Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Quan chức và chuyện làm giàu

Thanh Hồ



Làm giàu là quyền con người, quyền công dân. Hiểu nôm na là “có làm” thì “mới giàu”, còn làm gì, giàu như thế nào là chuyện khác. Chẳng hạn, giàu bất chợt như trúng số thì cũng phải làm việc để có tiền mua vé số. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng, xã hội không thiếu những người sinh ra đã giàu - giàu từ trong trứng nước.

Ở Việt Nam, sau cái thời cải cách ruộng đất đến trước đổi mới hầu như xã hội cào bằng, nghèo như nhau, đói như nhau. Cuộc sống khó khăn đến nỗi nhiều cán bộ, lãnh đạo phải làm thêm để trang trãi cho cuộc sống, nhưng cũng chỉ đủ lo cho bữa ăn chứ chẳng dư gì. Nhớ bác tôi hồi đó làm cán bộ của tỉnh nhưng cũng phải về quê mua đủ thứ lên thành phố bán kiếm lời, nhà ở tập thể mà cũng phải nuôi gà, lợn để cải thiện cuộc sống. Nói chung, thời đó khó khăn vô cùng, kiếm miếng ăn còn chả đủ, mấy ai mơ làm giàu. Nên nhiều lãnh đạo nói thời đó đi buôn, chạy xe ôm, làm này, làm nọ… là đúng, nhưng nếu nói bây giờ giàu có là tích góp từ những việc đó là nói bậy.

Cạnh nhà tôi có một ông, xưa làm trưởng ty (nay gọi là giám đốc sở) và một ông Đại tá quân đội, về hưu cách đây hơn 20 năm, tài sản nhìn vào cũng không có gì đáng kể, ngôi nhà do cha mẹ để lại, ruộng vườn không có, tiền gửi ngân hàng cũng không, con cái cũng chỉ là công chức làm công ăn lương nên cũng không giàu có gì, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình chỉ trông chờ vào lương hưu. Những cán bộ như thế, thời nay còn rất ít, không đủ đếm trên đầu ngón tay.

Từ khi đổi mới, cuộc sống thay đổi hẳn, nhiều người giàu lên bất chợt, chính đáng có, không chính đáng có. Đặc biệt là quan chức, nhiều người giàu, siêu giàu trong khi đồng lương tính ra chỉ đủ chi tiêu. Vậy nên người dân mới đặt ra câu hỏi, cán bộ lương thấp mà sao giàu như vậy ? tham nhũng, nhận hối lộ… tất nhiên rồi.

Nhưng không phải là tất cả. Có người làm giàu chính đáng, hợp pháp, số này ít. Còn những người dùng quyền lực, địa vị của mình để làm giàu, kiểu như: cha làm chính trị con làm kinh tế, chồng làm chính trị, vợ làm kinh tế, nhận bảo kê, góp vốn…số này khá nhiều. Cái này nói theo ngôn từ cách mạng là nữa hợp pháp, nữa không hợp pháp, công khai và bán công khai.

Thời nay, lãnh đạo (cán bộ giữ chức vụ) chẳng ai nghèo, chỉ là mức độ giàu khác nhau, điều này tuỳ vào chức vụ, cấp hàm, lĩnh vực. Thường thì, chức càng lớn thì càng giàu. Bằng chứng là những chuyện biệt phủ, biệt thự đang làm người dân bất bình toàn liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, còn cấp nhỏ hơn kể không hết. Vậy nên triệu phú là quan chức không ít. Họ, người kín đáo, kẻ lại thích phô trương nhưng thường thì khi về hưu hoặc gần về hưu thì mới “khoe” của. Những gì “lộ” (biệt phủ, siêu xe, cổ phiếu) thiên hạ thấy chỉ là phần nổi, tài sản chìm mới khủng khiếp (bất động sản, tiền gửi ngân hàng, vàng bạc...)

Khi “lộ” ra vấn đề về tài sản “khủng” việc bắt họ chứng minh từ đâu mà có còn khó hơn cả lên trời. Cho nên mới có những cách giải thích rất khôi hài, nào là tích góp từ thời trẻ, cha mẹ để lại, của vợ, của em nuôi cho… Thậm chí như ông Nguyễn Phước Thanh, nguyên Phó thống đốc ngân hàng nhà nước còn cho con gái (sinh năm 1995) đứng tên biệt phủ. Hay như ông Bùi Cách Tuyến, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phản hồi về “biệt phủ” của mình, tôi đều lo làm việc Nhà nước, còn về kinh tế đều do vợ đảm trách - vợ ông Tuyến chỉ là nhân viên của trường Trường ĐH Nông lâm TP HCM.

Vấn đề là, mặc dù người dân bất bình, phẩn nộ muốn được làm rỏ về vấn đề tài sản của quan chức nhưng lại không bao giờ nhận được câu trả lời thoả đáng. Thậm chí kết quả của việc thanh tra, kiểm tra chỉ làm dân chúng bất mãn thêm. Ví dụ như việc thanh tra biệt phủ ở Yên Bái vừa qua, tuyên bố là “sẽ xử lý nghiêm”, để rồi xem nghiêm như thế nào. Dự đoán, cao lắm cũng đến cách chức là cùng.

Chính vì luật không chặt chẽ, chế tài xử phạt không đủ mạnh nên chẳng khiến những kẻ đương chức sợ mà tự răn mình. Còn nói về hưu bị truy cách chức “đau” là nói cho vui thôi. Chẳng phải, ông Phạm Thế Dũng–nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã tuyên bố “về hưu rồi, xử sao xử”. Đau à, khuya nhé.

Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là những mục tiêu, giá trị hướng tới trên con đường xã hội chủ nghĩa. Nhưng bao giờ mới có chủ nghĩa xã hội? Câu trả lời là “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” - lời tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng trên con đường xây dựng CNXH ấy (hay gọi là thời kỳ quá độ), thì CNXH đã trở thành hiện thực với một tầng lớp người, cụ thể là tầng lớp lãnh đạo. Còn với đại đa số dân chúng Việt Nam, thì đó là “đường đi không đến”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét