) đi ngược lại với lập trường của Bắc Kinh.

Trước ngày 12 Tháng 7 là ngày PCA đưa ra phán quyết vụ kiện của Philippines, nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc mở ra trên khắp thế giới để lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình. Đến nay Bắc Kinh nói ít nhất 47 quốc gia đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng khi được hỏi đó là những nước nào thì Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói lập lờ: “Số nước ủng hộ Trung Quốc tăng lên mỗi ngày, cho nên tôi không thể cung cấp con số cụ thể”. Thật ra chưa đến 10 quốc gia công khai ủng hộ Bắc Kinh gồm có Campuchia, Lào và một số nước ở Châu Phi, trong số có những nước chưa từng thấy biển bao giờ.

Điều đáng ngạc nhiên là cùng lúc với mặt trận ngoại giao, Trung Quốc không ngớt khẳng định chủ quyền của mình qua lịch sử, nhưng là thứ lịch sử không hề có sự kiện chứng minh. Trong một cuộc họp báo hôm tháng 3/2016 tại trung tâm báo chí ở Bắc Kinh, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vương Nghị không ngần ngại tuyên bố trước báo giới quốc tế: “Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá, đặt tên, khai thác và quản lý nhiều đảo trên Biển Nam Trung Hoa. Tổ tiên của chúng tôi đã dày công gầy dựng những nơi đó qua bao thế hệ.”

Trò hề lịch sử do Bắc Kinh dựng nên dĩ nhiên chẳng có ai tin. Chẳng qua nó chỉ cho thế giới thấy tình trạng lúng túng đối phó của một “cường quốc” mà truyền thống chiếm đoạt đô hộ luôn được đặt lên hàng đầu.

Thứ ba, Việt Nam là một bên liên quan chịu nhiều thiệt hại nhất trong chính sách bành trướng về phương Nam của Trung Quốc. Đã từng là tình đồng chí anh em “do Hồ Chủ Tịch dày công vun đắp” rồi trở thành kẻ thù không đội trời chung dưới thời Tổng bí thư Lê Duẩn, cuối cùng trở lại quy phục Bắc Triều qua mật ước Thành Đô 1990.

Tư duy xã hội chủ nghĩa khiến đảng CSVN không nhìn thấy quyền lợi dân tộc bị xâm hại nặng nề khi tự đặt mình dưới trướng Bắc Kinh. Mầm mống ấy khởi đầu ngay từ ngày hợp nhất 3 đảng cộng sản 3 kỳ tại Hồng Kông với sự tán trợ hết lòng của đảng CSTQ. Sự lệ thuộc về chiến lược và chiến thuật kéo dài từ những năm kháng chiến chống Pháp cho mãi đến thời kỳ thống nhất đất nước nhờ sự cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975.

Nhưng phải thừa nhận Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới là cao điểm của thời kỳ quyền lợi dân tộc bị bỏ rơi. Trung Quốc được Hà Nội trao cho chiếc chìa khóa vạn năng để ngang nhiên tiến hành cái gọi là “thu hồi lãnh thổ” của Hán Triều khi công nhận lãnh hải 12 hải lý của Quốc vụ viện Trung Quốc. Hà Nội không thể không biết 12 hải lý ấy được nói rõ là bao gồm cả Tây Sa và Nam Sa, tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông trở thành sinh lộ của dân tộc Việt Nam hướng ra thế giới trong khi cuộc Tây Tiến đã khựng lại dưới chân dãy Trường Sơn trùng điệp và bước chân Nam Tiến đã đặt tới điểm cuối cùng. Nhưng Biển Đông giờ đây đối với Việt Nam chỉ còn là một mạch nước lưu thông cận duyên. Đường lưỡi bò đã chận đứng tầm nhìn xa khơi của một đất nước được thiên nhiên ưu đãi hàng ngàn cây số bờ biển.

Cho đến những năm tháng gần đây, ngay cả sau khi Philippines khởi xướng vụ kiện, Việt Nam chưa hề làm điều gì gọi là mích lòng Trung Quốc, ngoài những lời phản đối chiếu lệ của phát ngôn viên chính phủ. Ngay cả khi xảy ra sự kiện HD 981, Hà Nội cũng cắn răng uống cạn chén đắng và luôn miệng đề cao chính sách “Ba Không” như một minh chứng cho lòng trung thành của mình với thiên triều. 

Để bảo vệ chủ quyền đất nước trước đe dọa ngoại xâm chưa có một nước nhỏ, yếu nào thành công khi sử dụng “ba không” như một lá bùa để tránh tai họa mất nước. Nhưng đối với đảng CSVN, tai họa mất nước không lớn bằng sự tồn vong của chính bản thân đảng.

Từ Tháng 4 đến Tháng 6 năm nay, Hà Nội đối mặt với hai vấn đề hệ trọng liên quan đến môi trường biển và quốc phòng. Cho là mình có thể tự giải quyết vấn đề, Việt Nam từ chối mọi đề nghị giúp đỡ của Hoa Kỳ khi cá biển chết tràn lan và phi cơ quân sự rơi trên vùng biển chủ quyền. Nhưng lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Việt Nam lại nhanh nhảu cầu cạnh và tỏ ra vui mừng khi Trung Quốc “cho phép” Việt Nam tổ chức cứu nạn chiếc CASA 212 đã thành mảnh vụn.

Nhưng cơ hội ngàn năm một thuở của Việt Nam lúc này chính là phải có đủ bản lĩnh công bố hết sự thật chung quanh sự kiện CASA 212 rơi. Phải xác định rõ ràng đây không phải là một tai nạn mà là một hành động khiêu khích chiến tranh của nước láng giềng. 

Đồng thời phải chuẩn bị mọi tình huống, chế độ phải hòa giải và sát cánh với nhân dân cũng như đáp lại lời mời gọi và hợp tác với thế giới dân chủ. Có chịu nắm lấy và tận dụng cơ hội này, Việt Nam mới mong chận đứng và bẻ gãy ý đồ hung hãn của Bắc Kinh.

Rõ ràng những cuộc tuần thám bằng chiến hạm và phi cơ của Hạm Đội 7 trên Biển Đông làm Trung Quốc tức giận, nhưng cuối cùng Việt Nam trở thành kẻ bị trừng phạt làm gương. Không thoát được cái bóng của Bắc Kinh đang đè nặng trên số phận dân tộc, lãnh đạo CSVN mãi mãi bị trừng phạt, mãi mãi chôn mình trong nỗi nhục nô lệ. Tiếc thay hiện nay Hà Nội không có vẻ gì muốn từ bỏ mơ ước viễn vông là được nắm tay người bạn láng giềng để cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, dù có phải ngậm bồ hòn làm ngọt. 

Trong trường hợp Hà Nội bỏ qua cơ hội, tự đặt mình trong vị trí một tiểu quốc phụ thuộc ngoại bang để đảng được trường tồn, một lần nữa nhân dân Việt Nam chính là người sẽ hành động để cứu đất nước thoát ách đô hộ của Bắc Kinh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét