Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc ngập nợ




media

Illustration photo of a China yuan note - REUTERS/Thomas White/Illustration/File Photo


Vào lúc Đại Hội lần thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc khai mạc, sẽ tiếp tục trao quyền lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới cho ông Tập Cận Bình, nhiều chuyên gia bày tỏ mối lo ngại trước hiện tượng kinh tế Trung Quốc chậm lại. Lần đầu tiên từ 1/4 thế kỷ nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể xuống dưới ngưỡng 6% vào năm 2018.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI đã cảnh báo trước về nguy cơ ngày càng rõ nét là tăng trưởng Trung Quốc chậm lại do món nợ khổng lồ. Các cơ quan thẩm định tài chính Moody’s và Standard & Poor's đã hạ điểm về nợ của Trung Quốc. Tổng số nợ Trung Quốc, ngoài lãnh vực tài chính, có thể vượt qua 290% của GDP Trung Quốc từ đây đến 2022, so với 235% vào năm ngoái.

Nỗ lực định hướng lại kinh tế

Tuy nhiên theo bà Françoise Renard, giám đốc Viện Nghiên Cứu về Kinh Tế Trung Quốc, không nên hoảng hốt vì kinh tế nước này vẫn không « lâm nguy ». Trả lời ban tiếng Pháp RFI, bà Renard giải thích :

« Trung Quốc đang bắt đầu định hướng lại kinh tế của mình, cải thiện tăng trưởng theo hướng chú ý đến chất lượng của tăng trưởng, để tránh rơi vào cái bẫy đối với các nước có thu nhập trung bình. Cụ thể là Trung Quốc đã đề ra những dự án khổng lồ, đặc biệt trong lãnh vực môi trường, nhưng mục tiêu chưa đạt được, vì vấn đề rất khó.

Điều mà ta có thể nói là kinh tế Trung Quốc còn vướng phải nhiều méo mó, lệch lạc mà chính quyền đang tìm cách khắc phục, ví dụ như do tình trạng sản xuất quá mức, họ đang cơ cấu lại các tập đoàn Nhà Nước.

Bên cạnh đó, còn có vấn đề chính sách xã hội, giảm thiểu bất công, vì vậy họ lao vào chống tham nhũng. Chiến dịch này dĩ nhiên có thể gây tranh cãi, nhưng đã có một số kết quả là giảm thiểu được hiện tượng.

Ngoài ra, Trung Quốc đang cố cải thiện chính sách bảo hiểm y tế, hệ thống hưu bổng nhưng còn phải nỗ lực hơn nữa.

Tóm lại, kinh tế Trung Quốc không suy sụp như có người lo ngại, tăng trưởng vẫn khá đều đặn. Dự phóng cho những năm sắp tới vẫn có phần lạc quan, nếu chính quyền tiếp tục đấu tranh chống những yếu tố lệch lạc.


Thách thức từ khối nợ khổng lồ của các địa phương

Vấn đề đáng ngại nhất là số nợ cực kỳ to lớn của chính quyền các địa phương, mà quy mô chưa lường được chính xác, khiến cho chính quyền không thể biết rõ mức độ mắc nợ thực thụ của nền kinh tế. Trong lãnh vực này cũng vậy, chính quyền trung ương cũng đã đề ra biện pháp để tái cơ cấu lại các món nợ này.

Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nói là họ có một số quan ngại về tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc, họ muốn nói đến món nợ của các địa phương. Nhất là khi các chính quyền địa phương đã thế chấp nhà cửa, đất đai để vay tiền, điều đó khuyến khích tình trạng đầu cơ, giá sụt giảm, với nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chánh.

Tóm lại, đe dọa chủ yếu đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay chính là mức nợ đó. Nhưng trong ngắn hạn, nền kinh tế Trung Quốc không gặp nguy hiểm. Tăng trưởng có thể chậm lại, có thể sẽ ở mức 5%, nhưng 5% cũng không phải là cái gì nguy hiểm, con số này đã được mọi người dự kiến từ lâu. »

Mở rộng kiểm soát trên toàn bộ nền kinh tế

Vấn đề nợ của Trung Quốc vào lúc Đại Hội Đảng Cộng Sản mở ra cũng được nhật báo Pháp Le Figaro nêu bật trong một nhận định : Tập Cận Bình, người cầm lái một Trung Quốc bị ngập nợ.

Theo tờ báo, nhiều chuyên gia đã bày tỏ mối quan ngại về việc ông Tập đã mở rộng kiểm soát trên toàn bộ nền kinh tế. Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế của Natixis tại Hồng Kông nhìn nhận : « Đó không phải là điều được người ta chờ đợi cách đây 5 năm ».

Hồi tháng 10/2012, và sau đó đến mùa xuân năm 2013, khi các cải cách kinh tế của « Tập gia gia » được đưa ra, vấn đề đối với ĐCSTQ chỉ là đấu tranh chống tham nhũng, chuyển đổi nền kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa, và tự do hóa.

Đối với chống tham nhũng và chuyển đổi mô hình kinh tế, Bắc Kinh đã đúng hẹn. Công cuộc « đả hổ, diệt ruồi » đại quy mô đã giúp Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát cả về chính trị lẫn kinh tế cả nước. Còn việc chuyển đổi tăng trưởng, từ dựa trên xuất khẩu hàng giá rẻ sang dựa vào tiêu thụ của giai cấp trung lưu, những con số thống kê đã tự nó nói lên. Hồi Đại Hội 18, tiêu thụ chiếm khoảng 35% GDP, còn nay lên 40%. Riêng khu vực dịch vụ chiếm đến 50% nền kinh tế.

Sự thay đổi này trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của Trung Quốc. Aidan Yao thuộc Axa IM ở Hồng Kông nhắc nhở : nhịp độ tăng trưởng chậm lại, cộng với vụ sụp đổ thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến mùa hè 2015, đã gây lo lắng cho các nhà kinh tế cách đây hai năm. Tuy từ đó đến nay tình hình đã được cải thiện, nhưng mọi quan ngại đều tập trung vào một điểm : nợ nần đang tăng lên.

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lo ngại trước tình trạng chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc chậm lại, có thể làm tăng thêm số nợ. Nợ nần của Nhà Nước, doanh nghiệp và hộ gia đình cách đây 10 năm chiếm khoảng 150% GDP, thì nay lên tới 270%. Sau cuộc khủng hoảng năm 2009, và đầu năm 2016, Bắc Kinh đã tái thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư - một cách lặng lẽ nhưng ồ ạt.

Cải cách các công ty quốc doanh ?

Ý kiến về nợ Trung Quốc của các chuyên gia có khác nhau. Philippe Le Corre, thuộc Havard Kennedy School cho rằng vấn đề này « hết sức to lớn ». Alicia Garcia Herrero cũng nhận thấy nợ nần tiếp tục tăng lên, tỉ lệ với GDP.

Ngược lại Aidan Yao không loại trừ việc tỉ lệ nợ giảm xuống trong năm nay. Ông nói : « Các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng lên nhờ chính quyền cải thiện xuất khẩu và giảm tình trạng sản xuất thừa, nên ít có nhu cầu vay hơn ». Chuyên gia này cũng nêu ra hành động tích cực của Ngân Hàng Trung Ương nhằm giảm bớt tín dụng đen.

Cũng cùng xu hướng lạc quan, Sébastien Djaoui, chuyên về thị trường Trung Quốc của ngân hàng Nomura tương đối hóa vấn đề nợ, nhấn mạnh đến cán cân thương mại thặng dư và lượng tiền tiết kiệm lớn : « Nợ của Trung Quốc do người Trung Quốc nắm giữ ».

Các chuyên gia đều đồng ý ở một điểm : nợ nần phình to, chủ yếu là do các công ty quốc doanh. Tập Cận Bình cam đoan sẽ cải cách các tập đoàn công nghiệp khổng lồ này, đa số kém hiệu quả và sản xuất thừa. Theo Alicia Garcia Herrero : « Mới đây đã có thay đổi, sở hữu chủ của các doanh nghiệp quốc doanh không còn là Nhà Nước mà là Đảng ! ».

Chính quyền đã cho sáp nhập các công ty quốc doanh làm ăn hiệu quả nhất với các doanh nghiệp đang suy sụp, với tham vọng tạo ra các đại tập đoàn mang tầm quốc tế. Aidan Yao nhận định : « Biện pháp này khác hẳn những gì thị trường trông đợi cách đây 5 năm, nhắm vào tư nhân hóa ». Tuy vậy cũng đã có những nỗ lực để chuyển đổi khu vực quốc doanh.

Nếu việc tự do hóa đã được tiến hành từ 5 năm qua, đặc biệt trong lãnh vực tài chính, qua việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và kết nối thị trường chứng khoán Thượng Hải với Hồng Kông, điều rõ rệt nhất là nền kinh tế ngày càng bị tập trung hóa.

Ngay cả thông qua các ngôi sao công nghệ, thường là tư nhân, như Hoa Vi (Huawei), « Nhà Nước đã tăng cường kiểm soát » qua những mối liên hệ với Đảng hay chính quyền địa phương, theo kiểu « golden share » (cổ phần ưu tiên), tinh tế và mạnh mẽ hơn - Alicia Garcia Herrero giải thích.

Sébastien Djaoui dự báo : « Chính quyền có thể nắm lấy các công ty đã trở nên quá to, như Alibaba chẳng hạn ». Nhà tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), chủ nhân tập đoàn bán hàng trên mạng vào mùa xuân từng nói : « Chúng tôi không chỉ là một doanh nghiệp mà là cả một nền kinh tế ». Thế nên, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ cố mở rộng thêm nữa tầm khống chế của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét