Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Thực tế và ảo tưởng của kế hoạch cải tổ thuế khóa của Trump





 Mỹ : Thực tế và ảo tưởng của kế hoạch cải tổ thuế khóa
TT. Donald Trump tại Indianapolis vận động cho kế hoạch cải tổ thuế khóa. Ảnh ngày 27/09/2017.REUTERS/Jonathan Ernst


"Một cuộc cách mạng" : Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 27/09/2014, phác họa ra khung sườn cho một kế hoạch cải tổ thuế khóa mà ông đánh giá là lịch sử và xem đây là một "ưu tiên tuyệt đối" trong nhiệm kỳ. Kế hoạch cải tổ đó bao gồm những gì ? Ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người dân, của các doanh nghiệp Mỹ ?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ California lần lượt trả lời các câu hỏi trên. Nhưng trước hết cần nhắc lại kế hoạch cải tổ thuế khóa do tổng thống Trump đề xuất còn phải vượt qua cửa ải của nhiều trận đấu quyết liệt trên chính trường, giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Thuần túy về kinh tế thì Nhà Trắng mới chỉ phác họa ra những đường nét chính cho một kế hoạch "giảm thuế chưa từng có trong lịch sử" nhằm mục đích tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thế nhưng khi đi sâu vào vấn đề, còn rất nhiều những chi tiết sẽ được các dân biểu Mỹ đem ra mổ xẻ trước Quốc Hội.

Việc cải cách hệ thống thuế khóa Hoa Kỳ được nói đến từ lâu nhưng gặp khá nhiều chướng ngại nên đã không thể tiến tới giai đoạn trở thành dự luật để trình lên Quốc Hội hồi tháng 8/2017 như bên Cộng Hòa đã mong ước.

Cuối tháng 9/2017 đảng này mới chỉ đưa ra những nguyên tắc khái quát và cố thuyết phục dư luận trong khi đảng đối lập Dân Chủ mở chiến dịch công kích qua truyền thông và các trung tâm nghiên cứu thiên tả.

RFI :Đề nghị bên phía Cộng Hòa phải vượt qua những điều kiện nào để Hoa Kỳ có một bộ luật thuế vụ mới ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Về thể thức, theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, tổng thống không toàn quyền quyết định mà phải được sự thỏa thuận của Quốc Hội, nhất là của Hạ Viện, về các hồ sơ liên quan đến ngân sách, thuế khóa và tài chính. Hiện nay, đảng Cộng Hòa kiểm soát Hành pháp và Lưỡng viện Quốc Hội.

Giới hữu trách của ba cơ chế quyền lực này mất nhiều tháng đàm phán về đề nghị cải cách thuế vụ được mọi người trông đợi. Sáu nhân vật hữu trách về hồ sơ thuế khóa là chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi Ngân sách Kevin Brady, trrưởng khối đa số tại Thượng Viện Mitch McConnell, chủ tịch Ủy Ban Tài chính Thượng Viện Orrin Hatch, tổng trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin và cố vấn Kinh tế Quốc gia Gary Cohn. Nhân vật thứ bảy chính là tổng thống Donald Trump, người đang rao bán sản phẩm mà sáu nhân vật kia vừa hoàn tất hôm 27/09/2017, được chính thức gọi là “Khuôn khổ Thống nhất của việc Cải cách Hệ thống Thuế vụ đã Đổ vỡ”.

Hai ngày sau, tức là hôm 29/09/2017, ông Trump đã gặp Hiệp hội các Doanh nghiệp Chế biến để trình bày đường hướng cải cách thuế khóa và có vẻ được doanh giới ủng hộ. Bên Dân Chủ lập tức mở chiến dịch đả kích và dùng dữ kiện của các trung tâm nghiên cứu thiên tả để lung lạc dư luận. Mục tiêu của cả hai bên là tìm được đủ phiếu của giới dân cử trong Quốc hội để ủng hộ quan điểm của mình.

RFI : Đề nghị cụ thể của đảng Cộng Hòa ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Người ta mới chỉ ở vào giai đoạn tranh thủ dư luận nên vừa thuyết phục vừa khai triển thêm chi tiết theo lối liệu cơm gắp mắm chứ chưa đi tới một văn kiện hoàn chỉnh. Theo dõi những gì được công bố, tôi thấy bên đảng Cộng Hòa đã nhượng bộ đối lập khi nhấn mạnh đến yếu tố công bằng về thuế vụ nhằm duy trì tính chất cấp tiến của bộ luật hiện hành chứ không dồn gánh nặng thuế khóa từ thành phần có lợi tức cao xuống đôi vai của giới trung lưu có lợi tức trung bình.

Ngược lai, ông Trump nhấn mạnh tới việc cải cách để tăng trưởng sản xuất và vạch ra sân chơi bình đẳng cho giới công nhân, tạo điều kiện cho việc thành lập doanh nghiệp ở nhà, v.v… trong tinh thần bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Từ triết lý chính trị đó, ta chú ý tới hai sắc thuế đánh trên lợi tức doanh nghiệp và lợi tức cá nhân.

Về thuế lợi tức cá nhân, họ đề nghị giản lược hóa, từ bảy ngạch thuế khóa giảm xuống còn ba loại với thuế suất thấp hơn và tăng mức miễn thuế tiểu bang và địa phương. Chi tiết chưa hoàn chính là thuế suất bao nhiêu đánh trên những mức lợi tức nào thì công bằng và thích hợp ? Đó là phần dành cho việc mặc cả, đàm phán.

Về thuế doanh nghiệp thì, họ đề nghị sẽ giảm thuế suất từ 35% xuống còn 20%, với lý do là doanh nghiệp Hoa Kỳ bị thuế quá nặng nên khó cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại quốc, trung bình chỉ bị đánh thuế từ 20 đến 24% thôi. Song song, họ cũng nói tới việc hạ thuế cho các tiểu doanh thương, cho phép chiết cựu sớm để nâng mức đầu tư.

Sau cùng, còn có nhu cầu hồi hương tư bản là dùng thuế để khuyến khích các tập đoàn lớn đem khoảng 2.600 tỷ Mỹ kim cất giữ ở ngoài để tránh thuế quá nặng ở nhà. Một sắc thuế cũng được cân nhắc là thuế di sản hay estate tax, có người gọi là “thuế trên người chết” đánh trên tài sản sau khi tạ thế. Nói chung thì ai cũng chỉ nhìn vào việc giảm thuế.

RFI :Đấy là về lý thuyết "giảm thuế để kích thích đầu tư và sản xuất hầu mở rộng căn bản tính thuế và nâng được nguồn thu". Nhưng thực tế thì sao? Liệu những đề nghị này có khả thi hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ có bộ luật thuế vụ nhiêu khê nhất thế giới, với quá nhiều lỗ hổng để các đại tổ hợp có thể lách thuế nhưng lại quá rắc rối cho giới tiểu thương cò con nên việc giản lược bộ luật là cần thiết. Nhưng nước Mỹ còn một vấn đề nữa là mắc nợ quá nhiều, tới 77% tổng sản lượng sau khi bội chi ngân sách quá lớn từ tám năm qua. Vì vậy, nhu cầu sinh tử mà các chính trị gia đều muốn tránh là phải tăng thu và giảm chi.

Việc giảm thuế sẽ nhất thời làm giảm số thu, nay chỉ còn ở khoảng 17% tổng sản lượng so với 19% của ba chục năm trước, nên gây thêm thiếu hụt ngân sách và lại làm tăng gánh nợ. Trong hoàn cảnh đó, nước Mỹ không thể tiếp tục tăng chi theo chủ trương của đảng Dân Chủ mà cũng khó giảm thuế như bên Cộng Hòa đề nghị. Kết quả là một nguyên tắc dung hòa: là “biện pháp thuế khóa phải có ảnh hưởng trung hòa về số thu”, nôm na là hạ thuế suất thì phải mở rộng căn bản tính thuế và không có lỗ hổng trốn thuế. Nguyên tắc đó là một bế tắc trong cái nạn ách tắc chính trị hiện nay. Chúng ta còn phải theo dõi trận đánh về thuế khóa trên chính trường, trọng tài sẽ là thị trường cùng người dân để Quốc hội có đủ đa số phiếu hầu thông qua một bộ luật có tham vọng lịch sử như dưới thời Tổng thống Ronald Reagan…

Dẫu sao kế hoạch giảm thuế được tổng thống Trump đang làm dấy lên nhiều hy vọng. Từ khi ông đắc cử tổng thống tháng 11/2016 chỉ số chứng khoán Dow Jones tăng 8 % và Nasdacq là gần 25 %.

Nhưng sự lạc quan đó không xua tan được một số hoài nghi. Theo thẩm định của cơ quan tài chính Mirabaud AM, trụ sở tại Luxembourg, để tài trợ cho kế hoạch giảm thuế quy mô nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ này, ngân sách của chính phủ liên bang trong 10 năm tới sẽ hao hụt từ 1.500 đến 2.000 tỷ đô la. Bù lại, nếu được áp dụng ngay từ cuối năm nay, theo dự phóng của cơ quan thẩm định tài chính Standard &Poor, mức lãi của 500 tập đoàn tham gia sàn chứng khoán New York ngay từ đầu 2018 sẽ tăng thêm 10 % .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét