Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc
(CSTQ) lần thứ 19 được ấn định sẽ bắt đầu từ ngày 18 tháng 10 và dự trù kéo dài
khoảng một tuần lễ. Trong số 88 triệu đảng viên thì sẽ có khoảng 2300 đại biểu
trên khắp 31 tỉnh thành đại diện cho chính quyền địa phương, quân đội, doanh
nghiệp nhà nước và các đoàn thể về Bắc Kinh tham dự Đại Hội. Các đại biểu này sẽ
bầu chọn khoảng 350 Ủy viên Trung Ương Đảng. Ủy viên Trung Ương sẽ chọn 25
thành viên Bộ Chính Trị và Tổng Bí Thư. Bộ Chính Trị đề cử Ban Thường Vụ gồm có
7 thành viên của Bộ Chính Trị và được Uỷ Ban Trung Ương phê chuẩn.
So với các Đảng Cộng Sản khác,
quyền lực thực tế của Bộ Chính Trị nằm trong tay Ban Thường Vụ. Ban Thường Vụ được coi là cơ cấu có quyền lực
cao nhất tại Trung Quốc. Ủy viên Ban Thường Vụ hiện nay gồm có Tập Cận Bình
(1953), Lý Khắc Cường (1955), Trương Đức Giang (1946), Du Chính Thanh (1945),
Lưu Vân Sơn (1947), Vương Kỳ Sơn (1948) và Trương Cao Lệ (1946).
Các cơ cấu quan trọng khác là Ủy
Ban Quân Sự Trung Ương, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương và các
nhóm lãnh đạo nhỏ. Quân Ủy Trung Ương có trách nhiệm điều hành quân đội, đề cử
tướng lãnh vào các vai trò chủ chốt, ra lệnh điều quân và ấn định chi tiêu quốc
phòng. Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương hiện nay là Tổng Bí Thư Tập Cận Bình. Ban Bí
Thư điều hợp công tác do Bộ Chính Trị đề xướng. Trưởng Ban Bí Thứ là Lưu Vân
Sơn, Ủy viên Ban Thường Vụ.
Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung
Ương có nhiệm vụ thực thi điều lệ Đảng và cụ thể là phòng chống tham nhũng vì
đây là vấn nạn đương nhiên trong một thể chế độc đảng. Lãnh đạo của Ban này là
Vương Kỳ Sơn Ủy Viên Ban Thường Vụ. Các nhóm lãnh đạo nhỏ thường do Tổng Bí Thư
lập ra chẳng hạn như Nhóm Tư vấn cho
công tác Cải cách Toàn diện và Nhóm Tài Chánh và Kinh Tế đều do Tập Cận Bình chủ
trì.
Thông thường thì Ủy Ban Trung
Ương tổ chức 7 kỳ hội nghị trong nhiệm kỳ 5 năm. Hội nghị thứ nhất họp một ngày
sau khi Đại Hội bắt đầu và tập trung vào việc nội bộ gồm có bầu chọn Bộ Chính
Trị, Ban Thường Vụ, Ban Bí Thư và lãnh đạo Quân Ủy Trung Ương. Hội nghị thứ hai
thường được tổ chức vào mùa xuân năm tới trước phiên họp Quốc Hội và Hội Nghị
Hiệp Thương Chính Trị Nhân Dân Trung Quốc. Công tác chính là bổ nhiệm các chức
vụ bộ trưởng và lãnh đạo nhà nước. Hội nghị thứ ba thường diễn ra vào mùa thu
và chú trọng vào các vấn đề chính trị và kinh tế. Hội nghị thứ tư và năm thường
được tổ chức vào năm thứ ba và tư của nhiệm kỳ tập trung vào các vấn đề liên
quan tới quân đội và công bố kế hoạch 5 năm kế tiếp. Hội nghị thứ sáu diễn ra
vào năm cuối nhiệm kỳ và đặt trọng tâm về xây dựng ý thức hệ. Hội nghị thứ bảy
thường diễn ra một tuần trước Đại Hội và kéo dài nguyên một ngày. Đây là cơ hội
cho Ủy Ban Trung Ương duyệt lại dự thảo báo cáo chính trị, đề xuất tu chính nội
quy Đảng và duyệt xét danh sách ứng viên vào các chức vụ lãnh đạo.
Đại Hội Đảng CSTQ quan trọng vì
đây là lúc các chức vụ lãnh đạo được bầu chọn và Đảng CSTQ cũng đưa ra chính
sách cho 5 năm kế tiếp. Trong tuần lễ Đại Hội, các đại biểu sẽ duyệt xét thành
tích trong 5 năm qua, đánh giá cơ hội và thách thức hiện tại và ấn định các
công tác ưu tiên cho 5 năm tới. Các quyết định này sẽ được đúc kết thành một bản
báo cáo chính trị sẽ do Tổng Bí Thư trình bày trước Đại Hội.
Đảng CSTQ như các Đảng Cộng Sản
khác có quy định và quy ước bất thành văn, ví dụ như giới hạn tuổi tác. Một quy
ước tuổi hưu là ”7 lên, 8 xuống”. Có nghĩa là đảng viên có thể tại chức tới 67
tuổi nhưng phải về hưu khi 68. Các bộ
trưởng thì nên về hưu ở độ tuổi 65. Các chức vụ thấp hơn thì có thể nghỉ vào
lúc 60. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Phó Thủ Tướng
Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) và Mã Khải (Ma Kai). Cả hai năm nay là 70 tuổi
nhưng khi được bầu tại Đại Hội trước thì còn dưới tuổi hưu. Nếu như quy ước về
tuổi tác được áp dụng triệt để thì có tới 5/7 ủy viên Ban Thường Vụ phải về hưu
trừ Tổng Bí Thư Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường. Tương tự như vậy 11/25
ủy viên Bộ Chính Trị cũng phải rút lui.
Có 3 phe phái chính tranh giành ảnh
hưởng và quyền lực trong Đảng là phe thái tử đỏ, phe quân đội và đoàn thanh
niên cộng sản. Trong mỗi phe lại chia ra nhiều nhóm khác nhau vì song trùng lợi
ích. Ngoài ra còn có các bang hội chẳng hạn như bang Thượng Hải, bang dầu hỏa,
ban doanh nhân…
Trong thời gian cầm quyền vừa
qua, Tập Cận Bình đã dần dần thanh trừng và loại ra thành phần ”trung lập” và
đưa tay chân thân tín vào các chức vụ chủ chốt. Vào cuối tháng 7 vừa qua, Tân
Hoa Xã loan tin là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), Ủy viên Bộ Chính Trị và Bí Thư
Trùng Khánh (lãnh thổ của Bạc Hy Lai trước đây) đã bị cách chức vì ”vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng” (có nghĩa là dính líu tới tham nhũng). Trần Mẫn Nhĩ được chọn
thay thế Tôn làm Bí Thư Trùng Khánh. Trần Mẫn Nhĩ sinh năm 1960 tại Chiết Giang
là một đàn em thân tín của Tập. Hiện nay, giới đánh bạc đang đặt cựa là Tập sẽ
nâng tay đàn em này vào Bộ Chính Trị để củng cố quyền lực trong Đại Hội sắp tới.
Hiện nay, phe thái tử đỏ đặc biệt
là có liên quan tới quân đội dường như đang bị thất thế. Không nhận được thiệp
mời tham dự Đại Hội 19 gồm có Thiếu Tướng Mao Tân Vũ cháu nội của Mao Trạch
Đông, Thượng Tướng Lưu Nguyên con trai của Lưu Thiếu Kỳ, Đô Đốc Lưu Hiểu Giang
con rể của Hồ Diệu Bang, Thượng Tướng Trương Hải, con trai Trương Chấn và Thượng
Tướng Lưu Á Châu con rể của Lý Tiên Niệm. Có nghĩa là con đường hoạn lộ của các
vị tướng này không có cơ hội thăng tiến vì Đại Hội sẽ bầu 300 đại biểu mới đại
diện cho giới quân đội.
Vào đầu tháng 9 này, thông tấn xã
Reuters đưa tin là Thượng Tướng Lý Tác Thành đã được bổ nhiệm thay thế Tướng
Phòng Phong Huy làm Tham Mưu Trưởng Bộ Tham Mưu Liên Hiệp Quân Ủy Trung Ương.
Reuters cũng cho biết là Tướng Huy bị điều tra về vấn đề ”kinh tế” (ám chỉ tham
nhũng). Chỉ mới tháng 4 vừa qua, Tướng Huy đã tháp tùng Tập Cận Bình tới Mỹ dự
họp với Tổng Thống Trump tại Mar- A – Lago.
Trong trong nhiệm kỳ qua, Tập Cận
Bình đã dùng chiêu bài chống tham nhũng để loại hết thành phần lưng chừng, hầu
đưa tay chân trung thành vào thay thế những chức vụ then chốt. Thông cáo Hội
Nghị Trung Ương 6 hồi tháng 10 năm ngoái Đảng CSTQ 6 khẳng định tập Cận Bình là
“lãnh đạo hạt nhân”, vai trò này chỉ được ban cho 3 người tiền nhiệm là Mao Trạch
Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân. Chưa hài lòng với vai trò này, Tập đã
đạt được sự chấp thuận đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng trong cuộc họp
kín với các lãnh đạo cao cấp tại Bắc Đới Hà vào đầu tháng 8 vừa qua. Điều này
có nghĩa là Tập lên đứng ngang hàng với Mao Trạch Đông và vượt qua Giang Trạch
Dân và Hồ Cẩm Đào.
Vào năm 2012 khi Tập được chuẩn bị
trao ngai vàng, giới trí thức nghĩ là Tập sẽ có tư duy đột phá tiến hành cải
cách chính trị mạnh mẽ. Giới doanh nhân kỳ vọng là Tập sẽ mở rộng kinh tế thị
trường dựa vào thàch tích của Tập ở Chiết Giang. Giới phật tử hy vọng là tình
thân gia đình của Tập với Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ khiến Trung Quốc có chính sách
hòa hoãn hơn đối với Tây Tạng. Ngay cả giới chuyên gia tại Hồng Kông, Đài Loan
và Nhật Bản đều cho rằng Tập là người có tư tưởng ôn hòa.
Nhưng mọi điều kỳ vọng cũng như dự
đoán đều là ảo tưởng. Từ khi lên ngôi, Tập đã tiến hành các chiến dịch đàn áp
luật sư và các nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền dã man. Trái với lới hứa của Tập
với Tổng Thống Obama, Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình quân sự hóa và kiểm
soát hầu hết khu vực Biển Đông cùng lúc gây hấn với Nhật Bản và Ấn Độ.
Không có gì ngăn cản được Tập Cận
Bình tiếp tục làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ hai sau Đại Hội 19. Câu hỏi mà một số
bình luận gia đặt ra là, liệu Tập có muốn phá lệ ở lại sau 2 nhiệm kỳ hay
không? Dưới thời của Tập, Trung Quốc đang tạo dựng danh tính là vua phá lệ và
phá vỡ nguyên trạng. Điều 79 của Hiến Pháp Trung Quốc giới hạn hai nhiệm kỳ đối
với vai trò chủ tịch nước nhưng điều lệ Đảng không có giới hạn nhiệm kỳ tổng bí
thư. Liệu Trung Quốc sẽ có Hoàng Đế Tập nối gót Hoàng Đế Mao hay không, là một
câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong mấy ngày qua, Bắc Kinh đã
đưa hai nhân vật cao cấp là Ủy Viên Ban Thường Vụ Lưu Vân Sơn và Phó Chủ Tịch
Quân ủy Tướng Phạm Trường Long sang Việt Nam để ‘dỗ dành’ đàn em sau vụ Bãi Tư
Chính và tập trận bắn đạn thật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ
cách Đà Nẵng 75 hải lý. Đảng CSVN cũng đang chuẩn bị tổ chức Hội Nghị Trung
Ương 6 trong bối cảnh Đức vừa tuyên bố đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược vì vụ
bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Liệu Trọng có giải pháp cho những thách thức này
không và nếu vì bất cứ lý do gì mà Trọng không giữ được ghế trong những ngày
tháng tới thì sẽ có một nhân vật nào khác đủ tầm để lên thay thế không, hay là
sẽ dẫn đến hiện tượng ‘Trọng xuống, Đảng sụp’?
Cũng mong là ngày đó tới sớm để
dân tộc Việt Nam còn có cơ hội vươn lên và phát triển hầu có đủ nguồn lực để bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét