Phải nói rằng (dù lạnh lùng!) Việt
Nam đã trải qua hơn nửa thế kỉ lịch sử với những cái chết thương tâm và vô lý.
Đất nước này chưa bao giờ thuyên giảm những cái chết phi lý. Trước 30 tháng 4
năm 1975, những cái chết “bất đắc kỳ tử” do bom nổ, đạn lạc chiến tranh. Sau 30
tháng 4 năm 1975, khi chiến tranh đã im tiếng súng, những tưởng rằng đất nước sẽ
giảm thiểu, thậm chí chấm dứt những cái chết thương tâm và phi lý. Nhưng không,
có vẻ như cái chết thương tâm ngày càng gia tăng tại Việt Nam!
Những cái chết thương tâm mà tôi
muốn nói đến là những cái chết gì? Và do đâu người dân Việt Nam phải gánh chịu
sự tan thương, mất mát này?
Thưa, đó là chết trong đồn công
an một cách mờ ám; Chết bởi ngồi nhậu, đùng một cái bị trúng đòn, ngã lăn ra trọng
thương rồi chết mà không biết vì sao mình chết; Chết vì đến bệnh viện, uống nhầm
thuốc giả; Chết vì tai nạn giao thông mặc dù đi đứng cẩn thận, đúng luật; Chết
vì lũ quét, vì xả đập… Chết lúc đang ngủ, chết lúc bụng đói, chết lúc đang ăn
cơm, chết lúc đang đi học về… Và cả chết dần chết mòn bởi thực phẩm chứa chất độc
hại ngấm vào cơ thể từng phút, từng giờ, từng tháng, từng năm… Những cái chết
đau thương và bi cảm ấy vẫn cứ quấn lấy đất nước này, dân tộc này.
Vì sao? Vì sao khi đất nước không
có tiếng súng chiến tranh mà con người lại chết quá nhiều, chết đau thương, chết
nhiều hơn cả thời súng nổ, đạn bay? Bởi vì đất nước này chỉ mới ngưng tiếng
súng chiến tranh nhưng tâm hồn chiến tranh, tư duy chiến tranh và tập khí chiến
tranh vẫn chưa bao giờ ngưng.
Nói rằng tâm hồn chiến tranh, tư
duy chiến tranh và tập khí chiến tranh vẫn chưa bao giờ ngưng bởi vì người ta vẫn
chưa bao giờ thôi nghi kị nhau, chưa bao giờ thôi ném cái xấu, cái tệ về phía đối
phương và chưa bao giờ giải trừ cái ranh giới bạn – thù. Đất nước đã xóa bỏ lằn
ranh địa lý Nam - Bắc ở vĩ tuyến 17 nhưng lại có một vĩ tuyến 17 khác đã hằn
sâu trong ký ức tập thể của dân tộc Việt Nam! Người ta vẫn nhìn nhau một cách đầy
phân biệt và có phần miệt thị với khái niệm “dân Bắc – dân Nam”, người ta chưa
bao giờ thôi nghĩ đến chuyện “con ngụy – con ta”. Và đáng sợ nhất là chủ nghĩa
xét lý lịch vẫn tồn tại như một điều hiển nhiên.
Bởi tư duy phân biệt “phe ta –
phe địch” nên mọi quyền lợi, trách nhiệm và cả bổn phận với quốc gia, dân tộc
cũng được chia thành “của phe ta và của phe địch”. Mọi quyết sách có ảnh hưởng
đến dân tộc, quốc gia đều bị qui về “quyền lợi của ta, quyền lợi của đảng”. Và
không dừng ở đó, người ta tự kỉ rằng dân tộc là đảng, đảng là dân tộc và mọi lợi
ích dân tộc đều thể hiện trên lợi ích của đảng, của nhà nước. Đây cũng là
nguyên nhân, giềng mối dẫn đến tình trạng phe nhóm cát cứ càng ngày càng nhiều,
càng mạnh thêm và tha hồ tác oai tác quái, phá nát đất nước như vùng đất phi
chính phủ, phi nhà nước hiện nay!
Khi các nhóm lợi ích “phe ta” đủ
mạnh, đủ chân rết để hình thành cái bẫy lợi ích mà trong đó, bất kì kẻ nào đã nếm
miếng mồi của họ đều rơi vào tình cảnh hoặc là tất cả cùng sống, hoặc là chết
chùm thì hệ quả của nó sẽ là một quốc gia mà trong đó, những kẻ bất chấp sẽ nắm
quyền, sẽ đạp lên lợi ích của những người không có quyền lực để củng cố sức mạnh
phe nhóm, để cùng hưởng lợi lộc. Và lợi lộc sẽ thuộc về “phe ta”, những ai
không phải của phe ta thì chết sống mặc bây, đã có hàng trăm kịch bản chia sẻ,
từ thiện, cứu trợ bày sẵn, khi cần thiết sẽ dùng.
Chưa bao giờ cái câu cửa miệng
trong dân gian rằng “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” lại ứng với Việt Nam như
hiện nay. Thân phận của người dân hiện tại cũng chỉ ngang ngửa với ruồi muỗi và
sức mạnh của các nhóm lịch ích là sức mạnh của trâu bò, của thứ bản năng tranh
ăn tranh thua, không cần biết đến nhân văn, nhân bản, chỉ cần lợi ích nhóm càng
cao, nhóm càng phình to, càng bành trướng thì càng tốt. Cái tâm lý đầy ích kỉ của
các nhóm lợi ích cũng như cái tâm lý đầy thủ phận, cam chịu của đại bộ phận
nhân dân đã nhanh chóng đẩy dân tộc, đất nước đến một thứ căn tính thủ phận,
ích kỉ và đội trên đạp dưới, sống chết mặc bây…
Và chỉ cần bước ra đường, tham
gia giao thông không thôi, người ta cũng dễ dàng phân biệt đâu là con nhà quan
chức, đâu là thứ dân. Con nhà quan chức có thể đi nghênh ngang, đi trái luật,
không cần đội nón bảo hiểm (nếu đi xe máy), vượt làn không cần xin đường, thậm
chí vượt đèn đỏ ngay trước mặt cảnh sát giao thông vẫn không hề hấn gì.
Nhưng hạng thứ dân thì khác, chỉ
cần đi xe máy ra đường thì có thể đối mặt với vô vàn khó khăn, có thể bị cảnh
sát giao thông thổi còi, kêu lại “xin ổ bánh mì” mặc dù không hề bị lỗi nào.
Đáng sợ hơn cả là nếu như con nhà quan va chạm với thứ dân, gây ra cái chết cho
thứ dân trên đường, thì phần thiệt, phần sai bao giờ cũng thuộc về thứ dân, phần
đúng, hợp lý bao giờ cũng thuộc về con nhà quan. Điều này như một tập quán của
Việt Nam thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Nhưng đáng sợ nhất, chỉ có những
kẻ con nhà quyền thế mới dám đứng ra tổ chức những đường dây buôn bán ma túy lớn,
bởi họ có đường ra khi va vấp pháp luật. Cũng như các nhóm lợi ích tha hồ phá rừng,
tha hồ xây dựng thủy điện, thậm chí tay không đầu tư xây dựng thủy điện (chỉ cần
có mối quan hệ tốt trong hệ thống đảng, người ta sẽ dễ dàng xây dựng một dự án
thủy điện, thuê pháp nhân có vốn điều lệ, vốn pháp định đứng tên bình phong để
thông qua dự án và bắt đầu khai thác gỗ rừng dưới danh nghĩa rừng lòng hồ. Và
khai thác gỗ đủ vốn, người ta xây dựng thủy điện, xem như không mất đồng vốn nào
mà vẫn có thủy điện, điều này lý giải tại sao tất cả các thủy điện Việt Nam lại
nằm ngay khu vực có trữ lượng gỗ quí nhất và khi thủy điện mọc lên thì trữ lượng
gỗ quí mất đi hoàn toàn).
Và khi tư duy con người trở nên
hoặc là cam chịu, thủ phận hoặc là đạp qua mọi thứ, bất chấp để làm giàu, để trục
lợi và củng cố quyền lực, chắn chắn rằng những cái chết thương tâm mà số đông
thứ dân phải gánh chịu từ hậu quả làm giàu, trục lợi một cách bất chấp của các
nhóm lợi ích là khó tránh khỏi. Và hàng trăm cái chết do xả lũ ở Hòa Bình, những
cái chết lạnh, chết đói, chết co ro đầy thương tâm của dân nghèo trôi trong lũ,
với một số lượng người chết quá khủng khiếp như vậy mà nhà nước vẫn bình chân
như vại, thủy điện chẳng cần tỏ ra hối tiếc, chẳng cần phải xin lỗi nhân dân và
chuyện thủy điện đền bù cho nhân dân là chuyện không tưởng…!
Bởi nhân dân đã tự làm quen với
cái chết chậm của đời mình bằng cách cam chịu và có phần ích kỉ, xem chuyện người
khác không phải là chuyện của mình, chép miệng, xuýt xoa trước nỗi đau của người
khác nhưng chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Bởi nhà nước, đảng cầm quyền đã lún quá
sâu và hệ thống lợi ích nhóm và kẹt cứng trong đám bùng nhùng này nên chẳng thể
làm được gì khác!
Và đáng sợ nhất là khi những cái
chết thương tâm vẫn diễn ra hằng ngày trên đất nước, chết nhiều gấp đôi, gấp ba
lần so với chiến tranh mà người ta vẫn cố tự ru ngủ mình bằng niềm tin bình
yên, niềm tin thắng lợi và niềm tin có tiến bộ. Chính cái tâm lý tự ru ngủ này
đã đẩy dân tộc này đến những cái chết thương tâm và nó càng ngày càng bội phát
bởi Mẹ Thiên Nhiên không còn muốn che chở con người, bởi con người tự ném thuốc
độc vào nhau và bởi cổ máy chính trị Việt Nam đã bị méo mó, biến dạng thành một
nhóm lợi ích khủng, đạp lên trên sinh mạng dân tộc, sinh mệnh quốc gia. Thật buồn
cho những cái chết của những người dân và cái chết của một dân tộc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét