“Tôi không cho rằng đây là nguy cơ, mà là thách thức mà thôi!”,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn nhận như vậy trong bài phát biểu của
ông tại phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị về phát triển bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra tại Cần
Thơ hồi cuối tháng 9-2017.
Mối nguy đến từ bộ máy hành chánh trì trệ
Câu chuyện đồng
bằng sông Cửu Long cần phải biết thích ứng ra sao với biến đổi khí hậu,
thực ra đã được đặt lên bàn nghị sự từ hơn hai mươi năm về trước. Khi
đó, để khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mê kông một cách bền vững,
các quốc gia trong lưu vực đã buộc phải tuân thủ Hiệp định Mê Kông năm
1995, đặc biệt là thực thi hiệu quả các chương trình sử dụng nguồn nước
(WUP), chương trình quy hoạch phát triển lưu vực (BDP), chương trình môi
trường (EP), chương trình quản lý và giảm nhẹ lũ (FMMP).
Chính phủ Việt
Nam cũng đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc
về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto. Chính phủ cũng nhanh chóng
ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu
theo Nghị quyết 60/2007/NQ-CP.
Đầu năm 2012,
theo kịch bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu nước biển
dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long
bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương
sẽ bị chìm trong nước. Theo đó, thời gian ngập úng ở đồng bằng sông Cửu
Long có thể kéo dài bốn đến năm tháng, khiến 8,5 triệu người bị mất nhà
ở. Không những thế, nhiều dự báo khoa học cho thấy, các hiểm họa thiên
tai, dịch bệnh sẽ xảy ra ở mức độ nặng nề hơn, nếu không có giải pháp
chủ động can thiệp, giảm nhẹ ngay từ bây giờ.
Cũng trong thời
gian này, trong chuyến đi thị sát các tuyến đê biển vùng đồng bằng sông
Cửu Long, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có phát biểu trên báo chí:
“Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng giữ hệ sinh thái rừng ngập
mặn bảo vệ tuyến đê biển. Việc bảo vệ chu đáo cho tuyến đê biển mà trong
tương lai không xa, chúng sẽ giữ trọn vẹn vùng đồng bằng sông Cửu Long,
cũng như đồng bằng sông Hồng không bị mất đất do biến đổi khí hậu và
nước biển dâng”.
Ông Trương Tấn
Sang nhìn nhận trong chiến lược phát triển năm tuyến giao thông quan
trọng của Việt Nam, gồm tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến quốc lộ 1A,
tuyến đường tuần tra biên giới, tuyến đường ven biển và tuyến đê biển,
thì tuyến đê biển có vai trò quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi
khí hậu, nhất là trong điều kiện Việt Nam là một trong các nước chịu tác
động mạnh của nước biển dâng.
Tuy nhiên từ đó
đến nay trong chuyện biến đổi khí hậu, dường như chính phủ Việt Nam vẫn
mới dừng lại ở những hành động ban hành các Nghị quyết, chỉ thị…
Ai chạy được tiền thì cứ tự làm
Khi xây dựng đề
án “Quy hoạch tổng thể thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện
biến đổi khí hậu và nước biển dâng”, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn đã lên tiếng báo động việc triển khai các biện pháp ứng phó
với biến đổi khí hậu đang gặp nhiều khó khăn do ngân sách hạn chế, và
một phần do tính chủ động, tích cực chưa cao.
Tại một số địa
phương vùng đồng bằng sông Cửu Long mặc dù đã được đầu tư xây dựng khá
đồng bộ hệ thống đê điều và kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp,
song tác dụng của một số công trình chưa cao, phát huy chưa hết công
năng, thậm chí gây lãng phí. Nhiều khu vực sản xuất lúa và cây ăn trái
của các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang... vẫn còn bị ảnh
hưởng nặng nề mỗi khi xảy ra mưa lũ, đời sống của người dân còn bị phụ
thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Đơn cử cho
chuyện lãng phí vì manh mún là Dự án Ô Môn-Xà No (Cần Thơ) đắp đê bao
bảo vệ 43.000 ha vườn cây ăn trái, vay 300 triệu USD của Ngân hàng Thế
giới. Khi hoàn thành, lại gây ngập nặng trung tâm thành phố Cần Thơ và
lân cận. Sau đó phải triển khai một dự án chống ngập khu trung tâm thành
phố Cần Thơ, tiếp tục vay 250 triệu USD của Ngân hàng Thế giới.
Chống ngập lụt
từng ô, từng địa phương kiểu “làm đâu biết đó” gây lãng phí rất lớn, số
tiền làm đê bao đã gần 100.000 tỷ đồng. Quy định hiện hành, các dự án
trên 30.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội xem xét quyết định, còn ở đây,
tiêu tốn số tiền khổng lồ nhưng vì làm hàng vạn ô thì Quốc hội lại chưa
quan tâm.
Vỗ tay khen cho những đề xuất không mới
Năm 2015, đề án
“Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sự biến đổi tài nguyên
nước đồng bằng sông Cửu Long” do PGS.TS. Trần Hồng Thái làm chủ nhiệm đề
tài, cơ quan chủ trì là Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi
khí hậu, đã khẳng định đang có đến “2 nguy cơ” chứ không phải là chuyện
chỉ có “thách thức” như lạc quan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm
cuối tháng 9-2017.
Đề án có đoạn
viết: “Tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
chủ yếu là nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Vấn đề thiếu hụt nguồn nước
ngọt sẽ tác động hết sức tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.
Riêng đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc thiếu
nguồn nước sẽ gây ra những khó khăn tổn thất lớn. Theo dự báo trong
những năm tới, mực nước biển sẽ ngày một dâng cao, khả năng xâm nhập mặn
sẽ rất lớn. Lưu lượng nước thượng nguồn về bị giảm sút sẽ không đủ lưu
lượng đẩy mặn, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa.
Thứ hai là nguy
cơ ngập lụt. Dòng chảy trung bình mùa lũ tổng cộng vào đồng bằng sông
Cửu Long có thể tăng tới 40 tỷ m3 nước. Ngập lụt sẽ gia tăng tại các
vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, đặc biệt vùng kẹp giữa 2 sông
Tiền và sông Hậu nghiêm trọng hơn.
Ngoài các thành
phố, thị xã đã bị ngập lũ hiện nay như Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh,
sẽ có thêm Sa Đéc, Vĩnh Long, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vị Thanh, Sóc
Trăng, Rạch Giá và Hà Tiên bị ngập trên 0,5 m; trong đó nghiêm trọng
nhất là Châu Đốc, Cần Thơ và Vĩnh Long. Bán đảo Cà Mau tuy là vùng trũng
thấp nhưng chỉ gần 50% diện tích ngập <0,5 m. Nước biển dâng làm cho
tiêu thoát nước các thành phố Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà
Mau khó khăn hơn”.
Nhóm tác giả đề
án bước đầu đưa ra đề xuất tương tự như nội dung ở Hội nghị diễn ra hai
năm sau đó tại Cần Thơ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
như đã nói ở trên: “Nguồn nước thiếu hụt trong thời kỳ khô hạn sẽ dẫn
đến gia tăng khoảng cách xâm nhập mặn. Do vậy cần phải quy hoạch và từng
bước xây dựng các tuyến đê biển dọc bờ biển Đông và biển Tây nhằm ngăn
chặn sự xâm nhập của nước biển trong điều kiện nước biển dâng cao.
Nghiên cứu các biện pháp ngăn mặn xâm nhập sâu vào trong mùa cạn, trong
đó có biện pháp xây dựng các cống ngăn mặn ở những nơi được chứng tỏ là
có hiệu quả”. (Nói thêm, tuyến đê biển Gò Công hiện tại, thực ra được
hình thành từ trước năm 1975 – PV)
Tuy nhiên, đề
án do PGS.TS. Trần Hồng Thái làm chủ nhiệm đã dẫm chân tại chỗ bởi sự
quan liên của thủ tục hành chánh. Đến cuối tháng 9-2017, những đề xuất
được nêu ra gần như trùng lắp với các nội dung ở hai năm về trước, song
lại được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồ hỡi tin rằng “sẽ đưa ra một mô
hình phát triển biến thách thức thành cơ hội, vì tương lai tốt đẹp hơn
cho người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.
Vấn đề cần
thiết hiện nay của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “nói hay thì phải làm
giỏi”, chứ không dừng ở chuyện chỉ “hô khẩu hiệu” suông là có thể giúp
dân giàu, nước mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét