Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ (ảnh tư liệu)
Có một sự ủng hộ đang tăng tại Hàn Quốc và Nhật Bản đối với dự tính triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trước mối đe dọa hạt nhân đang ngày một tăng của Bắc Triều Tiên, và cũng liên quan đến sự lo ngại trong công chúng rằng các đồng minh không thể còn trông nhờ hoàn toàn vào các biện pháp răn đe hạt nhân của Mỹ nữa.
Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Mỹ
ước tính Bình Nhưỡng có đến 60 vũ khí hạt nhân, và có thể đã chế tạo thành công
đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để gắn vào tên lửa mà hiện nay Bình Nhưỡng có khoảng
1.000 chiếc. Nhưng điều đang thay đổi các tính
toán về an ninh của cả Mỹ và châu Á là sự tiến bộ quá nhanh của Bắc Hàn trong
việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa, gọi tắt là ICBM, có thể bắn đến đại
lục Hoa Kỳ.
Sự phát triển này của Bắc Triều
Tiên đang tạo nên mối lo ngại rằng Washington không thể chấp nhận rủi ro chiến
tranh hạt nhân với Bình Nhưỡng để thực thi cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng
minh châu Á từ lâu nay.
Ông Park In-koon của Viện Nghiên
cứu Triều Tiên và là cựu thứ trưởng ngoại giao của Hàn Quốc nói rằng: “Công
chúng có những nghi ngờ rằng Washington sẽ không thực sự bảo vệ cho Seoul hoặc
Tokyo với cái giá phải trả là Washington, Seattle hay New York." Ông Park
đã điều giải cho một hội đồng các chuyên gia về mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều
Tiên tại Diễn đàn Kiến thức Thế giới diễn ra ở Seoul hôm thứ Ba 17/10.
Trong chiến dịch vận động tranh cử
tổng thống Mỹ, ứng cử viên Donald Trump đã gieo rắc những nghi ngờ đối với cam
kết an ninh của Mỹ với các đồng minh trong khu vực, khi ông nói rằng ông sẽ xem
xét việc rút quân đội Mỹ ra khỏi khu vực và để cho các đồng minh châu Á-Thái
Bình Dương có vũ khí hạt nhân nếu các nước này không tăng chi phí quốc phòng trả
cho Mỹ. Tuy nhiên kể từ khi ông Trump lên nhậm chức tổng thống, chính quyền của
ông đã đề nghị nhiều nhiều biện pháp nhằm bảo đảm cam kết của Mỹ đối với các đồng
minh.
Một cuộc thăm dò dư luận hồi
tháng 9 cho thấy 60% người Nam Hàn ủng hộ việc nước họ nên tự có khả năng răn
đe hạt nhân, hoặc là thông qua việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Nam Hàn, hoặc
là Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân.
Còn tại Nhật Bản, nước duy nhất từng
bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, chỉ có 9% ủng hộ việc nước này có vũ khí hạt
nhân trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 7. Nhưng hai vụ Bắc Hàn bắn tên lửa
đạn đạo tầm trung bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản hồi gần đây đã khiến tỉ lệ ủng
hộ đối với nỗ lực của Thủ tướng theo chính sách bảo thủ Shinzo Abe nhằm tăng cường
khả năng quốc phòng đang tăng lên.
Hồi tháng 9, cựu bộ trưởng quốc
phòng Shigeru Ishiba đã công khai hỏi rằng liệu Nhật Bản có còn tin tưởng là Mỹ
sẽ bảo vệ cho nước ông.
Nhật Bản có ngành công nghiệp
năng lượng công nghiệp hạt nhân dân sự, và được cho là có đủ nguyên liệu hạt
nhân để có thể nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân, một khi họ quyết định
làm như vậy.
Phản đối chiến lược
Nhưng có nhiều tranh luận tại cả
Seoul lẫn Tokyo chống lại việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trong khu vực.
Một trong những tranh cãi đó là một
động thái như vậy chẳng khác gì việc hợp thức hóa cho chương trình hạt nhân của
Bắc Triều Tiên, đồng thời làm suy yếu đáng kể cam kết của cộng đồng quốc tế tiếp
tục áp lực buộc Triều Tiên phi hạt nhân bằng các biện pháp chế tài kinh tế.
Trung Quốc từ chỗ đang hợp tác
trong nỗ lực kiềm chế Bắc Hàn sẽ chuyển sang đối phó với mối đe dọa an ninh bằng
hạt nhân, nhất là từ Nhật Bản, nước đã từng có một lịch sử quân sự hung hãn ở
châu Á.
Ông Shu Feng, giám đốc Viện
Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, nhận định: “Nhật Bản đang
tìm cách lợi dụng một yếu tố gì đó từ Bắc Hàn để phát triển quân sự trở lại. Điều
đó sẽ làm Trung Quốc lo ngại lớn.”
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ vi
phạm Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân mà hai nước này đã cam kết sẽ là các quốc
gia không có vũ khí hạt nhân và có thể bị quốc tế trừng phạt.
Liên hiệp quốc cũng cũng có thể
áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với Nam Triều Tiên nếu nước
này phát triển vũ khí hạt nhân.
Từ góc nhìn quân sự, việc triển
khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ tại Nam Hàn không mang ý nghĩa gì lớn.
Các loại vũ khí chiến lược mà Mỹ rút khỏi Bán đảo Triều Tiên vào thập niên 1990
được cho là những vũ khí đã lỗi thời. Các nhà phân tích nói rằng giờ đây Mỹ bố
trí vũ khí hạt nhân của họ trong các tàu ngầm và máy bay tại những địa điểm
không được tiết lộ.
Triển khai vũ khí hạt nhân tại những
địa điểm cố định ở Nam Hàn không những mất đi yếu tố bất ngờ, mà lại còn làm mục
tiêu thu hút Bắc Hàn nhắm vào tấn công.
Nỗ lực đối phó với mối đe dọa hạt
nhân Bắc Triều Tiên của Hoa Kỳ vác các đồng minh Seoul và Tokyo cho tới nay là
phát triển các hệ thống chống tên lửa và các loại vũ khí quy ước.
Nhật Bản đặt mua các hệ thống tên
lửa không-đối-không tầm trung tiên tiến AIM 120C-7, gọi tắt là AMRAAM, trị giá
113 triệu đôla của Mỹ.
Quân đội Mỹ cũng đã triển khai
các hệ thống phòng thù tên lửa THAAD tại Nam Triều Tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét