Thứ Hai, 2 tháng 10, 2017

Tín đồ yêu thương người Cộng sản ra sao???

Đọc xong tiêu đề trên, có lẽ vài độc giả sẽ phẫn nộ thốt lên: “Yêu thương gì bọn chúng! Cả một lũ chỉ đạo lẫn thừa hành -do dối trá thản nhiên, tàn ác lạnh lùng, tham lam vô độ và ngu xuẩn cố chấp (chỉ thông minh trong việc cướp bóc và đàn áp)- đã và đang gây ra mọi tai họa cho nhân dân, đất nước từ hơn 70 năm trời. Chúng chỉ đáng tiêu diệt! Không nghe nhà văn Phạm Đình Trọng -một người từng ở trong lòng chế độ nhưng nay hoàn toàn phản tỉnh- mới tố cáo sao: “Đảng Cộng sản cầm quyền đã gây quá nhiều tội ác với người dân của mình… cho tất cả các tầng lớp nhân dân, từ những công thần cộng sản đến người nông dân, từ trí thức, văn nghệ sĩ đến nhà tư sản dân tộc. Những tội ác Cải cách ruộng đất, Xét lại, Nhân văn Giai phẩm, tiêu diệt, xóa sổ đội ngũ những nhà tư sản dân tộc và cướp đoạt, hủy hoại nền công nghiệp tư bản non trẻ và đầy tiềm năng là những món nợ lịch sử của đảng CS cầm quyền với dân tộc VN. Nhưng đảng CS cầm quyền vẫn đang vô cảm, thờ ơ, lảng tránh món nợ lịch sử đó, như không hề có món nợ máu đó” (Trích “Không thể có hòa giải khi cái ác còn ngự trị” 22-09-2017)?

Sự phẫn nộ ấy là chính đáng. Nhưng một ngày nào đó, khi Việt cộng sụp đổ như bên Đông Âu thập niên 80-90 thế kỷ trước, thì sẽ không có sự trả thù hàng loạt, giam giữ tràn lan, tước đoạt toàn diện, y như Lê Duẩn và đồng bọn đã đối xử với Việt Nam Cộng Hòa sau cái gọi là “giải phóng”. Lúc ấy, như tại các nước cựu cộng sản bây giờ, công lý sẽ được thực thi bằng pháp luật đàng hoàng, với tinh thần dân chủ, với ý thức tôn trọng sự thật, với sự chỉ đạo của lòng nhân ái.

Nhưng đó là chuyện tương lai. Trước mắt, các tín đồ thuộc mọi tôn giáo -vốn là nạn nhân hàng đầu của chế độ, đang thường xuyên gánh chịu bạo lực hành chánh (những luật lệ gông cổ, đè vai) và bạo lực vũ khí (những cú đánh vào mặt, xuống đầu; những còng sắt khóa tay, những nhà tù giam xác)-phải thực thi ra sao giới luật lớn nhất của đạo mình là từ bi hỉ xả, là bác ái tha thứ, nhất là đối với người CS, những kẻ luôn coi mọi tôn giáo là kẻ thù (chứ không phải ngược lại). Nghĩa là làm thế nào để yêu thương họ? (Xin nói rõ là yêu thương con người, chứ không phải yêu thương chủ nghĩa, chế độ và đảng CS!).

Trước hết, có những tín đồ (xin hiểu là chức sắc lẫn giáo dân) tỏ ra yêu thương những người CS bằng sự im lặng nhẫn nhục, để yên cho họ tung hoành, dù thấy bao thất bại, sai lầm và tội ác của chế độ, kể cả đối với đồng đạo ngay bên cạnh mình. Lý luận của hạng tín đồ ấy: Phải biết tha thứ! Cầu nguyện cho họ là đủ! Đó là chuyện chính trị, chớ nên xen vào! Lên tiếng chỉ chuốc lấy khó khăn và tai họa! Mở miệng ra hay can thiệp vào, không khéo lại chẳng tổ chức được lễ hội, đi ra được nước ngoài, xây dựng được cơ sở... Chẳng thấy bao chức sắc bị chặn tại phi trường chỉ vì đã cất lời phê phán nhà nước sao? Người ta kể rằng vào năm 2008, khi Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, đang cai quản giáo phận Hà Nội, kêu mời các giáo xứ đến cầu nguyện trước Tòa Khâm sứ để áp lực đòi lại cơ sở này, thì một quản xứ đã từ chối huy động giáo dân. Lý do: “Mất điểm thi đua”!

Có tín đồ tích cực hơn, rất biết cách lấy lòng các cán bộ hay đảng viên có quyền lực tại địa phương bằng cách biếu quà cáp, mời ăn nhậu, với hy vọng những kẻ này để cho họ yên lành hoạt động tôn giáo hay dễ dàng cấp giấy phép này nọ. Một chức sắc đại to đã từng biếu cả tỷ đồng (để gọi là hỗ trợ việc từ thiện) cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh, cái ổ tham nhũng lừng tiếng. Có vị, dù biết các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại VN chỉ là trò cưỡng bức và gian xảo, vẫn lấy uy tín của mình để kêu mời đồng đạo “tham gia bầu chọn người xứng đáng”! Trước tình trạng dân chúng, đặc biệt dân đạo, biểu tình rầm rộ nhưng ôn hòa nhiều nơi sau khi Formosa đầu độc biển, giết sạch cá, một vị khác ra thông báo có đoạn: “Vì thế, trong lúc này, xin quý cha và anh chị em giáo dân. khi diễn tả những lo lắng và bức xúc của mình, tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật”. Ai bảo đó không phải là dấu chỉ lòng bác ái đối với cái lực lượng cai trị đang muốn “ổn định xã hội” dù đã làm điều bất chính?

Tích cực hơn nữa, có những tín đồ sẵn sàng trở thành cái loa cho chế độ, cây cảnh cho nhà nước qua việc đi vào những cơ chế, tổ chức mà họ biết tỏng chỉ là công cụ cho đảng, chẳng hạn Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết, Hội đồng chưởng quản…. Thậm chí có vị còn nói: “Tôi là linh mục nhưng cũng là công dân. Là công dân tôi có quyền và có bổn phận tố cáo tất cả những ai phản động”, “Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết Dân tộc trên cơ sở yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, suốt đời làm nhịp cầu nối kết quần chúng Công giáo với đại gia đình VN, kiên quyết đập tan mọi âm mưu chia rẽ, đội lốt tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng của đế quốc và tay sai” (Thông tấn xã VN, 7-7-1977). Có chức sắc còn kết hợp “đạo pháp với xã hội chủ nghĩa”, còn tôn vinh Hồ Chí Minh như Bồ tát!

Thiết nghĩ rằng tình yêu đối với người CS -cũng như đối với mọi tha nhân- là cho họ cái mà họ không có. Yêu chẳng phải là có tâm tình tốt đẹp bên trong và cử chỉ trao tặng bên ngoài sao? Người CS hiện thiếu cái gì? Bị nhồi sọ một lý thuyết triết học sai lầm (vô thần duy vật) bằng một hệ thống tuyên giáo dối trá, được nắm lấy và duy trì quyền lực (độc tài chuyên chế) bằng một bộ máy cai trị cưỡng bức, người CS thiếu hai cái quan trọng nhất cho bản thân và xã hội: chân lý và công lý (hay sự thật và lẽ phải). Do đó mà dưới chế độ CS tràn ngập gian dối, điêu ngoa, tràn ngập bất công, đàn áp, vì thế cũng tràn ngập thảm trạng và tệ nạn. Điều này chẳng cần chứng minh gì!

Do đó tín đồ trước hết phải nói cho người CS (và cho những ai bị họ bịt mắt, bịt tai) biết sự thật. Những sự thật về con người, về xã hội, về lịch sử, về chế độ mà Việt cộng luôn tìm cách che giấu hoặc xuyên tạc. Rồi còn phải trình bày cho người CS biết thế nào là công lý là cái mà Việt cộng không ngừng chà đạp hoặc xóa bỏ. Như Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc, trong một lời tiên tri dài viết năm 1956, có cảnh báo: “Từ ngày Việt Minh CS hoạt động ráo riết, thâu thành nầy, đoạt ải nọ, bao nhiêu cặp mắt đều chăm chú vào họ, bao nhiêu tâm hồn đều nhìn vào họ, từ lao động, trí thức, công chức, cho đến thương gia, kỹ nghệ gia, tất cả đều mong mỏi có một điều là: Tự do độc lập, nên có cảm tình với kháng chiến mà họ được tha thứ những lỗi lầm đã qua. Vì quá tin tưởng nơi sự thắng lợi của Việt Minh, mà vô tình lại quên cái hại của dân là ở chỗ đó!”. Như Hòa thượng Thích Quảng Độ, ngày 19-8-1994, đã gởi cho tổng bí thư Đỗ Mười một bức thư kể cho ông nghe rằng đúng 49 năm trước (19-8-1945), máu của sư phụ mình, chân tu Thích Đức Hải đã chảy thấm tấm biển “Việt gian bán nước”, để khởi đầu cho cơn Pháp nạn do Việt cộng gây ra. Trong bức thư lịch sử đó, hòa thượng cũng tố cáo Việt cộng đã sát hại sư bá và sư tổ của mình. Như Giám mục Lê Đắc Trọng (Hà Nội) đã từng viết hồi ký “Những câu chuyện của một thời” để trình bày tình hình Công giáo tại miền Bắc sau năm 1954, trong đó nói cả ý đồ và bản chất cuộc Cải cách Ruộng đất. Như Đạo trưởng Lê Quang Liêm từng viết một loạt Bạch thư thẳng thắn và mạnh mẽ, gởi đảng và nhà cầm quyền Việt cộng vào năm 2014. Như Hội đồng Liên tôn, trong Kháng thư bác bỏ luật tín ngưỡng tôn giáo viết ngày 20-10-2016, đã nói thẳng: “Mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền CSVN từ xưa tới nay về Tôn giáo… đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần và tài sản vật chất của các Giáo hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm, nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần vô cùng cần thiết và cực kỳ hữu ích cho xã hội này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất”. Như Hội đồng Giám mục VN, trong Nhận định về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo gởi Quốc hội ngày 01-06-2017, đã tố cáo rằng nó “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho…. Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo”. Gần đây hơn, ngày 17-8-2017, Ms. Nguyễn Hồng Quang, trưởng Giáo hội Tin lành Mennonite VN, đã gởi cho công luận bài tường trình: “Giáo sở Hội thánh Tin lành Mennonite tại Giáo hạt Sài Gòn liên tiếp 7 thời kỳ bị nạn 1994-2017”.

Nói chưa đủ, còn phải hành động, nhất là hành động tập thể, bởi lẽ các tín đồ đều liên kết chặt chẽ với nhau trong một Giáo hội. Hành động tập thể này là đồng loạt lên tiếng, đồng loạt cầu nguyện cho một vấn đề nhân quyền, nhất là đồng loạt biểu tình để tỏ thái độ của tập thể tôn giáo trước những vụ việc liên quan tới quyền dân, quyền người, quyền xã hội… Điều này, các tôn giáo tại Đông Âu đã làm và đạt được hiệu quả là góp phần xóa sạch các chế độ CS tai ác. Điều này, các cộng đoàn, đặc biệt tại Giáo phận Vinh, đã làm từ ngày xảy ra thảm họa Hà Tĩnh. Và dĩ nhiên cần phải làm tiếp. Bởi lẽ nhà cầm quyền độc tài CS chỉ sợ sức mạnh quần chúng, quyền lực nhân dân, vốn dễ dàng tìm thấy và phát huy trong các cộng đồng tôn giáo. Người dân, và thậm chí cả những đảng viên đã chán đảng, đang đặt nhiều hy vọng vào loại xã hội dân sự đặc biệt là các Giáo hội, mong các tín đồ đủ lòng yêu thương để giải thoát người CS khỏi dối trá và bất công, sai lầm và tội ác, để từ đó giải thoát toàn thể Dân tộc khỏi hiểm họa độc tài toàn trị và tiêu vong lãnh thổ.

Dĩ nhiên, trình bày công lý và sự thật như thế cho người CS không phải là điều dễ dàng. Vô số đòn thù thâm hiểm, trả đũa bạo tàn, mưu hèn kế bẩn đã được tung ra hơn 70 năm rồi cho những tín đồ can đảm. Nào giết hại Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, đầu độc Giám mục Nguyễn Kim Điền, bỏ tù Hòa thượng Thích Không Tánh, giam cầm Mục sư Nguyễn Công Chính, xúc phạm nghĩa trang Cao Đài. Gần đây là tấn công trên truyền thông (vu khống, thóa mạ) lẫn thực tế (hành hung, đấu tố) các vị chức sắc Công giáo ở Giáo phận Vinh, từ Giám mục chủ chăn đến các linh mục và cả đến giáo dân của họ. Chịu gian khổ vì công lý và sự thật như thế cũng là một đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu đích thật bao giờ cũng đi kèm với sự hy sinh bản thân mình. Nên trong hoàn cảnh VN hiện nay, yêu thương người CS mà không dám trình bày sự thật cho họ, đòi hỏi công lý từ họ và lãnh chịu gian khổ bởi họ thì đừng có nói là đã sống từ bi bác ái với họ, và cũng đừng nói mình đã thực sự và trọn vẹn sống bác ái từ bi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét