Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Donald Trump thăm Việt Nam : Công nhận vai trò đối tác quan trọng

media 
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời báo chí nhân đón thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng, ngày 31/05/2017.REUTERS/Jonathan Ernst TPX IMAGES OF THE DAY

Vào lúc thời sự châu Á sôi nổi với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, và Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc sắp diễn ra, Nhà Trắng hôm 16/10/2017 thông báo : Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện vòng công du châu Á vào tháng 11 nhân dịp ghé Việt Nam dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC, và đến Philippines dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á EAS, hai định chế khu vực mà Mỹ là thành viên.
Điều khiến giới quan sát khá ngạc nhiên là trong chương trình của tổng thống Mỹ, có chuyến ghé Hà Nội trong khuôn khổ một chuyến công du Việt Nam vào ngày 11/11, sau khi dự Thượng Đỉnh APEC tại Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là mục tiêu của tổng thống Trump khi chính thức đi thăm Việt Nam là gì.

Ngay từ hôm 17/10/2017, chuyên san The Diplomat tại Nhật Bản đã nêu bật hai vế khác nhau trong chuyến ghé thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ. 

Phác họa chiến lược của Mỹ nhằm phản ứng trước sáng kiến con đường tơ lụa của Trung Quốc

Về vế đầu tiên là Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC, The Diplomat đặc biệt ghi nhận quyết định của ông Trump là sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của các Tổng Giám đốc khối APEC. Tham luận này có thể là bài phát biểu đầu tiên về chiến lược của chính quyền Trump đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mà Mỹ muốn được tự do và mở cửa. Đối với tờ báo Nhật, rất có thể chiến lược đó là phản ứng của Hoa Kỳ đối với sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Về vế công du Việt Nam, nhà phân tích trên tờ Diplomat đặc biệt chú ý đến cuộc họp thượng đỉnh song phương Donald Trump-Trần Đại Quang tại Hà Nội. Dù chương trình nghị sự cụ thể chưa rõ, nhưng thoe The Diplomat, rất có thể là tổng thống Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington, từng được người tiền nhiệm Obama đẩy mạnh vào năm cuối nhiệm kỳ.

Một cách cụ thể hơn, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales) đã nhắc lại vị trí đặc biệt của Việt Nam hiện nay trong chính sách châu Á của Mỹ, với việc chính thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump, trong tư cách tổng thống Mỹ, đón tiếp tại Nhà Trắng.

Việt Nam: Đối tác quan trọng của Mỹ trong nhiều vấn đề khu vực

Trong một bài phân tích ngày 19/10, giáo sư Thayer cho rằng quyết định công du Việt Nam sau Thượng Đỉnh APEC là tín hiệu mạnh của ông Trump, cho thấy rằng ông vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với Việt Nam là củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời công nhận Việt Nam là một tác nhân quan trọng trong các vấn đề khu vực, và là một đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm.

Đối với giáo sư Thayer, nhân chuyến công du Việt Nam, tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến những hồ sơ mà cả hai bên đều có cùng một quan điểm chiến lược từ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cho đến tự do hóa kinh tế dựa trên các chuẩn mực cao của quốc tế và nhất là bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, trong đó có việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không… 

Theo dự đoán của giáo sư Thayer, một người rất thạo tin, tại Hà Nội, rất có thể là Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định quyết tâm tăng cường Quan Hệ Đối Tác Toàn Diện giữa hai nước. Cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ sẽ cho phép hai bên loan báo các hướng hoạt động mới như hợp tác về an ninh biển, không gian và các vấn đề hậu chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét