Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Luật sư ở Việt Nam vẫn là 'vật trang trí'?

BBC Tiếng Việt



Ba luật sư, từ trái qua, Trần Thu Nam, Lê Công Định và Võ An Đôn bình luận về Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam


Tranh cãi xoay quanh ngày Truyền thống Luật sư?



Dù đã có nhiều cải cách tiến bộ để tăng cường vai trò và mở rộng quyền năng của luật sư, nhưng giới luật sư Việt Nam nói họ vẫn gặp muôn trùng "gian nan" và khó khăn khi tác nghiệp.

Hôm 10/10, đánh dấu bốn năm kể từ khi chính phủ Việt Nam lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống luật sư Việt Nam. Điều này dựa vào việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 10/10/1945 ký Sắc lệnh số 46/SL về việc quy định tổ chức các đoàn luật sư, được cho là đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc ra đời nghề luật sư của Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, một số luật sư lại có quan điểm khác.

"Đối với tôi, ngày nay không phải là ngày truyền thống luật sư Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám thì cụ Hồ lên cầm quyền lúc đó bộ máy nhà nước chưa được hoàn chỉnh cho nên một trong những điều mà chính phủ quan tâm là tổ chức lại định chế luật sư như thế nào," luật sư Lê Công Định nói với BBC hôm 10/10.

"Sắc lệnh 10/10 hoàn toàn không phải là điều gì mới mẻ. Nghề luật sư đã có từ 1867, theo một nghị định bởi một ông thống đốc Nam kỳ ban hành để du nhập định chế luật sư vào xã hội Việt Nam. Xét theo phương diện truyền thông, luật sư có truyền thống lâu đời hơn ngày 10/10/1945 rồi."

"Tôi nghĩ luật sư là một định chế bổ trợ tư pháp dù dưới chính thể nào. Dù ở chế độ cộng sản hay không cộng sản, luật sư vẫn là một định chế độc lập không dính dáng đến thể chế chính trị," luật sư Định nói.

Luật sư ở Việt Nam 'gian nan muôn trùng'


Cả ba luật sư đang tác nghiệp tại Việt Nam đều nói, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, gian nan khi tác nghiệp ở Việt Nam, từ phía xã hội, chính quyền và từ chính đồng nghiệp của mình.

"Người dân vẫn chưa đánh giá cao vai trò của luật sư. Khi gặp vướng mắc thì ưu tiên hàng đầu là chạy chọt, nhờ vả người có chức có quyền, không có ưu tiên con đường tranh tụng với luật sư. Đây là khó khăn về thực tiễn trong xã hội," luật sư Trần Thu Nam nói.

"Còn khi làm một số vụ liên quan đến vấn đề nhạy cảm. Tôi và một luật sư khác từng bị hành hung, đánh đập khi đi tác nghiệp. Con mắt của các luật sư đồng nghiệp khác xa lánh chúng tôi," luật sư Nam nói thêm.

 Hình ảnh trong bài đăng trên Facebook của luật sư Võ An Đôn-Ảnh Christina Le

Còn luật sư Võ An Đôn thì nhận định: "Các cơ quan tiến hành tố tụng không độc lập, bởi vì nó không phải là tam quyền phân lập. Các cơ quan này chịu sự chỉ đạo của đảng, của nhà nước, nên việc tranh luận không dựa trên quy định pháp luật.

"Ở Việt Nam còn nhiều tình trạng án bỏ túi. Luật sư ra tòa chỉ mang tính hình thức thôi. Hội đồng xét xử nhiều khi đã ra quyết định trước rồi. Luật sư tranh luận theo ý mình là không được," luật sư Đôn nói.

Không chỉ các cơ quan tố tụng, mà ngay cả tổ chức đáng lẽ đứng ra bảo vệ luật sư cũng không "độc lập," theo luật sư Định.

"Liên đoàn luật sự thật ra là một phần của Mặt trận Tổ Quốc. Lúc tổ chức đại hội Liên đoàn luật sư lần đầu tiên, tôi đã ở đó. Tôi đã thấy cái áp lực của đảng cầm quyền trong việc lựa chọn những người đứng đầu liên đoàn nó căng thẳng như thế nào. Họ tìm cách loại trừ người nào không phải đảng viên hoặc không thể kiểm soát được.

"Bây giờ, các luật sư tỏ ra bản lĩnh hơn. Họ chỉ tuân thủ luật pháp không chịu sự áp đặt đảng cầm quyền thì ngay lập tức chính quyền sửa Luật Hình sự đưa vào Điều 19 khoản 3, buộc luật sư phải tố giác thân chủ với tội an ninh quốc gia hay tội đặc biệt nghiêm trọng.

"Song song với sư phát triển kinh tế thì vấn đề tự do, dân chủ dân sinh dân quyền ngay càng tăng. Hơn ai hết giới luật sư là người đi tiên phong muốn nhà nước công nhân những cái quyền đó, thì ngược lại phía nhà nước bắt đầu nhìn luật sư bằng cặp mắt nghi ngờ, đề phòng, ngày càng nhiều quyết định hạn chế sự phát triển của giới luật sư, đe dọa sự tôn trọng với nghề luật sư.

"Còn những người luôn chấp hành mọi yêu cầu mà nhà cầm quyền muốn và họ không dám phản kháng trước những bất công của xã hội, họ thấy những sự bất hợp lý trong hệ thống pháp luật mà họ không dám nói vì họ sợ mất cơ hội làm ăn của mình, thì tôi nghĩ họ sống một kiếp nô tài," luật sư Định nói.

Luật sư Việt Nam 'cần độc lập, dấn thân'

Tuy vậy các luật sư này thừa nhận trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã có những cải cách nhất định hỗ trợ ngành nghề luật sư.

"Ngày này là một cách công nhận sự đóng góp to lớn của giới luật sư vào việc phát triển xã hội trong hàng nhiều năm qua. Sau sắc lệnh 1945, 1987, 2001 và đến Luật luật sư, các quy định pháp lý mới giúp thay đổi vai trò, mở rộng quyền năng của luật sư," luật sư Trần Thu Nam nói.

"Thực ra so sánh lại buổi đầu mới thành lập các đoàn luật sư từ 1987, sau 30 năm thì nghề luật sư Việt Nam cũng có một sự phát triển vượt bậc

"Nền kinh tế đã được cởi mở, với sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khiến cho nhu cầu pháp lý của các luật sư gia tăng so với trước đây. Trước đây chúng ta nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa không cần đến luật pháp nói chi đến luật sư, còn giờ đang vận hành theo khuynh hướng luật pháp, nên giới luật sư phát triển về kĩ năng và tổ chức."

Ngẫm về những thăng trầm nghề nghiệp, luật sư Lê Công Định nói: "Tôi rất yêu nghề luật sư. Ngày nay, con số luật sư dũng cảm dấn thân chống lại đòi hỏi vô lý của cường quyền nó rất là ít. Chúng ta bằng mọi cách phải ủng hộ những luật sư đó.

"Cái tôi thực sự quan tâm là vai trò độc lập của luật sư. Nếu luật sư không độc lập được dưới sức ép của cơ quan nhà nước, không thể mạnh mẽ độc lập bảo vệ cho thân chủ của mình thì đó là điểm yếu mà Việt Nam phải khắc phục."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét