Tháng lụn, ngày qua, thiên hạ
trông chờ đến rồi hết Hôi nghị lần thứ 6 - khóa 12 của Trung ương đảng cầm quyền
bàn kế sách diệt trừ tham nhũng. Còn gì thất vọng hơn khi nghe TBT Nguyễn Phú
Trọng đọc diễn văn bế mạc, phần về tham nhũng, ông nói rạch ròi: "Ai trót
nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa" và "Từ nay bất cứ ai vi phạm kỉ
luật sẽ xử lí nghiêm" - - có nghĩa là miễn hồi tố. Vừa là đảng trưởng của
đảng cầm quyền, vừa là trưởng ban phòng chống tham nhũng tuyên bố như thế, dầu
không muốn cũng phải tin.Thế là từ nay "lò" ông Trọng chỉ dùng những
nhánh "củi khô" đun nước pha trà đãi khách.
Tại sao ông Trọng xuống thang đột
ngột như thế? Phải chăng các vị đang khai thác cái nhược của người biến thành
cái lợi cho mình theo luật giang hồ "mi không đánh ta, ta không đánh
mi"? - đó là đế tài khiến thiên hạ tụm năm tụm bảy bàn tán khi dư công rỗi
việc.
Vì sao miễn hồi tố tham nhũng được
đa số trung ương ủy viên đồng thuận, thể hiện rõ trong diễn văn bế mạc do TBT
Trọng tuyên đọc như vừa kể trên? Đó là câu hỏi nhiều người muốn biết. Người viết
cho rằng theo nguyên tắc "thiểu số phục tùng đa số" thì đa số người
tham dự hội nghị này có "nhược điểm" nên họ dung hòa, xí xóa cho
nhau.
Bốn cái "nhược" của ông
Trọng:
1- Tham vọng làm TBT: theo giao ước
với các đồng chí của mình, ông Trọng chỉ làm TBT nửa nhiệm kì khóa 12. Hội nghị
trung ương 6 này được xem là đại hội giữa nhiệm kì, ông Trong phải ra đi theo
giao kết. Vì chưa chưa tìm đâu ra "người Bắc, có lí luận" để thay cho
mình, ông muốn tiếp tục làm TBT ít nhất hết khóa 12. Muốn đạt ý nguyện, không
còn cách nào khác, ông chỉ trông chờ vào sự tán đồng của đa số trung ủy đang có
mặt tại hội nghị này. Ngặt nỗi, đa phần trung ủy bị ông liệt vào loại "củi
tươi". Giải pháp tốt nhất là xả nhiệt bằng cách miễn hồi tố, "đóng
lò". Để biểu hiện "thiện chí" của mình, ông còn nói với cử tri cật
ruột ở Hà Nội: "Đấu tranh để đoàn kết hơn chứ không phải để đổ vỡ".
2- Sợ cô độc và mất Đảng: Khi lò
đủ nhiệt đốt cháy cả "củi tươi", ông Trọng kịp nhận ra "củi
tươi" phấn lớn nằm trong Ban chấp hành, nếu đốt hết thì mình làm TBT với
ai, đảng mình làm sao có thể tồn tại?!
3- Gây bế tắc về ngoại giao: Dầu
đã cố tung tin Trịnh Xuân Thanh về "đầu thú", nhưng phía Đức đưa ra
nhiều bằng chứng thuyết phục là Trịnh Xuân Thanh bị tình báo Việt Nam "bắt
cóc" tại Berlin. Nếu phía Đức nói đúng thì vụ cho thuộc hạ tóm cổ Trịnh
Xuân Thanh ở xứ người để làm mồi cho "lò lửa", chỉ có ông Trọng mới
có đủ quyền chủ trương. Hậu quả của việc này là gây bế tắc về đối ngoại. Kinh tế
Việt Nam đã và đang rơi vào khủng hoảng, chỉ còn cách đeo hai cái phao "Hợp
tác kinh tế châu Á -Thái Bình Dương" (TPP) và "Hiệp ước thương mại tự
do giữa Việt Nam và EU" (EVFTA) gồm 28 nước thành viên. TPP đã không
thành, giờ đâ, EVFTA như chỉ mành treo chuông bởi vì vụ Trịnh Xuân Thanh làm phật
lòng nước Đức, nước trụ cột trong khối EU. Nếu Đức không kí vào hiệp định EVFTA
thì có khác chi Mỹ không kí vào TPP, thế là bao công lao, hi vọng bỏ sông đổ biển
chứ còn gì? Khi không còn chỗ nào để bám víu, Việt Nam chỉ còn con đường chui
vào nách Trung Quốc mà sống tạm. Theo thiếu tướng, GS-TS Trương Giang Long,
Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân Việt Nam cảnh báo trước lớp học:
"Trung Quốc đã cài cắm gián điệp không chỉ ở cấp thấp mà có cả ở cấp cao,
không phải hàng trăm mà thậm chí hàng trăm này cộng với hàng trăm kia chớ không
phải chỉ hàng trăm, nếu ta không phát hiện, nghiêm trị thì việc gì sẽ xảy ra
làm sao có thể nói trước được". Biết đâu, vụ Trịnh Xuân Thanh có bàn tay
lông lá của Trung Quốc thò vào để đẩy Việt Nam đến đường cùng?
4- Vụ tượng Hồ Chí Minh: Nghe nói
nhà máy cán thép Formosa thải độc ra biển, cá chết trắng bãi, ông Trọng vội đến
Hà Tĩnh để thị sát. Đến nơi, chưa kịp đi đâu, Ban giám đốc nhà máy biết ông thuộc
hạng người "ăn trái nhớ kẻ trông cây" mới tặng cho ông tượng Hồ Chí
Minh bán thân màu vàng. Ông vội đem của quý về thờ. Chỉ có vậy mà đại biểu Quốc
hội nào đó nói nửa đùa nửa thật: "Nên kiểm tra xem tượng ấy vàng giả hay
vàng thật". Ông Trọng là người thế nào, một nhóm cựu chiến binh đã nhận
xét: TBT Trọng là người "trong sạch" nhất trong Đảng CSVN.
Hai cái "nhược" của phần
lớn trung ủy:
1- Tham vọng quyền lực: không chỉ
tham riêng cho bản thân mà tham cho cả dòng tộc, trong bối cảnh "ghế ít
đít nhiều", nếu không mặc cả, phải xúm nhau về vườn, làm trò cười cho
thiên hạ.
2- Tham nhũng vật chất: phải khổ
công tích cóp được một số gia sản để "dưỡng già", nếu không mặc cả, họ
hồi tố thì mất hết, có khi còn ngồi tù là khác.
Có người tức giận nói: phải đem
việc "đổi chác, bán buôn" này ra lập pháp, hành pháp, tư pháp. Người
viết khuyên: thôi đi, đứng đầu lập pháp, hành pháp, tư pháp đều là trung ủy, họ
đều ngồi vào hàng trên trong nghị trường, họ đã đồng thuận với nhau. Hãy để thời
gian ngẫm lại mấy câu ca dao Việt Nam: "Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình - Ba bộ đồng
tình bóp vú con tôi - Bộ chi, bộ xấu, bộ tồi - Đã ăn hối lộ, còn đòi vú
non".
Cho đến giờ này, ai cũng khẳng định
tham nhũng phần lớn ở trong đảng cầm quyền. Dân sai phạm thì xử lí theo luật,
cao nhất là tử hình còn thành viên của đảng cầm quyền sai thì xử lí theo kỉ luật
đảng, thấp nhất phê bình, cao nhất là khai trừ đảng. Luật pháp ở Việt Nam cốt để
trị dân, điều đó không còn gì để bàn cãi. Điều đáng nói, trong hàng ngũ lãnh đạo
Đảng CSVN, ai cũng có học hàm học vị cao, sao họ không chịu thấu hiểu đạo lí
thông thường: nếu đảng viên tham những tài sản riêng của đảng thì đảng trọn quyền
xử lí, còn đảng viên tham nhũng của công (của dân) thì phải xử theo pháp luật
hoặc trưng cầu ý dân trước khi quyết án.
Hơn 10 ngày qua, từ khi Hội nghị
trung ương 6 của đảng kết thúc, nhiều cán bộ lão thành nói với tôi trong vẻ lo
lắng: "Đốt mới được mấy nhánh "củi khô", ông Trọng đột ngột xuống
thang, hạ "lửa lò", chắc chắn bọn tham quan sẽ lộng hành hơn".
Tôi bảo: "Là đảng viên, sao
anh không hiểu tính, ý đảng trưởng của mình? Ông ấy luôn "sớm nắng, chiều
mưa". Biết đâu ông "giả dại qua ải" thì sao? "Củi
khô", "củi ướt" đầy đàng, nhóm lò lại mấy hồi? Nhưng anh ơi, phận
là người dân "có thân hãy giữ lấy thân", nên bắt chước dân Đồng Tâm,
quyết đoàn kết đấu tranh giành quyền sống".
Đau xót trước cảnh tình, tôi thấy
sao nói vậy, nghĩ gì viết nấy, không hề có dụng ý bôi xấu ai. Tâm trạng của tôi
hiện giờ chẳng khác tâm trạng cựu TBT Lê Khả Phiêu. Ông nói: "Không còn đường
lùi, nhưng chưa biết tiến đi đâu".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét