Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

Công an hóa BOT Đồng Nai - "Vì nước quên dân, vì thân phục vụ"!


Sáng ngày 26/10, trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa (đặt trên quốc lộ 1, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tổ chức thu phí trở lại sau 20 ngày tạm ngưng. Quan trọng hơn, trạm BOT này được tăng cường thêm lực lượng vũ trang rầm rộ như một trận đánh lớn, và BOT Đồng Nai đã vắng bóng tài xế sử dụng tiền lẻ để giao dịch. 

Trạm BOT Biên Hoà – nơi nổi lên của cuộc chiến tiền lẻ thời gian qua đã bước sang diễn biến mới nhất khi lực lượng CSCĐ, CSGT, CSTT đã được điều động đến để bảo vệ trạm.
Về mặt cấp độ là sự phối hợp giữa lực lượng công an huyện Trảng Bom với lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai.

Hàng chục cảnh sát giữ trật tự tại trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa
Số cán bộ - chiến sĩ được điều động không được tiết lộ, do “liên quan đến vấn đề nghiệp vụ”.

Ngoài lực lượng vũ trang ra, thì còn có cả xe cẩu cứu hộ, ô-tô thùng, xe cứu thương, xe cứu hỏa.

Những diễn biến này làm cho người dân cảm giác như đang có một tập dợt, triển khai siết chặt an ninh cho một sự kiện cực kỳ lớn diễn ra, dạng như APEC diễn ra tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Tuy nhiên, yếu nhân được bảo vệ ở đây không phải là Tổng thống hay Thủ tướng các quốc gia, mà là lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm được phân thành 2 yếu tố.

Một là lợi ích nhóm địa phương, nơi mà BOT đã và đang trở thành một con gà đẻ trứng vàng cho con gái Thượng tá Võ Đình Thường? Không, ông Thượng tá chỉ ăn mảnh một mình, bởi đằng sau trạm BOT này có bóng dáng sừng sững của nguyên lãnh đạo nhóm Quốc phòng, trong đó có ông Nguyễn Xuân Quang từng là Phó Giám đốc Công ty An Bình - Bộ Quốc phòng và ông Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND. 

Sự phối kết hợp giữa công an và quân đội đã biến BOT Đồng Nai trở thành thành trì kinh tế nhóm buộc phải giữ, và phải giữ cho bằng được. 

Cường Thuận IDICO – Doanh nghiệp tư nhân đang ăn nên làm ra bởi đầu tư BOT (có cả BOT Đồng Nai) lại là doanh nghiệp được gây dựng và kết hợp giữa những người có chức vụ cao trong đội ngũ quan chức tỉnh Đồng Nai và trung ương. Doanh nghiệp mà chỉ tính riêng lợi nhuận do BOT đóng góp nửa năm 2017 đã lên 250 tỷ đồng. Và nguồn tiền "lợi nhuận" này có thể cá nhân A thăng quan tiến chức, đưa con ra nước ngoài, xây dựng biệt phủ ở quê hương, hay giúp cá nhân B từ bị kỷ luật vì hối lộ lên đến chức vụ cao trong bộ ngành địa phương, trung ương.

Ông Nguyễn Văn Thể trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Tuy nhiên, cần khẳng định lại rằng, địa phương được dịp áp đặt BOT để sinh lời không hẳn do tình trạng cát cứ, mà bản thân nó nằm trong quy trình “đèn xanh thẳng tiến” của T.Ư. Cụ thể ở đây là Bộ Giao thông Vận tải, nơi khai sinh, thúc đẩy và bảo kê cho các sai phạm dự án BOT từ thời ông Đinh La Thăng, đến Trương Quang Nghĩa, và mới nhất đây là ông Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Cụ thể, trong buổi lễ nhậm chức vào ngày 26/10, ông Tân Bộ trưởng GTVT đã trả lời báo chí rằng: BOT vẫn là kênh huy động vốn rất quan trọng.

Nếu hiểu theo cách phát biểu này, thì BOT vẫn sẽ duy trì và duy trì bằng mọi giá, vì nó là cách ăn thuế trực diện nhất mà Nhà nước có thể làm, trong bối cảnh ngân khố trống rỗng.

Dù ông Tân Bộ trưởng cho biết, sẽ “cố gắng” trong thời gian tới hoàn chỉnh luật và thực hiện đúng luật để BOT đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân - nhà đầu tư và Nhà nước. Nói như ông, thì hệ thống BOT hiện nay, với việc chặt vào con đường độc đạo, buộc người dân phải nộp phí một cách vô lý là hoàn toàn sai luật, nhưng vẫn phải chờ… Còn chờ đến bao giờ vẫn là một câu hỏi không lời đáp.

Quan điểm duy trì BOT cũng sẽ tiếp tục được triển khai khi mà “trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn” vẫn còn diễn ra dài dài. Và lúc này, để hạn chế lợi ích nhóm, thì như ông Tân Bộ trưởng thổ lộ, phải dựa vào cái “tâm” của người làm BOT - cái thứ rẻ rúng và mất dạy (dễ đổi trắng thay đen qua cụm từ đúng quy trình) nhất ở Việt Nam.

Đối với việc, các trạm BOT đã có nhưng mang tính độc đạo hiện nay sẽ phải xử lý như thế nào thì hoàn toàn bỏ ngỏ, trong khi ông Tân Bộ trưởng lại mở ra những trạm BOT độc đạo khác, chỉ khác lần này “phải tham vẫn đầy đủ ý kiến địa phương, có thể xem xét ý kiến cả Quốc Hội”.

Nhưng nhìn chung, BOT sẽ vẫn được triển khai, dù độc đạo hay không, và dù có gây bức xúc dư luận hay không! Lý do đơn giản: Nhà nước cần huy động vốn.

BOT Đồng Nai dù độc đạo nhưng góp phần nâng cao huy đông vốn của Nhà nước
Các dự án lớn hiện nay như  sân bay Quốc tế Long Thành, hay Đường Cao tốc Bắc – Nam (dự tính khởi công năm 2019) đang rục rịch triển khai. Và tất nhiên, nguồn vốn quan trọng cho cơ sở hạ tầng cũng sẽ được đóng góp bởi các trạm BOT.

Do đó, khi ông nhà báo Nguyễn Huy Đức thắc mắc tại sao với các sai phạm của ông Đinh La Thăng, mà ông Thăng vẫn chiễm chệ ra vào Quốc Hội được. Ấy là vì, ông Thăng là người giúp mở mang ngân sách quốc gia trong tình trạng khánh kiệt bằng cụm từ mỹ miều: BOT.

Và chính từ dính líu đến lợi ích nhóm nêu trên, nên câu chuyện BOT Đồng Nai sẽ trở thành điển hình nhất của quan điểm: dùng mỡ nó rán nó.

Thuế người dân chi tiền ra để bảo vệ an ninh – trật tự cộng đồng giờ đây lại trở thành tiền thuế nuôi quân và đem quân bảo vệ trạm BOT tư nhân – vốn ảnh hưởng một cách trực diện nhất đến lợi ích cộng đồng. 

Đồng Nai đứng vững trước cơn bão tiền lẻ, mặc sức chống trời chính là vì đứng sau nó lại là quyền lực nhà nước từ địa phương đến trung ương. Và Đại quan tin rằng, Đại gia dân đã quen sức chịu đựng, sự sợ hãi trước lực lượng vũ trang nên mặc sức bào tiền thuế.

Kết quả, buổi sáng triển khai quân rầm rộ như một trận đánh lớn, BOT Đồng Nai đã vắng bóng tài xế sử dụng tiền lẻ để giao dịch. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét