Có những dấu hiệu cho thấy đang tồn tại một hố phân cách khá lớn giữa
khối đảng với khối chính phủ trong việc cụ thể hóa chủ trương “nhất thể
hóa”.
“Nhất thể hóa”
được hiểu nôm na là việc hợp nhất một số cơ quan đảng và cơ quan chính
quyền có cùng chức năng hoạt động với lý do danh nghĩa là để khỏi chồng
chéo nhau, và giảm được một bộ phận đáng kể công chức và do đó giảm được
một phần kinh phí phải gánh hàng năm cho số con chức này.
Nhưng từ sau
hội nghị trung ương 6 vào nửa đầu tháng 10/2017, cho tới nay các bộ
ngành, tỉnh ủy và chính quyền địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể
của Ban Tổ chức trung ương (bên đảng) và Bộ Nội vụ (bên chính phủ) về
cách thức hợp nhất một số ban đảng với cơ quan chính quyền.
Mới đây, phía
chính phủ đã đề xuất thí điểm hợp nhất 3 văn phòng (Đoàn đại biểu quốc
hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) thành 1 văn phòng; Thanh tra
và Kiểm tra thành 1 cơ quan; Tổ chức và Nội vụ thành 1 cơ quan; văn
phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành 1 đầu mối.
Trong đó, những
tiêu điểm của cơ chế hợp nhất sẽ là hợp nhất Ban Tổ chức trung ương với
Bộ Nội vụ, Ủy ban kiểm tra trung ương với Thanh tra chính phủ.
Chi tiết cần
chú ý là trong cơ chế mang tính thí điểm này, không phải những cơ quan
ban đảng khác có vai trò yếu hơn như Ban Tài chính quản trị trung ương,
Ban Kinh tế trung ương, Ban Dân vận trung ương, mà Ban Tổ chức trung
ương lại là cái tên đầu tiên được nêu ra.
Trưởng ban Tổ
chức trung ương hiện thời là ông Phạm Minh Chính – cựu bí thư tỉnh Quảng
Ninh và cũng là địa chỉ đầu tiên ở Việt Nam thí điểm mô hình nhất thể
hóa bí thư và chủ tịch xã là một người. Từ thành tích kéo giảm được
khoảng 12% biên chế sau khi nhất thể hóa, ông Phạm Minh Chính đã được
Tổng bí thư Trọng chú ý và cất nhắc vào Bộ Chính trị, cho giữ vai trò
xung yếu về công tác tổ chức cán bộ – cái ghế trước đây thuộc về ông Tô
Huy Rứa – người được xem là cận thần của Nguyễn Phú Trọng và đã giúp ông
Trọng khá thành công trong chiến dịch “luân chuyển cán bộ” nhằm “giải
thoát” ông Trọng khỏi cái bóng thao túng quyền lực của thủ tướng khi đó
là Nguyễn Tấn Dũng.
Còn bây giờ,
Trưởng ban tổ chức trung ương Phạm Minh Chính cũng có một nhiệm vụ tối
quan trọng là giúp cho Tỏng bí thư Trọng tiến hành “luân chuyển cán bộ”
là giới lãnh đạo đầu tỉnh thành trong những năm tới, phục vụ sâu đậm cho
ý đồ “nhất thể hóa”.
Hẳn là ông Phạm
Minh Chính, với kinh nghiệm “nhất thể hóa” ở Quảng Ninh – đã có ẩn ý và
cả một kế hoạch sâu rộng để giúp việc cho ông Trọng về công tác này.
“Nhất thể hóa”, hiểu một cách sâu xa hơn, còn là “đồng nhất chức danh của đảng và nhà nước”.
Tại Hội nghị
trung ương 6, “nhất thể hóa” chỉ được đề cập như một mô hình thí điểm ở
cấp xã và huyện. Nhưng sau hội nghị này, một số quan chức có trách nhiệm
và đặc biệt là quan chức ở Quảng Ninh đã bắt đầu tiết lộ về khả năng
“nhất thể hóa” sẽ lên tới cấp tỉnh thành.
Ở Quảng Ninh,
đã có đề án riêng để hợp nhất về mặt tổ chức hai nhóm cơ quan bên đảng,
bên chính quyền ở 12 huyện thị, có chức năng, nhiệm vụ tương đồng: thanh
tra-kiểm tra, nội vụ-tổ chức. Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng lại giải thích rằng đề án này là hợp nhất về
mặt tổ chức các cơ quan của đảng, nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương
đồng chứ không phải nhập kiểm tra vào thanh tra, tổ chức vào nội vụ.
Chẳng hạn về con người, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra sẽ được
bổ nhiệm chánh thanh tra, phó chánh thanh tra…
Đến đây, mối
mâu thuẫn ngầm ẩn và trầm kha giữa chính quyền – nơi điều hành cụ thể và
được xem là “làm ra tiền” khi nọc dân thu thuế, với khối đảng – được
xem là nơi “chỉ tay năm ngón” và phải sống bám vào ngân sách của chính
quyền – đã lộ hẳn ra. Bởi nếu “nhất thể hóa” theo cách đảng bỏ qua mọi
cơ chế bầu dân chủ để chỉ định người của mình vào các chức vụ lãnh đạo
trong cơ quan chính quyền thì cuối cùng chẳng bỏ bớt hay tinh gọn được
cơ quan nào. Nhưng lại có một khác biệt lớn so với trước đây: hiện tượng
“đảng tràn sang chính quyền” bằng việc nắm giữ những vị trí quan trọng
nhất, tái hiện mô hình “chính ủy” trong các đơn vị quân đội mà thời
chiến đã áp dụng.
Nếu cơ chế
“đảng cài người vào chính quyền” được triển khai, nhiều cơ quan của
chính quyền sẽ vô hình trung bị biến thành cơ quan của đảng, dù về danh
nghĩa vẫn do chính quyền điều hành. Nhiều trưởng cơ quan bên chính quyền
sẽ phải bị bắt buộc nhường ghế trưởng cho người của đảng tràn sang
chiếm giữ. Khi đó, đảng vẫn nắm cơ quan đảng nhưng đồng thời còn “kiêm
thêm” cơ chế “chính ủy” trong chính quyền.
Khi đó, nhân sự
đầu não của khối chính quyền sẽ phải đụng mặt và cãi vã hàng ngày với
các “chính ủy” bên đảng cử qua, sẽ phải “chung sống với lũ” trong cùng
một tòa trụ sở, khác nhiều với trước đó chỉ phải sang cơ quan đảng để
báo cáo.
Có thể hình
dung mô hình và cách thức “chung sống” với nhau như trên sẽ được triển
khai ở cả cấp tỉnh và cấp trung ương. Để ngay cả khối chính phủ của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến một lúc nào đó, sẽ được xen cài không ít
“chính ủy” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét